Xét nghiệm đái tháo đường thai kỳ: Quy trình, tầm quan trọng và thời điểm cần xét nghiệm
Xét nghiệm đái tháo đường thai kỳ đóng vai trò vô cùng quan trọng giúp thai phụ phát hiện sớm và kiểm soát tốt căn bệnh này. Vậy xét nghiệm đái tháo đường thai kỳ là gì? Quy trình thực hiện như thế nào? Tại sao nó lại quan trọng? Thời điểm nào thai phụ cần thực hiện xét nghiệm? Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn những thông tin đầy đủ và hữu ích nhất về vấn đề này.
1. Đối tượng nào cần xét nghiệm đái tháo đường (tiểu đường) thai kỳ?
Việc thực hiện xét nghiệm đái tháo đường trong thai kỳ đóng vai trò quan trọng trong quá trình chăm sóc sức khỏe của phụ nữ mang thai. Đây là một phần không thể thiếu trong quy trình chăm sóc trước khi sinh vì nó giúp phát hiện và điều trị kịp thời bệnh đái tháo đường thai kỳ, đồng thời đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và em bé. Theo khuyến cáo, tất cả phụ nữ mang thai đều nên thực hiện xét nghiệm này, đặc biệt là vào tuần thai thứ 24 đến 28. [1]
Tuy nhiên, một số phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ cao hơn thì nên thực hiện xét nghiệm sớm hơn hoặc nhiều lần hơn. Nhóm đối tượng này bao gồm:
- Chỉ số khối cơ thể (BMI) bằng hoặc lớn hơn 30.
- Thiếu các hoạt động thể chất.
- Đã từng mắc đái tháo đường thai kỳ trong thai kỳ lần trước.
- Mắc các bệnh lý liên quan làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường (hội chứng chuyển hóa, hội chứng buồng trứng đa nang,...).
- Mang thai ở độ tuổi 35 trở lên.
- Mang thai đôi.
- Gia đình có tiền sử mắc bệnh đái tháo đường.
- Từng sinh con nặng hơn 4,1 kg.
- Thuộc nhóm người da đen, Hispanic, người Mỹ bản địa hoặc người Mỹ gốc Á.
>> Xem thêm: Chế độ ăn DASH cho bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2
2.Tầm quan trọng của việc xét nghiệm đái tháo đường thai kỳ
Mặc dù hầu hết phụ nữ mắc đái tháo đường thai kỳ đều có thể sinh ra những em bé khỏe mạnh, nhưng nếu không được kiểm soát và điều trị cẩn thận, bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và bé. [1]
Đối với mẹ:
- Tiền sản giật, một biến chứng nguy hiểm với huyết áp cao, có thể gây tổn thương gan, thận, co giật, thậm chí tử vong.
- Tăng nguy cơ sinh non, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ sơ sinh.
- Nguy cơ sinh mổ cao hơn do thai nhi to hoặc gặp khó khăn khi sinh tự nhiên.
- Băng huyết sau sinh.
- Tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2.
Đối với bé:
- Thai nhi thường phát triển to hơn bình thường, gây khó khăn khi sinh, tăng nguy cơ gây chấn thương cho cả mẹ và bé.
- Sau khi sinh, trẻ có thể bị hạ đường huyết do lượng đường trong máu thấp.
- Tăng nguy cơ tử vong trong thai kỳ hoặc sau sinh.
- Trẻ có nguy cơ cao mắc các bệnh lý mãn tính như béo phì, đái tháo đường type 2 và các bệnh tim mạch trong tương lai.
Do đó, việc kiểm soát tốt đái tháo đường thai kỳ là vô cùng quan trọng. Ngoài ra, phụ nữ có tiền sử mắc đái tháo đường thai kỳ cũng cần được theo dõi chặt chẽ hơn sau sinh và có các biện pháp phòng ngừa để giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2 trong tương lai.
3. Khi nào cần phải xét nghiệm đái tháo đường thai kỳ?
Việc xét nghiệm đái tháo đường thai kỳ cần được thực hiện vào thời điểm phù hợp để đảm bảo kết quả chẩn đoán chính xác. Theo khuyến cáo, thời điểm tốt nhất để thực hiện xét nghiệm này là khi thai nhi được từ 24 đến 28 tuần tuổi. Lúc này, nhau thai đã phát triển đầy đủ và các hoạt động sinh học liên quan đến chuyển hóa đường huyết cũng đang diễn ra mạnh mẽ, giúp cho kết quả xét nghiệm chính xác hơn. [2]
Tuy nhiên, thời điểm thực hiện xét nghiệm cụ thể có thể thay đổi tùy thuộc vào nhóm đối tượng và mức độ nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ của thai phụ:
- Đối với thai phụ không có nguy cơ: Nếu kết quả đo đường huyết khi đói dưới 92mg/dL (tương đương dưới 5.1mmol/L), thì thai phụ nên thực hiện xét nghiệm dung nạp Glucose khi thai nhi đã đủ 24 - 28 tuần tuổi.
- Đối với thai phụ có nguy cơ: Nếu kết quả đo đường huyết khi đói từ 5.1 - 7.0mmol/L, thai phụ sẽ được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ. Nếu kết quả đo đường huyết khi đói lớn hơn 7.0mmol/L hoặc HbA1c > 6.5%, sẽ được chẩn đoán đái tháo đường trên lâm sàng.
>> Xem thêm: Người mắc đái tháo đường cần luyện tập thể dục như thế nào?
