Nguyên nhân khiến bệnh tăng huyết áp ngày càng trẻ hóa

Nguyên nhân phổ biến khiến bệnh tăng huyết áp ngày càng trẻ hóa

Nguyên nhân phổ biến khiến bệnh tăng huyết áp ngày càng trẻ hóa

Thông tin được bảo trợ bởi Hội Tim Mạch Việt Nam

Tăng huyết áp, hiểu đơn giản là huyết áp cao hơn bình thường, từ lâu đã được coi là một vấn đề sức khỏe chủ yếu liên quan đến người cao tuổi. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, báo cáo y tế đã xuất hiện một xu hướng đáng lo ngại - có một số lượng ngày càng tăng người trẻ được chẩn đoán mắc tăng huyết áp.

Sự thay đổi về phổ lứa tuổi này của tăng huyết áp đặt ra những câu hỏi quan trọng về nguyên nhân và hậu quả của hiện tượng nói trên. Trong bài viết này, chúng ta sẽ khám phá lý do tại sao tăng huyết áp đang trở nên phổ biến hơn ở người trẻ.

1. Lối sống kém khoa học

Ngoài một số nguyên nhân như các chính sách y tế thay đổi ngưỡng chẩn đoán tăng huyết áp dẫn đến thay đổi số lượng bệnh nhân, lý do chủ yếu nằm ở sự thay đổi lối sống của dân số theo hướng tiêu cực. Lối sống xã hội hiện đại đặc trưng bởi sự ít vận động, mức độ stress cao và sự gia tăng sử dụng thực phẩm không lành mạnh. Những yếu tố này đóng góp gây thừa cân, béo phì, một yếu tố nguy cơ đã được xác định rõ của bệnh tăng huyết áp.

Lối sống không lành mạnh là nguyên nhân hàng đầu khiến tăng huyết áp ngày một trẻ hóa

Lối sống không lành mạnh là nguyên nhân hàng đầu khiến tăng huyết áp ngày một trẻ hóa

 

Trong số những yếu tố liên quan lối sống, chế độ ăn uống dường như ảnh hưởng rõ nét nhất tới tỷ lệ tăng huyết áp. Muối là thành phần được biết đến như một nguyên nhân trực tiếp gây tăng huyết áp. Khi bạn tiêu thụ nhiều muối, trong thời gian ngắn cơ thể giữ muối và đồng thời giữ cả nước trong mạch máu.

Lượng nước này gây tăng áp lực lên thành mạch, hay nói cách khác là làm huyết áp cao. Về lâu dài, hàm lượng muối cao trong đồ ăn gây biến đổi cả cấu trúc mạch máu, ảnh hưởng thận và làm huyết áp cao kéo dài [1]. Muối có mặt tự nhiên trong nguyên liệu mà bạn chế biến. Một phần khác đến từ gia vị nêm nếm khi nấu, khi cần xử lý bảo quản thực phẩm, phần cuối cùng đến từ muối hoặc nước chấm, nước mắm sử dụng ngay tại bàn khi ăn.

>> Xem thêm: Ảnh hưởng của stress đến tăng huyết áp

 

Chế độ ăn uống kém khoa học cũng khiến người trẻ dễ mắc tăng huyết áp

Chế độ ăn uống kém khoa học cũng khiến người trẻ dễ mắc tăng huyết áp

 

Ngược với muối ăn (hàm ý chỉ muối natri), các loại muối kali lại có tác dụng bảo vệ khỏi tăng huyết áp [1, 2]. Những thực phẩm giàu muối kali là quả khô (nho khô hay mơ khô), các loại đậu, khoai tây, rau chân vịt, súp lơ hay trái cây như bơ và chuối. Ngoài vitamin và khoáng chất, hàm lượng kali cao trong những loại thực vật này có thể giúp giảm huyết áp.

Điểm tiêu cực thứ hai trong chế độ ăn uống hiện đại là nhiều chất béo, nhiều năng lượng. Điều này làm tăng khả năng bạn bị thừa cân, béo phì. Trong khi đó, béo phì đã được chứng minh là liên quan đến tăng huyết áp. Ở người thừa cân, nồng độ hormone insulin và leptin cao, dẫn đến co mạch máu.

Chúng còn làm cho thận của bạn giữ lại muối, nước nhiều hơn. Ngoài ra, mô mỡ nhiều gây kích hoạt quá mức hệ thần kinh giao cảm, làm cho mạch máu co mạnh hơn, tăng áp lực lên thành mạch, Tất cả yếu tố này đều đưa đến tăng huyết áp [3]. Thừa cân-béo phì có xu hướng gặp nhiều hơn nếu đi kèm với một lịch trình ít hoạt động thể lực.

Giống như việc sử dụng nhiều muối, sự tiêu thụ đồ ăn nhiều chất béo, giàu năng lượng ngày càng có xu hướng gia tăng do lối sống hiện đại, công việc bận rộn của người trẻ. Khi không có thời gian tự nấu ăn một cách lành mạnh, người dân có xu hướng ăn đồ ăn chế biến sẵn nhiều hơn.

