Tăng huyết áp về đêm: Sự phổ biến, cách nhận biết và quản lý huyết áp
Thông tin được bảo trợ bởi Hội Tim Mạch Việt Nam
Tăng huyết áp, hay trước đây gọi là cao huyết áp, ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn thế giới và là một yếu tố nguy cơ quan trọng cho nhiều bệnh tim mạch.
Trong khi hầu hết chúng ta nhận thức về sự cần thiết của việc quản lý huyết áp ban ngày (thời gian mà bạn thức, sinh hoạt, làm việc), điều thường bị bỏ qua là tầm quan trọng của huyết áp ban đêm khi ngủ.
Ở bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu tăng huyết áp về đêm là gì, tình trạng phổ biến, nguy cơ sức khỏe tiềm ẩn và các biện pháp chúng ta có thể thực hiện để giám sát và quản lý khía cạnh thường bị bỏ qua này của sức khỏe.
1. Tăng huyết áp về đêm là gì?
Tăng huyết áp về đêm đề cập đến mức huyết áp cao trong khoảng thời gian ban đêm, thường khi chúng ta đang ngủ. Thông thường, huyết áp của bạn sẽ tự nhiên biến đổi trong suốt ngày do tác động của các hoạt động, stress và chu kỳ giấc ngủ.
Khi ngủ, cơ thể chúng ta nên có sự giảm huyết áp. Đây là một phần của nhịp sinh học bình thường [1]. Tuy nhiên, đối với những người bị tăng huyết áp về đêm, sự giảm này không đủ hoặc thậm chí bị đảo ngược, dẫn đến huyết áp khi ngủ cao hơn ngưỡng bình thường.
Tăng huyết áp về đêm là chỉ số huyết áp thường được đề cập khi ngủ
2. Sự phổ biến của tăng huyết áp về đêm
Ước tính cho thấy tăng huyết áp về đêm ảnh hưởng đến một phần đáng kể trong số người mắc tăng huyết áp. Một nghiên cứu gần đây trên dân số châu Á đã khảo sát về đề này [2].
Ở những người đã được chẩn đoán tăng huyết áp tại phòng khám, đa phần huyết áp sẽ cao liên tục cả ngày. Tuy nhiên, 15,6% chỉ tăng huyết áp ban đêm. Trong khi đó, ở những người mà huyết áp khi đo tại phòng khám thấp nhưng thực sự có tăng huyết áp (tăng huyết áp ẩn giấu), lên đến 59,8% bệnh nhân có huyết áp đêm cao hơn bình thường và 32% người bệnh cao cả hai thời điểm. Như vậy có thể thấy, hiện tượng tăng huyết áp về đêm chiếm tỉ trọng không hề nhỏ.
Tính trung bình ở người tăng huyết áp, tỉ lệ tăng huyết áp về đêm là 14,7%. Tuy nhiên, ngay khi bạn mới ở giai đoạn được chẩn đoán là tiền tăng huyết áp, tỉ lệ này lên đến 34,5%.
Điều này chứng tỏ huyết áp của bạn có thể đã rối loạn từ sớm nhưng nếu chỉ được khám và đo huyết áp vào ban ngày, bác sĩ có thể bỏ sót chẩn đoán hoặc chẩn đoán nhẹ hơn tình trạng thực sự đang diễn ra.
>> Xem thêm: Nhận biết tăng huyết áp - Tưởng dễ mà khó
3. Cách nhận diện tăng huyết áp về đêm
Tăng huyết áp về đêm thường không có triệu chứng rõ ràng
Nhận diện tăng huyết áp về đêm có thể khó khăn vì thường bạn ít khi đo huyết áp vào ban đêm và triệu chứng có thể không rõ ràng. Khác với loại máy huyết áp thông thường sử dụng vào ban ngày, bác sĩ có thể chỉ định dùng thiết bị đo huyết áp liên tục trong 24 giờ để đánh giá trị số huyết áp và tần số tim ban đêm [3].
4. Tăng huyết áp về đêm có nguy cơ gì?
Tăng huyết áp về đêm tăng nguy cơ tim mạch
Cũng giống tăng huyết áp ban ngày, tăng huyết áp về đêm có thể đáng lo ngại đặc biệt vì liên quan đến nhiều nguy cơ sức khỏe. Tuy nhiên, bởi vì huyết áp cao lúc ngủ khó được nhận diện, do vậy bạn có thể không điều chỉnh thuốc phù hợp, dẫn đến khó kiểm soát huyết áp. Đây có thể là nguyên nhân làm cho các biến chứng với tăng huyết áp về đêm cao hơn người chỉ tăng ban ngày.
