Ảnh hưởng của đái tháo đường thai kỳ đối với sản phụ và thai nhi
Tiểu đường thai kỳ là một trong những vấn đề sức khỏe rất đáng quan tâm mà các sản phụ có thể gặp phải trong quá trình mang thai. Bệnh không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người mẹ mà còn tác động đến sự phát triển và an toàn của thai nhi. Bài viết này sẽ cung cấp thông tin chi tiết về bệnh đái tháo đường thai kỳ, giúp bạn nâng cao kiến thức bảo vệ sức khỏe cho mẹ và bé.
1. Hiểu rõ về đái tháo đường (tiểu đường) thai kỳ
1.1. Tiểu đường thai kỳ là gì?
Đái tháo đường thai kỳ (còn gọi là tiểu đường thai kỳ) là tình trạng rối loạn dung nạp glucose, xuất hiện hoặc được chẩn đoán lần đầu trong thai kỳ, thường xuất hiện từ tuần thai thứ 24-28. Bệnh này thường không có triệu chứng rõ rệt nên rất khó phát hiện và thường biến mất sau khoảng 6 tuần sau sinh. [1]
Nguyên nhân dẫn đến bệnh đái tháo đường thai kỳ:
Nguyên nhân chính của tiểu đường thai kỳ chưa được xác định rõ ràng [1] , nhưng có một số yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến bệnh đái tháo đường thai kỳ:
- Tiền sử gia đình: Có người thân trong gia đình mắc tiểu đường. [2]
- Cân nặng: Thừa cân hoặc béo phì trước khi mang thai.
- Tiền sử cá nhân: Tiền sử mắc tiểu đường thai kỳ trong lần mang thai trước. [1]
- Tuổi: Phụ nữ trên 35 tuổi có nguy cơ cao hơn.
- Tiền sử sinh con lớn: Sinh con nặng hơn 4 kg trong lần mang thai trước.
- Có tiền sử về sản khoa bất thường như thai chết lưu không rõ nguyên nhân, sẩy thai liên tiếp không rõ nguyên nhân, sinh non, và thai nhi bị dị tật.
- Người Châu Á là chủng tộc có nguy cơ dễ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ. [1]
- Bị hội chứng buồng trứng đa nang. [2]
1.2. Ảnh hưởng của tiểu đường thai kỳ
Tiểu đường thai kỳ là một vấn đề sức khỏe rất quan trọng do ảnh hưởng không chỉ đến sức khỏe của phụ nữ mang thai mà còn đến sức khỏe của thai nhi. Dưới đây là một số điểm quan trọng về việc nhận biết và quản lý tiểu đường thai kỳ:
- Ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ: Tiểu đường thai kỳ có thể tăng nguy cơ phát triển các vấn đề sức khỏe như tiểu đường type 2 sau này, tiền sản giật và các vấn đề về tim mạch. Việc điều trị và kiểm soát tiểu đường thai kỳ là quan trọng để giảm nguy cơ này và đảm bảo sức khỏe của mẹ.
- Ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi: Thai nhi của mẹ mắc tiểu đường thai kỳ có nguy cơ cao bị sinh non, tức là sinh trước tuần thứ 37 của thai kỳ. Sinh non có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nguy hiểm như rối loạn hô hấp, phát triển cơ thể và hậu quả nghiêm trọng sức khỏe về sau của trẻ.
- Nguy cơ dài hạn cho cả mẹ và bé: Ngoài các ảnh hưởng ngay lập tức, tiểu đường thai kỳ cũng tăng nguy cơ phát triển tiểu đường type 2 cho cả mẹ và bé trong tương lai. Bên cạnh đó, các biến chứng của tiểu đường thai kỳ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của cả mẹ và bé sau này.
Việc nhận biết và kiểm soát tiểu đường thai kỳ không chỉ quan trọng cho sức khỏe của mẹ và bé mà còn là một phần không thể thiếu của chăm sóc thai kỳ toàn diện. Đảm bảo rằng mẹ và bé nhận luôn được chăm sóc và quan sức khỏe để giảm thiểu nguy cơ các biến chứng trong quá trình mang thai.
