CÁCH KIỂM SOÁT BỆNH LÝ TĂNG HUYẾT ÁP Ở NHỮNG BỆNH NHÂN ĐỒNG MẮC TĂNG HUYẾT ÁP VÀ COVID 19
Mối liên quan giữa tăng huyết áp và Covid-19
Các dữ liệu mà WHO thu thập từ các bài nghiên cứu và tổng quan đếu cho thấy mối liên quan chặt chẽ của tăng huyết áp với mức độ nghiêm trọng của bệnh. Tuy nhiên, điều người ta chưa biết được ở đây là liệu tăng huyết áp có làm tăng nguy cơ nhiễm Covid-19 hay không. Bên cạnh đó, một báo cáo gần đây của WHO và tuyên bố gần nhất của tổ chức tăng huyết áp thế giới (ISH) cũng khẳng định rằng thuốc điều trị tăng huyết áp không làm tăng nguy cơ mắc bệnh Covid-19 hoặc tăng nguy cơ mắc bệnh Covid-19 nặng. Do đó, có thể tạm kết luận rằng bản thân tăng huyết áp và việc điều trị tăng huyết áp đều không làm tăng nguy cơ mắc Covid-19. Ngược lại, ở những bệnh nhân có bệnh nền tăng huyết áp không thể kiểm soát sẽ làm tăng mức độ nghiêm trọng và tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân mắc Covid-19.
Ảnh hưởng của tăng huyết áp đến người bị Covid-19
Tăng huyết áp được xem như một yếu tố nguy cơ độc lập làm gia tăng mức độ nghiêm trọng và tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân mắc Covid-19. Bệnh nhân mắc Covid-19 có tình trạng tăng huyết áp không thể kiểm soát có nguy cơ mắc bệnh nặng gấp 2.5 lần so với người không có tăng huyết áp. Một số nghiên cứu đã chỉ ra có sự gia tăng nguy cơ tử vong ở bệnh nhân nhiễm Covid-19 kèm tăng huyết áp so với bệnh nhân không tăng huyết áp được nhập khoa hồi sức tích cực (ICU) trong thời gian đại dịch. Cho dù hồi phục thì bệnh nhân tăng huyết áp thường có thời gian nằm lại tại ICU lâu hơn so với bệnh nhân huyết áp bình thường.
Do đó kế hoạch chăm sóc, quy trình theo dõi và điều trị tăng huyết áp trong giai đoạn đại dịch đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện tiên lượng bệnh. Bệnh nhân tăng huyết áp có thể được hưởng lợi từ việc kiểm soát HA tốt hàng ngày.
Chăm sóc người bệnh tăng huyết áp huyết áp
Người bệnh tăng huyết áp được khuyến cáo tiếp tục duy trì điều trị hiện tại của mình. Để quản lý liên tục bệnh nhân tăng huyết áp, các chiến lược theo dõi huyết áp tại nhà kết hợp với thăm khám từ xa có thể giúp duy trì kiểm soát huyết áp tốt trong thời gian giãn cách xã hội.
Các tổ chức lớn trên thế giới khuyến cáo các bác sĩ và bệnh nhân nên tiếp tục điều trị bằng các thuốc tăng huyết áp thông thường đang dùng vì không có bằng chứng lâm sàng thuyết phục nào cho thấy nên ngừng việc điều trị bằng thuốc ức chế men chuyển (ACEi) hoặc thuốc ức chế thụ thể angiotensin (ARB) khi bệnh nhân có nhiễm Covid-19.
>> Xem thêm: Tần số tim là gì? Chỉ số tần số tim bao nhiêu là bình thường?
Một số điểm lưu ý khi chăm sóc người bệnh tăng huyết áp đang mắc COVID-19 tại nhà
Cần lưu ý khi chăm sóc người bệnh tăng huyết áp thì bên cạnh việc kiểm soát huyết áp, các bệnh lý nền khác như đái tháo đường cũng cần được quan tâm và kiểm soát để tránh các biến chứng như nhồi máu cơ tim và thuyên tắc mạch.
Theo dõi tiến triển của bệnh COVID-19 và tình trạng tim mạch bằng cách thường xuyên đo thân nhiệt, huyếp áp và độ bão hoà oxy máu ngoại vi (SpO2). Nếu độ bão hòa oxy <94% thì COVID-19 nên được coi là nghiêm trọng và bệnh nhân cần được nhập viện để nhận được điều trị.
Kể từ khi đại dịch xuất hiện đã tạo điều kiện cho sự bùng nổ của các phương tiện hỗ trợ thăm khám y tế từ xa. Các tiến bộ về mặt công nghệ giúp tạo điều kiện cho việc quản lý theo dõi bệnh nhân từ xa trong trường hợp không thể thăm khám trực tiếp. Tuy nhiên trong trường hợp không áp dụng được thì việc thăm khám trực tiếp vẫn có thể thực hiện miễn có sự đảm bảo trong việc phòng tránh lây lan Covid-19. Do đó, bệnh nhân được khuyến khích tái khám định kỳ theo lịch hẹn.
