Người mắc bệnh đái tháo đường sống được bao nhiêu năm? Tuổi thọ ảnh hưởng ra sao?
Bệnh đái tháo đường sống được bao nhiêu năm là băn khoăn của nhiều bệnh nhân khi bị chẩn đoán mắc bệnh. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp đầy đủ thông tin về mối tương quan giữa căn bệnh đái tháo đường và tuổi thọ của bệnh nhân.
1. Những yếu tố ảnh hưởng đến tuổi thọ khi mắc bệnh đái tháo đường
Bệnh đái tháo đường sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ của bệnh nhân, mức độ ảnh hưởng tùy thuộc vào các yếu tố sau: [1]
Thời điểm chẩn đoán bệnh đái tháo đường
Nếu phát hiện được bệnh sớm thì người bệnh sẽ có khả năng kiểm soát bệnh và tìm được phương pháp sống chung một cách hòa bình với bệnh. Chính vì vậy, nếu có điều kiện, người bệnh nên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện ra bệnh sớm nhất có thể.
Sự tiến triển của các biến chứng đái tháo đường
Nếu không được kiểm soát kịp thời, đái tháo đường có thể gây ra các biến chứng như: [1]
- Bệnh võng mạc tiểu đường: Lượng đường trong máu dư thừa làm hỏng các mạch máu ở võng mạc ở phía sau mắt, gây mất thị lực và mù lòa.
- Bệnh thận: Khoảng 40% những người mắc bệnh tiểu đường sẽ phát triển bệnh thận do các mạch máu trong thận bị tổn thương, khiến thận không còn khả năng lọc chất thải ra khỏi máu. Nếu bệnh tiến triển, bệnh nhân có thể bị suy thận và cần phải chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận.
- Bệnh tim mạch: Đường huyết tăng khiến tổn thương các mạch máu, ảnh hướng đến tim mạch. Bệnh tim có thể dẫn đến đau thắt ngực, đau tim và đột quỵ.
- Hạ đường huyết và nhiễm toan ceton: Các biến chứng này có thể gây tử vong.
Khi các biến chứng này tiến triển nặng, bệnh nhân đái tháo đường sẽ phải đối mặt với nguy cơ tử vong.
Đái tháo đường tuýp 1 hay tuýp 2
Trong báo cáo Bệnh tiểu đường ở Anh năm 2010, Diabetes UK ước tính rằng tuổi thọ của người mắc bệnh tiểu đường loại 2 có thể bị giảm tới 10 năm. Trong khi đó những người mắc bệnh tiểu đường loại 1 thường có tuổi thọ ngắn hơn, tuổi thọ có thể giảm hơn 20 năm. Bệnh nhân bị đái tháo đường tuýp 1 sẽ bị ảnh hưởng nặng hơn về tuổi thọ so với bệnh nhân bị đái tháo đường tuýp 2.
Thái độ điều trị của người bệnh
Theo các chuyên gia sức khỏe, bệnh nhân có thể chung sống hòa bình với đái tháo đường nếu tích cực điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Bên cạnh việc dùng thuốc, người bệnh cần xây dựng lối sống lành mạnh để kiểm soát đái tháo đường hiệu quả.
>> Xem thêm: Các biến chứng dài hạn của bệnh đái tháo đường - Thận và Tim
2. Người bệnh đái tháo đường sống được bao nhiêu năm?
Tuổi thọ của bệnh nhân đái tháo đường sẽ phụ thuộc vào tình trạng bệnh lý họ mắc phải: [2] [3]
Bệnh đái tháo đường sống được bao nhiêu năm? - Đối với đái tháo đường tuýp 1
Người mắc bệnh đái tháo đường tuýp 1 có tuổi thọ ngắn hơn người bình thường và người bị đái tháo đường tuýp 2. Tuổi thọ của bệnh nhân có thể giảm từ 7,6 đến 19 năm. Người bệnh có thể sống đến độ tuổi 65 – 72.
Bệnh đái tháo đường sống được bao nhiêu năm? - Đối với đái tháo đường tuýp 2
Đái tháo đường tuýp 2 là căn bệnh phức tạp và mãn tính cần được chăm sóc y tế liên tục. Người bệnh bị đái tháo đường tuýp 2 có tuổi thọ cao hơn bệnh nhân đái tháo đường tuýp 1. Tuy nhiên, họ vẫn có thể giảm đến 10 năm tuổi thọ.
Theo một nghiên cứu y tế vào năm 2022, người bệnh có thể kéo dài tuổi thọ bằng nhiều cách:
- Người có chỉ số khối cơ thể (BMI) thấp có thể kéo dài tuổi thọ thêm khoảng 2,0 – 3,9 năm.
- Người duy trì huyết áp ở mức ổn định có thể kéo dài tuổi thọ từ 1,1–1,9 năm.
- Mức cholesterol thấp có thể kéo dài tuổi thọ khoảng 0,5–0,9 năm.
- Giảm huyết sắc tố A1C (HbA1C) từ 9,9% xuống 7,7% có thể giúp người mắc bệnh tiểu đường loại 2 sống thêm 3,4 năm.