1.3. Vì sao mẹ bầu thường dễ bị tiểu đường thai kỳ?
Nguyên nhân chính dẫn đến tiểu đường thai kỳ là do sự thay đổi về nội tiết tố và chuyển hóa trong cơ thể của người phụ nữ mang thai. Khi mang thai, cơ thể sản xuất một số hormone như hormone nhau thai, hormone tuyến yên và cortisol, những hormone này có tác dụng chống lại insulin, làm tăng lượng đường trong máu. Đồng thời, trong quá trình mang thai mẹ bầu sẽ thường bị tăng cân đây cũng là yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ.
>> Xem thêm: Theo dõi đường huyết tại nhà: tầm quan trọng và cách thực hiện
2. Chỉ số đái tháo đường thai kỳ bình thường ở sản phụ
2.1. Chỉ số đường huyết sản phụ của lần khám thai đầu
Khi sản phụ có những dấu hiệu nghi ngờ bị tiểu đường thai kỳ thì quy trình chẩn đoán thường bắt đầu bằng các xét nghiệm đường huyết. Loại xét nghiệm phổ biến bao gồm: xét nghiệm đường huyết khi đói, xét nghiệm HbA1C, xét nghiệm đường huyết ngẫu nhiên.
- Nếu đường huyết khi đói nằm trong khoảng từ 5,1 đến 7 mmol/l cho thấy thai phụ đang gặp vấn đề về tiểu đường thai kỳ.
- Nếu đường huyết khi đói cao hơn 7 mmol/l hoặc đường huyết ngẫu nhiên đo trên 11,1 mmol/L, hoặc chỉ số HbA1C vượt quá 6,5%, thì có thể kết luận mẹ bầu đang mắc tiểu đường thai kỳ.
Tuy nhiên, nếu đường huyết khi đói thấp hơn 5,1 mmol/l, cần tiến hành xác định lại bằng nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống khi thai từ 24 - 28 tuần tuổi. Giúp xác định rõ về tình trạng đường huyết của thai phụ và xác định sự phát triển của tiểu đường thai kỳ.
2.2. Chỉ số đường huyết sản phụ khi khám thai tuần 24 - 28
Khi đo chỉ số đường huyết theo cách này, bác sĩ sẽ cho sản phụ xét nghiệm dung nạp glucose để đánh giá chính xác tình trạng đường huyết của mẹ bầu. Quy trình sẽ diễn ra như sau:
- Nhịn đói ít nhất 8 giờ: Sản phụ sẽ không ăn gì ít nhất 8 giờ trước khi tiến hành xét nghiệm. Vì đường huyết lúc đói sẽ được đo chính xác nhất.
- Uống glucose: Sau đó, mẹ bầu sẽ được uống một lượng glucose khoảng 75g.
- Đo nồng độ glucose trong máu: Bác sĩ sẽ lấy mẫu máu từ thai phụ khoảng 1 đến 2 giờ sau khi uống glucose để đo nồng độ glucose trong máu.
- Đánh giá kết quả: Dựa trên kết quả của xét nghiệm, bác sĩ sẽ đánh giá nguy cơ tiểu đường thai kỳ theo chỉ số như sau:
Nếu chỉ số glucose máu khi đói vượt quá 7mmol/l, có thể chẩn đoán thai phụ bị đái tháo đường lâm sàng. Mức đường huyết ở trạng thái đói đã cao, đây là một dấu hiệu tiềm ẩn của tiểu đường.
Khi một trong ba chỉ số glucose máu đo được vượt quá mức sau thì có thể chẩn đoán mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ:
- Chỉ số glucose máu khi đói: Nếu đường huyết khi đói đo trên 5,1 mmol/l, đây có thể là dấu hiệu của tiểu đường thai kỳ.
- Chỉ số glucose máu sau khi uống glucose 1 giờ: Nếu đường huyết đo trên 10 mmol/l sau khi uống glucose trong khoảng 1 giờ, cũng có thể là một biểu hiện của tiểu đường thai kỳ.
- Chỉ số glucose máu sau khi uống glucose 2 giờ: Nếu đường huyết vượt quá 8,5 mmol/l sau khi uống glucose trong khoảng 2 giờ, cũng là một dấu hiệu tiềm ẩn của tiểu đường thai kỳ.
3. Tác động của đái tháo đường thai kỳ
3.1. Đối với sản phụ
Dưới đây là một số tác động của tiểu đường thai kỳ đối với sản phụ:
- Tăng nguy cơ mắc các biến chứng: Sản phụ mắc tiểu đường thai kỳ thường có nguy cơ cao mắc các biến chứng như tăng huyết áp, tiền sản giật và nhiễm trùng đường tiết niệu [2]. Đây là những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến cả sức khỏe của mẹ bầu.
