SỐNG KHOẺ VỚI BỆNH MẠCH VÀNH
Thông tin được bảo trợ bởi Hội Tim Mạch Việt Nam
Bệnh mạch vành xảy ra khi mạch máu nuôi trái tim của bạn (gọi là mạch vành) trở nên cứng, giòn và hẹp do sự tích tụ của những mảng xơ vữa bên trong lòng mạch. Triệu chứng giúp gợi ý bạn đang mắc bệnh mạch vành thường là đau thắt ngực. Đây là cảm giác đè nặng ngực hoặc khó chịu xảy ra khi tim không nhận đủ oxy do tình trạng hẹp của mạch máu. Cảm giác nói trên có thể lan lên vai, cánh tay, cổ hay hàm và tăng khi bạn bị stress xúc cảm hay vừa mới hoạt động gắng sức. Mặc dù đây là bệnh mạn tính và không thể hồi phục hoàn toàn nhưng bạn vẫn có thể thích nghi cũng như cải thiện triệu chứng phần nào dựa trên các hướng dẫn dưới đây của bác sĩ, từ đó duy trì chất lượng cuộc sống tương đối tốt, hay nói cách khác là “sống khoẻ với bệnh mạch vành”.
Hình 1: Triệu chứng đau thắt ngực trong bệnh mạch vành
Thay đổi lối sống là điều đầu tiên mà tự bản thân bạn có thể thực hiện và cũng là điểm chính yếu trong điều trị bệnh mạch vành. Bạn nên ngưng hút thuốc lá, giảm lượng rượu bia, tuân thủ chế độ ăn dành cho người bệnh tim mạch (giảm lượng muối, giảm chất béo, tăng rau củ, chất xơ), giảm cân nếu thừa cân-béo phì và duy trì mức cân nặng lý tưởng cũng như tăng cường hoạt động thể lực trong khả năng cho phép của sức khoẻ. Hạn chế các stress về tâm lý gây căng thẳng đầu óc và thư giãn thoải mái cũng là biện pháp để ngăn ngừa triệu chứng đau thắt ngực tương đối hiệu quả.
Tiếp theo, bạn nên tuân thủ đúng những toa thuốc và lịch tái khám mà bác sĩ đề ra. Đôi lúc việc thay đổi lối sống đơn thuần không đủ để kiểm soát bệnh, đó là lý do bác sĩ kê cho bạn một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc làm giảm huyết áp, giảm đường huyết, giảm lipid máu và thuốc trực tiếp điều trị bệnh mạch vành. Những dược phẩm này ngoài việc ngăn chặn tiến triển bệnh nặng thêm còn giúp cải thiện triệu chứng đau thắt ngực để làm bạn cảm thấy khoẻ khoắn, thoải mái hơn trong sinh hoạt và công việc hàng ngày. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng ngay cả khi đã sử dụng thuốc, bạn vẫn phải duy trì một lối sống lành mạnh nhằm đạt được hiệu quả tối đa. Thứ hai, các thuốc này cần được dùng đúng theo chỉ dẫn bác sĩ, không tự ý tăng giảm liều hay thay đổi khoảng cách dùng thuốc vì có thể gây tác dụng phụ nguy hiểm, chẳng hạn như tụt huyết áp, hạ đường huyết hay chảy máu. Nếu bạn gặp bất kỳ khó chịu nào khi dùng thuốc, hãy liên hệ bác sĩ để được kiểm tra và điều chỉnh thuốc nếu cần.
Nếu vẫn còn triệu chứng nặng dù đã thay đổi lối sống tích cực và điều trị thuốc tối ưu theo hướng dẫn của bác sĩ, lúc này bạn có thể được chỉ định thực hiện một số thủ thuật đặc biệt, chẳng hạn như đặt stent hay phẫu thuật. Stent là một giá đỡ giúp nong rộng lòng mạch vành của bạn để dòng máu lưu thông được trơn tru, giúp tim nhận đủ chất dinh dưỡng và oxy, từ đó giảm triệu chứng đau thắt ngực. Nếu động mạch vành của bạn bị hẹp tại quá nhiều vị trí hay ở những nơi khó đặt stent, bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật bắc cầu mạch vành nhằm tái lập lưu thông dòng máu nuôi trái tim.
