Thực đơn cho phụ nữ đái tháo đường thai kỳ: Thực phẩm nên ăn và kiêng
Thực đơn cho phụ nữ đái tháo đường thai kỳ cần tuân thủ và duy trì để đảm bảo hiệu quả điều trị. Bệnh nhân có thể tham khảo các chế độ ăn khi mắc đái tháo đường trong bài viết sau đây.
1. Đái tháo đường thai kỳ là gì?
Đái tháo đường thai kỳ là đái tháo đường được phát hiện lần đầu tiên trong thai kỳ. Như vậy, chẩn đoán này không tính đến các trường hợp bạn đã mắc đái tháo đường từ trước khi mang thai.
Trong đái tháo đường thai kỳ, mức độ rối loạn đường huyết của bạn thường nhẹ hơn đái tháo đường thực sự. Tuy nhiên, cần chú ý rằng, điều này cũng đủ để lại một số ảnh hưởng sức khỏe cho cả mẹ và bé [1].
2. Vì sao bị đái tháo đường thai kỳ?
Khi mang thai, nhau thai là cơ quan kết nối giữa mẹ và bé để cung cấp dinh dưỡng. Khi thai lớn lên, nhau thai cũng đồng thời phát triển. Nhau thai có thể đóng vai trò nội tiết, sản xuất ra một số hormone điều hòa chuyển hóa. Khi lượng hormone này cao hơn bình thường, đường huyết có xu hướng tăng. Nếu cơ thể không tự điều chỉnh được hiện tượng này, bạn sẽ mắc đái tháo đường thai kỳ.
3. Đái tháo đường thai kỳ có thể hồi phục không?
Tin tốt là một tỉ lệ lớn phụ nữ có thể quay về bình thường sau khi sinh con. Lúc này, hormone nhau thai không còn gây tác động trên cơ thể nữa. Tuy nhiên, một khi đã từng mắc đái tháo đường thai kỳ, bạn sẽ tăng nguy cơ bị đái tháo đường típ 2 trong tương lai.
Một số phụ nữ sau sinh đường huyết vẫn cao và trở thành đái tháo đường típ 2 thực sự. Lúc này, bạn cần được điều trị giống như các bệnh nhân đái tháo đường khác.
4. Tại sao cần quan tâm đến đái tháo đường thai kỳ?
Mặc dù đái tháo đường thai kỳ phần lớn chỉ xảy ra rối loạn trong thời gian mang thai nhưng điều đó đủ để gây ảnh hưởng lên mẹ và bé. Đặc biệt, em bé chịu nhiều ảnh hưởng hơn mẹ. Giai đoạn mang thai là thời kỳ hình thành các cơ quan. Do đó, bất kỳ rối loạn nào lúc này cũng dễ tác động xấu đến sự phát triển của trẻ.
Ngoài tăng nguy cơ đái tháo đường típ 2, người mẹ còn dễ mắc đồng thời tăng huyết áp, tiền sản giật trong khi mang thai. Em bé lúc này cũng có khả năng sinh non, sảy thai, thai to, dị tật bẩm sinh, hạ đường huyết, vàng da sau sinh, các vấn đề hô hấp và bản thân bé tăng nguy cơ béo phì, đái tháo đường khi trưởng thành.
5. Làm thế nào để điều trị đái tháo đường thai kỳ?
Đái tháo đường thường được quản lý chủ yếu bởi tiết chế dinh dưỡng. Phần lớn phụ nữ đáp ứng với thay đổi chế độ ăn. Đồng thời, các bài tập vận động nhẹ phù hợp cho thai kỳ cũng giúp ổn định đường huyết. Một số trường hợp chưa đạt kiểm soát sẽ được bác sĩ chỉ định dùng thuốc (Hình 1).
Đái tháo đường thai kỳ được quản lý bằng dinh dưỡng, hoạt động thể lực và thuốc (nếu cần). Trong đó chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng nhất
>> Xem thêm: Chẩn đoán và điều trị đái tháo đường thai kỳ
6. Thực phẩm nên ăn ở đái tháo đường thai kỳ?
Chế độ ăn của phụ nữ đái tháo đường thai kỳ nhấn mạnh vào sự cân bằng. Điều này có nghĩa là bạn không cần kiêng một cách tuyệt đối các nhóm thực phẩm. Tuy nhiên, cần lựa chọn thực phẩm lành mạnh để hạn chế làm tăng đường huyết [2].
Nhìn chung, bạn nên ăn nhiều rau củ và trái cây (những loại có chỉ số đường huyết thấp). Rau củ thường mang hàm lượng chất xơ cao, làm chậm tăng đường sau ăn. Ngoài ra chúng chứa nhiều vitamin và khoáng chất cần cho sự phát triển của em bé. Chất đạm và chất béo được ăn với lượng vừa phải. Nên chọn đạm từ thịt nạc hoặc đạm thực vật và chất béo nguồn gốc thực vật hơn là động vật.