- Tác động đến các cơ quan: Tiểu đường thai kỳ cũng có thể gây ra các vấn đề về tim mạch, thận và các cơ quan khác trong cơ thể của sản phụ. Các cơ quan này bị tổn thương và suy giảm chức năng có thể gây ra nhiều biến chứng sức khỏe nghiêm trọng.
- Tăng nguy cơ sinh non và sinh mổ: Thai phụ mắc tiểu đường thai kỳ thường có nguy cơ sinh non cao hoặc sinh mổ [2]. Tình trạng này có thể do tiểu đường tác động lên quá trình phát triển của thai nhi, cũng như do các biến chứng sức khỏe của sản phụ gây ra.
- Nguy cơ nhiễm trùng hoặc chảy máu sau sinh: Sản phụ mắc tiểu đường thai kỳ sẽ dễ nhiễm trùng hoặc chảy máu sau khi sinh do sự suy giảm miễn dịch hoặc các vấn đề khác do tình trạng tiểu đường gây ra.
>> Xem thêm: Chế độ dinh dưỡng và tập luyện cho bệnh nhân đái tháo đường
3.2. Đối với thai nhi
Dưới đây là một số tác động khác của tiểu đường thai kỳ đối với thai nhi:
- Sản phụ mắc tiểu đường thai kỳ có nguy cơ cao hơn gặp các vấn đề thai sản như sảy thai, thai lưu và dị tật bẩm sinh ở thai nhi. [2]
- Tăng trọng lượng thai quá mức: Thai nhi phát triển quá mức chính là kết quả của glucose được vận chuyển từ mẹ sang thai nhi. Glucose này kích thích tụy của thai nhi tiết ra insulin, làm tăng năng lượng của thai nhi và thúc đẩy quá trình phát triển của thai lớn.
- Các vấn đề về hô hấp: Hội chứng nguy kịch hô hấp ở trẻ sơ sinh đáng lo ngại, chiếm tỷ lệ tử vong hàng đầu lên đến 30% trong số trẻ sơ sinh sinh ra từ các sản phụ mắc tiểu đường.
- Vàng da sơ sinh: Việc tăng hủy hemoglobin có thể dẫn đến sự tăng bilirubin trong huyết thanh, gây ra tình trạng vàng da sơ sinh, xảy ra ở khoảng 25% số trường hợp của các thai phụ mắc tiểu đường khi mang thai.
4. Biểu hiện của đái tháo đường thai kỳ
Biểu hiện của đái tháo đường trong thai kỳ có thể bao gồm:
- Tăng cân nhanh chóng: Một trong những biểu hiện đái tháo đường thai kỳ thường là tăng cân đột ngột ở giai đoạn đầu của thai kỳ. Xuất phát từ việc tăng cường sản xuất insulin để đối phó với mức đường trong máu cao.
- Thèm ăn và cảm giác đói: Tăng insulin trong máu có thể khiến cơ thể cảm thấy đói thường xuyên, mặc dù lượng calo đã được tiêu thụ đủ. Dẫn đến luôn luôn bị thèm ăn và tăng cân nhanh chóng.
- Thường xuyên tiểu: Một trong những triệu chứng phổ biến của đái tháo đường thai kỳ là tần suất tiểu tăng lên, đặc biệt là vào ban đêm. Do cơ thể cố gắng loại bỏ glucose dư thừa qua nước tiểu để giảm mức đường trong máu.
- Mệt mỏi và căng thẳng: Do cơ thể không thể sử dụng glucose một cách hiệu quả để cung cấp năng lượng cho các tế bào, nên người bị đái tháo đường thường cảm thấy mệt mỏi và căng thẳng, đặc biệt là sau khi ăn.
- Dấu hiệu đau: Một số sản phụ có thể trải qua đau đầu, đau bụng dưới và cảm giác mệt mỏi, do tác động của biến đổi hormone và sự biến đổi của cơ thể trong quá trình mang thai.
- Khát nước: Sự thay đổi nồng độ glucose trong máu có thể làm tăng cảm giác khát, do cơ thể cố gắng loại bỏ glucose dư thừa qua nước tiểu.
