Thay đổi lối sống lành mạnh - Nền tảng trong điều trị đái tháo đường!
Lợi ích tập luyện thể dục thể thao cho người bệnh đái tháo đường là điều không thể phủ nhận, nhất là trong nhiều nghiên cứu y học được công bố gần đây. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về vai trò quan trọng của việc rèn luyện thể chất trong quá trình điều trị bệnh đái tháo đường và cách xây dựng một kế hoạch tập luyện phù hợp.
1. Mối liên quan giữa luyện tập thể dục và đường huyết
Đái tháo đường là một căn bệnh mãn tính ảnh hưởng đến cách cơ thể chuyển hóa đường thành năng lượng. Một trong những yếu tố quan trọng giúp kiểm soát bệnh là duy trì một lối sống lành mạnh, bao gồm cả việc tập luyện thể dục đều đặn.
Tập luyện thể chất có thể ảnh hưởng đến đường huyết của người bệnh theo nhiều cách khác nhau. Trong đó, các yếu tố như cường độ, thời gian và loại hình tập luyện đều tác động đến đường huyết của người bệnh. Đối với cả đái tháo đường tuýp 1 và tuýp 2, luyện tập thể dục không chỉ giúp cải thiện sự nhạy cảm insulin mà còn giảm nguy cơ các bệnh tim mạch, huyết áp cao và các vấn đề về chuyển hóa lipid.
Tuy nhiên, chương trình tập luyện cần được cá nhân hóa dựa trên tình trạng sức khỏe và khả năng của từng người. Đồng thời, cần phải theo dõi đường huyết trước, trong và sau khi tập luyện để điều chỉnh lượng insulin hoặc thuốc uống theo hướng dẫn của bác sĩ. [1] [2]
2. Lợi ích tập luyện thể dục thể thao cho người bệnh đái tháo đường
Đối với bệnh nhân đái tháo đường tuýp 1
Đái tháo đường tuýp 1 là một bệnh tự miễn gây ra sự phá hủy các tế bào beta của tuyến tụy, dẫn đến thiếu insulin. Các nghiên cứu lâm sàng và thực nghiệm đã chỉ ra rằng lợi ích tập luyện thể dục thể thao cho người bệnh đái tháo đường tuýp 1 chủ yếu liên quan đến: [2]
- Tăng độ nhạy insulin ở cơ xương.
- Tác động tích cực đến kiểm soát đường huyết.
- Tăng cường khả năng chống oxy hóa.
- Giảm huyết áp.
- Giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
- Cải thiện chỉ số lipid máu.
- Bảo vệ chức năng thận.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng tập luyện thể dục thể thao có thể gây hạ đường huyết ở người bệnh đái tháo đường, vì vậy cần theo dõi đường huyết chặt chẽ và điều chỉnh insulin phù hợp. Đồng thời, chỉ nên chọn những môn thể thao phù hợp với tình trạng sức khỏe và khả năng của bản thân.
Đối với bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2
Đái tháo đường tuýp 2 là một bệnh mạn tính liên quan đến kháng insulin và thường đi kèm với thiếu insulin tương đối. Tập luyện thể dục thể thao là một trong những phương pháp quan trọng giúp kiểm soát hiệu quả đường huyết và giảm nguy cơ mắc biến chứng nguy hiểm.
Lợi ích tập luyện thể dục thể thao cho người bệnh đái tháo đường tuýp 2 chủ yếu biểu hiện qua các khía cạnh sau: [2]
- Tập luyện thể dục thể thao giúp đốt cháy calo, giảm mỡ thừa, từ đó hỗ trợ giảm cân và cải thiện chỉ số khối cơ thể (BMI).
- Cải thiện rối loạn dung nạp glucose và tăng độ nhạy insulin, từ đó giúp kiểm soát đường huyết tốt hơn.
- Giảm chỉ số HbA1c (Hemoglobin A1c) - Chỉ số đánh giá lượng đường huyết trung bình trong 2 - 3 tháng trước đó.
- Tăng cường sức khỏe tim mạch, giảm nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và các vấn đề liên quan đến tim mạch.
- Giảm nguy cơ mắc các biến chứng của bệnh tiểu đường như bệnh thận, tổn thương thần kinh và các vấn đề về mắt.
Tập luyện thể dục thể thao là một phần quan trọng trong quá trình quản lý bệnh đái tháo đường tuýp 2. Tuy nhiên, người bệnh đái tháo đường tuýp 2 cần tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị trước khi bắt đầu bất kỳ chương trình tập luyện nào.
3. Bài tập thể dục thể thao tối ưu cho người bệnh đái tháo đường
Mỗi bệnh nhân đều có những đặc điểm riêng, vì vậy không có một bài tập nào có thể phù hợp với tất cả. Việc lựa chọn bài tập nên dựa trên tình trạng sức khỏe hiện tại, sở thích cá nhân, điều kiện và thời gian rảnh rỗi. Để đạt hiệu quả tốt nhất, bạn nên kết hợp đa dạng các bài tập, từ đó tận dụng tối đa lợi ích của từng loại hình vận động và chăm sóc toàn diện sức khỏe.
