ĐỐI TƯỢNG NÊN TẦM SOÁT TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

ĐỐI TƯỢNG NÊN TẦM SOÁT TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

Thông tin được bảo trợ bởi Hội Tim Mạch Việt Nam

Dựa trên tầm quan trọng và lợi ích của việc tầm soát, phát hiện sớm để điều trị tiền đái tháo đường kịp thời, nhiều tổ chức hay hiệp hội y khoa đã cố gắng đề ra những tiêu chuẩn gợi ý đối tượng có khả năng cao mắc tiền đái tháo đường hay đái tháo đường ngay cả khi không có triệu chứng lâm sàng. Các tiêu chí này được xây dựng dựa trên nhiều nghiên cứu về nguy cơ tiền đái tháo đường và đái tháo đường mà thông thường là đái tháo đường típ 2, vốn là thể bệnh đôi khi diễn tiến âm thầm, không có biểu hiện rõ ràng. Ngược lại, đái tháo đường típ 1 hay khởi phát ở người trẻ với triệu chứng rõ rệt nên không đặt ra vấn đề tầm soát sớm. Bởi vì tiền đái tháo đường được xem là một giai đoạn sớm, đường huyết tăng nhẹ trước khi chuyển thành đái tháo đường nên xét nghiệm để phát hiện tiền đái tháo đường thực chất cũng chính là loại được khuyến cáo để chẩn đoán đái tháo đường. Do đó, thuật ngữ mà bạn nghe hay đọc thấy trên phương tiện truyền thông sức khỏe là tầm soát “tiền đái tháo đường” và “tầm soát đái tháo đường típ 2” thực chất mang ý nghĩa tương tự, có thể dùng thay thế lẫn nhau.

     Theo Hướng dẫn của Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (American Diabetes Association – ADA) năm 2020, đưa ra các nhóm đói tượng nguy cơ cao cần tầm soát tiền đái tháo đường bao gồm:

1. Người trưởng thành thừa cân hay béo phì với BMI ≥ 23 kg/m2 và có ít nhất một trong những yếu tố nguy cơ sau đây nên được xét nghiệm tầm soát tiền đái tháo đường [1]:

          - Tiền sử gia đình trực hệ mắc đái tháo đường. Trực hệ ở đây bao gồm những người thân có quan hệ ruột thịt ở bậc gần nhất trong gia đình bạn, bao gồm cha mẹ ruột, anh chị em ruột cùng cha cùng mẹ hoặc con ruột. Mặc dù ít gặp nhưng đôi khi vẫn có tình huống con cái được phát hiện đái tháo đường trước cha mẹ. Lúc này cha mẹ trở thành đối tượng nguy cơ mắc bệnh và nên được tầm soát tiền đái tháo đường.

          - Bệnh tim mạch. Nếu bạn đã được chẩn đoán mắc các bệnh như tăng huyết áp, bệnh mạch vành, suy tim, rối loạn lipid máu (rối loạn mỡ máu) từ trước thì bạn cũng nằm trong nhóm cần chú ý khả năng có tiền đái tháo đường hay đái tháo đường đi kèm.

          - Hội chứng buồng trứng đa nang. Đây là một bệnh lý ở phụ nữ, liên quan đến bất thường ở buồng trứng. Ngoài việc ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, gây khó có thai thì một biểu hiện của hội chứng này cần được quan tâm là đề kháng insulin. Đây là hiện tượng trong đó hormone insulin đóng vai trò kiểm soát đường huyết mà cơ thể bạn tiết ra vẫn đủ nhưng lại không hoạt động tốt như bình thường. Hậu quả dẫn đến đường huyết tăng vượt ngưỡng giới hạn, trở thành tiền đái tháo đường hoặc nặng hơn là đái tháo đường típ 2. Do đó, nếu bạn được chẩn đoán hội chứng buồng trứng đa nang, bác sĩ thường sẽ khảo sát kỹ thêm về vấn đề đường huyết.

          - Lối sống tĩnh tại. Nói một cách dễ hiểu thì sống tĩnh tại nghĩa là ít vận động, ít hoạt động thể lực. Tình huống này thường gặp ở người làm công việc văn phòng, bàn giấy, người bận rộn, lớn tuổi, gặp các bệnh khác gây cản trở, khó khăn trong vận động hay người đã nghỉ hưu, ở nhà nhưng không tham gia thể thao, tập luyện. Bởi vì hoạt động thể lực, ngay cả vận động nhẹ cũng làm cơ thể tiêu hao năng lượng, giảm cân, chuyển hóa đường tốt hơn nên khi bạn dành phần lớn thời gian trong ngày để ngồi hay nằm một chỗ, năng lượng dư thừa tích tụ lại dưới dạng mỡ. Càng thừa cân thì đề kháng insulin càng cao, đường huyết của bạn càng bất ổn và nguy cơ tiền đái tháo đường, đái tháo đường cũng tăng tỉ lệ thuận theo.