5. Cách kiểm soát đái tháo đường thai kỳ
5.1. Có chế độ dinh dưỡng phù hợp
Chế độ dinh dưỡng phù hợp có thể giúp kiểm soát đái tháo đường trong thai kỳ và đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi. Dưới đây là một số thông tin chi tiết và hướng dẫn:
Cân bằng carbohydrate:
- Hãy ưu tiên lựa chọn các loại carbohydrate phức hợp có chỉ số đường huyết thấp như ngũ cốc nguyên hạt, lúa mì nguyên hạt, gạo lứt, khoai lang, bí đỏ, cà rốt và đậu.
- Hạn chế sử dụng các loại carbohydrate tinh chế như đường, bánh mì trắng, bánh kẹo, đồ ngọt và thực phẩm chế biến sẵn, có thể gây tăng đột ngột đường huyết.
Chia khẩu phần ăn đều:
- Hãy ăn nhỏ nhiều bữa trong ngày để giúp kiểm soát đường huyết ổn định hơn.
- Phân chia khẩu phần ăn thành ba bữa chính và 2-3 bữa phụ. Mỗi bữa ăn nên cung cấp một lượng nhỏ carbohydrate, protein và chất béo lành mạnh.
Tăng cường protein và chất béo lành mạnh:
- Protein và chất béo lành mạnh giúp no lâu hơn và kiểm soát đường huyết tốt.
- Lựa chọn các nguồn protein như thịt gà không da, cá hồi, trứng, đậu và các loại hạt như hạt hướng dương, hạt hạnh nhân, hạt óc chó.
Uống đủ nước:
- Cân bằng nước trong cơ thể là quan trọng để kiểm soát đường huyết.
- Hãy uống đủ nước hàng ngày, khoảng 8-10 ly nước, tránh đồ uống có đường và chứa caffeine như cà phê và nước ngọt có gas.
Chú ý đến lượng calo:
- Điều chỉnh lượng calo nạp vào hàng ngày để duy trì cân nặng lý tưởng và kiểm soát đường huyết.
- Tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị để đảm bảo lượng calo phù hợp, đặc biệt là trong những giai đoạn quan trọng của thai kỳ.
5.2. Duy trì cân nặng ở mức ổn định như trước khi mang thai
Việc giữ cân nặng ổn định giúp giảm áp lực lên cơ thể, đặc biệt là hệ thống nội tiết và quá trình trao đổi chất, quản lý mức đường huyết hiệu quả hơn và hạn chế tình trạng tăng đường huyết đột ngột. Khi cân nặng ổn định giúp tăng hiệu quả của insulin giảm nguy cơ các biến chứng liên quan đến đái tháo đường thai kỳ như tiền sản giật, sinh non và các vấn đề về phát triển của thai nhi.
Đồng thời, cân nặng ổn định còn cải thiện sức khỏe của bà bầu duy trì mức đường huyết ổn định, tăng cường năng lượng và giảm căng thẳng. Yêu cầu một chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh, thiết lập thói quen ăn uống tốt bao gồm đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng như protein, chất xơ, vitamin và khoáng chất. Bên cạnh đó, duy trì cân nặng ổn định cũng cần kết hợp với hoạt động thể chất thường xuyên như đi bộ, yoga, giúp kiểm soát mức đường huyết và cải thiện tâm trạng.
5.3. Vận động nhẹ nhàng
Vận động nhẹ nhàng là một cách hiệu quả để giúp kiểm soát tình trạng này. Các bài tập nhẹ như đi bộ, bơi lội , và yoga không chỉ giúp cơ thể sử dụng insulin tốt hơn mà còn mang lại nhiều lợi ích khác. Vận động đều đặn giúp giảm nguy cơ biến chứng, cải thiện sức khỏe tim mạch và nâng cao tinh thần.
Bà bầu nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu bất kỳ chương trình tập luyện nào để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé. Khi tập, cần theo dõi sức khỏe và dừng lại ngay nếu có dấu hiệu bất thường. Hãy luôn duy trì thói quen uống đủ nước trong suốt quá trình tập luyện. Vận động nhẹ nhàng không chỉ giúp kiểm soát đái tháo đường thai kỳ mà còn mang lại một thai kỳ khỏe mạnh và an toàn.
6. Điều trị tiểu đường thai kỳ với insulin dạng tiêm
Có nhiều loại insulin dạng tiêm chữa trị đái tháo đường thai kỳ, được phân loại dựa vào thời gian bắt đầu và kéo dài tác dụng của chúng. Bao gồm insulin tác dụng tức thì, ngắn, trung bình, kéo dài và dạng hỗn hợp.
