Tăng đường huyết và bệnh tim mạch có mối liên quan chặt chẽ. Bài viết này giải thích những lý do vì sao người bệnh tiền đái tháo đường và đái tháo đường cần tầm soát và điều trị bệnh tim mạch.
Bệnh tim mạch là gì?
Bệnh tim mạch là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở các nước phát triển. Tại Hoa Kỳ, cứ 4 trường hợp tử vong mỗi năm thì 1 là do bệnh tim mạch [1, 2].
Bệnh tim mạch là thuật ngữ chỉ chung nhóm bệnh lý ảnh hưởng đến tim và mạch máu. Chúng bao gồm bệnh van tim, tăng huyết áp, bệnh mạch vành, rối loạn nhịp, suy tim, tim bẩm sinh, nhiễm trùng tim (viêm nội tâm mạc) (Hình 1) [3]… Trong đó, bệnh mạch vành và tăng huyết áp là hai nhóm bệnh thường liên quan đến rối loạn chuyển hóa. Suy tim là hậu quả cuối cùng của nhiều bệnh lý tim mạch.
.png)
Bệnh mạch vành là gì ?
Bệnh mạch vành thường được nhắc đến nhiều nhất khi nói về tiền đái tháo đường và đái tháo đường. Các bệnh cảnh này làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành. Bệnh mạch vành xảy ra do xơ vữa động mạch. Xơ vữa động mạch là sự tích tụ mảng xơ vữa trong lòng mạch máu.
Điều này làm hẹp lòng mạch, cản trở sự lưu thông máu đến các cơ quan trong cơ thể. Nếu xảy ra ở não, bệnh được gọi là bệnh mạch máu não. Nếu xảy ra ở các chi, tình trạng tương ứng được gọi là bệnh động mạch ngoại biên. Nếu xảy ra ở mạch máu nuôi tim (mạch vành), chúng ta có bệnh mạch vành.
Những mạch máu bị tích tụ mảng xơ vữa này càng hẹp dần, dẫn đến thiếu máu nuôi cơ quan mạn tính. Trạng thái này gọi là thiếu máu não hoặc thiếu máu cơ tim. Nếu xảy ra biến cố làm nứt vỡ mảng xơ vữa, dẫn đến hình thành cục máu đông, người bệnh sẽ gặp các tình huống khẩn cấp tương ứng là đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim.
Đái tháo đường và tiền đái tháo đường là gì?
Đái tháo đường và tiền đái tháo đường là tăng đường huyết mạn tính. Đái tháo đường có hai thể chính: típ 1 và típ 2. Đái tháo đường típ 2 chiếm khoảng 90% trường hợp và là mục tiêu đề cập của bài viết này. Tiền đái tháo đường là giai đoạn sớm hơn của đái tháo đường type 2. Tiền đái tháo đường có các dạng rối loạn đường huyết đói (chẩn đoán bằng đường huyết đói), rối loạn dung nạp glucose (chẩn đoán bằng đường huyết 2 giờ sau nghiệm pháp uống glucose) và tăng HbA1C.
Tăng đường huyết ảnh hưởng như thế nào đến hệ tim mạch?
Đái tháo đường và bệnh tim mạch có xu hướng song hành với nhau. Theo thời gian, đường huyết tăng làm tổn thương mạch máu và thần kinh chi phối tim. Chúng được gọi chung là biến chứng mạch máu nhỏ (Hình 2).
Ngoài ra, người đái tháo đường cũng thường kèm theo nhiều bệnh lý đồng mắc. Các bệnh lý này đều làm xấu thêm bệnh mạch vành. Một số ví dụ là tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, tăng acid uric máu và thừa cân, béo phì.
Tăng huyết áp làm tăng sức ép lên mạch máu, gây tổn thương mạch vành nhiều hơn. Rối loạn lipid máu dẫn đến mảng xơ vữa dễ tích tụ và làm cứng thành mạch. Trong khi đó, thừa cân, béo phì làm tăng thần kinh giao cảm tim, dễ gây thiếu máu cơ tim. Nếu bạn hút thuốc, nguy cơ bệnh mạch vành càng tăng cao.

Đái tháo đường và tiền đái tháo đường ngày càng phổ biến trong dân số. Bệnh lý gia tăng khi xã hội phát triển, hiện đại. Lối sống công nghiệp được cho là có liên quan đến sự gia tăng này. Không chỉ đái tháo đường, ngay cả tiền đái tháo đường cũng đã làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch.
Nguy cơ mắc bệnh mạch vành của tiền đái tháo đường
Một nghiên cứu lớn vào năm 2016 ghi nhận tiền đái tháo đường làm tăng khả năng mắc bệnh mạch vành [4]. Cụ thể, rối loạn đường huyết đói làm tăng 10-20% nguy cơ, tăng HbA1C làm tăng 15-28% nguy cơ bệnh mạch vành. Tiền đái tháo đường gây tăng 13-30% biến cố tim mạch. Rối loạn dung nạp glucose (dạng thường gặp ở người châu Á) gây tăng nguy cơ mạnh hơn rối loạn đường huyết đói và tăng HbA1C. Nguy cơ đột quỵ ở những bệnh nhân này tăng từ 1-20%. Bệnh nhân tiền đái tháo đường cũng dễ bị tử vong do nhiều nguyên nhân khác nhau hơn từ 13-32%.
Quản lý bệnh tim mạch như thế nào?
