Cách theo dõi đường huyết tại nhà đơn giản và chính xác

Tự theo dõi đường huyết tại nhà: Tầm quan trọng và cách sử dụng

Tự theo dõi đường huyết tại nhà: Tầm quan trọng và cách sử dụng

Thông tin được bảo trợ bởi Hội Tim Mạch Việt Nam

Tự theo dõi đường huyết hay theo dõi đường huyết tại nhà là cách thức theo dõi đường huyết mà bạn có thể tự làm bằng cách sử dụng máy thử đường huyết cầm tay.

1. Tầm quan trọng của tự theo dõi đường huyết

Bởi vì bạn chỉ gặp bác sĩ mỗi 1-2 tháng, kết quả xét nghiệm đường huyết đói ở mỗi lần tái khám có thể không phản ánh toàn bộ bức tranh đường huyết của bạn. Trong khi đó, với máy thử đường huyết tại nhà, bạn có cái nhìn chi tiết vào từng kết quả đường huyết theo ngày và theo thời điểm. Điều này giúp bạn có cơ sở để thông báo cho bác sĩ về hiệu quả điều trị. 

Ngoài ra, ở một số trường hợp bạn được bác sĩ cho phép tự chỉnh liều insulin trong giới hạn cho phép, kết quả đo tại nhà là chỉ số quan trọng để bạn cân nhắc chỉnh liều. Bên cạnh đó, kết quả thử đường huyết tức thì giúp nhận biết nhanh hạ đường huyết hoặc tăng đường huyết để có xử trí kịp thời. 

Nhìn rộng hơn, tự theo dõi đường huyết tạo điều kiện giúp bạn đạt được mục tiêu điều trị. Đồng thời, với việc tham gia vào quá trình sử dụng máy đo đường huyết, bạn sẽ phát triển sự tự tin và tự chủ trong điều trị [1].

2. Vấn đề thường gặp với việc tự theo dõi đường huyết

Có một số vấn đề trở ngại mà bạn cũng như nhiều người bệnh đái tháo đường khác thường gặp phải khi muốn tự theo dõi đường huyết. Ví dụ, sự bất tiện khi phải mang thiết bị theo người, nỗi sợ đâm kim thử máu nhiều lần hay không hài lòng với kết quả.

Người bệnh tự theo dõi đường huyết thường sợ đâm kim thử máu nhiều lần

Người bệnh tự theo dõi đường huyết thường sợ đâm kim thử máu nhiều lần

Tuy nhiên, hiện tại các thiết bị đo khá nhỏ, vừa trong lòng bàn tay hoặc thậm chí nhỏ hơn (cỡ một chiếc USB), không chiếm nhiều không gian. Đồng thời, kim lấy máu đã được cải tiến nhỏ, ngắn và tiện dụng (dưới dạng bút bấm) nên rất ít gây đau. Đồng thời, bút còn có thể điều chỉnh được độ sâu bấm kim tùy theo độ dày mỏng của da từng người (Hình 1). Do đó, bạn có thể yên tâm với các quan ngại này. Về kết quả đo, chúng phản ánh mức độ kiểm soát đường huyết hiện tại. Nếu chưa hài lòng với các con số này, bạn có động lực để tiếp tục điều chỉnh trị liệu theo hướng dẫn của bác sĩ để hướng tới mục tiêu tốt hơn.

Bút thử máu hiện tại với kim ngắn, nhỏ, ít gây đau và có thể điều chỉnh độ sâu bấm kim

Bút thử máu hiện tại với kim ngắn, nhỏ, ít gây đau và có thể điều chỉnh độ sâu bấm kim [2]

>> Xem thêm: Chế độ ăn DASH cho bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2

3. Tầm quan trọng của việc thực hành sử dụng

Việc sử dụng máy thử đường huyết chưa đúng cách trong một vài lần đầu là điều bình thường. Do đó, bạn cần được hướng dẫn bởi nhân viên y tế. Khi sử dụng đúng cách, bạn sẽ tận dụng được toàn bộ lợi ích của hành động này. Một số điểm mà bác sĩ hay điều dưỡng lưu ý bạn bao gồm: Cách thức vận hành máy, mục tiêu đường huyết cần đạt, tần suất, thời điểm thử đường huyết và đưa ra xử trí thích hợp theo kết quả đọc được.

Cần phải hiểu cách thức vận hành khi sử dụng máy thử đường huyết

Cần phải hiểu cách thức vận hành khi sử dụng máy thử đường huyết

4. Các loại máy đo đường huyết

Trên thị trường hiện tại có rất nhiều nhãn hiệu máy thử đường huyết, tuy nhiên chúng đều hoạt động theo nguyên tắc chung giống nhau. Nhìn chung, thử đường huyết truyền thống là lấy máu mỗi lần và đo kết quả cho mẫu máu đó. Một số máy đo được trang bị chức năng kết nối dữ liệu với điện thoại, máy tính để bàn và bác sĩ xem lại khi cần (Hình 2) [3].

Gần đây, dưới sự tiến bộ của công nghệ, có một dạng tự theo dõi đường huyết khác là theo dõi đường huyết liên tục. Bạn sẽ được gắn một cảm biến với kim nhỏ để liên tục đo đường huyết thay vì phải tự lấy máu nhiều lần. Mỗi cảm biến như vậy có thời gian gắn trên người khoảng hai tuần. Tuy nhiên, chúng phức tạp hơn và đòi hỏi hướng dẫn kĩ trước khi dùng. Bài viết này chỉ tập trung vào máy thử đường huyết truyền thống.

