Banner Banner
Banner

Khi nào cần tầm soát ung thư tuyến giáp?

Hiện tại trên thế giới ít có hướng dẫn nhất quán về việc tầm soát ung thư giáp. Tuy nhiên, do tỉ lệ phổ biến của bệnh này, nhiều quốc gia đưa ra khuyến cáo riêng về việc tầm soát. Hoa Kỳ ghi nhận ung thư giáp là một trong những loại ung thư tăng nhanh nhất. Hiện tượng này do chiến lược tầm soát sớm và đúng cách, giúp phát hiện nhiều ca bệnh. Do vậy, có thể tham khảo phương cách hiệu quả mà Hoa Kỳ đang tiến hành. Tài liệu liên quan gần nhất được ban hành năm 2017 [1].

Tầm soát ung thư giáp có tầm quan trọng như thế nào?

Năm 2013, tỉ lệ ung thư giáp ở Hoa Kỳ là 15.3 ca trên mỗi 100 nghìn người. Trước đó, vào năm 1975, con số này chỉ là 4.9 ca trên mỗi 100 nghìn người. Giai đoạn 1997-2009 ghi nhận tỉ lệ tăng ca ung thư giáp được phát hiện là 6.7% mỗi năm [2]. Đây là thời điểm mà nhiều phương pháp chẩn đoán hình ảnh tối ưu ra đời và hoàn thiện. Ngoài siêu âm tuyến giáp, chụp cắt lớp vi tính (computed tomography – CT) và cộng hưởng từ (magnetic resonance imaging – MRI) thỉnh thoảng được bác sĩ chỉ định cho các trường hợp khó.

Sau thời điểm này, tốc độ tăng số ca ung thư giáp ổn định lại dần (2.1% trong giai đoạn 2009-2013) [2]. Dữ liệu nói trên cho thấy tầm quan trọng của một chiến lược tầm soát ung thư giáp đúng thời điểm và đúng cách.

Lợi ích của việc tầm soát ung thư giáp là gì?

Tầm soát giúp phát hiện ung thư giáp ở giai đoạn sớm. Phát hiện bệnh sớm giúp điều trị kịp thời. Điều trị thành công giúp bạn có khả năng sống cao hơn. Một nghiên cứu ghi nhận những người được điều trị có tỉ lệ sống còn sau 20 năm (99%) cao hơn một chút so với người không được điều trị (97%) [3].

Những nghiên cứu ở Nhật cho thấy với người ban đầu chọn theo dõi không phẫu thuật, sau khoảng 4-6 năm theo dõi, có 8-32% bệnh nhân cuối cùng cũng phải phẫu thuật ung thư giáp. Do vậy, việc phẫu thuật nhằm loại bỏ sớm ung thư vẫn hợp lý trong phần lớn trường hợp [4, 5].

Không Một Mình - Sẻ chia lo âu, vững tâm vui sống
Hình 1: Lợi ích của tầm soát ung thư tuyến giáp

 

Nhược điểm của việc tầm soát ung thư giáp là gì?

Mỗi vấn đề đều có hai mặt. Tầm soát ung thư giáp quá rộng rãi có thể gây lãng phí và tác dụng không mong muốn. Nên nhớ rằng, một số tình huống ung thư giáp vẫn được bác sĩ cho phép theo dõi, chưa cần thiết phẫu thuật sớm.

Khi tầm soát, bạn sẽ phải tiến hành làm các thủ thuật chẩn đoán. Khám lâm sàng và siêu âm tương đối vô hại. Tuy nhiên, chọc hút tế bào tuyến giáp có khả năng gây chảy máu hoặc đau nhẹ (Hình 1). Tác dụng phụ của phẫu thuật là tổn thương tuyến cận giáp, tổn thương thần kinh thanh quản. Tác dụng phụ của điều trị iod phóng xạ là gây khô miệng do tổn thương tuyến nước bọt.

Không Một Mình - Sẻ chia lo âu, vững tâm vui sống
Hình 2: Chọc hút tế bào tuyến giáp làm xét nghiệm khi nghi ngờ ung thư giáp [6]

 

Khi nào cần tầm soát ung thư giáp?

Dựa trên những lợi ích và nguy cơ kể trên, đa phần các hiệp hội chuyên khoa cho rằng không cần thiết tầm soát ung thư giáp ở người hoàn toàn không có triệu chứng [1]. Tuy nhiên, trong quá trình khám sức khỏe định kỳ, bác sĩ có thể đánh giá các yếu tố nguy cơ của bạn. Chúng bao gồm: tiền sử tiếp xúc bức xạ vùng đầu-cổ, tiền sử gia đình có người mắc ung thư giáp hoặc nếu bạn đang bị một số hội chứng di truyền liên quan. Khi có một trong các yếu tố này, bạn sẽ được chỉ định tầm soát ung thư giáp.

Những người có triệu chứng gợi ý như tự sờ thấy nhân giáp, nuốt vướng, nghẹn, nổi hạch nên được khám và đánh giá bởi bác sĩ.

Không Một Mình - Sẻ chia lo âu, vững tâm vui sống
Hình 3: Khi nào cần tầm soát ung thư giáp?

