ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TÍP 2 LÀ BỆNH LÝ CẦN ĐIỀU TRỊ SUỐT ĐỜI

ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TÍP 2 LÀ BỆNH LÝ CẦN ĐIỀU TRỊ SUỐT ĐỜI

    Hai hiện tượng bệnh lý quan trọng gặp ở người bệnh đái tháo đường típ 2 (ĐTĐ2) là suy tế bào beta tụy và đề kháng insulin có xu hướng tiến triển tăng dần nếu không được kiểm soát. Đây là lý do làm cho ĐTĐ2 cần được điều trị suốt đời. Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (American Diabetes Association – ADA), một trong các tổ chức lớn nhất về ĐTĐ, nhấn mạnh rằng cần “ngăn ngừa, chữa khỏi ĐTĐ và cải thiện cuộc sống của những người bị ảnh hưởng bởi ĐTĐ” (Hình 1) [1]. Nhưng vậy liệu có khái niệm “chữa khỏi” ĐTĐ2 hay không?

 

Không Một Mình - Sẻ chia lo âu, vững tâm vui sống

Hình 1: Nhiệm vụ của Hiệp hội Đái Tháo đường Hoa Kỳ (American Diabetes Association – ADA) [1]

Phương pháp điều trị đái tháo đường típ 2

    Thực tế không đơn giản như thế. Mặc cho sự tiến bộ của y học với nhiều phương pháp điều trị đái tháo đường mới ra đời nhằm nỗ lực chữa khỏi hoàn toàn ĐTĐ như điều biến miễn dịch, ghép tụy, ghép tiểu đảo tụy (cho bệnh nhân ĐTĐ típ 1)... hiệu quả của chúng vẫn còn khá khiêm tốn. Khác với những bệnh có kết cục hai thái cực rõ ràng: khỏi/chưa khỏi hay sống/chết (ví dụ ung thư), ĐTĐ được đặc trưng bởi sự tăng lượng đường trong máu của bạn vượt quá ngưỡng bình thường. Vì vậy, mức đường huyết là một dải liên tục từ tăng nhẹ, tăng vừa cho đến tăng nặng.

Đường huyết có thể ở một khoảng trung bình nào đó trong thời gian dài nhưng vẫn dao động ngắn hạn mỗi ngày tùy theo hoạt động của bạn trong ngày như ăn uống, vận động, dùng thuốc hay mắc bệnh khác kèm theo. Sở dĩ đường huyết của bạn ổn định là bởi sự phối hợp duy trì các phương pháp điều trị. Do sự tiến triển dần của bệnh đặc trưng bởi hai hiện tượng là suy tế bào beta tụy và đề kháng insulin nêu trên, bạn cần được điều trị gần như  là suốt đời nếu đã mắc ĐTĐ, và vì thế dùng từ “chữa khỏi” (cure) có phần chưa hợp lý.

Trong bệnh lý này, sự phân biệt rạch ròi giữa điều trị thành công và chữa khỏi là khó xác định. Thay vào đó, nhân viên y tế thường dùng từ quản lý, kiểm soát để nói về việc điều trị ĐTĐ, dù là típ 1 hay típ 2. Cụ thể, bác sĩ sẽ đặt mục tiêu làm “thuyên giảm” (remisssion) và kiểm soát (control) bệnh thay vì chữa khỏi, ít nhất là ở thời điểm hiện tại (Hình 2).

Không Một Mình - Sẻ chia lo âu, vững tâm vui sống

Hình 2: Thuyên giảm (remission) là mục tiêu hướng tới hợp lý thay vì chữa khỏi [2]

Những câu hỏi được quan tâm về đái tháo đường type 2

Một nhóm các chuyên gia về bệnh nội tiết nhi khoa, nội tiết người lớn, giáo dục đái tháo đường, phẫu thuật và dinh dưỡng đã họp vào năm 2009 để thảo luận về vấn đề này [3]. Những câu hỏi được quan tâm nhiều nhất, không chỉ đối với bạn, mà còn cả đối với nhân viên y tế là liệu có đúng đắn không khi dùng từ “chữa khỏi” cho các bệnh lý mạn tính, trong đó có ĐTĐ. Bên cạnh đó, như thế nào gọi là “chữa khỏi”, hay nếu đã “chữa khỏi” rồi thì có cần phải kiểm tra định kỳ, theo dõi các biến chứng của Đái tháo đường như thông thường hay không.