Theo khuyến cáo của Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (American Diabetes Association – ADA) 2022, bệnh nhân nên được đánh giá nguy cơ tim mạch, tầm soát và xử trí tăng huyết áp, rối loạn lipid máu bên cạnh tăng đường huyết. Ngoài ra, bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định những thuốc có lợi tim mạch tùy từng bệnh nhân (Hình 3) [5]. Việc quản lý bệnh tim mạch bao gồm tầm soát và xử trí rối loạn nếu có.
.png)
Tầm soát bệnh tim mạch như thế nào?
Với các yếu tố nguy cơ tim mạch như huyết áp và lipid máu, bác sĩ sẽ đo huyết áp và xét nghiệm các thông số lipid trong máu của bạn. Việc đo huyết áp có thể được tiến hành lặp lại nhiều lần tại phòng khám trước khi kết luận thực sự tăng huyết áp. Một số chỉ số lipid máu nên được khảo sát là cholesterol toàn phần, HDL-cholesterol, LDL-cholesterol và triglyceride.
Để đánh giá xem bạn có bệnh mạch vành hay không, bác sĩ cần dựa vào điện tâm đồ và siêu âm tim. Điện tâm đồ giúp phát hiện thiếu máu, nhồi máu cơ tim. Siêu âm tim phát hiện hậu quả gián tiếp của tình trạng thiếu máu cơ tim và đánh giá suy tim nếu có. Một số bệnh nhân được cho đi bộ trên thảm lăn để đánh giá chức năng tim.
Điều trị bệnh tim mạch như thế nào?
Bên cạnh thuốc hạ đường huyết, người bệnh tiền đái tháo đường và đái tháo đường kèm tăng huyết áp và rối loạn lipid máu sẽ được dùng các thuốc hạ áp, thuốc hạ lipid máu tương ứng. Nếu bạn đã có bệnh mạch vành, bác sĩ có thể chỉ định thuốc chống kết tập tiểu cầu. Bản thân một số loại thuốc hạ đường huyết cũng có lợi ích tim mạch.
Ngoài ra, người bệnh cần thực hiện thay đổi lối sống. Chế độ dinh dưỡng giảm năng lượng, giảm mỡ, hạn chế muối, lượng tinh bột vừa phải và nhiều rau xanh là các thành tố căn bản. Chế độ này tốt cho cả tình trạng tăng đường huyết, tăng huyết áp lẫn rối loạn lipid máu. Chú ý đến cân nặng và đặt mục tiêu giảm cân nếu bạn đang thừa cân, béo phì. Hoạt động thể lực không những giúp giảm cân mà còn tăng cường sức khỏe tim mạch nói chung.
Tóm lại, người tiền đái tháo đường và đái tháo đường tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tử vong do tim mạch. Vì vậy, những đối tượng này cần phải được tầm soát và quản lý bệnh tim mạch một cách thích hợp.
Tài liệu tham khảo
- Centers for Disease Control and Prevention, National Center for Health Statistics. About Multiple Cause of Death, 1999–2019. CDC WONDER Online Database website. Atlanta, GA: Centers for Disease Control and Prevention; 2019. Accessed February 1, 2021
- Virani SS, Alonso A, Aparicio HJ, Benjamin EJ, Bittencourt MS, Callaway CW, et al. Heart disease and stroke statistics—2021 update: a report from the American Heart Association. Circulation. 2021;143:e254–e743
- https://www.verywellhealth.com/heart-disease-treatments-overview-1745923
- Huang Y, Cai X, Mai W, Li M, Hu Y. Association between prediabetes and risk of cardiovascular disease and all cause mortality: systematic review and meta-analysis. BMJ. 2016 Nov 23;355:i5953
- American Diabetes Association Professional Practice Committee. 10. Cardiovascular Disease and Risk Management: Standards of Medical Care in Diabetes-2022. Diabetes Care. 2022 Jan 1;45(Suppl 1):S144-S174
VN_GM_PRE_DIA_338; EXP: 30/9/2024
Thành phần dinh dưỡng bữa ăn cho bệnh nhân đái tháo đường
Bạn có thể thoát khỏi tiền đái tháo đường?
Tần suất kiểm tra đường huyết liên quan tiền đái tháo đường
Làm thế nào để đẩy lùi tiền đái tháo đường?
[Video] Tiền đái tháo đường - gánh nặng tiềm ẩn trên tim mạch - TS. BS. Nguyễn Quốc Thái
[Video] Tiền đái tháo đường - Cập nhật hướng dẫn điều trị của bộ Y Tế Việt Nam
[Video] Chế độ ăn cho người đái tháo đường - BS CKII Ngô Thế Phi
Tiểu ra đường có phải là đái tháo đường?
Thực đơn cho phụ nữ mang thai mắc đái tháo đường thai kỳ
Mẹ bị đái tháo đường thai kì có sinh ra con bị đái táo đường không?
Chăm sóc da cho người đái tháo đường
Đặc tính của các thuốc điều trị đái tháo đường
Đánh giá nguy cơ bệnh
Chỉ cần 5 phút để đánh giá nguy cơ bệnh lý của bạn. Giúp bạn xử trí kịp thời.
Bạn muốn đánh giá nguy cơ bệnh nào ?
- Bệnh đái tháo đường
- Bệnh tiền đái tháo đường
- Bệnh lý tim mạch
- Bệnh lý tuyến giáp