NHỮNG LO NGẠI CỦA BỆNH NHÂN TIM MẠCH LIÊN QUAN ĐẾN COVID-19
Thông tin được bảo trợ bởi Hội Tim Mạch Việt Nam
Hiện nay, tình hình dịch COVID-19 do SARS-CoV-2 gây nên vẫn chưa có dấu hiện chững lại trên toàn cầu. Cùng với đái tháo đường, bệnh tim mạch là một yếu tố nguy cơ gây diễn tiến nặng hơn nếu không may mắc COVID-19. Do đó, nếu bạn mắc bệnh tim mạch, ví dụ như tăng huyết áp hay bệnh mạch vành, bạn cần nắm một số điều sau để có kế hoạch chuẩn bị tốt trong thời điểm dịch bùng phát. Đây cũng đồng thời là những quan ngại thường gặp mà bệnh nhân tim mạch đặt ra đối với nhân viên y tế [1]:
- Tại sao cần để ý đến bệnh tim mạch trong dịch COVID-19?
Virus corona chủng mới tác động chủ yếu trên phổi, hay nói cách khác đây là một bệnh lý hô hấp. Tuy nhiên, nhiều báo cáo từ các ca nhiễm ghi nhận virus còn ảnh hưởng tới tim, chẳng hạn như gây viêm cơ tim tối cấp. Ngoài ra, khi phổi gặp vấn đề, cơ thể bạn không được nhận đủ oxy, lúc này tim phải cố gắng bơm máu nhiều hơn để đưa dòng máu chứa oxy đi khắp các cơ quan. Điều này tạo nên một gánh nặng cho tim, đặc biệt nếu bạn đã có sẵn một bệnh lý tim mạch từ trước, dẫn đến tim quá tải và có thể gây nguy hiểm, đe doạ tính mạng. Như vậy, bệnh nhân tim mạch là đối tượng dễ tổn thương bởi COVID-19 vì khả năng xuất hiện biến chứng nặng hơn so với dân số chung.
- COVID-19 có giống với cúm mùa?
Mặc dù cùng là bệnh do virus gây ra, COVID-19 đặc biệt nghiêm trọng hơn cúm mùa do tốc độ lây lan cực kỳ nhanh chóng và ảnh hưởng tới toàn thể mọi đối tượng trong dân số, trong đó có bạn [2].
- Những bệnh lý nào cần được quan tâm?
Nếu bạn đang có sẵn ít nhất một trong các tình trạng như tăng huyết áp, bệnh mạch vành, suy tim, đái tháo đường hay từng bị đột quỵ trước đây, dù ở bất kể lứa tuổi nào, bạn cũng có thể diễn tiến nặng khi mắc phải COVID-19.
- Hậu quả của COVID-19 đối với hệ tim mạch?
Dựa theo những báo cáo về các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, virus này được ghi nhận có thể gây viêm cơ tim, rối loạn nhịp, làm nặng thêm tình trạng suy tim từ trước của bạn, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch. Đây là những bệnh lý nặng với khả năng gây ngưng tim và tử vong [3] ,[4].
- Bệnh nhân tim mạch cần chú ý những triệu chứng gì trong thời điểm này?
Có hai nhóm triệu chứng mà bạn nên chú ý. Đầu tiên là các dấu hiệu của nhiễm COVID-19, bao gồm sốt, ho, khó thở. Nếu có một trong các dấu hiệu nói trên, đặc biệt trước đó từng tiếp xúc với người nhiễm hay người nghi nhiễm, bạn cần ở yên tại nhà và gọi điện thoại thông báo cho nhân viên y tế, tránh việc di chuyển ngoài đường, trên phương tiện giao thông công cộng hoặc tự ý đến khám tại những bệnh viện không được phân đúng chuyên khoa để cách ly và điều trị COVID-19. Nhóm thứ hai là các triệu chứng của tình trạng tim mạch xấu đi, bao gồm đau ngực, khó thở, mệt, lừ đừ hay yếu tay chân. Những dấu hiệu nói trên gợi ý tình trạng cấp cứu tim mạch và đòi hỏi bạn phải nhập viện càng sớm càng tốt.
- Bệnh nhân tim mạch có thể làm gì để hạn chế khả năng nhiễm COVID-19?
