Suy giáp gây tăng cân: Nguyên nhân, mức độ và sự ảnh hưởng

Banner Banner
Banner

Suy giáp gây tăng cân: Nguyên nhân, mức độ và sự ảnh hưởng của bệnh

Thông tin được bảo trợ bởi Hội Tim Mạch Việt Nam

Khi lượng hormon tuyến giáp của bạn tiết ra giảm thấp hơn bình thường, bạn được chẩn đoán suy giáp. Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây suy giáp như bệnh lý tại tuyến giáp hoặc tuyến yên. Suy giáp gây ra nhiều triệu chứng trên các hệ cơ quan khác nhau, trong đó có tăng cân. Tăng cân không phải là biểu hiện đặc hiệu của suy giáp. Tuy nhiên, triệu chứng này thường là một trong những lý do làm cho bạn chú ý để có động thái tìm kiếm sự thăm khám và chẩn đoán của bác sĩ.

1. Mối liên hệ giữa hormon giáp và cân nặng là gì?

Đã từ lâu, người ta nhận thấy sự liên quan giữa chức năng tuyến giáp với cân nặng. Hormon giáp điều hòa tốc độ chuyển hóa trong cơ thể. Nói một cách đơn giản, chuyển hóa là khả năng cơ thể tiêu thụ oxy và các dưỡng chất để biến chúng thành năng lượng. 

Nhờ sự liên quan nói trên, trước đây bác sĩ đo tốc độ chuyển hóa cơ bản để đánh giá chức năng tuyến giáp [1]. Người suy giáp có tốc độ chuyển hóa thấp, trong khi người mắc cường giáp có tốc độ chuyển hóa cao. Ngày nay, hormon giáp là xét nghiệm trực tiếp và chính xác hơn do ít bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khác.

2. Mối liên hệ giữa suy giáp với tăng cân là gì? 

Ở người bình thường, sự tăng cân thường gặp nhất là do mất cân bằng giữa chế độ ăn và tập luyện. Ví dụ ăn nhiều thức ăn giàu năng lượng và/hoặc giảm vận động. Tuy nhiên, ở người suy giáp, bạn có thể thấy biểu hiện tăng cân rõ dù vẫn đang giữ cố định chế độ ăn và chế độ vận động không đổi (Hình 1) [2].

Mối liên hệ khi suy giáp gây tăng cân
Mối liên hệ khi suy giáp gây tăng cân

>> Xem thêm: Nguyên nhân suy giáp

3. Tại sao suy giáp gây tăng cân? 

Hormon giáp đóng vai trò chính trong việc điều hòa tốc độ chuyển hóa của bạn. Hoạt động chuyển hóa dễ nhận thấy nhất là tiêu thụ thức ăn, đốt các phân tử này để lấy năng lượng. Khi suy giáp, hormon giáp giảm thấp gây giảm chuyển hóa, giảm sinh nhiệt. Vì vậy, năng lượng được chuyển thành mỡ dự trữ và gây tăng cân.

Ngoài ra, hormon giáp thấp còn gây giảm hoạt động bài tiết nước của cơ thể, gây giữ muối, nước, góp phần tăng cân. Với những thay đổi này, nếu kết hợp thêm cả chế độ ăn dư thừa năng lượng, bạn sẽ thấy cân nặng tăng lên đáng kể (Hình 2) [3].

Suy giáp gây tăng cân vì cơ thể giữ nước và muối
Suy giáp gây tăng cân vì cơ thể giữ nước và muối

4. Tăng cân do suy giáp gây ảnh hưởng như thế nào?

Khác với những triệu chứng ít nguy hiểm như da khô hay sợ lạnh, biểu hiện tăng cân đôi khi có liên quan đến những tình trạng xấu của sức khỏe. Chúng bao gồm rối loạn lipid máu, đề kháng insulin, rối loạn đường huyết hoặc bệnh tim mạch. Vì vậy, suy giáp có thể gián tiếp ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thông qua việc tăng cân quá mức.

Ngoài ra, tăng cân có thể làm bạn cảm thấy không tự tin về hình ảnh của bản thân.

