Bệnh nhân ung thư tuyến giáp nên ăn gì?
Ung thư tuyến giáp là gì?
Tuyến giáp là một tuyến nội tiết nhỏ hình cánh bướm nằm ở trước cổ của bạn. Tuyến giáp đóng vai trò sản xuất hormone giáp (T3 và T4) để điều hòa chuyển hóa của cơ thể. Thông thường khó nhận biết tuyến giáp khi sờ, trừ khi nó đủ lớn. Ung thư tuyến giáp xảy ra với những loại tế bào khác nhau tại tuyến giáp.
Có cần quan tâm chế độ ăn liên quan ung thư tuyến giáp?
Khác với một bệnh lý nội tiết phổ biến là đái tháo đường, người bệnh tuyến giáp nói chung và ung thư tuyến giáp nói riêng ít bị ảnh hưởng bởi chế độ ăn hơn. Tuy nhiên, cũng có một số chú ý về khẩu phần dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư tuyến giáp.
Liên quan đến vấn đề này, có nhiều khía cạnh như:
- Chế độ ăn phòng ngừa ung thư tuyến giáp;
- Chế độ ăn ở bệnh nhân đang mắc ung thư tuyến giáp;
- Chế độ ăn ở bệnh nhân sau khi đã điều trị khỏi ung thư tuyến giáp;
Nên ăn gì để phòng ngừa ung thư tuyến giáp?
Trước hết cần nhấn mạnh, không có một chế độ ăn nào phòng ngừa tuyệt đối ung thư tuyến giáp. Thay vào đó, bác sĩ dựa trên những yếu tố nguy cơ đã biết để hạn chế tối đa nguy cơ ung thư có thể.
Những yếu tố nguy cơ đã được chứng minh liên quan đến ung thư tuyến giáp và khả năng sống còn sau ung thư là tình trạng đề kháng insulin, thừa cân, béo phì, thừa lượng mỡ cơ thể và mỡ quanh tuyến giáp hoặc giảm khối lượng cơ [1-3].
Dựa trên những bằng chứng này, Quỹ Nghiên cứu Ung thư Thế giới (World Cancer Research Fund) và Viện Nghiên cứu Ung thư Hoa Kỳ (American Institute for Cancer Research) đề xuất một vài khuyến cáo chung liên quan [4]. Chúng giúp bạn lựa chọn thực phẩm cũng như hoạt động thể lực nhằm giảm nguy cơ mắc các loại ung thư nói chung và ung thư tuyến giáp nói riêng (Hình 1). Chúng bao gồm:
- Ăn nhiều rau mỗi ngày;
- Chọn ngũ cốc nguyên hạt thay vì tinh chế;
- Sử dụng nguồn đạm thực vật từ các loại đậu;
- Hạn chế thịt đã qua chế biến, đường và rượu bia;
- Hoạt động thể lực tích cực để duy trì cân nặng khỏe mạnh;

Có thể thấy, chế độ ăn lành mạnh cho bệnh nhân ung thư tuyến giáp đặt trọng tâm vào [1]:
- Rau củ;
- Trái cây
- Ngũ cốc nguyên hạt;
- Tăng cường sử dụng đạm từ thực vật hoặc thịt trắng (gà, cá);
- Sử dụng có giới hạn thịt đỏ (heo, bò);
Nên ăn gì nếu đã bị ung thư tuyến giáp?
Nhìn chung, chế độ ăn cho bệnh nhân ung thư tuyến giáp không khác biệt nhiều với người khỏe mạnh. Nghĩa là, bạn vẫn nên duy trì các thực phẩm lành mạnh và hạn chế thực phẩm ít có lợi cho sức khỏe.
Tuy nhiên, nếu bạn được bác sĩ chỉ định điều trị với iod phóng xạ, bạn có thể cần phải áp dụng chế độ ăn giảm iod trong một thời gian.
Tại sao cần ăn giảm iod nếu điều trị với iod phóng xạ?
Nguyên tắc của phương pháp này là đưa iod có hoạt tính phóng xạ vào cơ thể bạn. Do đặc tính thích bắt giữ iod, tuyến giáp của bạn sẽ thu nhận phần lớn lượng iod uống vào. Khi đến nơi, phân tử phát ra các tia xạ để tiêu diệt tế bào ung thư còn sót lại.
Để cơ thể hấp thụ iod phóng xạ tốt nhất, trước đó bạn cần để tuyến giáp bị “đói” iod. Điều này đạt được bằng cách thực hiện chế độ ăn giảm iod.
Cần ăn giảm iod trong bao lâu?
Theo khuyến cáo của bác sĩ, bạn cần ăn giảm iod trong khoảng 1-2 tuần trước khi bắt đầu uống iod phóng xạ và có thể thêm 2-3 ngày sau khi điều trị. Việc kéo dài thêm chế độ ăn này không cho thấy làm tăng hiệu quả. Do vậy, chỉ cần ăn ít iod trong khoảng hai tuần là hợp lý [5].
Như thế nào là chế độ ăn giảm iod?
Để biết thế nào là chế độ ăn giảm iod, cần nhận biết những thực phẩm chứa lượng iod lớn. Chúng bao gồm: phần lớn thực phẩm từ biển (cá, tôm, cua, động vật có vỏ, rong biển, kể cả thực phẩm chức năng bổ sung calci có nguồn gốc từ vỏ hàu).
