Đái tháo đường thai kỳ: Hậu quả và các yếu tố khả năng gây bệnh
Phụ nữ tiền đái tháo đường thai kỳ có thể hồi phục đường huyết bình thường sau sinh. Tuy nhiên, một phần trong số này có nguy cơ mắc đái tháo đường trong tương lai. Vì vậy, bác sĩ sẽ khuyên bạn tầm soát đái tháo đường sau sinh 4-12 tuần và tầm soát lại ít nhất mỗi 3 năm nếu như bạn đã mắc đái tháo đường thai kỳ.
1. Đái tháo đường thai kỳ là gì?
Đái tháo đường thai kỳ là đái tháo đường được chẩn đoán trong 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối của thai kỳ và không có bằng chứng về ĐTĐ tuýp 1, ĐTĐ tuýp 2 trước đó. Nếu phụ nữ có thai 3 tháng đầu được phát hiện tăng glucose máu thì xếp loại là đái tháo đường chưa được chẩn đoán/chưa được phát hiện hoặc đái tháo đường trước mang thai. Nguyên nhân do sự thay đổi các hormone trong thai kỳ.
Hậu quả là tăng đề kháng insulin và tăng đường huyết (Hình 1) [1]. Đa phần phụ nữ chỉ rối loạn đường huyết nhẹ, thoáng qua và hồi phục sau sinh. Một số không quay về đường huyết bình thường mà trở thành đái tháo đường thực sự. Một số khác hồi phục nhưng vẫn có nguy cơ bị tiền đái tháo đường hay đái tháo đường tuýp 2 về sau.
Đái tháo đường thai kỳ là gì?
2. Đái tháo đường thai kỳ gây hậu quả gì?
Đái tháo đường thai kỳ có nguy hiểm không? Tình trạng này đã được mô tả lần đầu vào năm 1824 ở Đức [2]. Đến năm 1916, bác sĩ ghi nhận phụ nữ mắc đái tháo đường xuất hiện trong thai kỳ, cải thiện khi sinh em bé nhưng sau đó đường huyết tăng trở lại [3]. Diễn tiến này giống với điều mà khoa học ngày nay đã chứng minh. Đái tháo đường thai kỳ là yếu tố nguy cơ của đái tháo đường tuýp 2 trong tương lai. Vào thập niên 40-50 của thế kỷ trước, các bác sĩ nhận thấy mặc dù người bệnh chỉ tăng đường huyết ngắn hạn trong thời gian mang thai nhưng vẫn có thể để lại nhiều kết cục xấu.
Đái tháo đường thai kỳ gây hậu quả gì?
>> Xem thêm: Xét nghiệm đái tháo đường thai kỳ: Quy trình, tầm quan trọng và thời điểm cần xét nghiệm
3. Những yếu tố nào làm tăng khả năng chuyển thành tiền đái tháo đường hoặc đái tháo đường thực sự?
Yếu tố trước khi mang thai
Nhiều tình trạng trước khi mang thai có ảnh hưởng đến khả năng mắc đái tháo đường thai kỳ và đái tháo đường thực sự về sau. Cân nặng hoặc chỉ số khối cơ thể (body mass index – BMI) là yếu tố liên quan rõ ràng nhất [4]. Do vậy, sau khi xét nghiệm đái tháo đường thai kỳ bạn có thể được bác sĩ khuyên quản lý cân nặng trước khi có kế hoạch mang thai. Điều này giúp thai kỳ khỏe mạnh hơn cho cả mẹ và bé. Hội chứng buồng trứng đa nang cũng làm tăng khả năng rối loạn đường huyết sau sinh [5].
Yếu tố trong lúc mang thai
Mức đường huyết
Khi bạn bị đái tháo đường thai kỳ, mức đường huyết càng cao thì nguy cơ trở thành đái tháo đường sau này càng rõ [6]. Đường huyết đói là chỉ số được khảo sát liên hệ rõ ràng nhất. Rối loạn dung nạp glucose hay tăng HbA1C cũng liên quan đến nguy cơ đái tháo đường. Những phụ nữ đái tháo đường thai kỳ nặng tới mức cần dùng insulin có khả năng mắc đái tháo đường cao hơn người đái tháo đường thai kỳ nhẹ, chỉ tiết chế dinh dưỡng.
