TẠI SAO TẦN SỐ TIM TĂNG

TẠI SAO TẦN SỐ TIM TĂNG

Thông tin được bảo trợ bởi Hội Tim Mạch Việt Nam

Có hai cơ chế làm cho tần số tim của bạn tăng hơn mức bình thường. Đầu tiên là các tình huống vì lý do nào đó mà cơ thể buộc phải thích nghi và bù trừ bằng cách tăng tần số tim. Nhóm này bao gồm một số tình trạng như thiếu máu hay cơn hen, cơn khó thở cấp. Khi đó, các mô cơ thể không nhận đủ oxy nên phản ứng lại bằng cách cố gắng tăng tần số tim để tim bơm máu ra nhanh hơn.

    

Nhóm thứ hai là mục tiêu đề cập chính trong bài viết này, bao gồm các bệnh lý gây cường giao cảm hay nói cách khác trực tiếp kích thích làm tăng tần số tim thông qua hệ giao cảm. Hệ thần kinh tự chủ đóng vai trò kiểm soát các hoạt động mà bản thân chúng ta không thể điều khiển theo ý muốn, ví dụ như hệ tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu… Hệ này gồm hai thành phần đối lập là giao cảm và phó giao cảm. Đường thần kinh giao cảm giống như chân ga của ô tô, kích hoạt đáp ứng chiến đấu hay trốn chạy (fight or flight), nói cách khác đưa cơ thể vào trạng thái sẵn sàng đối mặt với nguy hiểm từ môi trường xung quanh. Ngược lại, đường phó giao cảm tương tự chân thắng của ô tô, thúc đẩy hoạt động nghỉ ngơi, thư giãn sau khi nguy hiểm đã qua (Hình 1) [1], [2]. Như vậy, bạn có thể nhận ra những triệu chứng biểu hiện cường giao cảm (hệ giao cảm hoạt động quá mạnh, vượt trội và lấn át hệ phó giao cảm) khi mình đang lo lắng, căng thẳng, chẳng hạn như tim đập nhanh, hồi hộp, đánh trống ngực, thở nhanh, nông, đồng tử mắt giãn ra để thu nhận nhiều ánh sáng hơn. Hai nhóm nguyên nhân liên quan đến cường giao cảm là bệnh lý tim mạch và các tình trạng ngoài hệ tim mạch. Một số bệnh tim mạch đã được nghiên cứu chứng minh kèm cường giao cảm là tăng huyết áp, suy tim, bệnh mạch vành mạn, nhồi máu cơ tim cấp và đột quỵ. Những bệnh lý của hệ cơ quan khác nhưng gián tiếp làm tăng hoạt tính giao cảm là đái tháo đường, béo phì, cường giáp, suy thận hay thậm chí cả Parkinson [3].

 

 

Không Một Mình - Sẻ chia lo âu, vững tâm vui sống

Hình 1: Minh họa cơ thể trong trạng thái kích hoạt thần kinh giao cảm và phó giao cảm [1]

    

Có nhiều phương pháp cũng như xét nghiệm phức tạp, chuyên sâu để định lượng chính xác mức độ giao cảm của từng người nhưng bạn có thể tự ước lượng trị số này thông qua một chỉ dấu đơn giản là tần số tim. Tần số tim lúc nghỉ càng cao gợi ý hệ thần kinh giao cảm của bạn hoạt động càng mạnh.

    

Ví dụ trong tăng huyết áp, sự rối loạn chức năng thần kinh giao cảm được phát hiện ở tất cả các giai đoạn (nhẹ, trung bình, nặng), ở nhiều độ tuổi (trẻ, trung niên, cao tuổi) và dứoi nhiều dạng khác nhau như tăng huyết áp rõ, tăng huyết áp áo choàng trắng (huyết áp ở nhà của bạn không cao nhưng khi đo tại phòng khám bác sĩ hay bệnh viện thì lại tăng), tăng huyết áp ẩn giấu (ngược với tăng huyết áp áo choàng trắng, huyết áp khi bạn tự đo tại nhà cao nhưng đến phòng khám lại cho ra kết quả bình thường) hay cả những tình huống tăng huyết áp liên quan thai kỳ. Bất kể hiện diện dưới kiểu hình nào, tần số tim cao do cường giao cảm cũng làm tăng khả năng mà bạn gặp phải các biến cố tim mạch nghiêm trọng trong tương lai, thậm chí ảnh hưởng tính mạng [4], [5]. Một ví dụ liên quan đến bệnh mạch vành, đặc biệt sau khi bạn bị nhồi máu cơ tim, hoạt động thần kinh giao cảm của cơ thể tăng rõ rệt, kéo dài và có liên quan đến những biến chứng như rối loạn nhịp hay tử vong. Lúc này tần số tim của bạn không chỉ nhanh đơn thuần nữa mà có thể được ghi nhận nhiều dạng phức tạp hơn, ví dụ tim đập không đều [6], [7]. Tương tự vậy, suy tim là hậu quả cuối cùng của nhiều bệnh lý tim mạch. Các nghiên cứu cũng đã chứng minh rằng có tình trạng cường giao cảm trên bệnh nhân suy tim và hiện tượng này dường như mang lại nhiều kết cục bất lợi [8]. Như vậy, có thể thấy tần số tim cao, đại diện cho hoạt tính giao cảm mạnh, hiện diện trong tất cả giai đoạn bệnh tim mạch của bạn [9].

