Rối loạn chức năng tuyến giáp: Thủ phạm gây hiếm muộn ở mỗi gia đình
Tuyến giáp là cơ quan chịu trách nhiệm sản xuất hormon giáp. Hormone giáp kiểm soát các quá trình chuyển hóa của bạn. Khả năng sinh sản của nam và nữ cũng bị ảnh hưởng bởi hormone giáp. Do vậy, rối loạn chức năng tuyến giáp có thể dẫn đến hiếm muộn, vô sinh.
1. Rối loạn chức năng tuyến giáp gồm những dạng nào?
Tuyến giáp có thể hoạt động quá mức (cường giáp) hoặc giảm hoạt động (suy giáp). Nguyên nhân thường gặp nhất của cường giáp trong độ tuổi sinh sản là bệnh Graves. Ngoài ra, một số người có thể gặp nhân độc giáp hoặc bướu giáp đa nhân hóa độc. Chúng là các bệnh lý lành tính, nhưng làm tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone.
Nguyên nhân phổ biến nhất của suy giáp là viêm giáp Hashimoto. Cả bệnh Graves và viêm giáp Hashimoto đều là các bệnh tự miễn. Trong dạng bệnh lý này, hệ miễn dịch không hoạt động đúng cách. Điều này dẫn đến sự tạo thành các tự kháng thể tác động lên tuyến giáp.
Bệnh Graves gây rối loạn chức năng tuyến giáp
>> Xem thêm: Đối tượng dễ có nguy cơ mắc suy giáp
2. Tuyến giáp kiểm soát khả năng sinh sản như thế nào?
Cường giáp và suy giáp đều ảnh hưởng xấu đến khả năng sinh sản. Chúng tác động đến khả năng mang thai và khả năng duy trì thai kỳ ổn định. Bản thân sự hiện diện của tự kháng thể, mặc dù chưa gây rối loạn chức năng tuyến giáp, cũng không tốt cho sức khỏe sinh sản.
TSH là một hormon của tuyến yên nhưng phản ánh hoạt động tuyến giáp. Khi rối loạn chức năng tuyến giáp, TSH sẽ thay đổi đầu tiên. TSH bất thường ảnh hưởng đến sự rụng trứng. Những bệnh nhân này có nửa sau của chu kỳ kinh nguyệt kéo dài bất thường.
Hiện tượng này xảy ra qua trung gian progesterone. Nếu vấn đề tuyến giáp không được điều trị, bệnh nhân có thể khó có thai do progesterone không phù hợp để thai làm tổ. Hậu quả là người bệnh dễ bị sảy thai hoặc sinh non.
Một số dấu hiệu của rối loạn progresterone là: chu kỳ kinh nguyệt dài hoặc ngắn hơn bình thường, thời gian hành kinh ngắn hoặc dài hơn bình thường, và lượng máu ít hay nhiều hơn bình thường.
Khả năng sinh sản không phải là vấn đề của riêng nữ giới. Rối loạn chức năng tuyến giáp ở nam ảnh hưởng đến khả năng có thai của cả cặp đôi. Chức năng tuyến giáp thay đổi tác động đến chất lượng và khả năng di động của tinh trùng. Điều này làm cho tinh trùng khó thâm nhập trứng thành công để thụ tinh (Hình 1) [1].
Rối loạn chức năng tuyến giáp ở nam làm tinh trùng khó thụ tinh với trứng [1]
Cường giáp và hiếm muộn
Việc sản xuất quá nhiều hormone giáp (cường giáp) gây rối loạn chu kỳ kinh nguyệt (nữ), giảm số lượng tinh trùng (nam). Nếu đã mang thai, cường giáp làm tăng nguy cơ sảy thai hoặc sinh non.
Suy giáp và hiếm muộn
Thiếu hormon giáp (suy giáp) có thể ảnh hưởng khả năng sinh sản thông qua: ảnh hưởng sự rụng trứng, gây rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, làm khó thụ thai, đồng thời tăng nguy cơ sảy thai và sinh non.
Suy giáp là nguyên nhân ảnh hưởng đến khả năng sinh sản
>> Xem thêm: Triệu chứng lâm sàng của cường giáp
Có một dạng suy giáp nhẹ gọi là suy giáp dưới lâm sàng. Lúc này, chỉ mới có nồng độ TSH từ tuyến yên thay đổi mà hormon giáp T3, T4 chưa bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, bản thân TSH đã đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát quá trình sinh sản. Do vậy, tình trạng này cũng được cho là một phần nguyên nhân vô sinh, hiếm muộn. Thông thường, ở cặp đôi đang được tham vấn điều trị hiếm muộn, nếu chỉ có suy giáp dưới lâm sàng mà không kèm thêm rối loạn chuyển hóa nào khác, bác sĩ có thể cho điều trị thử hormone giáp một thời gian ngắn.
Bệnh tự miễn và hiếm muộn
Như đã đề cập, bản thân sự hiện diện của bệnh Graves hoặc viêm giáp Hashimoto cũng ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Điều này xảy ra ngay cả khi nồng độ TSH còn bình thường. Bệnh tự miễn làm rối loạn hoạt động miễn dịch của cơ thể. Tình trạng này tạo nên các phản ứng viêm, miễn dịch bất thường. Chúng có thể dẫn đến hiếm muộn do làm trứng khó thụ tinh, phôi khó làm tổ và tăng nguy cơ sảy thai.
Nồng độ kháng thể có thể là một chỉ dấu quan trọng. Tự kháng thể càng cao thì chứng tỏ rối loạn miễn dịch càng nhiều. Những người với lượng tự kháng thể nhiều có thể gặp vấn đề với khả năng sinh sản cao hơn.
