Cường giáp khi mang thai: Căn bệnh nguy hiểm chớ xem thường
Thai kỳ là một giai đoạn quan trọng đưa đến nhiều sự thay đổi về sinh lý của các cơ quan, hệ cơ quan khác nhau trong cơ thể, kể cả hệ nội tiết. Trong đó, tuyến giáp cũng có những khác biệt nhất định về mặt chức năng và hình thể để đáp ứng nhu cầu cho cả mẹ và bé.
1. Cường giáp khi mang thai là gì?
Cường giáp là hiện tượng tuyến giáp tăng hoạt động sản xuất vượt quá ngưỡng bình thường. Nguyên nhân cường giáp thường gặp nhất ở phụ nữ trong lứa tuổi sinh sản là bệnh Graves (hay còn gọi là bệnh Basedow). Nếu xét riêng trên phụ nữ mang thai, bệnh này gặp với tỉ lệ khoảng 0.2%.
Bệnh có thể khởi phát lần đầu khi bạn bắt đầu mang thai hay bệnh đã có từ trước nhưng trở nên nặng hơn khi mang thai. Một nguyên nhân khác gây cường giáp trong thai kỳ là do hormone hCG tăng quá cao hơn mức bình thường lúc mang thai, làm tuyến giáp bị kích thích hoạt động mạnh mẽ.
Hình 1: Một số ảnh hưởng chính của cường giáp trong thai kỳ lên mẹ và bé
2. Nguyên nhân dẫn đến cường giáp khi mang thai
Khi mang thai, hoạt động sản xuất hormone của tuyến giáp thay đổi khác so với lúc bình thường, do vậy các xét nghiệm chức năng tuyến giáp trong giai đoạn này sẽ được bác sĩ diễn giải khác biệt đôi chút. Sự thay đổi nói trên xảy ra do hai loại hormone chính: human chorionic gonadotropin (hCG) và estrogen.
HCG là hormone tăng cao khi mang thai và cũng là yếu tố được ứng dụng trong các que thử thai hiện nay. Thông thường hCG có thể kích hoạt, làm tuyến giáp hoạt động mạnh hơn (mặc dù không nhiều) dẫn đến một loại hormone giáp là T4 tăng lên trong khoảng ba tháng đầu thai kỳ.
>> Xem thêm: Bệnh cường giáp là gì? Nguyên nhân và biến chứng của cường giáp
Lúc này hormone kích thích tuyến giáp (TSH) từ tuyến yên sẽ giảm nhẹ vì cơ thể cảm thấy lượng hormone tuyến giáp đã đủ hoặc thậm chí hơi thừa, không cần thiết sử dụng TSH để kích hoạt tuyến giáp nữa. Trong khi đó, estrogen là hormone sinh dục chính ở nữ, đóng nhiều vai trò điều hòa sinh lý quan trọng.
Estrogen làm tăng sản xuất những protein trong máu tham gia gắn và vận chuyển hormone giáp đi khắp cơ thể nên xét nghiệm có thể ghi nhận tổng lượng hormone giáp tăng, tuy nhiên lượng hormone giáp lưu hành tự do vẫn không đổi.
Bên cạnh những sự khác biệt về chức năng nói trên, tuyến giáp trong thai kỳ còn to ra. Tuy nhiên, ít khi tuyến giáp to đến mức trở thành bướu cổ, trừ khi bạn có chế độ dinh dưỡng thiếu iod trầm trọng. Hiện tượng tăng nhẹ về kích thước này (khoảng 10-15%) là bình thường khi mang thai, ít khi nhận thấy bởi chính bạn và ngay cả bác sĩ, đôi khi chỉ có thể được phát hiện với siêu âm siêu nhạy.