    

Nhóm những tình trạng sức khỏe khác mà bạn có thể không hoặc ít nghĩ tới nhưng thực ra lại có liên quan đến tần số tim cao là các bệnh lý nội tiết-chuyển hóa, điển hình là đái tháo đường. Một mặt, tần số tim cao do cường giao cảm được xem như yếu tố dẫn đến vài rối loạn chuyển hóa trong cơ thể bạn mà về sau, nếu đủ nặng sẽ trở thành đái tháo đường. Ngay cả khi bạn đang trong trạng thái khỏe mạnh ở độ tuổi trung niên và chưa được chẩn đoán bất kỳ bệnh tim mạch nào, cứ tăng tần số tim thêm 12 lần/phút thì nguy cơ mắc đái tháo đường khi lớn tuổi cao hơn 10% [10]. Một nghiên cứu khác cho thấy so với những người có tần số tim lúc nghỉ <60 lần/phút, nhóm ³80 lần/phút tăng gần gấp đôi nguy cơ đái tháo đường sau 5 năm [11]. Ở chiều ngược lại, khi mắc phải đái tháo đường, tần số tim của bạn cũng có xu hướng nhanh lên khi đã có biến chứng thần kinh tự chủ sau một thời gian đường huyết cao kéo dài, làm cho thần kinh phó giao cảm bị tổn thương, dẫn đến hoạt tính hệ giao cảm vượt trội lên [12]. Tần số tim cao đi kèm huyết áp cao còn là đặc điểm hay gặp ở dân số thừa cân-béo phì với cùng cơ chế. Bạn có thể để ý trên chính mình rằng khi bạn thực hiện ăn kiêng hay tập thể dục để giảm được một vài ký lô nhất định, tần số tim lúc nghỉ của bạn có xu hướng hạ thấp theo, gợi ý lợi ích của việc hạn chế tình trạng cường giao cảm liên quan béo phì [13].

 

Không Một Mình - Sẻ chia lo âu, vững tâm vui sống

Hình 2: Béo phì và tần số tim cao [14]

    

Tóm lại, đa phần tình huống làm tần số tim cao trong những bệnh lý kể trên (bệnh tim mạch và bệnh cơ quan khác) đều có cơ chế bệnh sinh chung là hiện tượng cường giao cảm. Rối loạn chức năng hệ giao cảm góp phần làm xấu đi diễn tiến bệnh và đưa đến kết cục bất lợi. Do đó, việc điều trị của bác sĩ ngoài những mục tiêu riêng biệt theo từng bệnh còn đồng thời quan tâm đến khả năng làm giảm bớt tác hại của hoạt động giao cảm.

 

Tài liệu tham khảo

  1.  https://thisonevsthatone.com/sympathetic-vs-parasympathetic/
  2.  https://www.escardio.org/Journals/E-Journal-of-Cardiology-Practice/Volume-5/Sympathetic-Activation-and-Prognosis-in-Cardiovascular-Disease-Title Sympathe#:~:text=The%20sympathetic%20nervous%20system%20is,pharmacologic%20treatment%20in%20these%20diseases.
  3.  https://www.livescience.com/65446-sympathetic-nervous-system.html
  4.  Mancia G, Grassi G (2014). The autonomic nervous system and hypertension. Circ Res, 114(11):1804-1814.
  5.  Grassi G, Mark A, et al (2015). The sympathetic nervous system alterations in human hypertension. Circ Res, 116(6):976-990.
  6.  Copie X, Hnatkova K, et al (1996). Predictive power of increased heart rate versus depressed left ventricular jection fraction and heart rate variability for risk stratification after myocardial infarction. Results of a two-year follow-up study. J Am Coll Cardiol, 27:270-276.
  7.  Alberto Malliani, Nicola Montano (2004). Sympathetic overactivity in ischaemic heart disease. Clin Sci (Lond), 106(6):567-568.
  8.  David Y Zhang, Allen S Anderson (2014). The Sympathetic Nervous System and Heart Failure. Cardiol Clin, 32(1):33–vii.
  9.  Florian Custodis, Jan-Christian Reil, et al (2013). Heart rate: a global target for cardiovascular disease and therapy along the cardiovascular disease continuum. J Cardiol, 62(3):183-187.
  10.  Carnethon MR, Yan L, et al (2008). Resting heart rate in middle age and diabetes development in older age. Diabetes Care, 31:335–339.
  11.  N.M. Grantham, D.J. Magliano, et al (2013). Higher heart rate increases risk of diabetes among men: the Australian Diabetes Obesity And Lifestyle (AusDiab) study. Diabet, Med. 30:421–427.
  12.  Ewing D.J., Campbell J.W., et al (1981). Heart rate changes in diabetes mellitus. Lancet, 317(8213):183-186.
  13.  Young JB, Macdonald IA (1992). Sympathoadrenal activity in human obesity: heterogeneity of findings since 1980. Int J Obes Relat Metab Disord, 16:959–967.
  14.  https://health.clevelandclinic.org/study-finds-obesity-itself-raises-risk-of-diabetes-and-cardiovascular-disease/

VN-NONC-00067;exp:22/11/2025

 
Copyrights © 2024 Không Một Mình - Sẻ chia lo âu, vững tâm vui sống. All rights reserved.

TẠI SAO TẦN SỐ TIM TĂNG

TẠI SAO TẦN SỐ TIM TĂNG