Ngũ cốc, gạo cũng được sử dụng với lượng trung bình vì đây là nguồn cung cấp tinh bột chính trong bữa ăn. Cần nhớ rằng tinh bột sẽ được cơ thể chuyển hóa thành đường. Do vậy ăn quá nhiều tinh bột sẽ gây tăng đường huyết, nhưng quá ít tinh bột làm cho mẹ và bé không đủ năng lượng. Ngũ cốc nguyên hạt có lợi cho sức khỏe hơn gạo hay ngũ cốc tinh chế.
Tinh bột (carbohydrate)
Tinh bột nên chiếm không quá 50% lượng calo của mỗi bữa ăn. Hầu hết tinh bột trong bữa ăn đến từ ngũ cốc (cơm, bún, phở, mì, bánh mì…) hoặc những loại rau củ giàu tinh bột (khoai tây, khoai lang, đậu, bắp, trái cây…). Ngoài ra, sữa, sữa chua, bánh kẹo, đồ uống đóng hộp cũng có một lượng carbohydrate nhất định.
Carbohydrate thường được chia làm hai loại là phức tạp và đơn giản. Ngũ cốc nguyên hạt, giàu chất xơ là nguồn carbohydrate phức tạp. Chúng cần được trải qua quá trình tiêu hóa trước khi hấp thu vào cơ thể, do vậy chậm làm tăng đường huyết hơn. Trong khi đó, carbohydrate trong gạo trắng, khoai tây, bánh kẹo, đồ ngọt dễ được hấp thu trực tiếp vì là carbohydrate đơn giản. Do đó, chúng dễ gây tăng đường huyết.
Bổ sung carbohydrate vào thực đơn cho phụ nữ đái tháo đường thai kỳ
Rau củ và trái cây
Bạn được khuyên ăn rau tươi vì chúng bảo toàn hàm lượng dinh dưỡng vốn có. Những loại rau lá xanh hoặc vàng đậm như rau bó xôi, súp lơ, các loại cải, xà lách, cà rốt, ớt chuông… đều tốt cho sức khỏe.
Trái cây nguyên quả tốt hơn nước ép vì giữ lại được nhiều chất xơ. Trái cây tươi tốt hơn hoa quả đóng hộp và chế biến. Nếu bạn dùng nước ép, không cần thêm đường vì bản thân trái cây đã chứa sẵn một hàm lượng đường nhất định. Một số loại quả như cam, quýt, nho, lựu hay các loại quả họ dâu đều giàu vitamin và chất chống oxi hóa có lợi cho sức khỏe.
Sữa và sản phẩm từ sữa
Sữa là dạng thực phẩm thường được phụ nữ mang thai lựa chọn để bổ sung dinh dưỡng cho em bé. Đặc biệt, sữa thường chứa nhiều calci, phospho và sắt, phù hợp cho giai đoạn thai nhi phát triển. Tuy nhiên, nếu bạn bị đái tháo đường thai kỳ, hãy lựa chọn những sản phẩm sữa bầu phù hợp cho đối tượng này. Chúng thường chứa ít béo, ít đường hơn sữa thông thường để giúp bạn kiểm soát đường huyết mà vẫn đảm bảo dinh dưỡng.
Chất đạm
Một bữa ăn cân đối không thể thiếu chất đạm. Thực vật họ đậu là một nguồn đạm dồi dào. Nếu sử dụng đạm động vật, có thể ưu tiên thịt trắng như gà, cá hơn là thịt đỏ như bò, heo. Khi chế biến, chú ý lạng bỏ bớt phần mỡ, giữ lại phần nạc. Cách chế biến cũng ảnh hưởng đến mức độ lành mạnh của thực phẩm. Ví dụ, đồ luộc, hấp hoặc nướng sẽ ít dầu mỡ hơn đồ chiên.
>> Xem thêm: Chế độ ăn chay trong đái tháo đường
7. Thực phẩm nên tránh ở đái tháo đường thai kỳ
Nhìn chung, đồ ngọt và chất béo nên được hạn chế.
Các thực phẩm cần hạn chế trong thực đơn cho phụ nữ đái tháo đường thai kỳ
Đồ ngọt
Bánh kẹo hoặc nước ngọt sẽ làm đường huyết bạn tăng nhanh sau ăn. Chú ý ngay cả những loại thực phẩm dán nhãn không đường (sugar-free) đôi khi vẫn không phải là lựa chọn tốt. Một mặt, chúng có thể không hoàn toàn không chứa đường, do vậy vẫn có khả năng làm tăng đường huyết. Mặt khác, một số thực phẩm thay thế đường truyền thống bằng các chất làm ngọt khác (ví dụ aspartame, acesulfame-K…). Mặc dù chưa rõ ràng, tác động của những chất làm ngọt này trên sức khỏe của mẹ và thai hiện vẫn còn đang được nghiên cứu thêm.
Chất béo
Chất béo, đặc biệt là chất béo bão hòa và dạng trans từ thực phẩm chế biến sẵn gây nhiều tác động xấu đến sức khỏe. Tuy nhiên, chú ý không kiêng tuyệt đối dầu mỡ bởi vì chất béo vẫn cần thiết cho sự phát triển não bộ của thai nhi. Nếu sử dụng dầu, có thể chọn dầu nguồn gốc từ olive, hạt cải, đậu phộng hoặc quả bơ.