Trong khoảng 18-20 tuần đầu tiên của thai kỳ, em bé phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn hormone giáp của mẹ để duy trì sự phát triển bình thường cho các cơ quan trong cơ thể (đặc biệt là não), bởi vì lúc này tuyến giáp của chính em bé chưa được hoàn thiện. Vào giữa thai kỳ, tuyến giáp của em bé đã tự sản xuất hormone riêng cho chính mình, tuy nhiên vẫn chưa đủ lượng theo nhu cầu và vì vậy tiếp tục cần nguồn iod từ mẹ. Do đó, một chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất (đặc biệt là iod) của bà mẹ lúc mang thai rất cần thiết cho nhu cầu của cả bản thân lẫn sự phát triển của trẻ. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization – WHO), phụ nữ mang thai nên cung cấp đủ 250µg iod mỗi ngày, bất kể dưới dạng thức ăn hay thực phẩm chức năng.
3. Triệu chứng của cường giáp khi mang thai
Triệu chứng đi kèm của tình trạng này thường là nghén nặng (nôn ói nhiều), nóng, run tay, đổ mồ hôi, hồi hộp, đánh trống ngực,... Mặc dù vậy, rối loạn nói trên thường chỉ thoáng qua trong khoảng ba tháng đầu, sau đó dần ổn định lại. Cường giáp trong thai kỳ đưa đến một số nguy cơ nhất định cho mẹ và bé.
4. Biến chứng nguy hiểm của bệnh cường giáp khi mang thai
Cường giáp nếu không được kiểm soát có thể gây một số biến chứng nặng như bão giáp hay biến chứng đặc hiệu liên quan sản khoa như tiền sản giật hoặc sản giật (huyết áp cao). Nếu mẹ có sẵn bệnh lý tim mạch, cường giáp cũng có thể làm bệnh trở nên khó kiểm soát hơn.
Theo diễn biến tự nhiên, bệnh Graves đôi khi cải thiện khá hơn trong ba tháng cuối thai kỳ mà không cần can thiệp gì bởi vì hoạt động miễn dịch của cơ thể người mẹ lúc này giảm xuống, tuy nhiên vẫn cần chú ý bệnh có khả năng bệnh hoạt động mạnh trở lại sau sinh.
Nguy cơ với em bé đến từ một trong ba lý do chính:
- Thứ nhất:
Tình trạng cường giáp ở mẹ khi không kiểm soát có thể dẫn đến nhịp tim nhanh ở em bé, thai nhỏ hơn so với bé khác ở cùng tuổi thai, thai lưu, sinh non, nhẹ cân lúc sinh hay thậm chí dị tật bẩm sinh bởi vì hormone giáp đi qua được nhau thai.
- Thứ hai:
Nếu nguyên nhân cường giáp là bệnh Graves, người mẹ có các kháng thể tự miễn trong máu gọi là thyroid stimulating immunoglobulin (TSI). Những kháng thể này cũng qua được nhau thai và trực tiếp kích hoạt tuyến giáp của bé để gây tình trạng cường giáp tương tự ở mẹ.
>> Xem thêm: Biến chứng của cường giáp và nguy cơ của cường giáp không điều trị
Như vậy, khác với cơ chế đầu tiên gây cường giáp cho bé là do hormone giáp của mẹ truyền sang, trong trường hợp này, cường giáp của bé do chính tuyến giáp của bé bị kích thích tăng hoạt động. Điều may mắn là nhau thai chỉ cho một phần kháng thể đi qua, do vậy bệnh cảnh này chỉ gặp khi lượng kháng thể TSI của mẹ rất cao.
Vì vậy, việc đo kháng thể TSI được các bác sĩ của bạn khuyến cáo thực hiện khi mới mang thai và nếu phát hiện tăng, có thể cần lặp lại khi thai kỳ 18-22 tuần để có kế hoạch kiểm soát lúc chuyển dạ và sau sinh. Khoảng 1-5% thai nhi của các phụ nữ bị bệnh Graves có cường giáp trong thai kỳ rơi vào tình huống nói trên.