 

Tầm soát ung thư giáp bằng cách nào? 

 

Không Một Mình - Sẻ chia lo âu, vững tâm vui sống
Hình 4: Tầm soát ung thư giáp bằng cách nào?

Khám tuyến giáp

Tầm soát ung thư giáp ban đầu dựa vào hai công cụ đơn giản và không xâm lấn. Đầu tiên, bác sĩ khám tuyến giáp để tìm xem thực sự có nhân giáp hay bướu giáp không (Hình 2) [1]. Ngoài sờ tuyến giáp, bác sĩ còn tìm các hạch cổ lân cận nếu có. Động tác thăm khám tương đối giống như khi bạn tự khám tuyến giáp tại nhà.

 

Không Một Mình - Sẻ chia lo âu, vững tâm vui sống
Hình 5: Khám tuyến giáp để phát hiện nhân giáp, hạch cổ

 

Siêu âm tuyến giáp

Siêu âm là công cụ đơn giản, rẻ tiền và hữu ích trong phát hiện ung thư giáp (Hình 3). Siêu âm giúp bác sĩ ghi nhận kích thước tuyến giáp, nhân giáp và những dấu hiện gợi ý ung thư. Chú ý rằng, bản thân siêu âm không thể chẩn đoán chắc chắn ung thư. Phương tiện này chỉ giúp đánh giá nguy cơ và gợi ý hướng xử trí tiếp theo của bác sĩ. Nếu nhân giáp đủ lớn và có các dấu hiệu gợi ý ung thư, bác sĩ sẽ chỉ định chọc hút tế bào. Cả khám lâm sàng và siêu âm tuyến giáp đều có giá trị ở người có triệu chứng. Tuy nhiên, ở bệnh nhân không triệu chứng, chưa rõ hiệu quả và độ chính xác của chúng trong việc tầm soát bệnh.

 
Thyroid cancer - Thyroid
Hình 6: Siêu âm tuyến giáp để tầm soát ung thư giáp [7]

Chọc hút tế bào bằng kim nhỏ

Đây là bước cuối cùng để xác định xem bạn có bị ung thư giáp hay không. Việc chọc hút có thể được kết hợp với siêu âm để tăng độ chính xác. Nếu có nhiều nhân giáp, bác sĩ sẽ chọc hút một vài nhân có dấu hiệu nghi ngờ ung thư cao nhất.

Tóm lại, tầm soát ung thư giáp chưa rõ lợi ích ở người không triệu chứng. Tuy nhiên, ở người có các yếu tố nguy cơ như tiền sử bản thân tiếp xúc bức xạ hoặc mắc các hội chứng di truyền, tiền sử gia đình mắc ung thư giáp, việc tầm soát có thể mang lợi ích. Việc chẩn đoán và điều trị kịp thời giúp tăng khả năng chữa khỏi thành công.

 

Tài liệu tham khảo

  1. US Preventive Services Task Force, Bibbins-Domingo K, Grossman DC, Curry SJ, Barry MJ, Davidson KW, Doubeni CA, Epling JW Jr, Kemper AR, Krist AH, Kurth AE, Landefeld CS, Mangione CM, Phipps MG, Silverstein M, Simon MA, Siu AL, Tseng CW. Screening for Thyroid Cancer: US Preventive Services Task Force Recommendation Statement. JAMA. 2017 May 9;317(18):1882-1887
  2. Howlader N, Noone AM, Krapcho M, et al, eds. SEER Cancer Statistics Review, 1975–2013. Bethesda, MD: National Cancer Institute; 2016, https://seer.cancer.gov/csr/1975_2013/. Accessed March 9, 2017
  3.  Davies L, Welch HG. Thyroid cancer survival in the United States: observational data from 1973 to 2005. Arch Otolaryngol Head Neck Surg. 2010 May;136(5):440-4
  4.  Ito Y, Miyauchi A, Inoue H, Fukushima M, Kihara M, Higashiyama T, Tomoda C, Takamura Y, Kobayashi K, Miya A. An observational trial for papillary thyroid microcarcinoma in Japanese patients. World J Surg. 2010 Jan;34(1):28-35
  5.  Oda H, Miyauchi A, Ito Y, Yoshioka K, Nakayama A, Sasai H, Masuoka H, Yabuta T, Fukushima M, Higashiyama T, Kihara M, Kobayashi K, Miya A. Incidences of Unfavorable Events in the Management of Low-Risk Papillary Microcarcinoma of the Thyroid by Active Surveillance Versus Immediate Surgery. Thyroid. 2016 Jan;26(1):150-5
  6.  https://www.medicinenet.com/fine-needle_aspiration_biopsy_of_the_thyroid/article.htm
  7.  https://www.medicinenet.com/fine-needle_aspiration_biopsy_of_the_thyroid/article.htm

 VN_GM_THY_175; exp: 30/9/2024

Copyrights © 2024 Không Một Mình - Sẻ chia lo âu, vững tâm vui sống. All rights reserved.

Khi nào cần tầm soát ung thư tuyến giáp?

Khi nào cần tầm soát ung thư tuyến giáp?