Những thức ăn khác có nhiều iod là lòng đỏ trứng, sữa và sản phẩm từ sữa, đậu nành, chocolate. Rau củ thường không chứa quá nhiều iod, ngoại trừ khoai tây, một vài rau lá xanh hay hành. Trái cây giàu iod là mận và các quả mọng (berries).
Thực phẩm chế biến sẵn và đồ ăn tại nhà hàng, tiệm ăn thường được nấu với muối iod, do vậy cũng được xem là chứa iod.

Theo khuyến cáo của Hiệp hội Tuyến giáp Hoa Kỳ, chế độ ăn phù hợp với bệnh nhân trong giai đoạn trước khi uống iod phóng xạ là <50 ug iod/ngày. Một cách đơn giản, bạn nên hạn chế tối đa những thực phẩm kể trên và sử dụng muối không chứa iod trong quá trình nấu nướng. Các nguyên liệu khác được sử dụng bình thường.
Chế độ ăn giảm iod có hiệu quả với mọi loại ung thư tuyến giáp?
Iod phóng xạ hiệu quả với những loại ung thư mà tế bào tuyến giáp vẫn còn mang đặc tính bắt giữ iod giống tế bào bình thường. Iod phóng xạ không hiệu quả với ung thư tuyến giáp không biệt hóa. Do vậy, bạn không cần ăn giảm iod trong trường hợp này.
Điều gì xảy ra nếu không thực hiện chế độ ăn giảm iod?
Không giảm đủ iod sẽ làm cho tuyến giáp của bạn giảm khả năng bắt giữ iod phóng xạ trong lúc điều trị. Nói cách khác, hiệu quả điều trị sẽ giảm.
Nên ăn gì sau khi đã điều trị khỏi ung thư tuyến giáp?
Sau khi phẫu thuật và/hoặc uống iod phóng xạ, bạn có thể được theo dõi thêm một thời gian để kết luận thực sự khỏi bệnh. Bởi vì tuyến giáp đã bị cắt bỏ hoàn toàn, cơ thể bạn không tự sản xuất được hormone giáp nữa. Lúc này bác sĩ sẽ chỉ định uống hormone giáp mỗi ngày để thay thế cho lượng hormone bị thiếu hụt.
Việc uống hormone giáp nhìn chung đơn giản. Tuy nhiên, sự hấp thu thuốc dễ bị ảnh hưởng bởi thức ăn, do đó bạn cần tránh ăn thức ăn hoặc thực phẩm bổ sung sau đây gần với thời điểm uống thuốc: đậu nành, sắt, calci và cà phê. Chất xơ cũng có khả năng làm giảm hấp thu thuốc, do đó nên chọn bữa ăn ít chất xơ vào cữ uống thuốc (thường được chọn là buổi sáng) [6]. Bạn vẫn có thể sử dụng các thực phẩm nói trên vào những bữa khác trong ngày để đảm bảo dinh dưỡng và phù hợp sở thích.
Tóm lại, bệnh nhân ung thư tuyến giáp có một số lưu ý về chế độ dinh dưỡng trong khi đang điều trị và sau khi đã điều trị khỏi bệnh. Người khỏe mạnh cũng có một số mẹo chọn thực phẩm lành mạnh để hạn chế nguy cơ mắc ung thư.
Tài liệu tham khảo
- Tang Y, Yan T, Wang G, et al. Correlation between insulin resistance and thyroid nodule in type 2 diabetes mellitus. Int J Endocrinol. 2017:1617458.
- Schmid D, Ricci C, Behrens G, et al. Adiposity and risk of thyroid cancer: a systematic review and meta-analysis. Obes Rev. 2015;16(12):1042-1054.
- National Cancer Institute. Moving Beyond BMI: Low Muscle Mass May Affect Cancer Survival. 2018. Available at Liu RH. Health-Promoting Components of Fruits and Vegetables in the Diet. Adv Nutr, 2013;4(3):384S–392S.
- World Cancer Research Fund. Cancer prevention recommendations. Available at www.wcrf.org/dietandcancer/cancer-prevention-recommendations. Accessed October 28, 2022.
- Haugen BR, Alexander EK, Bible KC, et al. 2015 American Thyroid Association Management Guidelines for Adult Patients with Thyroid Nodules and Differentiated Thyroid Cancer: The American Thyroid Association Guidelines Task Force on Thyroid Nodules and Differentiated Thyroid Cancer. Thyroid. 2016;26(1):1-133
- Jonklaas J, Bianco AC, Bauer AJ, et al. Guidelines for the treatment of hypothyroidism: prepared by the american thyroid association task force on thyroid hormone replacement. Thyroid. 2014;24(12):1670-1751
VN_GM_THY_192; exp: 31/12/2022
Những câu hỏi thường gặp về ung thư giáp
Bệnh nhân mổ tuyến giáp có nguy cơ mất giọng không?
Điều trị ung thư giáp có ảnh hưởng khả năng sinh sản hay không?
Suy giáp bẩm sinh có biểu hiện như thế nào?
Khi nào mẹ bầu cần tầm soát bệnh lý tuyến giáp?
Ung thư tuyến giáp sống được bao lâu?
Mẹ bầu suy giáp có nguy cơ gì?
Khi nào cần tầm soát ung thư tuyến giáp?
Những câu hỏi thường gặp về suy giáp
Ung thư tuyến giáp có thể chữa khỏi không?