Hiện tại, các biện pháp phòng ngừa lây truyền virus được Bộ Y tế khuyến cáo là rửa tay thường xuyên với xà phòng ít nhất 20 giây, mang khẩu trang ở nơi cộng cộng, giảm tiếp xúc xã hội, giữ khoảng cách tốt thiểu 2 mét với người xung quanh, hạn chế di chuyển nếu không cần thiết, thực hiện khai báo y tế qua ứng dụng điện thoại và cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế [5]. Ngoài ra, bạn nên thực hành thêm một số biện pháp dành riêng cho bệnh nhân tim mạch như:
- Tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ đưa ra, không được tự ý ngưng các thuốc tim mạch thiết yếu mà bác sĩ chỉ định, chẳng hạn thuốc điều trị tăng huyết áp, suy tim, thiếu máu cơ tim, rối loạn lipid máu hay đái tháo đường, ngay cả khi có triệu chứng nghi nhiễm COVID-9 và trong thời gian chờ nhân viên y tế đến xử trí
- Hạn chế tái khám nhiều lần trong thời điểm dịch bùng phát nhưng vẫn đảm bảo giữ liên lạc định kỳ với bác sĩ, báo cáo ngay khi có triệu chứng gợi ý tình trạng xấu đi
- Dự trữ đủ cơ số thuốc để dùng trong một thời gian nhất định
- Duy trì chế độ dinh dưỡng và tập luyện như trước khi có dịch, tuy nhiên ưu tiên các hoạt động thể lực tại nhà thay vì đến nơi công cộng tập trung đông người chẳng hạn công viên, phòng gym hay hồ bơi. Bạn vẫn nên tập luyện vừa sức khoảng 30 phút mỗi ngày và đều đặn 5-7 ngày trong tuần, theo khuyến cáo của Hiệp hội Tim Hoa Kỳ (American Heart Association – AHA) [6].
Tóm lại, dịch COVID-19 có thể gây lo ngại trong một khoảng thời gian nhưng bệnh lý tim mạch của bạn là vấn đề dài hạn suốt đời, do đó không nên chủ quan trong thời điểm này. Nếu bạn vẫn còn lo ngại hoặc chưa hoàn toàn hiểu rõ những thắc mắc nêu trên, đừng ngần ngại liên hệ với nhân viên y tế để được hướng dẫn thêm.
Tài liệu tham khảo
- https://health.clevelandclinic.org/what-heart-patients-need-to-know-about-covid-19/
- https://www.diabetes.org/coronavirus-covid-19
- Wang D, Hu B, et al (2020). Clinical Characteristics of 138 Hospitalized Patients With 2019 Novel Coronavirus–Infected Pneumonia in Wuhan, China. JAMA. 323:1061-1069.
- Zhou F, Yu T, et al (2020). Clinical course and risk factors for mortality of adult inpatients with COVID-19 in Wuhan, China: a retrospective cohort study. The Lancet.
- https://moh.gov.vn/tin-tong-hop/-/asset_publisher/k206Q9qkZOqn/content/5-ieu-can-lam-ngay-e-phong-chong-dich-benh-covid-19
- https://www.heart.org/en/healthy-living/fitness/fitness-basics/aha-recs-for-physical-activity-in-adults
VNM/NONCMCGM/0320/0010
- KHÁI NIỆM VÀ PHƯƠNG PHÁP KIỂM SOÁT NHỊP TIM AN TOÀN TẠI NHÀ
- LÀM THẾ NÀO ĐỂ KIẾM SOÁT TĂNG HUYẾT ÁP TRONG GIAI ĐOẠN DỊCH BỆNH (COVID-19)
- CÁCH KIỂM SOÁT BỆNH LÝ TĂNG HUYẾT ÁP Ở NHỮNG BỆNH NHÂN ĐỒNG MẮC TĂNG HUYẾT ÁP VÀ COVID 19
- CƯỜNG GIAO CẢM – NGUYÊN NHÂN CỦA HỘI CHỨNG CHUYỂN HÓA
- CƯỜNG GIAO CẢM – HẬU QUẢ CỦA HỘI CHỨNG CHUYỂN HÓA
- Hệ thần kinh giao cảm: Cơ chế, điều trị và mối liên quan với suy tim
- HỆ THẦN KINH GIAO CẢM VÀ MỐI LIÊN QUAN VỚI BỆNH MẠCH VÀNH
- TẦN SỐ TIM LÚC NGHỈ VÀ NGUY CƠ TỬ VONG
- TẠI SAO GIỮ TẦN SỐ TIM <80 LẦN/PHÚT LẠI QUAN TRỌNG VỚI BỆNH NHÂN TĂNG HUYẾT ÁP
- Hậu quả của tăng huyết áp: Biến chứng nguy hiểm ở người bệnh cần lưu ý
- Xây dựng chế độ ăn cho bệnh nhân tim mạch an toàn và bảo vệ sức khỏe
- KIỂM SOÁT TẦN SỐ TIM Ở BỆNH NHÂN TIM MẠCH HIỆU QUẢ VỚI 6 CÁCH ĐƠN GIẢN
Đánh giá nguy cơ bệnh
Chỉ cần 5 phút để đánh giá nguy cơ bệnh lý của bạn. Giúp bạn xử trí kịp thời.
Bạn muốn đánh giá nguy cơ bệnh nào ?
- Bệnh đái tháo đường
- Bệnh tiền đái tháo đường
- Bệnh lý tim mạch
- Bệnh lý tuyến giáp