Tăng nguy cơ tim mạch
Huyết áp cao về đêm có liên quan với tăng nguy cơ cao nhồi máu cơ tim, đột quỵ và các biến cố tim mạch. Áp lực cao liên tục trên tim và mạch máu ban đêm có thể gây tổn thương đến động mạch và gây xơ vữa động mạch, tăng nguy cơ tim mạch.
Tổn thương cơ quan
Huyết áp cao liên tục trong ban đêm có thể gây hại cho các cơ quan như thận và mắt, gây ra các biến chứng như bệnh thận mạn và vấn đề về thị lực.
Rối loạn giấc ngủ
Huyết áp cao ban đêm có thể góp phần vào các rối loạn giấc ngủ như hội chứng ngưng thở khi ngủ, một tình trạng mà sự hô hấp của bạn có những chu kỳ ngừng thở và thở lại khi ngủ. Ngược lại, ngưng thở khi ngủ cũng làm gia tăng huyết áp ban đêm, tạo thành một vòng lặp nguy hiểm. Bên cạnh đó, chất lượng giấc ngủ của bạn cũng không được đảm bảo vì hay bị gián đoạn, gây mệt mỏi, giảm sự tập trung chú ý khi thức dậy vào hôm sau và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tổng thể.
Tăng nguy cơ tử vong
Một số nghiên cứu đã tìm ra rằng huyết áp cao ban đêm có nguy cơ tử vong cao hơn là chỉ tăng huyết áp ban ngày [4]. Điều này có thể là hậu quả của những ảnh hưởng sức khỏe kể trên.
>> Xem thêm: Uống café có ảnh hưởng đến tim mạch không?
5. Nguyên nhân của tăng huyết áp về đêm là gì?
Nguyên nhân cụ thể của tăng huyết áp về đêm khá phức tạp và có thể khác nhau tùy người. Tuy nhiên, có một số yếu tố đóng góp vào việc tiến triển tình trạng này:
Stress và lo âu
Đối với một số người, thời điểm buổi tối trước khi ngủ có thể gặp nhiều căng thẳng hoặc lo âu liên quan đến công việc, sinh hoạt thường ngày, dẫn đến sự tăng huyết áp.
Hội chứng ngưng thở khi ngủ
Như đã đề cập trước đó, ngưng thở khi ngủ và tăng huyết áp về đêm thường có mối liên quan hai chiều với nhau.
Rối loạn cân bằng hormone
Một số biến đổi hormone trong giấc ngủ có thể ảnh hưởng đến việc điều chỉnh huyết áp.
Thời gian dùng thuốc
Thời gian dùng thuốc hạ áp có thể đóng vai trò trong hiện tượng này. Đa phần tình huống bạn được bác sĩ kê thuốc uống vào ban ngày. Ngay cả cữ thuốc chiều tối có thể gần bữa ăn tối, đồng nghĩa với việc cách xa giấc ngủ.
Ví dụ bạn uống thuốc lần cuối vào 7 giờ tối, bạn sẽ có đến 12 tiếng (từ 7 giờ tối tới 7 giờ sáng hôm sau) không uống thuốc nữa. Nếu những loại thuốc tác dụng ngắn đã hết hiệu quả vào ban đêm, huyết áp có thể tăng lên.
6. Làm thế nào để quản lý tăng huyết áp về đêm?
Sau khi được chẩn đoán tăng huyết áp về đêm bằng thiết bị đo huyết áp 24 giờ, bạn có thể áp dụng một số cách như sau để góp phần quản lý bệnh:
Thay đổi lối sống
Áp dụng lối sống lành mạnh có thể tác động tích cực đáng kể đến huyết áp. Tập thể dục đều đặn, ăn uống cân đối với nhiều trái cây và rau, giảm lượng muối và hạn chế uống rượu, ngưng thuốc lá đều có lợi cho bạn.
Quản lý Stress
Tìm cách hiệu quả để quản lý stress, như các kỹ thuật thư giãn, thiền, yoga hoặc tham gia hoạt động sở thích, có thể đóng góp vào việc kiểm soát huyết áp tốt hơn.