Đôi khi các bất thường không được phát hiện khi mang thai mà chỉ xuất hiện ở giai đoạn sơ sinh, bởi vì sau khi sinh ít ngày, kháng thể của mẹ vẫn còn tồn tại trong người trẻ để tác động lên tuyến giáp của trẻ. Nếu mẹ được điều trị và kiểm soát bệnh trong thai kỳ bằng thuốc kháng giáp, nguy cơ bị cường giáp ở trẻ rất hiếm bởi vì thuốc kháng giáp cũng qua được nhau thai, giúp bình ổn chức năng tuyến giáp ở trẻ.
Tuy nhiên, một giai đoạn mà bạn cần chú ý là vài ngày sau sinh. Lúc này, trẻ không còn được nhận thuốc kháng giáp qua nhau thai từ mẹ hoặc chỉ nhận rất ít qua sữa mẹ, tuy nhiên kháng thể mà mẹ truyền qua vẫn còn tồn tại, do vậy cường giáp ở bé có thể bùng phát xung quanh thời điểm này.
Những bà mẹ chọn điều trị bằng phóng xạ hoặc phẫu thuật trước khi mang thai cũng cần chú ý bởi vì mặc dù tuyến giáp của mẹ đã được xử trí triệt để, kháng thể tự miễn TSI vẫn có thể còn tồn tại trong máu mẹ và truyền sang con, gây nguy cơ cường giáp cho con.
- Thứ ba:
Đến từ chính việc dùng thuốc kháng giáp của mẹ khi mang thai. Bất kỳ loại thuốc nào đều ít nhiều có tác dụng ngoại ý bên cạnh tác dụng điều trị mong muốn. Cả hai loại thuốc kháng giáp thường dùng đều qua được nhau thai, mức độ khác nhau đôi chút.
Do vậy, tùy thuộc từng thời điểm trong thai kỳ mà bác sĩ sẽ chỉ định dùng các loại thuốc phù hợp tương ứng. Ví dụ trong ba tháng đầu thai kỳ, khi các cơ quan của em bé đang được hình thành, bác sĩ cần chọn thuốc ít ảnh hưởng đến quá trình này.
Tuy nhiên, trong ba tháng giữa và ba tháng cuối thai kỳ, sự ảnh hưởng này dần giảm đi, bác sĩ thường sẽ quan tâm chọn thuốc có ít tác dụng phụ hơn. Nhìn chung, các thuốc kháng giáp sẽ được dùng với liều thấp nhất sao cho đủ kiểm soát chức năng tuyến giáp mà ít gây ảnh hưởng cho em bé.
Nếu điều trị quá mạnh, mẹ có thể đạt bình giáp (chức năng tuyến giáp về bình thường) nhưng lúc này, thuốc kháng giáp có thể làm giảm chức năng tuyến giáp ở con (suy giáp). Khi đó cơ thể em bé được báo hiệu rằng cơ thể đang thiếu hormone và cần tăng hoạt động sản xuất lên, dẫn đến bướu giáp.
Vì vậy, thông thường bác sĩ sẽ điều chỉnh liều thuốc không quá cao, chấp nhận giữ mẹ ở tình trạng cường giáp nhẹ để con đạt bình giáp.
5. Điều trị cường giáp khi mang thai
Như đã đề cập ở trên, có ba biện pháp điều trị căn nguyên cường giáp do bệnh Graves là thuốc kháng giáp, iod phóng xạ và phẫu thuật.
Sử dụng iod phóng xạ
Những phụ nữ đã biết bệnh từ trước và có kế hoạch mang thai có thể chọn lựa điều trị triệt để bằng iod phóng xạ hoặc phẫu thuật để hạn chế việc dùng thuốc trong thai kỳ.
Sử dụng thuốc kháng giáp
Những phụ nữ mới phát hiện bệnh khi có chỉ định dùng thuốc kháng giáp trong thai kỳ sẽ áp dụng chiến lược thuốc kể trên, với tần suất theo dõi chức năng tuyến giáp ít nhất một lần mỗi tháng. Iod phóng xạ không được dùng trong thai kỳ vì nguy cơ an toàn phóng xạ ảnh hưởng đến thai, đồng thời có thể phá hủy cả tuyến giáp của em bé.