Bệnh nhân có thể chủ động liên lạc với các nhà thuốc gần nhất để đảm bảo việc cung cấp thuốc men không bị gián đoạn trong giai đoạn đại dịch. Bệnh nhân nên xin ý kiến bác sĩ về việc dự trữ đủ thuốc trong ít nhất 90 ngày để đảm bảo việc điều trị không bị gián đoạn.
Tổng kết
Việc điều trị tăng huyết áp nên được tiếp tục duy trì với các thuốc thông thường đang sử dụng và không có bằng chứng nào cho thấy bác sĩ và bệnh nhân phải ngưng điều trị thuốc ức chế men chuyển (ACEi) hoặc thuốc ức chế thụ thể angiotensin (ARB) khi bệnh nhân có nhiễm Covid-19. Thăm khám từ xa định kỳ là công cụ hiệu quả trong việc duy trì quản lý theo dõi bệnh nhân tăng huyết áp trong giai đoạn đại dịch. Bên cạnh kiểm soát huyết áp, các bệnh lý nền khác cũng cần được quản lý và điều trị tích cực. Bệnh nhân tăng huyết áp và mắc Covid-19 nếu điều trị tại nhà cần được theo dõi huyết áp, nhiệt độ, SpO2 và nhập viện nếu có tình trạng nặng lên của bệnh. Cuối cùng, chủ động duy trì nguồn cung cấp thuốc men để tránh việc phải ngưng điều trị do thiếu thuốc là điểm quan trọng cần lưu ý không chỉ với bệnh nhân mà cả với bác sĩ điều trị.
>> Xem thêm: Kiểm soát chỉ số huyết áp và tần số tim tại nhà với 10 cách đơn giản
Nguồn tham khảo:
1. QUESTIONS & ANSWERS ON COVID-19 AND HYPERTENSION - WHO
https://www.afro.who.int/sites/default/files/Covid-19/Techinical%20documents/QUESTIONS%20%26%20ANSWERS%20ON%20COVID-19%20AND%20HYPERTENSION.pdf
2. Hypertension and COVID-19
https://www.who.int/publications/i/item/WHO-2019-nCoV-Sci_Brief-Hypertension-2021.1
3. A statement from the International Society of Hypertension on COVID-19
https://ish-world.com/a-statement-from-the-international-society-of-hypertension-on-covid-19/
4. COVID-19 and hypertension—evidence and practical management: Guidance from the HOPE Asia Network
https://onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1111/jch.13917
5. How to deal with hypertension in the COVID-19 era—the impact “ON” and “OF” hypertension
https://www.nature.com/articles/s41440-021-00822-y
6. MANAGING PEOPLE WITH HYPERTENSION AND CARDIOVASCULAR DISEASE DURING COVID-19 - Pan American Health Organization, 2020.
https://iris.paho.org/bitstream/handle/10665.2/52271/PAHONMHNVCOVID-19200020_eng.pdf?sequence=1&isAllowed=y
7. Position Statement of the ESC Council on Hypertension on ACE-Inhibitors and Angiotensin Receptor Blockers
https://www.escardio.org/Councils/Council-on-Hypertension-(CHT)/News/position-statement-of-the-esc-council-on-hypertension-on-ace-inhibitors-and-an
VN_GM_CV_210; EXP:31/05/2024
- MỘT SỐ CÂU HỎI THƯỜNG GẶP LIÊN QUAN ĐẾN THUỐC ĐIỀU TRỊ TIM MẠCH VÀ COVID-19
- 5 phương pháp tự kiểm soát huyết áp đơn giản và hiệu quả
- Những căn bệnh liên quan đến tần số tim cao cần lưu ý khi điều trị
- Tần số tim: Mối tương quan và biến chứng đối với bệnh lý tim mạch
- Phương pháp sống khỏe với tăng huyết áp có thể thực hiện tại nhà
- Chế độ ăn DASH là gì? Ứng dụng chế độ ăn trong điều trị tăng huyết áp
- Chế độ ăn uống của bệnh nhân tăng huyết áp: Nên ăn gì và kiêng gì?
- Lợi ích khi áp dụng chế độ ăn giảm muối và mẹo điều chỉnh tỷ lệ muối
- TẦN SỐ TIM TĂNG: CƠ CHẾ, ĐỊNH LƯỢNG VÀ TẦM QUAN TRỌNG CỦA BỆNH
- TẦN SỐ TIM BÌNH THƯỜNG LÀ BAO NHIÊU? NHẬN BIẾT TẦN SỐ TIM BẤT THƯỜNG
- TẦN SỐ TIM: THÔNG TIN VỀ KHÁI NIỆM VÀ VAI TRÒ ĐỐI VỚI SỨC KHỎE
- 11 PHÚT CÙNG TS. BS. PHAN ĐÌNH PHONG TÌM HIỂU NHANH VỀ BỆNH TIM MẠCH
Đánh giá nguy cơ bệnh
Chỉ cần 5 phút để đánh giá nguy cơ bệnh lý của bạn. Giúp bạn xử trí kịp thời.
Bạn muốn đánh giá nguy cơ bệnh nào ?
- Bệnh đái tháo đường
- Bệnh tiền đái tháo đường
- Bệnh lý tim mạch
- Bệnh lý tuyến giáp