5 cách quản lý đường huyết của bạn trong dịp lễ Tết

5 CÁCH QUẢN LÝ ĐƯỜNG HUYẾT CỦA BẠN TRONG DỊP LỄ TẾT

5 CÁCH QUẢN LÝ ĐƯỜNG HUYẾT CỦA BẠN TRONG DỊP LỄ TẾT

  Thông tin được bảo trợ bởi Hội Tim Mạch Việt Nam

Hạn chế việc ăn, uống quá nhiều và kiểm soát những căng thẳng trong các ngày lễ thực sự không đơn giản. Điều đó còn khó khăn hơn khi bạn đang có những bệnh lý mãn tính như bệnh đái tháo đường. Những ngày Tết, cuộc sống người bệnh đái tháo đường bị đảo lộn rất nhiều so với ngày thường: ăn, ngủ không đúng giờ, ăn vặt do phải tiếp khách liên tục, quên uống thuốc, thậm chí có thể hết thuốc mà chưa kịp mua, uống nhiều bia rượu, cà phê, thuốc lá. Ngoài ra, người bệnh còn phải ăn nhiều hơn ngày bình thường, mà hầu hết các món ăn phổ biến dịp Tết đều chứa rất nhiều chất đường, chất bột và chất béo. Hãy theo một số hướng dẫn dưới đây để giúp bạn kiểm soát tốt hơn tình trạng đường huyết của mình trong ngày lễ Tết.

1. Giữ nếp sinh hoạt như ngày thường

Để kiểm soát mức đường huyết của bạn như ngày thường, hãy giữ những thói quen sinh hoạt như bình thường: cố gắng thức và ngủ đúng giờ vì giấc ngủ đóng vai trò rất quan trọng đối với bệnh nhân ĐTĐ do nó ảnh hưởng đến tình trạng đề kháng insulin. Duy trì việc tập thể dục vì đây là biện pháp giúp bạn tiêu hao đi các năng lượng dư thừa đến từ các buổi ăn, liên hoan ngày Tết. Hãy nhớ việc mang theo và sử dụng thuốc điều trị ĐTĐ cũng như các thuốc khác theo hướng dẫn của bác sĩ trong suốt ngày Tết.

2. Kiểm tra đường huyết của bạn thường xuyên

Nếu bạn đang dùng insulin hoặc thuốc hạ đường huyết, hãy kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên hơn trong các ngày lễ, đặc biệt là trước khi lái xe hoặc trước khi sử dụng insulin.

3. Kiểm soát chế độ ăn uống của bạn

Tiêu chí để 'thiết kế' được thực đơn lý tưởng trong những ngày Tết cho bệnh nhân đái tháo đường là lựa chọn những loại thức ăn có chỉ số đường huyết thấp để sau khi ăn, đường huyết của người bệnh không bị tăng đột ngột:

  • Những món ăn như bánh chưng, bánh tét hay bánh dày làm từ nếp chứa rất nhiều tinh bột là những món truyền thống không thể thiếu trong ngày Tết. Việc ăn quá mức có thể dẫn đến việc tăng lượng đường trong máu. Nên ăn ít hơn số lượng cho phép một chút để đảm bảo mức đường huyết của bạn ổn định.
  • Dịp Tết mọi người thường hay ăn các loại thịt kho, thịt đông, lạp xưởng hay giò thủ. Đây là những chất được xếp vào nhóm đạm tuy nhiên các thực phẩm này lại chứa nhiều mỡ và lượng muối cao. Điều này cũng không tốt cho bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường, tim mạch. Những món trên nên được hạn chế và chỉ ăn khoảng 1-2 lần trong suốt dịp Tết.
  • Nên ăn nhiều loại rau xanh như bông cải xanh, bí ngô, đậu, cà rốt, hành tây. Hạn chế ăn ngô, khoai tây, khoai lang. Hoa quả thì nên lựa chọn bưởi, dâu tây, đào, táo, cam, đu đủ…
  • Mứt, bánh kẹo và nước ngọt có ga được sử dụng khá nhiều trong những ngày Tết là những thực phẩm có hàm lượng đường cao. Người bệnh đái tháo đường tốt nhất không nên tiêu thụ nhiều nhóm thực phẩm này. Cân nhắc sử dụng chất thay thế đường bột khi sử dụng cafe hoặc trà. Hãy thử sử dụng nước lọc hoặc trà trong những buổi trò chuyện trong dịp Tết để thay thế cho các loại nước ngọt.

>> Xem thêm: Chế độ ăn DASH cho bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2

4. Kiểm soát lượng cồn tiêu thụ

Rượu bia ngày Tết là điều khó tránh khỏi xong việc uống rượu có thể gây hạ đường huyết. Tuyệt đối không uống rượu khi bụng đói. Hãy chắc chắn kiểm tra lượng đường trong máu của bạn thường xuyên hơn sau khi uống rượu. Khuyến nghị đối với rượu không quá một ly (200 ml) mỗi ngày đối với phụ nữ và không quá hai đơn vị mỗi ngày đối với nam giới. Đối với người sử dụng insulin có sử dụng rượu bia nên kiểm tra lại đường huyết trước khi đi ngủ, nếu thấy đường huyết hạ dưới ngưỡng bình thường nên ăn nhẹ để bổ sung.

5. Hãy nghĩ đến ý nghĩa thực sự của ngày Tết

Mặc dù có rất nhiều điều cần phải cân nhắc trong việc lựa chọn chế độ dinh dưỡng trong ngày Tết, tuy nhiên bạn cũng không vì vậy mà kiên khem quá mức. Thay vì tập trung quá nhiều vào việc ăn uống, rượu bia, chúng ta hãy dành nhiều thời gian hơn để trò chuyện, dành thời gian cho các buổi sinh hoạt trong gia đình như đúng ý nghĩa của Tết. Tết là một ngày lễ lớn trong năm và nó chỉ ý nghĩa nhất khi chúng ta chuẩn bị cho mình một sức khỏe thật tốt để tận hưởng những khoảnh khắc này.

>> Xem thêm: Người mắc đái tháo đường cần luyện tập thể dục như thế nào?

 

Nguồn tham khảo:

1. https://www.rush.edu/health-wellness/discover-health/holidays-and-diabetes

2. https://health.clevelandclinic.org/10-holiday-survival-tips-if-you-have-diabetes-2/

VN-NOND-00112;exp:15/11/2025 

Copyrights © 2024 Không Một Mình - Sẻ chia lo âu, vững tâm vui sống. All rights reserved.