Phẫu thuật
Phẫu thuật cắt tuyến giáp là phương pháp an toàn trước khi mang thai nhưng sẽ được bác sĩ hạn chế tối đa trong thai kỳ vì là biện pháp xâm lấn mạnh, trừ khi tình thế bắt buộc. Ngoài ra, để kiểm soát triệu chứng cường giáp, bác sĩ còn có thể chỉ định một số loại thuốc ức chế beta an toàn trong thai kỳ giúp bạn giảm run tay hay đánh trống ngực.
6. Lưu ý khi điều trị cường giáp thai kỳ sau sinh
Sau sinh là giai đoạn cần theo dõi chức năng tuyến giáp vì bệnh Graves có thể nặng lên. Nếu chưa biết bệnh từ trước và bệnh chỉ mới khởi phát trong vòng vài tháng đầu sau sinh, bác sĩ sẽ cần phân biệt với một tình trạng có triệu chứng lâm sàng tương tự là viêm giáp sau sinh, bởi vì phương pháp điều trị cho hai tình huống này không giống nhau.
Mẹ đang dùng thuốc kháng giáp trạng vẫn có thể cho con bú bình thường mà không cần theo dõi chức năng tuyến giáp ở con, miễn là dùng trong liều giới hạn theo chỉ định của bác sĩ.
7. Chế độ dinh dưỡng phòng ngừa bệnh cường giáp thai kỳ
Trong khoảng 18-20 tuần đầu tiên của thai kỳ, em bé phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn hormone giáp của mẹ để duy trì sự phát triển bình thường cho các cơ quan trong cơ thể (đặc biệt là não), bởi vì lúc này tuyến giáp của chính em bé chưa được hoàn thiện. Vào giữa thai kỳ, tuyến giáp của em bé đã tự sản xuất hormone riêng cho chính mình, tuy nhiên vẫn chưa đủ lượng theo nhu cầu và vì vậy tiếp tục cần nguồn iod từ mẹ.
Do đó, một chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất (đặc biệt là iod) của bà mẹ lúc mang thai rất cần thiết cho nhu cầu của cả bản thân lẫn sự phát triển của trẻ. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization – WHO), phụ nữ mang thai nên cung cấp đủ 250µg iod mỗi ngày, bất kể dưới dạng thức ăn hay thực phẩm chức năng.
Tóm lại, cường giáp khi mang thai là một vấn đề cần được quan tâm bởi những nguy cơ ảnh hưởng đến mẹ và bé. Thuốc kháng giáp là phương pháp điều trị chủ lực để kiểm soát tình trạng cường giáp do bệnh Graves trong thai kỳ.
>> Xem thêm: 3 nguyên nhân gây cường giáp phổ biến mà bạn cần lưu ý
Tài liệu tham khảo
Hyperthyroidism in Pregnancy: https://www.thyroid.org/hyperthyroidism-in-pregnancy/
VN-NONT-00074;exp:18/12/2025
- Các thể ung thư tuyến giáp: cách nhận biết và điều trị
- 5 cách phòng ngừa ung thư tuyến giáp đơn giản mà bạn cần lưu ý
- Rối loạn tuyến giáp trong thai kỳ là gì? Cường giáp và suy giáp thai kỳ
- 8 nguyên nhân gây suy giáp phổ biến mà bệnh nhân cần phòng ngừa
- Chẩn đoán suy giáp
- Triệu chứng lâm sàng của suy giáp
- Biến chứng của cường giáp và nguy cơ của cường giáp không điều trị
- Suy giáp - kẻ bắt chước vĩ đại
- Ai thuộc đối tượng mắc suy giáp? Nhận biết mắc suy giáp kịp thời
- Bệnh tuyến giáp và khả năng sinh sản
- Thuốc thay thế hormone giáp: Nguyên do thuốc không tác dụng tối ưu
- Chế độ dinh dưỡng cho người mắc bệnh tuyến giáp: Những điểm cần lưu ý