Chúng tiện lợi, phù hợp với thời gian nghỉ trưa ngắn trong môi trường làm việc áp lực. Tuy nhiên, điểm bất lợi của thức ăn chế biến sẵn là hàm lượng muối đôi khi cao (nhằm dễ bảo quản) và lượng đường, lượng calo khó kiểm soát.

2. Cường giao cảm

Như đã đề cập, cường giao cảm là một cơ chế quan trọng gây tăng huyết áp. Ba cơ quan chịu tác động chính của hệ thần kinh giao cảm trong tình huống này là tim, thận và mạch máu [4]. Chúng lại là ba cơ quan điều hòa huyết áp. Do vậy, khi tăng hoạt tính giao cảm tới các vị trí này, huyết áp của bạn sẽ tăng.

Ngoài chế độ dinh dưỡng nhiều muối hay thừa cân-béo phì, sức khỏe tinh thần cũng đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa thần kinh giao cảm. Khi bạn lo âu, trầm cảm, hoạt động giao cảm cũng tăng. Ngoài ra, cơ thể còn tăng tiết một số hormone như adrenaline.

Hiện tượng này gây tăng tần số tim và huyết áp tức thời và cũng đồng thời làm tăng huyết áp dài hạn nếu tác nhân gây stress tồn tại kéo dài không được xử lý. Do vậy, lo âu đã được chứng minh có liên hệ với tăng huyết áp [5].

>> Xem thêm: Những cách giúp hạ huyết áp tại nhà

3. Căng thẳng, lo âu kéo dài

Lối sống hiện đại gây nhiều stress và áp lực tinh thần từ công việc, học tập, tài chính cho đến các mối quan hệ xã hội. Những áp lực này càng phức tạp thì khả năng mắc lo âu, trầm cảm của bạn càng cao. Từ đó, nguy cơ bị tăng huyết áp cũng tăng theo. Nhóm nguyên nhân này dĩ nhiên gặp ở người trẻ trong độ tuổi lao động nhiều hơn những người lớn tuổi đã về hưu.

4. Không thường xuyên vận động thể thao

Người trẻ trong lứa tuổi này cũng ít dành thời gian vận động hay tập luyện thể lực hơn. Thay vào đó, công việc văn phòng tạo thành một thói quen tĩnh tại, chủ yếu làm việc trước máy tính, bàn giấy. Một điều dễ hiểu là khi vận động, cơ thể bạn đốt cháy năng lượng dư thừa, nhờ vậy có thể giảm khả năng thừa cân - béo phì.

Bên cạnh đó, vận động còn làm giảm hoạt tính thần kinh giao cảm [6]. Vì vậy, vận động mang lại nhiều lợi ích lẫn gián tiếp trong việc giảm huyết áp, giảm khả năng mắc tăng huyết áp và bảo vệ sức khỏe tim mạch nói chung.

Tóm lại, tăng huyết áp ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này là lối sống thiếu lành mạnh, bao gồm chế độ ăn nhiều muối, giàu năng lượng, ít vận động và môi trường làm việc, học tập, sinh hoạt nhiều căng thẳng của người trẻ. Những yếu tố này thông qua nhiều con đường, cuối cùng đều dẫn đến tăng huyết áp. Do vậy, tìm cách tác động, thay đổi chúng là cách tiếp cận phù hợp nhằm hạn chế sự gia tăng của tăng huyết áp ở người trẻ.

>> Xem thêm: Phân loại tăng huyết áp, triệu chứng, phương pháp phòng ngừa và điều trị

    

Tài liệu tham khảo:

  1.  https://www.escardio.org/Journals/E-Journal-of-Cardiology-Practice/Volume-22/salt-and-hypertension-current-views
  2.  Whelton PK, He J. Health effects of sodium and potassium in humans. Curr Opin Lipidol. 2014;25:75-9.
  3.  Shariq OA, McKenzie TJ. Obesity-related hypertension: a review of pathophysiology, management, and the role of metabolic surgery. Gland Surg. 2020;9(1):80-93. doi:10.21037/gs.2019.12.03
  4.  Thomas, P., Dasgupta, I. The role of the kidney and the sympathetic nervous system in hypertension. Pediatr Nephrol 30, 549–560 (2015). https://doi.org/10.1007/s00467-014-2789-4
  5.  Lim LF, Solmi M, Cortese S. Association between anxiety and hypertension in adults: A systematic review and meta-analysis. Neurosci Biobehav Rev. 2021;131:96-119. doi:10.1016/j.neubiorev.2021.08.031
  6.  Mueller PJ. Exercise training and sympathetic nervous system activity: evidence for physical activity dependent neural plasticity. Clin Exp Pharmacol Physiol. 2007;34(4):377-384. doi:10.1111/j.1440-1681.2007.04590.x

VN_GM_CV_373;exp:30/9/2025 

Copyrights © 2024 Không Một Mình - Sẻ chia lo âu, vững tâm vui sống. All rights reserved.