8. Thực đơn gợi ý cho phụ nữ mang thai bị đái tháo đường thai kỳ
Nhìn chung, khẩu phần ăn cụ thể tùy thuộc sở thích và thực phẩm sẵn có. Sau đây là một gợi ý chung. Bạn có thể tùy chỉnh nguyên liệu khác sao cho tương đương.
Gợi ý thực đơn cho phụ nữ đái tháo đường thai kỳ
- Tinh bột: 6 phần (serving)/ngày. Mỗi phần tương đương một lát bánh mì, nửa chén cơm hoặc mì đã nấu chín, hay một chén ngũ cốc ăn liền (Hình 2). Có thể gia giảm lượng tinh bột tùy theo kết quả theo dõi đường huyết vì đây là nguồn gốc chính gây tăng đường huyết.
Một khẩu phần tinh bột trong thực đơn cho phụ nữ đái tháo đường thai kỳ
- Rau: 3-5 phần/ngày. Mỗi phần tương đương một chén rau lá xanh, nửa chén bắp tách hạt, đậu hoặc rau củ đã nấu chín, hoặc một quả cà chua cỡ trung bình.
- Trái cây: 2-4 phần/ngày. Mỗi phần tương đương một trái cây nguyên quả cỡ trung bình (chuối, táo, cam), nửa chén trái cây cắt sẵn hoặc ¾ ly nước ép. Chú ý rằng một số loại có thể dễ gây tăng đường huyết. Do vậy, bạn có thể thử và thay đổi loại cũng như lượng tùy theo kết quả theo dõi đường huyết cụ thể của mình.
- Sữa và sản phẩm từ sữa: 4 phần/ngày. Mỗi phần tương đương 1 ly sữa hoặc sữa chua loại ít béo hay không béo.
- Chất đạm: 2-3 phần/ngày. Mỗi phần tương đương 50-80 g thịt, cá đã nấu chín, nửa chén đậu hoặc một quả trứng.
Để cho đơn giản, có thể áp dụng quy tắc tay nhằm ước lượng thực phẩm như sau: Một phần tinh bột tương đương một bàn tay khum, một phần rau tương đương một nắm tay, một phần đạm tương đương một bàn tay mở rộng, và một phần chất béo tương đương một ngón tay cái (Hình 3) [3].
Quy tắc tay để tính khẩu phần đơn giản [3]
Tóm lại, thay đổi chế độ dinh dưỡng là trọng tâm của điều trị đái tháo đường thai kỳ. Đa phần phụ nữ sẽ đáp ứng với việc tiết chế dinh dưỡng. Bạn có thể cần tham vấn với bác sĩ về chế độ ăn phù hợp cho mình vì mỗi cá nhân có khẩu vị, sở thích và thực phẩm sẵn có khác nhau, miễn là tuân theo một số nguyên tắc chung nhất định.
>> Xem thêm: Những loại trái cây phù hợp cho bệnh nhân đái tháo đường
Tài liệu tham khảo:
- https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/gestational-diabetes/symptoms-causes/syc-20355339
- https://medlineplus.gov/ency/article/007430.htm
- https://www.verywellfit.com/portion-size-mistakes-you-can-avoid-3495774
VN_GM_DIA_351;exp:30/11/2024
- Bệnh đái tháo đường có di truyền không? Những nguy cơ mắc bệnh cần lưu ý?
- Người mắc bệnh đái tháo đường sống được bao nhiêu năm? Tuổi thọ ảnh hưởng ra sao?
- Xây dựng thực đơn bữa sáng cho người đái tháo đường cho 30 ngày
- Những loại rau củ người đái tháo đường không nên ăn và nên ăn
- Xây dựng thực đơn 7 ngày cho người đái tháo đường hiệu quả
- Các loại trái cây dành cho người đái tháo đường giúp tăng cường sức khỏe
- Ảnh hưởng của đái tháo đường thai kỳ đối với sản phụ và thai nhi
- Chỉ số đường huyết và nồng độ đường huyết - thông tin BẠN cần biết!
- Xét nghiệm đái tháo đường thai kỳ: Quy trình, tầm quan trọng và thời điểm cần xét nghiệm
- 14 dấu hiệu bệnh đái tháo đường nên phát hiện sớm để điều trị kịp thời
- Huyết áp và lipid máu: Chỉ số cần kiểm soát ở bệnh nhân đái tháo đường
- Người đái tháo đường có được uống rượu không? Sự ảnh hưởng của rượu
Đánh giá nguy cơ bệnh
Chỉ cần 5 phút để đánh giá nguy cơ bệnh lý của bạn. Giúp bạn xử trí kịp thời.
Bạn muốn đánh giá nguy cơ bệnh nào ?
- Bệnh đái tháo đường
- Bệnh tiền đái tháo đường
- Bệnh lý tim mạch
- Bệnh lý tuyến giáp