6.1. Insulin tác dụng tức thời
Đảm bảo cung cấp insulin ngay lập tức sau khi tiêm, đặc biệt là cho bữa ăn. Thường được sử dụng cùng với insulin có tác dụng kéo dài hơn để duy trì mức đường huyết ổn định suốt thời gian dài.
Insulin tác dụng ngắn đảm bảo cung cấp insulin cho bữa ăn trong khoảng thời gian 30-80 phút sau khi tiêm. Các loại insulin analog có tác dụng sau khoảng 10-20 phút và kéo dài khoảng 4 giờ. Được sản xuất bằng công nghệ tái tổ hợp DNA, chúng tương tự như insulin tự nhiên trong cơ thể và có tác dụng nhanh chóng. [3]
6.2. Insulin tác dụng ngắn
Là loại insulin cung cấp lượng insulin cần thiết cho bữa ăn trong khoảng thời gian 30-60 phút sau khi tiêm. Được sử dụng trong các bữa ăn chính để giúp kiểm soát mức đường huyết. [3]
Insulin tác dụng ngắn hay còn gọi là regular insulin, là một loại insulin được sử dụng phổ biến. Đây là loại insulin được tiêm trực tiếp vào cơ thể hoặc sử dụng trong các trường hợp cấp cứu, thậm chí có thể được tiêm truyền tĩnh mạch để kiểm soát tình trạng đường huyết khẩn cấp. Regular insulin bắt đầu có tác dụng sau khoảng 30 phút và đạt hiệu quả sau 2-3 giờ.
6.3. Insulin tác dụng trung bình
Đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì mức đường huyết ổn định qua nửa ngày hoặc qua đêm. Loại insulin này thường được sử dụng để đáp ứng nhu cầu insulin cơ bản của cơ thể trong thời gian dài.
NPH insulin thường gọi insulin Isophane dịch treo. Thường kết hợp với insulin có tác dụng tức thì hoặc ngắn. Insulin này được tiêm dưới da và bắt đầu có tác dụng sau khoảng 1-2 giờ sau khi tiêm. Sau đó, insulin sẽ duy trì hiệu quả giảm đường huyết trong khoảng thời gian từ 10 đến 16 giờ, giúp duy trì mức đường huyết ổn định qua nửa ngày hoặc qua đêm. [3]
6.4. Insulin tác dụng dài
Là nguồn cung cấp insulin ổn định trong suốt cả ngày. Loại insulin này thường được sử dụng để đáp ứng nhu cầu insulin của cơ thể trong thời gian dài mà không cần tiêm lại nhiều lần. [3]
Một trong những loại insulin dài phổ biến nhất là insulin glargine. Được sản xuất bằng công nghệ tái tổ hợp DNA, insulin glargine có tác dụng phóng thích chậm và ổn định suốt 24 giờ khi tiêm dưới da. Loại insulin này thường được sử dụng một mình hoặc phối hợp với insulin tác dụng tức thì hoặc ngắn để kiểm soát mức đường huyết sau bữa ăn.
6.5. Insulin dạng hỗn hợp
Insulin trộn, hỗn hợp - chứa hỗn hợp insulin tác dụng nhanh hoặc tác dụng ngắn với insulin tác dụng trung bình. Cung cấp sự khởi phát tác dụng nhanh hơn với thời gian tác dụng kéo dài [3].
>> Xem thêm: Chế độ ăn Keto trong đái tháo đường tuýp 2
7. Câu hỏi liên quan đến đái tháo đường thai kỳ
Có cần xét nghiệm bổ sung tiểu đường thai kỳ trong quá trình mang thai không?
Phần lớn các sản phụ sẽ được kiểm tra đường huyết trong tuần thứ 24-28 của thai kỳ. Tuy nhiên, nếu có các nguy cơ như thừa cân, tiền sử gia đình mắc bệnh đái tháo đường, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện xét nghiệm sớm hơn.
Làm thế nào để giảm thiểu nguy cơ đái tháo đường thai kỳ?
Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, tập luyện thể dục đều đặn, giữ cân nặng ở mức ổn định là những biện pháp có thể giúp giảm nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ.
Cần phải làm gì khi mắc đái tháo đường thai kỳ?
Sản phụ cần tuân thủ các chỉ dẫn của bác sĩ về chế độ ăn uống, tập luyện và dùng thuốc (nếu cần) để kiểm soát tốt đường huyết. Đồng thời, cần thường xuyên theo dõi sức khỏe và các dấu hiệu bất thường.