Bởi vì hiện tại vẫn chưa có bằng chứng đủ mạnh để kết luận, hội nghị nêu trên đưa ra một đồng thuận của đa số chuyên gia dựa trên mức đường huyết, bởi vì đây là chỉ dấu biểu hiện tình trạng ĐTĐ của bạn đang ở mức độ nào. Bạn có thể được bác sĩ theo dõi đường huyết đói (đường huyết khi lấy máu sáng sớm, trước khi ăn) hoặc HbA1C (một chỉ số phản ánh đường huyết của bạn trong vòng 3 tháng vừa qua).

Thuyên giảm bệnh tình

Theo đó, thuyên giảm được định nghĩa là đạt và duy trì được đường huyết dưới ngưỡng chẩn đoán Đái tháo đường mà không đang phải dùng thuốc hay các biện pháp can thiệp, phẫu thuật. Nói cách khác, sau khi ngưng dùng thuốc mà bạn vẫn giữ được đường huyết thấp ổn định thì có thể xem bệnh đã thuyên giảm. Bạn được xem là thuyên giảm một phần nếu đường huyết đói hay HbA1C của bạn giảm xuống dưới mức chẩn đoán Đái tháo đường (nhưng vẫn còn hơi cao hơn bình thường, tương đương mức của người bệnh tiền ĐTĐ) trong ít nhất một năm.

Nếu các chỉ số ĐH giảm tốt hơn nữa (dưới cả ngưỡng tiền ĐTĐ) trong ít nhất một năm, bạn được xem là thuyên giảm hoàn toàn. Nếu sự thuyên giảm hoàn toàn này từ 5 năm trở lên, bạn được bác sĩ gọi là thuyên giảm kéo dài và về mặt lý thuyết, hiểu một cách đơn giản, điều này gần giống như chữa khỏi, mặc dù không hoàn toàn chính xác 100%.

Tuy nhiên, vẫn cần chú ý rằng, ĐTĐ không chỉ đứng đơn độc một mình mà thường đi kèm biến chứng, chẳng hạn bệnh võng mạc ĐTĐ, bệnh thận ĐTĐ… và các bệnh đồng mắc, chẳng hạn như tăng huyết áp hay rối loạn lipid máu. Vì vậy, vấn đề thực tế mà các bác sĩ quan tâm là nếu đã thông báo cho bạn rằng tình trạng ĐTĐ của bạn thuyên giảm thì kế hoạch chăm sóc tiếp theo là gì?

Thường thì các bệnh lý nói trên không thể thay đổi một sớm một chiều sau khi đường huyết ổn định mà cần thời gian dài hơn, do đó bác sĩ vẫn sẽ cần dùng thuốc kiểm soát chúng (ví dụ thuốc hạ áp, thuốc điều trị rối loạn lipid máu) và áp dụng lịch trình cũ để tái khám theo dõi để tầm soát biến chứng ĐTĐ hay phát hiện sớm nếu đường huyết tăng cao trở lại. Chỉ khi thuyên giảm kéo dài đủ 5 năm trở lên, việc dùng thuốc và tái khám cho các bệnh lý này mới có thể xem xét giảm bớt hay giãn khoảng cách ra. Đây cũng chính là điều quan trọng mà bạn cần nhớ, cho dù bệnh có thuyên giảm thì vẫn phải theo dõi sức khỏe định kỳ theo kế hoạch của bác sĩ, không nên chủ quan, lơ là sau khi bệnh thuyên giảm.

Tóm lại, ĐTĐ hiện tại chưa thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng người bệnh hoàn toàn có thể đạt trạng thái kiểm soát tốt, ổn định nếu tuân thủ điều trị đúng mức theo hướng dẫn của bác sĩ.

 

VN-NOND-00070;exp:15/11/2025

 

 

Tài liệu tham khảo

  1.  www.diabetes.org
  2.  https://www.youtube.com/watch?v=9CXd1f1Ss3M
  3.  Buse JB, Caprio S, Cefalu WT, Ceriello A, Del Prato S, Inzucchi SE, McLaughlin S, Phillips GL 2nd, Robertson RP, Rubino F, Kahn R, Kirkman MS. How do we define cure of diabetes? Diabetes Care. 2009 Nov;32(11):2133-5.
Copyrights © 2024 Không Một Mình - Sẻ chia lo âu, vững tâm vui sống. All rights reserved.

ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TÍP 2 LÀ BỆNH LÝ CẦN ĐIỀU TRỊ SUỐT ĐỜI

ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TÍP 2 LÀ BỆNH LÝ CẦN ĐIỀU TRỊ SUỐT ĐỜI