5. Suy giáp gây tăng cân nhiều như thế nào?

Thông thường, suy giáp gây tăng khoảng 5-10 pounds (tương đương 2.2-4.5 kg), tùy thuộc độ nặng của bệnh. Ít người tăng nhiều hơn mức này. Nếu tăng cân quá mức, bạn có thể kèm thêm vấn đề sức khỏe khác ngoài suy giáp.

6. Làm thế nào để quản lý cân nặng khi bị suy giáp?

Suy giáp gây tăng cân và phương pháp quản lý cân nặng
Suy giáp gây tăng cân và phương pháp quản lý cân nặng

>> Xem thêm: Suy giáp: Triệu chứng, đối tượng mắc bệnh và chế độ dinh dưỡng

Điều trị suy giáp bằng việc bổ sung hormon giáp là cách thức giúp đưa cân nặng về mức trước đây. Khi nồng độ hormon giáp trong cơ thể về ngưỡng bình thường, tốc độ chuyển hóa của cơ thể bạn được phục hồi. Từ đó, bạn có thể giảm cân nếu bạn không có nguyên nhân tăng cân nào ngoài suy giáp.

Trong quá trình điều trị, khi suy giáp chưa được kiểm soát hoàn toàn, bạn cần chủ động điều chỉnh chế độ ăn. Không nên ăn kiêng quá nghiêm ngặt, bởi vì thực tế mức độ tăng cân do suy giáp thường không quá lớn. Kiêng khem quá mức đôi khi gây thiếu vi chất dinh dưỡng và không đủ năng lượng để sinh hoạt, làm việc. Mức giảm trung bình 0.5-1 kg/tuần là phù hợp. Để đạt được điều này, hãy tính toán thâm hụt calo sao cho năng lượng ăn vào ít hơn năng lượng tiêu hao khoảng 500-1000 kcal/ngày. Ví dụ, bạn là người trưởng thành, làm công việc văn phòng hoặc lao động chân tay mức độ vừa phải. Nhu cầu năng lượng mỗi ngày ước tính khoảng 2000 kcal.

Để giảm cân, bạn nên thiết kế bữa ăn với tổng năng lượng khoảng 1000-1500 kcal/ngày. Hãy bắt đầu bằng việc cắt giảm những thực phẩm giàu năng lượng nhưng ít dưỡng chất, ví dụ bánh ngọt, nước ngọt, snack. Thay thế chúng bằng thức ăn ít calo như trái cây, rau củ, nước lọc, nước chanh. Có thể giảm một phần tinh bột trong bữa ăn và ưu tiên dùng ngũ cốc nguyên hạt thay cho tinh bột đã qua xử lý (bột mì, gạo trắng).

Ngoài dinh dưỡng, tập luyện là điều quan trọng để quản lý cân nặng. Một chế độ ăn giảm calo và một chế độ hoạt động thể lực đốt calo sẽ giúp bạn giảm cân. Chọn một môn thể thao hay hoạt động thể lực vừa sức và phù hợp sở thích, ví dụ đi bộ, chạy bộ, đạp xe, bơi hoặc đánh cầu lông. Nên thực hiện đều đặn ít nhất 5 ngày/tuần, mỗi ngày khoảng 60 phút. Có thể chia nhỏ các phiên nếu không đủ sức vận động liên tục kéo dài.

Tóm lại, tăng cân có thể là triệu chứng của suy giáp. Để quản lý cân nặng, cần phối hợp điều trị suy giáp bằng hormon giáp, thay đổi chế độ dinh dưỡng và tích cực hoạt động thể lực.

 

Tài liệu tham khảo

  1.  https://www.thyroid.org/thyroid-and-weight/
  2.  https://www.womenworking.com/6-signs-not-just-weight-gain-underactive-thyroid/
  3.  Ríos-Prego M, Anibarro L, Sánchez-Sobrino P. Relationship between thyroid dysfunction and body weight: a not so evident paradigm. Int J Gen Med. 2019;12:299-304. Published 2019 Aug 23. doi:10.2147/IJGM.S206983
  4.  https://www.healthline.com/health/hypothyroidism/managing-your-weight#Get-moving

VN_GM_CV_356;exp:30/7/2025

 

Copyrights © 2024 Không Một Mình - Sẻ chia lo âu, vững tâm vui sống. All rights reserved.