3. Phòng ngừa các biến chứng từ bệnh đái tháo đường để kéo dài tuổi thọ
Bệnh nhân đái tháo đường nên duy trì lối sống lành mạnh và quản lý lượng đường trong máu để có thể chung sống hòa bình với bệnh, kéo dài tuổi thọ. Các phương pháp bệnh nhân đái tháo đường có thể thực hiện bao gồm: [4]
Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh
Sử dụng thực phẩm và đồ uống lành mạnh có thể giúp duy trì lượng đường trong máu, huyết áp và cholesterol trong phạm vi chuyên gia chăm sóc sức khỏe khuyến nghị. Cụ thể, chế độ ăn uống bệnh nhân cần hướng tới như sau: [4]
- Tích cực sử dụng các sản phẩm từ sữa hoặc thực vật.
- Ăn nhiều rau xanh và trái cây.
- Sử dụng thực phẩm giàu protein, ngũ cốc nguyên hạt.
- Chọn thực phẩm chứa nhiều vitamin, canxi, chất xơ và chất béo lành mạnh.
- Chọn đồ uống ít hoặc không thêm đường.
- Hạn chế sử dụng các thực phẩm chứa chất béo bão hòa, thực phẩm giàu natri, thực phẩm có đường.
- Hạn chế sử dụng đồ uống có cồn – Tác nhân gây hạ đường huyết. Nếu bắt buộc phải uống thì người bệnh nên ăn thức ăn rồi mới uống rượu, sau khi uống cần kiểm tra lại lượng đường trong máu.
Tăng cường hoạt động thể chất
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng hoạt động thể chất giúp người bệnh duy trì sức khỏe và kiểm soát bệnh đái tháo đường hiệu quả. Hoạt động thể chất đem lại các lợi ích như: Hạ đường huyết, huyết áp và mức cholesterol, tăng cường sức khỏe thể chất, tăng khả năng ghi nhớ, cải thiện giấc ngủ và tinh thần, duy trì cân nặng ở mức lý tưởng.
Người bệnh nên trao đổi với chuyên gia sức khỏe trước khi bắt đầu một hoạt động thể chất mới hoặc thay đổi mức độ hoạt động thể chất. Chuyên gia sẽ gợi ý môn thể thao phù hợp, mức độ vận động hợp lý, thời điểm tập luyện lý tưởng, người bệnh nên chú ý thực hiện theo.
Sinh hoạt điều độ và cân bằng
Người bệnh nên ngủ đủ từ 7 đến 8 tiếng một ngày, đi ngủ trước 10 giờ tối. Ngoài ra, người bệnh cũng phải ăn đủ bữa, đúng giờ, điều chỉnh thói quen sinh hoạt theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Bệnh đái tháo đường sống được bao nhiêu năm phụ thuộc rất lớn vào thái độ điều trị bệnh của bệnh nhân. Nếu bệnh nhân nghiêm túc thực hiện chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh và sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ thì hoàn toàn có thể chung sống hòa bình với bệnh, kéo dài tuổi thọ.
>> Xem thêm: Thành phần dinh dưỡng bữa ăn cho bệnh nhân đái tháo đường
Nguồn tham khảo:
1. Diabetes Life Expectancy: https://www.diabetes.co.uk/diabetes-life-expectancy.html (Ngày truy cập: 11/07/2024).
2. What Is the Life Expectancy for Type 1 Diabetes? https://www.healthcentral.com/condition/type-1-diabetes/type-1-diabetes-life-expectancy (Ngày truy cập: 11/07/2024).
3. Type 2 diabetes and life expectancy: https://www.medicalnewstoday.com/articles/317477#medical-treatment (Ngày truy cập: 11/07/2024).
4. Healthy Living with Diabetes: https://www.niddk.nih.gov/health-information/diabetes/overview/healthy-living-with-diabetes (Ngày truy cập: 11/07/2024).
- Thay đổi lối sống lành mạnh - Nền tảng trong điều trị đái tháo đường!
- Người mắc bệnh đái tháo đường uống mật ong được không?
- Chăm sóng người bệnh đái tháo đường trong giai đoạn cuối đời
- Chăm sóc răng miệng cho bệnh nhân đái tháo đường
- Bệnh đái tháo đường có lây không và làm thế nào để phòng ngừa?
- Thức khuya đái tháo đường: Hệ lụy tiềm ẩn nguy hiểm chớ nên xem thường
- Bệnh võng mạc đái tháo đường: Nguyên nhân, triệu chứng và phòng ngừa
- Mức đường huyết của người trên 60 tuổi ổn định ở mức bao nhiêu?
- Mối tương quan giữa béo phì và đái tháo đường
- Người mắc đái tháo đường uống nước dừa được không? Cần lưu ý gì?
- Người bệnh đái tháo đường bị ngứa da: Biến chứng nguy hiểm cần lưu ý
- Bàn chân đái tháo đường: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Đánh giá nguy cơ bệnh
Chỉ cần 5 phút để đánh giá nguy cơ bệnh lý của bạn. Giúp bạn xử trí kịp thời.
Bạn muốn đánh giá nguy cơ bệnh nào ?
- Bệnh đái tháo đường
- Bệnh tiền đái tháo đường
- Bệnh lý tim mạch
- Bệnh lý tuyến giáp