Gợi ý các bài tập thể dục thể thao tối ưu cho người bệnh đái tháo đường: [3]
- Đi bộ: Đi bộ là bài tập đơn giản, dễ thực hiện và phù hợp với mọi người, đặc biệt là người bệnh đái tháo đường. Nên đi bộ nhanh khoảng 30 phút, 5 lần/tuần hoặc chia nhỏ thành 3 lần/ngày, mỗi lần 10 phút.
- Thái cực quyền: Thái cực quyền là môn võ thuật Trung Quốc sử dụng các động tác chậm rãi, mượt mà giúp thư giãn tinh thần và cơ thể. Nghiên cứu cho thấy thái cực quyền giúp kiểm soát đường huyết hiệu quả, tăng cường sức sống, năng lượng và sức khỏe tinh thần.
- Yoga: Yoga là môn thể dục kết hợp các động tác linh hoạt giúp tăng cường sự dẻo dai, sức mạnh và cân bằng. Yoga có lợi cho nhiều người mắc bệnh mạn tính, bao gồm cả đái tháo đường. Bộ môn này giúp giảm stress, cải thiện chức năng thần kinh, dẫn đến tăng cường sức khỏe tinh thần và thể chất.
- Khiêu vũ: Khiêu vũ không chỉ tốt cho cơ thể mà còn giúp tăng cường trí não thông qua việc ghi nhớ các bước nhảy. Đối với người bệnh đái tháo đường, khiêu vũ là cách thú vị để tăng cường hoạt động thể chất, giảm cân, tăng cường sự dẻo dai, hạ đường huyết và giảm stress.
- Bơi lội: Bơi lội giúp kéo giãn và thư giãn cơ bắp mà không gây áp lực lên khớp, rất tốt cho người bệnh đái tháo đường. Nghiên cứu cho thấy bơi lội giúp cải thiện cholesterol, đốt cháy calo và giảm stress. Để đạt hiệu quả tối đa, nên bơi ít nhất 3 lần/tuần, mỗi lần ít nhất 10 phút và dần dần tăng thời gian tập luyện.
Trước khi bắt đầu tập luyện, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo bài tập phù hợp với tình trạng sức khỏe của bạn. Quan trọng hơn, cần kiểm tra đường huyết trước và sau khi tập luyện, đảm bảo đường huyết dưới 250 mg/dl (13,9 mmol/L) trước khi tập luyện. Đối với người bệnh đái tháo đường tuýp 1, tập luyện với đường huyết trên 250 mg/dl (13,8 mmol/L) có thể gây nhiễm toan ceton - một tình trạng nguy hiểm do thiếu insulin. [3]
Tóm lại, lợi ích tập luyện thể dục thể thao cho người bệnh đái tháo đường là điều không thể phủ nhận. Vì thế, việc thay đổi lối sống lành mạnh chính là nền tảng quan trọng trong việc điều trị và phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm của bệnh.
Tài liệu tham khảo:
1. Diabetes and exercise: https://www.diabetes.org.uk/guide-to-diabetes/managing-your-diabetes/exercise (Ngày truy cập: 02/08/2024)
2. Beneficial Effects of Physical Activity in Diabetic Patients: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7739324/ (Ngày truy cập: 02/08/2024)
3. 5 Best Exercises for People with Diabetes: https://health.clevelandclinic.org/5-best-exercises-for-people-with-diabetes (Ngày truy cập: 02/08/2024)
- Người mắc bệnh đái tháo đường uống mật ong được không?
- Chăm sóng người bệnh đái tháo đường trong giai đoạn cuối đời
- Chăm sóc răng miệng cho bệnh nhân đái tháo đường
- Bệnh đái tháo đường có lây không và làm thế nào để phòng ngừa?
- Thức khuya đái tháo đường: Hệ lụy tiềm ẩn nguy hiểm chớ nên xem thường
- Bệnh võng mạc đái tháo đường: Nguyên nhân, triệu chứng và phòng ngừa
- Mức đường huyết của người trên 60 tuổi ổn định ở mức bao nhiêu?
- Mối tương quan giữa béo phì và đái tháo đường
- Người mắc đái tháo đường uống nước dừa được không? Cần lưu ý gì?
- Người bệnh đái tháo đường bị ngứa da: Biến chứng nguy hiểm cần lưu ý
- Bàn chân đái tháo đường: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
- Bệnh đái tháo đường có di truyền không? Những nguy cơ mắc bệnh cần lưu ý?
Đánh giá nguy cơ bệnh
Chỉ cần 5 phút để đánh giá nguy cơ bệnh lý của bạn. Giúp bạn xử trí kịp thời.
Bạn muốn đánh giá nguy cơ bệnh nào ?
- Bệnh đái tháo đường
- Bệnh tiền đái tháo đường
- Bệnh lý tim mạch
- Bệnh lý tuyến giáp