3. Bệnh nhân có thể làm gì để cải thiện khả năng sinh sản?
Vấn đề cốt lõi của rối loạn chức năng tuyến giáp cần được chẩn đoán và điều trị bởi bác sĩ. Mỗi bệnh nhân sẽ có phương pháp điều trị phù hợp riêng, tùy thuộc cường giáp hay suy giáp. Tuy nhiên, bản thân bạn có thể thực hiện một số thay đổi lối sống để tuyến giáp khỏe mạnh hơn để có thể điều trị vô sinh hiếm muộn. Chúng bao gồm chế độ dinh dưỡng và hoạt động thể lực.
Hoạt động thể lực giúp điều trị vô sinh hiếm muộn tốt hơn
Hoạt động thể lực không cần phải ở mức như vận động viên chuyên nghiệp. Chỉ cần khoảng 30 phút vận động mỗi ngày, cơ thể đã được luyện tập dẻo dai hơn. Tập luyện có thể giúp giảm cân. Đây là điều tích cực nếu như bạn đang thừa cân hay béo phì, đặc biệt ở người suy giáp. Khi suy giáp, cơ thể ít tiêu thụ năng lượng hơn, dễ dẫn đến thừa năng lượng.
Người bệnh suy giáp có nguy cơ tích mỡ và tăng cân. Béo phì lại tiếp tục ảnh hưởng khả năng sinh sản, từ đó làm nặng thêm tình trạng bệnh (Hình 2) [2]. Nên cân bằng giữa những bài tập tăng cường sức khỏe tim mạch và bài tập tăng sức bền. Cố gắng đặt mục tiêu giảm cân bền vững.
Béo phì ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Cần chú ý đến việc tăng cân ở người suy giáp [3]
>> Xem thêm: 10 dấu hiệu nhận biết bệnh suy giáp
Dinh dưỡng trong điều trị vô sinh hiếm muộn
Ngoài hoạt động thể lực, dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng không kém. Hạn chế sử dụng thức ăn chế biến sẵn, đồ hộp, phụ gia thực phẩm công nghiệp. Những loại thực phẩm này có thể gây rối loạn hoạt động miễn dịch nhiều hơn [3]. Điều đó làm cho các bệnh tự miễn như Graves hay viêm giáp Hashimoto khó kiểm soát hơn.
Một số chất dinh dưỡng, vi chất như vitamin D hay selen được tìm thấy là giúp ổn định phần nào rối loạn miễn dịch. Mặc dù hiệu quả chưa rõ ràng, chúng có thể góp phần cải thiện khả năng sinh sản ở người đang tìm kiếm điều trị hiếm muộn.
Vitamin D tự nhiên có nhiều trong cá hồi, cá mòi, cá ngừ, dầu gan cá tuyết, lòng đỏ trứng, nấm. Ngoài ra, một số sản phẩm có sẵn trên thị trường cũng được bổ sung vitamin D như sữa bò, sữa đậu nành, nước ép trái cây và ngũ cốc. Không nên tự ý sử dụng các thực phẩm chức năng hay vitamin D dạng thuốc bởi vì chúng có hàm lượng vitamin D cao. Nếu không cẩn thận, bạn có nguy cơ ngộ độc vitamin D. Các thuốc này cần được kê toa bởi bác sĩ.
Selen có hoạt tính chống oxi hóa tuyệt vời. Bởi vì là vi chất, cơ thể chúng ta chỉ cần rất ít selen mỗi ngày là đủ. Đa phần lượng này được cung cấp thông qua thịt, cá, gà, trứng, các loại rau xanh ăn hàng ngày mà không cần phải bổ sung thêm. Rau chân vịt hoặc quả macca là những thực vật giàu selen mà bạn có thể cân nhắc. Cũng tương tự như vitamin D, không nên tự ý sử dụng thực phẩm chức năng hoặc thuốc bổ sung selen.
Tóm lại, rối loạn chức năng tuyến giáp góp phần dẫn đến hiếm muộn, vô sinh. Nếu bệnh lý tuyến giáp được điều trị đúng mức, khả năng sinh sản có thể cải thiện tốt.
Tài liệu tham khảo:
- https://www.endocrineweb.com/thyroid-disorders-fertility
- Aiceles V, da Fonte Ramos C. A link between hypothyroidism, obesity and male reproduction. Horm Mol Biol Clin Investig. 2016 Jan;25(1):5-13
- https://www.foodnavigator.com/Article/2016/01/29/Industrialised-food-additives-raise-autoimmune-disease-risk-Review#
VN_GM_THY_178; exp:30/9/2024
- Bệnh cường giáp sống được bao lâu? Tiên lượng bệnh cường giáp
- Bướu giáp đa nhân: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp chẩn đoán và điều trị
- U tuyến giáp lành tính có cần mổ không? Chi tiết về u giáp lành tính!
- Có thể bạn chưa biết: Da khô, tóc khô cũng là triệu chứng của suy giáp
- Suy giáp gây tăng cân: Nguyên nhân, mức độ và sự ảnh hưởng của bệnh
- Lưu ý về chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư giáp và mẹo hữu ích
- Tiên lượng ung thư giáp: Các yếu tố tiên lượng và phương pháp điều trị
- Các loại biến chứng suy giáp ảnh hưởng trực tiếp đến tim mạch
- 10 triệu chứng suy giáp thường gặp người bệnh cần lưu tâm
- Sự tương đồng giữa suy giáp và trầm cảm, lo âu
- Những lưu ý khi ăn chay dành cho bệnh nhân tuyến giáp? Ưu nhược điểm
- Các thể ung thư tuyến giáp: cách nhận biết và điều trị