          - Biểu hiện lâm sàng gợi ý đề kháng insulin. Thường những chỉ dấu này, chẳng hạn như béo phì nặng hay có dấu gai đen, được bác sĩ phát hiện và chỉ định bạn làm thêm xét nghiệm để phát hiện tiền đái tháo đường (Hình 1) [2].

          - Phụ nữ với dự định mang thai. Các chương trình quản lý thai kỳ hiện nay tại Việt Nam đều có kế hoạch tầm soát rối loạn đường huyết chặt chẽ, đầy đủ. Tuy nhiên, nếu bạn có thừa cân béo phì từ trước và mới chỉ dự định mang thai, bạn cũng nên tìm gặp bác sĩ để được khám, tư vấn và làm xét nghiệm tầm soát tiền đái tháo đường nếu có chỉ định bởi vì xử trí vấn đề này từ sớm, trước khi mang thai có thể giúp bạn chuẩn bị tốt hơn cho thai kỳ của mình, đảm bảo sức khỏe tối ưu cho cả mẹ và bé. Nếu đã từng có ít nhất một lần mang thai được bác sĩ chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ, bạn cũng là đối tượng với nguy cơ mắc tiền đái tháo đường hay đái tháo đường thực sự trong tương lai. Đồng thời, em bé của thai kỳ này cũng mang nguy cơ tương tự, do đó đặt ra sự cần thiết của việc tầm soát bệnh lý nói trên ở cả mẹ lẫn con.

2. 45 tuổi trở lên. Từ 45 tuổi trở lên, các rối loạn chuyển hóa trong cơ thể bắt đầu xảy ra đủ nhiều và đủ nặng để gây thay đổi có thể phát hiện được, trong đó có bất thường về đường huyết.

3. Phụ nữ có tiền sử đái tháo đường thai kì

     

Ngoài các tiêu chuẩn nói trên dành cho chính bản thân mình, bạn có thể để ý một số triệu chứng tương tự ở con cái nhằm sớm đưa trẻ đến khám và tầm soát để phát hiện bệnh nếu có. Thông thường, trẻ sẽ bắt đầu được tiến hành xét nghiệm lúc đủ 10 tuổi hoặc khi bắt đầu dậy thì. Các dấu hiệu mà bạn nên để ý thêm ở trẻ một khi trẻ đã thừa cân hay béo phì là:

1. Mẹ bị rối loạn đường huyết. Mẹ có đái tháo đường từ trước hoặc trong lúc mang thai bé mà mẹ bị đái tháo đường thai kỳ đều là nguy cơ dẫn đến bất thường chuyển hóa đường huyết ở con, do đó trẻ nên được tầm soát tiền đái tháo đường và đái tháo đường típ 2 khi đến tuổi thích hợp.

2. Tiền sử gia đình trực hệ hoặc thế hệ 2 mắc đái tháo đường. Khác với người lớn, trẻ chỉ cần có người thân thế hệ 2 (nghĩa là cách quãng qua một đời) được chẩn đoán đái tháo đường thì cũng được xem là đối tượng với nguy cơ mắc đái tháo đường típ 2 trong tương lai. Trong khi người thân trực hệ hay còn gọi là thế hệ 1 chia sẻ 50% bộ gene với trẻ thì người thân thế hệ 2 chỉ có bộ gene giống trẻ 25%, tuy nhiên điều đó đủ để làm tăng nguy cơ trẻ mắc tiền đái tháo đường lên ngưỡng cần phải quan ngại. Người thân thế hệ 2 bao gồm ông bà nội ngoại, cô, dì, chú, bác, cháu nội, cháu ngoại, cháu trai hoặc cháu gái (con của anh chị em), anh chị em ruột cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha hay anh em họ có chung ông bà.