Vệ sinh giấc ngủ
Ưu tiên duy trì thói quen ngủ tốt, đúng giờ, đủ giấc (không quá dài cũng như không quá ngắn), và xử lý các rối loạn giấc ngủ có thể tích cực ảnh hưởng đến huyết áp ban đêm. Không dùng chất kích thích như trà, cà phê gần thời gian ngủ. Nếu gặp vấn đề về hội chứng ngưng thở khi ngủ (một trong các biểu hiện là ngủ ngáy), bạn hãy gặp bác sĩ để được tư vấn điều trị thích hợp.
Điều chỉnh thuốc
Hợp tác chặt chẽ với bác sĩ để điều chỉnh thời gian hoặc liều lượng của thuốc hạ áp (đặc biệt thuốc uống cữ tối) để tối ưu hóa kiểm soát huyết áp vào ban đêm. Để có cơ sở điều chỉnh thuốc, bạn cần theo dõi huyết áp thường xuyên, cả vào ban ngày lẫn ban đêm.
Tóm lại, tăng huyết áp về đêm có thể là một khái niệm xa lạ đối với nhiều người, nhưng tác động của nó đối với sức khỏe của chúng ta không nên bị đánh giá thấp. Huyết áp cao về đêm có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho tim mạch và các nguy cơ sức khỏe khác. Bằng cách nâng cao nhận thức về tăng huyết áp ban đêm và thực hiện các thay đổi lối sống lành mạnh, chúng ta có thể thực hiện các bước tích cực để quản lý mối nguy hiểm ẩn này và bảo vệ sức khỏe toàn diện lâu dài.
>> Xem thêm: 6 dấu hiệu tăng huyết áp cần phải thăm khám bác sĩ sớm nhất
Tài liệu tham khảo:
- Dadlani A, Madan K, Sawhney JPS. Ambulatory blood pressure monitoring in clinical practice. Indian Heart J. 2019;71(1):91-97. doi:10.1016/j.ihj.2018.11.015
- Rhee MY, Kim JS, Kim CH, et al. Prevalence and characteristics of isolated nocturnal hypertension in the general population. Korean J Intern Med. 2021;36(5):1126-1133. doi:10.3904/kjim.2021.022
- https://my.clevelandclinic.org/health/diagnostics/16330-24-hour-ambulatory-blood-pressure-monitoring
- Fagard RH, Celis H, Thijs L, et al. Daytime and nighttime blood pressure as predictors of death and cause-specific cardiovascular events in hypertension. Hypertension. 2008;51(1):55-61. doi:10.1161/HYPERTENSIONAHA.107.100727
VN_GM_CV_357;exp: 30/7/2025
- Các ứng dụng di động theo dõi sức khoẻ cho người tăng huyết áp
- Công thức nấu ăn cho người tăng huyết áp: Thực đơn 7 ngày
- 4 tác động của tăng huyết áp đến sức khỏe tinh thần cần lưu ý
- Tăng huyết áp và giấc ngủ: Mức độ ảnh hưởng, biến chứng và phòng ngừa
- Tình dục và tăng huyết áp có mối liên quan và mức độ ảnh hưởng ra sao?
- Giải pháp quản lý tăng huyết áp tại nơi làm việc đơn giản và hiệu quả
- Chi tiết về huyết áp kẹt: Mức độ nguy hiểm và hướng dẫn phòng ngừa
- Người huyết áp cao nên ăn gì và kiêng gì? Lối sống hiện đại ảnh hưởng tới tăng huyết áp như thế nào?
- Hiểu rõ chỉ số huyết áp và nguyên nhân tăng huyết áp ở giới trẻ
- Kiểm soát chỉ số huyết áp và tần số tim tại nhà với 10 cách đơn giản
- Tần số tim là gì? Chỉ số tần số tim bao nhiêu là bình thường?
- 7 cách quản lý huyết áp tại nhà có thể bạn chưa biết
Đánh giá nguy cơ bệnh
Chỉ cần 5 phút để đánh giá nguy cơ bệnh lý của bạn. Giúp bạn xử trí kịp thời.
Bạn muốn đánh giá nguy cơ bệnh nào ?
- Bệnh đái tháo đường
- Bệnh tiền đái tháo đường
- Bệnh lý tim mạch
- Bệnh lý tuyến giáp