Chỉ số khối cơ thể
BMI cao khi mang thai cũng dễ chuyển đái tháo đường thai kỳ thành đái tháo đường thực sự [7]. Nếu bạn bị đái tháo đường thai kỳ, bác sĩ sẽ theo dõi mức tăng cân trong lúc mang thai chặt chẽ hơn. Nếu tăng cân quá nhiều, em bé có khả năng bị thai to, đa ối, cản trở chuyển dạ. Và mẹ cũng có nguy cơ gặp biến chứng sản khoa và mắc các rối loạn chuyển hóa về sau.
Tuổi thai lúc chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ
Thông thường, giai đoạn nửa sau của thai kỳ là thời điểm dễ phát hiện đái tháo đường thai kỳ. Lý do là vì lúc này thai phát triển to, nhiều hormone tiết ra đủ gây đề kháng insulin. Nếu bạn được phát hiện tăng đường huyết sớm hơn thời điểm nói trên, nhiều khả năng cơ thể bị rối loạn chuyển hóa rõ. Vì vậy, nguy cơ trở thành đái tháo đường thực sự cũng cao hơn [8].
Chủng tộc
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng phụ nữ châu Á dễ mắc đái tháo đường thai kỳ hơn người châu Âu dù ở cùng một mức BMI [9]. Điều này liên quan đến các yếu tố di truyền hoặc thói quen dinh dưỡng. Nghiên cứu ghi nhận với cùng cân nặng, người châu Á thường có tỉ lệ mỡ cao hơn, do vậy dễ gặp tác động xấu đối với sức khỏe hơn. Vòng eo (phản ánh lượng mỡ bụng của bạn) có thể là chỉ số chính xác hơn cân nặng hay BMI trong đánh giá nguy cơ tiến triển thành đái tháo đường tuýp 2.
Các yếu tố khác
Những thông tin như tiền sử gia đình mắc đái tháo đường, tuổi của bạn lúc chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ, tiền sử đã hay chưa từng mang thai ít liên quan rõ ràng hơn với nguy cơ này.
Yếu tố sau sinh
Cho con bú
Ở phụ nữ mắc đái tháo đường thai kỳ, cho con bú sau sinh là một biện pháp giúp cải thiện chỉ số đường huyết. Bên cạnh đó, cho con bú là hoạt động tiêu hao năng lượng. Cho con bú giúp người mẹ giảm cân hiệu quả sau sinh. Nhờ đó, bạn có thể giảm nguy cơ chuyển thành đái tháo đường thực sự. Ngoài ra, sữa mẹ còn chứa nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sự phát triển đầu đời của trẻ. Vì vậy, phụ nữ với tiền sử đái tháo đường thai kỳ được khuyến cáo ưu tiên cho con bú (Hình 2) [10].
Chỉ số khối cơ thể
Ở giai đoạn sau sinh, BMI tiếp tục ảnh hưởng đến khả năng mắc đái tháo đường của bạn. Do đó, quản lý cân nặng là nhu cầu xuyên suốt mọi thời điểm, không chỉ riêng trong thai kỳ.
Biện pháp tránh thai
Những biện pháp tránh thai liên quan nội tiết làm tăng nguy cơ đái tháo đường [11]. Ví dụ như thuốc, vòng hay que cấy tránh thai loại chỉ chứa progesterone…. Trong tình huống này, những phương pháp cơ học như bao cao su, vòng tránh thai không chứa hormone có thể được bác sĩ cân nhắc khuyên dùng hơn.
Những yếu tố làm tăng khả năng chuyển thành tiền đái tháo đường hoặc đái tháo đường thực sự
>> Xem thêm: Thực đơn cho bệnh nhân đái tháo đường thai kỳ
Tóm lại, phụ nữ đái tháo đường thai kỳ có nguy cơ chuyển thành đái tháo đường tuýp 2. Nhiều yếu tố nguy cơ làm tăng thêm khả năng này. Một vài trong số đó có thể thay đổi được. Do vậy, việc tầm soát đường huyết ít nhất mỗi 3 năm sau sinh có hai lợi ích. Thứ nhất, bác sĩ nhận diện các yếu tố nguy cơ và dấu hiệu đái tháo đường thai kỳ của bạn để kịp thời khuyến cáo thay đổi. Thứ hai, tầm soát đái tháo đường thai kỳ hay tầm soát tiểu đường thai kỳ giúp bạn phát hiện sớm để điều trị đúng lúc, giảm nguy cơ biến chứng.