Bệnh đái tháo đường thai kỳ có sinh thường được không?
Phần lớn các sản phụ mắc tiểu đường thai kỳ vẫn có thể sinh thường, với điều kiện đường huyết được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định sinh mổ để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.
Sau khi sinh con có hết bệnh đái tháo đường thai kỳ không?
Trong các trường hợp, tình trạng tiểu đường thai kỳ sẽ tự hết sau khi sinh. Tuy nhiên, sản phụ vẫn cần được theo dõi sức khỏe và có kế hoạch kiểm tra đường huyết định kỳ, vì có nguy cơ cao mắc bệnh đái tháo đường type 2 về sau.
Bệnh đái tháo đường thai kỳ nên uống gì, ăn gì?
Sản phụ mắc tiểu đường thai kỳ nên ưu tiên các thực phẩm nguyên chất, ít chất béo bão hòa và carbohydrate tinh chế. Cũng cần uống nhiều nước và tránh các đồ uống có đường.
Bệnh đái tháo đường thai kỳ nên kiêng gì?
Những thực phẩm cần hạn chế là các loại carbohydrate tinh chế như đường, mật ong, kẹo, bánh ngọt, nước ngọt có gas,... Sản phụ cũng nên kiêng rượu bia và các thực phẩm chiên, mỡ động vật vì chúng chứa nhiều calo và chất béo bão hòa có thể gây tăng cân và làm tăng nguy cơ các vấn đề sức khỏe khác như béo phì và bệnh tim mạch.
Tiểu đường thai kỳ là vấn đề sức khỏe cần được sản phụ và gia đình đặc biệt quan tâm. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, đây có thể là nguyên nhân gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng tới sức khỏe của cả mẹ và bé. Vì vậy, các sản phụ cần thực hiện đầy đủ các xét nghiệm sàng lọc để dễ dàng quản lý sức khỏe mình và thai nhi.
Tài liệu tham khảo
1. Gestational diabetes: https://www.nhs.uk/conditions/gestational-diabetes/#:~:text=Gestational%20diabetes%20is%20high%20blood,the%20second%20or%20third%20trimester (Ngày truy cập: 15/05/2024)
2. Gestational diabetes: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/gestational-diabetes/symptoms-causes/syc-20355339 ( Ngày truy cập: 15/05/2024)
3. Brown J, Grzeskowiak L, Williamson K, Downie MR, Crowther CA. Insulin for the treatment of women with gestational diabetes. Cochrane Database Syst Rev. 2017 Nov 5;11(11):CD012037. doi: 10.1002/14651858.CD012037.pub2. PMID: 29103210; PMCID: PMC6486160. ( Ngày truy cập: 4/6/2024)
- Mẹ bị đái tháo đường thai kì có sinh ra con bị đái táo đường không?
- Phương pháp và lợi ích khi chăm sóc da cho người đái tháo đường
- Thuốc điều trị đái tháo đường: Tác dụng, lợi ích và tác dụng phụ
- Đái tháo đường thai kỳ: Hậu quả và các yếu tố khả năng gây bệnh
- [Video] Hạ đường huyết và cách xử trí
- Trái cây cho bệnh nhân đái tháo đường: Những loại nên ăn và nên kiêng
- Cách xử trí hạ đường huyết cho từng mức độ bệnh bằng mẹo đơn giản
- Nguyên nhân gây hạ đường huyết, triệu chứng và mức độ quan trọng
- Chế độ ăn cho bệnh nhân đái tháo đường mà bạn cần biết
- TẦM QUAN TRỌNG, CÁCH NHẬN BIẾT VÀ TỰ XỬ TRÍ HẠ ĐƯỜNG HUYẾT
- Ứng dụng chế độ ăn chay trong đái tháo đường tuýp 2: Lợi ích và lưu ý
- CHẾ ĐỘ ĂN DASH TRONG ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TYPE 2
Đánh giá nguy cơ bệnh
Chỉ cần 5 phút để đánh giá nguy cơ bệnh lý của bạn. Giúp bạn xử trí kịp thời.
Bạn muốn đánh giá nguy cơ bệnh nào ?
- Bệnh đái tháo đường
- Bệnh tiền đái tháo đường
- Bệnh lý tim mạch
- Bệnh lý tuyến giáp