3. Biểu hiện lâm sàng đề kháng insulin. Ngoài những triệu chứng tương tự người lớn đã liệt kê ở trên, biểu hiện đề kháng insulin có thể được ghi nhận ở trẻ là thai nhỏ hơn tuổi thai tại thời điểm sinh. Ví dụ như trẻ sinh khi đủ 38 tuần tuổi thai nhưng kích thước, trọng lượng các dấu hiệu sinh học và mức độ trưởng thành của cơ quan chỉ tương đương em bé khác ở 32 tuần tuổi. Điều này xảy ra bởi vì đề kháng insulin nghĩa là insulin được tiết ra với số lượng đầy đủ nhưng không hoạt động đúng mức, dẫn đến giảm tác động. Trong số các hiệu ứng của insulin, hormone này có một ảnh hưởng quan trọng là điều khiển quá trình phát triển bào thai. Do đó, khi bị đề kháng insulin, thai không được kích thích phát triển đúng mức, làm cho em bé khi sinh ra nhỏ hơn so với mong đợi.

 

 

Không Một Mình - Sẻ chia lo âu, vững tâm vui sống

Hình 1: Dấu gai đen vùng gáy gợi ý tình trạng đề kháng insulin [2]

    

Mới đây nhất, vào tháng 07/2020, Bộ Y tế Việt Nam cũng đã ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Tiền đái tháo đường, trong đó có chỉ định rõ ràng những đối tượng nào nên được tầm soát để phát hiện tiền đái tháo đường và đái tháo đường. Các tiêu chí này gần như tương đồng với hướng dẫn của Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ 2020 (Hình 2) [3]. Tuy nhiên, điểm khác biệt nhất ở đây là ngưỡng chẩn đoán thừa cân. Trong khi chỉ số khối cơ thể (body mass index – BMI) dành cho người Âu Mỹ để bắt đầu có chỉ định tầm soát tiền đái tháo đường là 35 kg/m2 thì Bộ Y tế đồng thuận với Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam hạ thấp ngưỡng này để phù hợp với thể tạng người gốc Á, cụ thể là dân số Việt Nam. Điều này bắt nguồn từ nghiên cứu cho thấy người châu Á với chỉ số khối cơ thể thấp hơn (không quá mập) đã có nguy cơ mắc bệnh tim mạch tương đương với người châu Âu béo phì.

 

Không Một Mình - Sẻ chia lo âu, vững tâm vui sống

Hình 2: Đối tượng nên tầm soát tiền đái tháo đường theo Bộ Y tế Việt Nam [3]

    

Ngoài ra, hướng dẫn nói trên còn đưa ra một bảng câu hỏi sàng lọc giúp bạn tự chấm điểm cho mình dựa trên những câu hỏi cụ thể như tuổi, giới tính, tiền sử đái tháo đường thai kỳ, tiền sử gia đình đái tháo đường, có kèm tăng huyết áp hay không, có thường xuyên vận động hay không, có thừa cân hay béo phì không. Mỗi câu hỏi này gồm nhiều đáp án với các mức điểm khác nhau, bạn sẽ tự chọn phương án phù hợp cho mỗi câu hỏi này và cộng tổng điểm lại. Nếu đạt từ 5 điểm trở lên, bạn được xem là người mang nguy cơ rối loạn đường huyết cao. Lúc này, bạn nên thăm khám bác sĩ để kiểm tra đường huyết nhằm tầm soát tiền đái tháo đường và đái tháo đường (Hình 3) [3]. Thông thường bạn sẽ được khám và xét nghiệm mỗi 3 năm nếu như kết quả không có gì bất thường. Khi đã có tình trạng tiền đái tháo đường, bạn sẽ được bác sĩ hẹn khám gần hơn, trung bình ít nhất mỗi năm một lần để theo dõi hiệu quả điều trị, chỉnh thuốc và phát hiện sớm thời điểm mà tiền đái tháo đường diễn tiến thành đái tháo đường típ 2.

 

Không Một Mình - Sẻ chia lo âu, vững tâm vui sống

Hình 3: Bảng câu hỏi tầm soát tiền đái tháo đường [3]

    

Tóm lại, đây là những chỉ điểm để nhận diện xem bạn có phải là người với yếu tố nguy cơ tiền đái tháo đường, đái tháo đường típ 2 cao hay không nhằm tiến hành tầm soát sớm và điều trị kịp thời.

 

Tài liệu tham khảo

  1.  American Diabetes Association (2020). Diabetes Care, 43(Suppl. 1).
  2.  https://www.futurederm.com/obesity-related-acanthosis-nigricans/
  3.  Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị tiền đái tháo đường (2020). Bộ Y tế

 

VN-NOND-00103;exp:15/11/2025

Copyrights © 2024 Không Một Mình - Sẻ chia lo âu, vững tâm vui sống. All rights reserved.

ĐỐI TƯỢNG NÊN TẦM SOÁT TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

ĐỐI TƯỢNG NÊN TẦM SOÁT TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG