Bệnh nhân đái tháo đường có uống rượu được không?

Người đái tháo đường có được uống rượu không? Sự ảnh hưởng của rượu

Người đái tháo đường có được uống rượu không? Sự ảnh hưởng của rượu

Thông tin được bảo trợ bởi Hội Tim Mạch Việt Nam

Uống rượu lượng vừa phải không gây ảnh hưởng lớn đến việc kiểm soát đường huyết lâu dài ở người đái tháo đường. Tuy nhiên, uống rượu quá nhiều đưa đến nhiều hậu quả khác nhau. Do vậy, bệnh nhân đái tháo đường cần nhận biết lượng rượu được phép uống để có giới hạn phù hợp cho mình. Người đái tháo đường có được uống rượu không? 01minh sẽ cung cấp thông tin chi tiết trong bài viết sau.

1. Ảnh hưởng của nghiện rượu ở bệnh nhân đái tháo đường

Một điều ngạc nhiên là uống rượu lượng nhiều và thời gian dài có thể làm đường huyết của bạn thay đổi theo cả hai thái cực: hạ đường huyết hoặc tăng đường huyết quá mức.

Hạ đường huyết

Tác dụng gây hạ đường huyết của việc nghiện rượu thường được khảo sát nhiều ở bệnh nhân đái tháo đường tuýp 1 hơn. Tuy nhiên, các cơ chế dẫn đến hiện tượng này vẫn có thể gặp ở bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2. Rất nhiều nghiên cứu cho thấy việc đưa rượu vào cơ thể, dù đường uống như thông thường hay đường tĩnh mạch như trong các thử nghiệm, đều làm giảm đường huyết. Đường huyết có thể hạ muộn (8-12 giờ) sau khi bạn bắt đầu uống [1-4].

Hiện tượng này nếu xảy ra ở người bình thường có thể không gây biểu hiện bởi vì cơ thể nhanh chóng có các cơ chế phản hồi giúp tăng đường huyết lên. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân đái tháo đường được dùng một số thuốc với tác dụng giảm đường huyết mạnh, khi xảy ra kèm hạ đường huyết do rượu, hậu quả cộng hợp có thể nặng nề.

Uống bia rượu gây hạ đường huyết

Uống bia rượu gây hạ đường huyết

>> Xem thêm: Chế độ ăn DASH cho bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2

Lý do chính mà rượu gây hạ đường huyết được đề xuất là làm giảm đáp ứng của cơ thể bạn trong tình huống đường huyết xuống thấp [3, 4, 5]. Nói cách khác, các hormon gây tăng đường huyết hay nguồn đường huyết từ gan, từ mô mỡ không được huy động đúng mức để giải quyết biến cố này. Ngoài ra, rượu bia còn làm giảm sự nhận thức của bạn khi xảy ra hạ đường huyết. Chính sự giảm nhận thức này làm cho bạn khó kịp thời uống đường bổ sung hay nhờ sự trợ giúp của người khác, vì vậy dễ dẫn đến hạ đường huyết nặng hơn [6, 7].

Trong thực tế, khi bệnh nhân đái tháo đường sử dụng rượu quá nhiều trong thời gian ngắn, ví dụ ở những buổi tiệc tùng, bệnh nhân có thể chỉ uống bia rượu và ít ăn thức ăn. Điều này làm cơ thể không kịp bổ sung đường và tinh bột. Đây cũng là lý do đưa đến hạ đường huyết nặng.

Tăng đường huyết

Uống rượu ít khi làm tăng đường huyết tức thời. Tuy nhiên, nghiện rượu kéo dài có thể làm kiểm soát đường huyết của bạn xấu dần theo thời gian. Nghiên cứu cho thấy ở bệnh nhân đái tháo đường típ 2, nghiện rượu không làm giảm tiết insulin nhưng làm tăng đề kháng insulin và từ đó làm tăng đường huyết [8].

Ảnh hưởng chuyển hóa lipid

Rối loạn lipid máu là một đặc điểm thường gặp ở người đái tháo đường tuýp 2. Tăng lipid máu và tăng đường huyết đôi khi có cùng nguồn gốc là sự đề kháng insulin. Các dạng lipid thường được đo trong máu bao gồm cholesterol toàn phần, LDL cholesterol, HDL cholesterol và triglyceride. Rượu là một trong những nguyên nhân làm tăng triglyceride rõ nhất, do gây thay đổi quá trình chuyển hóa lipid tại gan.

Làm nặng thêm biến chứng đái tháo đường

Rượu có thể ảnh hưởng đến cả biến chứng cấp tính và mạn tính của đái tháo đường. Ở người đái tháo đường không kiểm soát tốt, một biến chứng có thể gặp là nhiễm toan ceton. Bản thân uống rượu lượng lớn cũng làm cơ thể tăng sản xuất thể ceton, do đó nếu cộng hợp cả hai tình trạng cùng lúc thì biến chứng có khả năng nặng lên.

Uống rượu tác động đến huyết áp ít nhiều, vì vậy được xem là có liên quan đến biến cố tim mạch [10]. Do đó, các khuyến cáo dành cho bệnh nhân tăng huyết áp cũng đề cập việc giới hạn rượu như ở người đái tháo đường [11].

Những biến chứng mạn tính như bệnh thần kinh hay bệnh võng mạc đái tháo đường cũng đã được tìm thấy là nặng lên nếu uống rượu nhiều [12, 13]. Bên cạnh đó, đồ uống có cồn đôi khi tương tác với thuốc điều trị của bạn, làm giảm hiệu quả hoặc thay đổi chuyển hóa thuốc gây khó dự đoán tác dụng điều trị.

>> Xem thêm: Chế độ tập luyện cho bệnh nhân đái tháo đường

2. Lượng rượu có thể dùng ở bệnh nhân đái tháo đường

 Bệnh nhân đái tháo đường nên sử dụng một lượng rượu phù hợp mỗi ngày

 Bệnh nhân đái tháo đường nên sử dụng một lượng rượu phù hợp mỗi ngày

Dựa trên những bằng chứng kể trên, có thể thấy tiêu thụ bia rượu lượng lớn sẽ mang lại hậu quả xấu cho sức khỏe. Vậy ở người đái tháo đường, sử dụng bia rượu như thế nào là vừa phải?

Nhìn chung, khuyến cáo hiện tại cho người đái tháo đường không khác biệt nhiều với người không đái tháo đường. Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ cho rằng phụ nữ không nên uống quá một phần mỗi ngày và nam giới không quá hai phần mỗi ngày. Mỗi phần uống (drink) tương đương khoảng 350 ml bia (1 lon bia), 150 ml rượu vang hoặc 45 ml rượu nặng (whiskey, brandy, gin, rum, vodka, tequila,…)[14].

Tóm lại, bệnh nhân đái tháo đường vẫn được phép sử dụng một lượng rượu bia nhất định. Tuy nhiên, đây chỉ là mức khuyến cáo chung. Lượng rượu thực tế nên được cân nhắc phụ thuộc thể trạng và tình trạng sức khỏe nói chung để cắt giảm hơn nếu cần thiết.

>> Xem thêm: Chế độ ăn chay trong đái tháo đường tuýp 2

 

Tài liệu tham khảo:

  1.  Arky, A R, Freinkel N. Alcohol Hypoglycemia. Arch Intern Med. 1964;114:501-507.
  2.  Lange J, Arends J, Willms B. Alcohol-induced hypoglycemia in type 1 diabetic patients. Med Klin. 1991;86.
  3.  Turner, Benjamin C and Jenkins, Emma and Kerr, David and Sherwin, Robert S and Cavan DA. The Effect of Evening Alcohol Consumption on Next-morning Glucose Control in Type 1 Diabetes. Diabetes Care. 2001;24:1888-1893.
  4.  Richardson T, Weiss M, Thomas P, Kerr D. Day After the Night Before. Diabetes Care. 2005;28(7).
  5.  Moriarty KT, Maggs DG, Macdonald IA, Tattersall RB. Does ethanol cause hypoglycemia in overnight fasted patients with type-1 diabetes. Diabet Med. 1993;10:61-65.
  6.  Kerr D, Macdonald IA, Heller SR, Tattersall RB. Alcohol causes hypoglycaemic unawareness in healthy volunteers and patients with Type 1 (insulin-dependent) diabetes. Diabetologia. 1990;33:216-221.
  7.  Cheyne EH, Sherwin RS, Lunt MJ, Cavan DA, Thomas PW, Kerr D. Influence of alcohol on cognitive performance during mild hypoglycaemia; implications for Type 1 diabetes. Diabet Med. 2004;21:230-237.
  8.  Ben G, Gnudi L, Maran A, Gigante A, Duner E, Lori E, Tiengo A, Avogaro A. Effects of chronic alcohol intake on carbohydrate and lipid metabolism in subjects with type II (non-insulin-dependent) diabetes. American Journal of Medicine. 1991;90:70–76.
  9.  https://pressbooks.oer.hawaii.edu/humannutrition2/chapter/7-alcohol-metabolism/
  10.  Abramson JL, Lewis C, Murrah NV. Relationship of self-reported alcohol consumption to ambulatory blood pressure in a sample of healthy adults. Am J Hypertens. 2010;23(9):994-999. doi:10.1038/ajh.2010.109
  11.  Mancia G, Kreutz R, Brunström M, et al. 2023 ESH Guidelines for the management of arterial hypertension The Task Force for the management of arterial hypertension of the European Society of Hypertension Endorsed by the International Society of Hypertension (ISH) and the European Renal Association (ERA) [published online ahead of print, 2023 Jun 21]. J Hypertens. 2023;10.1097/HJH.0000000000003480. doi:10.1097/HJH.0000000000003480
  12.  McCulloch DK, Campbell IW, Prescott RJ, Clarke BF. Effect of alcohol intake on symptomatic peripheral neuropathy in diabetic men. Diabetes Care. 1980;3:245–247.
  13.  Kohner EM, Aldington SJ, Stratton IM, Manley SE, Holman RR, Matthews DR, Turner RC. United Kingdom Prospective Diabetes Study, 30: Diabetic retinopathy at diagnosis of non-insulin dependent diabetes mellitus and associated risk factors. Archives of Ophthalmology. 1998;116(March):297–303.
  14.  ElSayed NA, Aleppo G, Aroda VR, et al. 5. Facilitating Positive Health Behaviors and Well-being to Improve Health Outcomes: Standards of Care in Diabetes-2023. Diabetes Care. 2023;46(Supple 1):S68-S96. doi:10.2337/dc23-S005

VN-NOND-00117_ exp. Date 15 Nov 2025 

Copyrights © 2024 Không Một Mình - Sẻ chia lo âu, vững tâm vui sống. All rights reserved.