4. Quy trình xét nghiệm đái tháo đường thai kỳ
Hiện nay, xét nghiệm đái tháo đường thai kỳ được thực hiện qua hai hình thức chính (gồm: xét nghiệm 1 bước và xét nghiệm 2 bước). Quy trình xét nghiệm [2] cho mỗi hình thức sẽ có những điểm khác biệt như sau:
Xét nghiệm đái tháo đường thai kỳ 1 bước
Xét nghiệm đái tháo đường trong thai kỳ giai đoạn đầu là phương pháp phổ biến để phát hiện đái tháo đường thai kỳ (GDM). Quy trình này đơn giản và dễ thực hiện: Thai phụ đến phòng khám sau ít nhất 8 tiếng nhịn đói để tiến hành lấy mẫu máu đầu tiên (nên đến vào sáng sớm, sau khi đã nhịn đói qua đêm). Tiếp theo, thai phụ sẽ uống dung dịch có 75 gram glucose. Sau đó, thai phụ sẽ lần lượt được lấy mẫu máu thứ hai sau 1 giờ và mẫu máu thứ ba sau 2 giờ, kể từ thời điểm uống glucose.
Kết quả xét nghiệm được chẩn đoán là đái tháo đường thai kỳ khi ít nhất 1 trong 3 chỉ số đường huyết sau đây vượt quá mức bình thường:
- Đường huyết lúc đói: ≥ 92 mg/dL (5.1 mmol/L)
- Đường huyết sau 1 giờ: ≥ 180 mg/dL (10.0 mmol/L)
- Đường huyết sau 2 giờ: ≥ 153 mg/dL (8.5 mmol/L)
Xét nghiệm đái tháo đường thai kỳ 2 bước
Xét nghiệm đái tháo đường thai kỳ 2 bước là phương pháp sàng lọc tiên tiến hơn so với xét nghiệm 1 bước, giúp phát hiện chính xác hơn tình trạng đái tháo đường thai kỳ (GDM) ở thai phụ. Quy trình xét nghiệm 2 bước mang lại kết quả chẩn đoán đáng tin cậy hơn và được thực hiện chủ yếu với thai phụ chưa từng được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường, nhưng cũng phức tạp hơn so với xét nghiệm 1 bước. Quy trình cụ thể như sau:
- Bước đầu tiên: Tại bước này, thai phụ không cần nhịn đói trước khi thực hiện xét nghiệm. Khi đến phòng khám, thai phụ sẽ được nhân viên cho uống dung dịch có 50g glucose và lấy mẫu máu sau 1 giờ tiếp theo. Nếu mức glucose huyết tương vượt ngưỡng 130 mg/dL (7.2mmol/L), thai phụ sẽ được yêu cầu thực hiện bước xét nghiệm tiếp theo.
- Bước thứ hai: Khác với bước đầu tiên, nghiệm pháp dung nạp glucose 100g chỉ được thực hiện khi thai phụ đang ở trạng thái đói. Thai phụ sẽ được nhân viên cho uống dung dịch có 100g glucose và tiến hành lấy mẫu máu lần lượt sau 1 giờ, 2 giờ và 3 giờ.
Kết quả xét nghiệm được chẩn đoán là đái tháo đường thai kỳ khi ít nhất 1 trong 4 chỉ số đường huyết sau đây vượt quá mức bình thường:
- Đường huyết lúc đói: ≥ 95 mg/dL (5.3 mmol/L)
- Đường huyết sau 1 giờ: ≥ 180 mg/dL (10.0 mmol/L)
- Đường huyết sau 2 giờ: ≥ 155 mg/dL (8.6 mmol/L)
- Đường huyết sau 3 giờ: ≥ 140 mg/dL (7.8 mmol/L)
Xét nghiệm đái tháo đường thai kỳ là một phần quan trọng trong quá trình chăm sóc sức khỏe trước sinh, giúp phát hiện sớm và kiểm soát hiệu quả đái tháo đường thai kỳ, góp phần bảo vệ sức khỏe cho cả mẹ và bé. Do đó, các thai phụ nên chủ động thực hiện xét nghiệm này theo đúng hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo có một thai kỳ khỏe mạnh và an toàn.
>> Xem thêm: Những phương pháp điều trị tiền đái tháo đường
Tài liệu tham khảo
1. Glucose challenge test: https://www.mayoclinic.org/tests-procedures/glucose-challenge-test/about/pac-20394277 (Ngày truy cập: 28/04/2024)
2. Glucose screening tests during pregnancy: https://www.mountsinai.org/health-library/tests/glucose-screening-tests-during-pregnancy (Ngày truy cập: 28/04/2024)
- Thay đổi lối sống lành mạnh - Nền tảng trong điều trị đái tháo đường!
- Người mắc bệnh đái tháo đường uống mật ong được không?
- Chăm sóng người bệnh đái tháo đường trong giai đoạn cuối đời
- Chăm sóc răng miệng cho bệnh nhân đái tháo đường
- Bệnh đái tháo đường có lây không và làm thế nào để phòng ngừa?
- Thức khuya đái tháo đường: Hệ lụy tiềm ẩn nguy hiểm chớ nên xem thường
- Bệnh võng mạc đái tháo đường: Nguyên nhân, triệu chứng và phòng ngừa
- Mức đường huyết của người trên 60 tuổi ổn định ở mức bao nhiêu?
- Mối tương quan giữa béo phì và đái tháo đường
- Người mắc đái tháo đường uống nước dừa được không? Cần lưu ý gì?
- Người bệnh đái tháo đường bị ngứa da: Biến chứng nguy hiểm cần lưu ý
- Bàn chân đái tháo đường: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Đánh giá nguy cơ bệnh
Chỉ cần 5 phút để đánh giá nguy cơ bệnh lý của bạn. Giúp bạn xử trí kịp thời.
Bạn muốn đánh giá nguy cơ bệnh nào ?
- Bệnh đái tháo đường
- Bệnh tiền đái tháo đường
- Bệnh lý tim mạch
- Bệnh lý tuyến giáp