Biến cố nguy hiểm nhất của bệnh mạch vành là nhồi máu cơ tim. Tình trạng này xảy ra khi mảng xơ vữa bên trong lòng mạch bị nứt vỡ, các tế bào tiểu cầu trong dòng máu kết tập lại làm làm tắc nghẽn mạch máu, dẫn đến phần cơ tim bên dưới không nhận được oxy và có thể hoại tử. Để nhận diện sớm nhồi máu cơ tim nhằm kịp thời đến cơ sở y tế, bạn cần chú ý một số triệu chứng như đau ngực dữ dội, nặng lên, không giảm khi nghỉ ngơi kèm vã mồ hôi, khó thở. Lúc này, bạn nên nhờ sự hỗ trợ của người xung quanh và gọi cấp cứu khẩn. Đối với nhồi máu cơ tim, thời gian là vàng. Bạn đến bệnh viện càng sớm, khả năng cứu được trái tim và khả năng sống càng cao. Tuy nhiên, đôi khi cơn đau ngực đến quá nhanh và bạn rơi vào tình trạng khó thở dữ dội, không thể nói cho người xung quanh biết tiền sử bệnh mạch vành trước đó của mình. Do vậy, ngay từ lúc mới phát hiện bệnh mạch vành, bạn nên thông báo cho gia đình, bạn bè cũng như đồng nghiệp biết về tình trạng bệnh, cách nhận biết những dấu hiệu nguy hiểm nói trên cũng như điều cần làm khi thấy bạn rơi vào tình trạng xấu. Bạn nên viết sẵn số điện thoại của người thân kèm tình trạng bệnh lý trong một tờ giấy mang theo bên mình, nhờ đó mọi người có thể tìm cách giúp đỡ bạn một cách hiệu quả nhất.
Ngay cả khi đã từng trải qua nhồi máu cơ tim, vẫn có rất nhiều người tiếp tục duy trì được một cuộc sống với chất lượng tương đối ổn định nhờ tham gia những chương trình vật lý trị liệu, phục hồi chức năng. Các liệu trình này bao gồm việc hướng dẫn tập luyện ở mức độ phù hợp với khả năng, giáo dục chế độ dinh dưỡng lành mạnh và tư vấn giảm stress, cũng như giúp bạn làm quen với những người bạn mới để cùng chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ nhau.
Như vậy, bệnh mạch vành không phải là một tình trạng hoàn toàn không điều trị được. Nếu thực hiện những hướng dẫn như trên, bạn vẫn có thể sống khoẻ cùng bệnh mạch vành và duy trì chất lượng cuộc sống khá tốt.
Tài liệu tham khảo
1. https://www.nhlbi.nih.gov/sites/default/files/publications/06-5716.pdf
2. https://www.heartveinnyc.com/2018/09/treatment-for-coronary-artery-disease/
VNM/NONCMCGM/1219/0116
Thói quen giúp giới trẻ tránh xa bệnh tim mạch
Sưởi ấm trái tim mùa đông lạnh
Những cách giúp hạ huyết áp tại nhà
Yếu tố nguy cơ và hậu quả của không kiểm soát huyết áp
Việc tuân thủ điều trị tăng huyết áp giúp ích như thế nào trong việc kiểm soát biến cố tim mạch
Vai trò của tần số tim trong kiểm soát huyết áp
Thuốc điều trị tăng huyết áp (THA) liệu có phải sử dụng suốt đời hay không?
Hòa nhịp cùng làng túc cầu thế giới, bạn có lắng nghe nhịp tim của mình ?
XU HƯỚNG MỚI TRONG ĐIỀU TRỊ TĂNG HUYẾT ÁP HIỆN NAY
Đằng sau những con số tăng huyết áp và nhịp tim
NHỮNG ĐIỀU NÊN TRÁNH KHI ĐANG BỊ TĂNG HUYẾT ÁP HOẶC CÁC BỆNH LÝ TIM MẠCH KHÁC
NGUY CƠ TRẺ HÓA Ở BỆNH NHÂN TĂNG HUYẾT ÁP
Đánh giá nguy cơ bệnh
Chỉ cần 5 phút để đánh giá nguy cơ bệnh lý của bạn. Giúp bạn xử trí kịp thời.
Bạn muốn đánh giá nguy cơ bệnh nào ?
- Bệnh đái tháo đường
- Bệnh tiền đái tháo đường
- Bệnh lý tim mạch
- Bệnh lý tuyến giáp