Thuốc điều trị tăng huyết áp (THA) liệu có phải sử dụng suốt đời hay không?

Trên thế giới mỗi năm, số người tử vong vì các bệnh lý tim mạch cao hơn so với bất kỳ nguyên nhân nào khác. Trong đó, tăng huyết áp (THA) là yếu tố nguy cơ hàng đầu đối với các bệnh lý tim mạch, đột quỵ, bệnh thận. Ngoài ra, THA cũng là chẩn đoán được thống kê chiếm số lượng cao nhất tại các phòng khám. Vì vậy việc điều trị THA ngày càng được phổ biến trong dân số và mang lại những kết quả tốt trong việc cải thiện mức huyết áp, góp phần đáng kể trong việc làm giảm các bệnh lý tim mạch và biến cố đột quỵ trong từng nhóm tuổi.

 

Kiểm soát bệnh tăng huyết áp (THA) 

Bất chấp những nỗ lực và tiến bộ trong việc chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, tỷ lệ bệnh nhân có mức huyết áp được kiểm soát tốt vẫn chiếm tỷ lệ khiêm tốn tại nhiều quốc gia. Nhiều yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến kết quả kể trên nhưng đáng chú ý nhất chính là việc tuân thủ điều trị của bệnh nhân với các liệu pháp điều trị THA. Tổ chức Y tế Thế giới định nghĩa sự tuân thủ là mức độ mà hành vi của một người đúng theo các khuyến nghị từ chuyên gia chăm sóc sức khỏe trong việc sử uống thuốc, tuân theo chế độ ăn kiêng hoặc thực hiện thay đổi lối sống [1].

Đối với bệnh lý tăng huyết áp, bệnh nhân thường được khuyến cáo tiếp tục điều trị vô thời hạn. Chúng ta hãy đi tìm câu trả lời cho câu hỏi tiêu đề bài viết, liệu việc sử dụng thuốc tăng huyết áp suốt đời có mang lại những lợi ích xứng đáng.

 

kiểm soát tăng huyết áp

 

 

 

Lợi ích của việc điều trị tăng huyết áp

 

Sự nguy hiểm của bệnh Tăng huyết áp

Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí của hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ (AHA) năm 2005, các nhà nghiên cứu ghi nhận rằng bệnh nhân THA ở độ tuổi 50 trở lên có tuổi thọ ngắn hơn lần lượt là 5,1 năm đối với nam và 4,9 năm đối với nữ khi so với người không có THA. Ngoài ra, bệnh nhân THA có quãng thời gian "phải sống chung" với những bệnh lý tim mạch như đột quỵ, nhồi máu cơ tim cao hơn hẳn so với người không tăng huyết áp [2].

 

Sự nguy hiểm của bệnh Tăng huyết áp

 

Điều trị tăng huyết áp giảm nguy cơ mắc bệnh khác

Bên cạnh đó, có rất nhiều bằng chứng khác cho thấy điều trị và kiểm soát THA làm giảm đáng kể các biến cố tim mạch và mạch máu não, cũng như giảm tỷ lệ bệnh đồng mắc và tử vong do các bệnh lý tim mạch ở cả nam và nữ.

Điều trị hạ huyết áp nói chung có liên quan đến việc giảm đáng kể 35-40% tỷ lệ đột quỵ, giảm 20-25% tỷ lệ nhồi máu cơ tim và giảm hơn 50% tỷ lệ suy tim. Hơn nữa, có bằng chứng khác còn cho thấy điều trị hạ huyết áp làm thoái triển các tổn thương xảy ra ở cơ quan đã bị tổn thương trước đó do tăng huyết áp ví dụ như các tổn thương ở thận, ở tim, ở nội mô các mạch máu [3] .

 

Lợi ích của kiểm soát chặt chẽ tăng huyết áp

SPRINT là  một trong những nghiên cứu lớn nhất về tăng huyết áp được công bố năm 2015 trên tạp chí y khoa danh tiếng The New England Journal of Medicine nhằm đánh giá hiệu quả kiểm soát chặt chẽ tăng huyết về mức <120 mm Hg huyết áp tâm thu (tương đương với huyết áp ở người bình thường) so với mức huyết áp thông thường được xem là kiểm soát (< 140 mmHg) [4].

Nghiên cứu đã cho thấy hiệu quả làm giảm đến 25% nguy cơ biến cố tim mạch ở người bệnh (các biến cố bao gồm nhồi máu cơ tim, đột quỵ, suy tim và tử vong do các bệnh lý tim mạch). Ngoài ra, dữ liệu còn cho thấy, thậm chí ở những người cao tuổi như ở độ tuổi 65 trở lên, kiểm soát huyết áp về mức <120 mmHg còn giúp kéo dài thêm tuổi thọ so với người đã được kiểm soát ở mức < 140 mm Hg. Nói một cách dễ hiểu và ý nghĩa: khi một người đàn ông ở độ tuổi 50 điều trị huyết áp xuống mức thấp ngang với một người bình thường có thể gia tăng bình quân 3 năm tuổi thọ [5].

Vì vậy, tổng kết lại có thể nói việc kiểm soát huyết áp chặt chẽ mang lại những kết quả hết sức ý nghĩa không chỉ trong việc kéo dài tuổi thọ mà còn cả thời gian mà không phải sống chung với bất kỳ bệnh lý tim mạch nào.

 

Tóm tắt

Phát hiện sớm và kiểm soát tốt tình trạng tăng huyết áp giúp không chỉ giúp gia tăng tuổi thọ bình quân, làm giảm các biến cố tim mạch và não mà còn có thể giúp phục hồi các thương tổn trên cơ quan đích như tim, não, mạch máu đã bị tổn thương do tăng huyết áp. Vì vậy, bệnh nhân nên lưu ý tuân thủ điều trị và kiểm soát huyết áp lâu dài, suốt đời.

 

có phải sử dụng thuốc tăng huyết áp suốt đời

 

 

 

Nguồn tham khảo

1. Medication Adherence and Blood Pressure Control: A Scientific Statement From the American Heart Association

https://www.ahajournals.org/doi/10.1161/HYP.0000000000000203

2. Blood Pressure in Adulthood and Life Expectancy With Cardiovascular Disease in Men and Women

https://www.ahajournals.org/doi/10.1161/01.hyp.0000173433.67426.9b

3. Arterial hypertension: benefits and limitations of treatment.

https://www.escardio.org/Journals/E-Journal-of-Cardiology-Practice/Volume-13/arterial-hypertension-benefits-and-limitations-of-treatment

4. Studies explore potential benefits and costs of increased treatment to achieve lower blood pressure targets

https://newsroom.heart.org/news/studies-explore-potential-benefits-and-costs-of-increased-treatment-to-achieve-lower-blood-pressure-targets

5. Assessment of Long-term Benefit of Intensive Blood Pressure Control on Residual Life Span Secondary Analysis of the Systolic Blood Pressure Intervention Trial (SPRINT)

https://jamanetwork.com/journals/jamacardiology/fullarticle/2761951

VN_GM_CV_288;exp:31/12/2022

 

 

 

 

Copyrights © 2019 Không Một Mình - Sẻ chia lo âu, vững tâm vui sống. All rights reserved.