Phụ nữ đái tháo đường thai kỳ cần tầm soát đái thao đường mỗi 3 năm
Tài liệu tham khảo :
- https://www.invitra.com/en/gestational-diabetes/
- Hadden DR, Hillebrand B. The first recorded case of diabetic pregnancy (Bennewitz HG, 1824, University of Berlin). Diabetologia. 1989 Aug;32(8):625
- Joslin EP. The Treatment of Diabetes Mellitus. Can Med Assoc J. 1916 Aug;6(8):673-84
- Lauenborg J, Hansen T, Jensen DM, Vestergaard H, Mølsted-Pedersen L, Hornnes P, Locht H, Pedersen O, Damm P. Increasing incidence of diabetes after gestational diabetes: a long-term follow-up in a Danish population. Diabetes Care. 2004 May;27(5):1194-9
- Capula C, Chiefari E, Vero A, Foti DP, Brunetti A, Vero R. Prevalence and predictors of postpartum glucose intolerance in Italian women with gestational diabetes mellitus. Diabetes Res Clin Pract. 2014 Aug;105(2):223-30
- Kim C, Newton KM, Knopp RH. Gestational diabetes and the incidence of type 2 diabetes: a systematic review. Diabetes Care. 2002 Oct;25(10):1862-8
- Löbner K, Knopff A, Baumgarten A, Mollenhauer U, Marienfeld S, Garrido-Franco M, Bonifacio E, Ziegler AG. Predictors of postpartum diabetes in women with gestational diabetes mellitus. Diabetes. 2006 Mar;55(3):792-7
- Schaefer-Graf UM, Buchanan TA, Xiang AH, Peters RK, Kjos SL. Clinical predictors for a high risk for the development of diabetes mellitus in the early puerperium in women with recent gestational diabetes mellitus. Am J Obstet Gynecol. 2002 Apr;186(4):751-6
- Hedderson M, Ehrlich S, Sridhar S, Darbinian J, Moore S, Ferrara A. Racial/ethnic disparities in the prevalence of gestational diabetes mellitus by BMI. Diabetes Care. 2012 Jul;35(7):1492-8
- Gunderson EP, Hedderson MM, Chiang V, Crites Y, Walton D, Azevedo RA, Fox G, Elmasian C, Young S, Salvador N, Lum M, Quesenberry CP, Lo JC, Sternfeld B, Ferrara A, Selby JV. Lactation intensity and postpartum maternal glucose tolerance and insulin resistance in women with recent GDM: the SWIFT cohort. Diabetes Care. 2012 Jan;35(1):50-6
- Kjos SL, Peters RK, Xiang A, Thomas D, Schaefer U, Buchanan TA. Contraception and the risk of type 2 diabetes mellitus in Latina women with prior gestational diabetes mellitus. JAMA. 1998 Aug 12;280(6):533-8
VN_GM_DIA_337; EXP:30/9/2024
- Hướng dẫn chăm sóc bàn chân đái tháo đường cho bệnh nhân
- Những bệnh lý thường gặp và cách chăm sóc mắt cho người đái tháo đường
- Tập thể dục cho người đái tháo đường: Lợi ích, cường độ và cách tập
- Trầm cảm và đái tháo đường
- Bệnh thận đái tháo đường: Biến chứng nguy hiểm cần phòng ngừa
- Tiền đái tháo đường: Tỷ lệ mắc bệnh và 5 yếu tố nguy cơ gây bệnh
- Sức khỏe tình dục ở người đái tháo đường: Sự ảnh hưởng và cải thiện
- Tự theo dõi đường huyết tại nhà: Tầm quan trọng và cách sử dụng
- Thành phần dinh dưỡng bữa ăn cho bệnh nhân đái tháo đường
- [Video] Người thừa cân, béo phì khi nào cần tầm soát tiền ĐTĐ - BS CKII Từ Thị Kim Thanh
- [Video] Chế độ ăn cho người đái tháo đường - BS CKII Ngô Thế Phi
- Tiểu ra đường có phải là đái tháo đường? Nguyên nhân và cách nhận biết
Đánh giá nguy cơ bệnh
Chỉ cần 5 phút để đánh giá nguy cơ bệnh lý của bạn. Giúp bạn xử trí kịp thời.
Bạn muốn đánh giá nguy cơ bệnh nào ?
- Bệnh đái tháo đường
- Bệnh tiền đái tháo đường
- Bệnh lý tim mạch
- Bệnh lý tuyến giáp