Máy thử đường huyết hiện tại có thể kết nối dữ liệu với điện thoại di động hoặc máy tính

Máy thử đường huyết hiện tại có thể kết nối dữ liệu với điện thoại di động hoặc máy tính [3]

5. Cách sử dụng máy thử đường huyết

Bạn sẽ được nhân viên y tế hoặc nhân viên bán dụng cụ thử đường huyết hướng dẫn cụ thể về quy trình sử dụng máy. Mỗi dòng máy hoặc nhãn hiệu có thể khác biệt đôi chút. Tuy nhiên, các bước chung là làm sạch tay và để khô, cho que thử vào máy, cho kim vào bút bấm, bấm lấy máu ở cạnh bên ngón tay, nặn nhẹ máu và nhỏ vào đầu que thử, chờ hiện kết quả.

Nếu bạn sử dụng máy thử đường huyết với khả năng kết nối dữ liệu, các kết quả đo này sẽ được lưu lại tự động. Nếu bạn sử dụng máy thử đường huyết không có khả năng kết nối, bạn nên ghi lại những số liệu này trong một quyển sổ để bác sĩ có thể xem lại ở mỗi lần tái khám.

6. Tần suất và thời điểm thử đường huyết

Tần suất và thời điểm tự theo dõi đường huyết phụ thuộc tuýp đái tháo đường mà bạn đang mắc (tuýp 1 hay tuýp 2), điều trị hiện tại (thuốc viên hay insulin), khả năng hạ đường huyết cao hay thấp và kế cả lịch trình cá nhân của bạn.

Với bệnh nhân đái tháo đường tuýp 1, insulin là liệu pháp điều trị hàng đầu. Insulin có thể được chỉ định tiêm nhiều lần trong ngày. Bởi vì insulin có nguy cơ hạ đường huyết cao nên trước mỗi lần tiêm, như vậy thường là trước 3 bữa ăn trong ngày (vì đây là thời điểm tiêm). Ngoài ra, để hạn chế hạ đường huyết ban đêm do liều insulin buổi chiều còn tác dụng, bạn sẽ được bác sĩ khuyên thử cả đường huyết trước khi đi ngủ. Với bệnh nhân khó kiểm soát đường huyết, bác sĩ thường chỉ định thêm thử đường huyết 2 giờ sau các bữa ăn.

Bệnh nhân đái tháo đường tuýp 1 nên thử đường huyết trước 3 bữa ăn trong ngày

Bệnh nhân đái tháo đường tuýp 1 nên thử đường huyết trước 3 bữa ăn trong ngày

>> Xem thêm: Xây dựng thực đơn 7 ngày cho người đái tháo đường hiệu quả

Với bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 cần đến insulin, insulin thường được dùng với tần suất thấp hơn người đái tháo đường tuýp 1, ví dụ một hoặc hai lần/ngày, tùy loại insulin. Vì tần suất thử đường huyết phụ thuộc tần suất tiêm nên số lần bạn cần thử trong ngày sẽ ít hơn. Đo một lần buổi sáng khi đói là thời điểm phổ biến nhất.

Ngoài ra, đo trước hay sau các bữa ăn sẽ tùy thuộc mức độ kiểm soát đường huyết hiện tại của bạn.

Với bệnh nhân đái tháo đường típ 2 sử dụng thuốc viên, không cần thiết theo dõi đường huyết đều đặn mỗi ngày mà có thể giãn cách xuống còn 1-2 lần/tuần.

Nên thử đường huyết từ 1-2 lần/tuần đối với bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2

Nên thử đường huyết từ 1-2 lần/tuần đối với bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2

Trong bất kỳ tình huống nào kể trên, nếu bạn có dấu hiệu hạ đường huyết (đói, run tay, vã mồ hôi) hay tăng đường huyết (mệt, khát nước), bạn đều cần thử đường huyết tức thì.

Một số trường hợp đặc biệt cần tự theo dõi đường huyết với tần suất dày hơn là: mới chẩn đoán đái tháo đường, mới bắt đầu một loại thuốc mới hay mới chỉnh liều thuốc, chưa đạt mục tiêu điều trị như mong đợi, mong muốn hay bắt đầu có thai và đang mắc bệnh cấp tính hay đang dùng thuốc khác có khả năng ảnh hưởng đường huyết.

7. Làm sao biết kết quả tự theo dõi đường huyết là đáng tin?

Một số máy thử đường huyết có kèm theo một lọ dung dịch chuẩn. Lọ dung dịch này chứa glucose với nồng độ quy định sẵn. Bạn có thể thử nhỏ dung dịch này vào que để xem máy có hiện giống với nồng độ được ghi trên lọ hay không. Ngoài ra, bạn có thể so sánh kết quả đường huyết tự thử ở nhà và kết quả đo tại phòng khám vào ngày bạn tái khám. Nếu chúng chênh lệch quá nhiều, có khả năng máy thử đường huyết đã không còn chính xác.

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự chính xác của máy, ví dụ như bảo quản que thử đúng cách (tránh độ ẩm, chỉ giữ ở nhiệt độ phòng, không bị bụi bẩn, còn hạn sử dụng) và bảo quản máy đúng cách (tránh nhiệt độ, độ ẩm hay nước).

Tóm lại, tự theo dõi đường huyết tại nhà là cách đơn giản giúp bạn theo dõi hiệu quả quá trình điều trị. Tần suất và thời điểm thử khác nhau tùy thể bệnh đái tháo đường, độ nặng của bệnh và điều trị hiện tại.

>> Xem thêm: Người mắc đái tháo đường cần luyện tập thể dục như thế nào?

 

Tài liệu tham khảo:

  1. https://www.diabete.qc.ca/en/living-with-diabetes/care-and-treatment/self-control/self-monitoring-of-blood-glucose/
  2. https://www.healthline.com/diabetesmine/ten-top-diabetes-lancing-devices#A-quick-look-at-the-10-best-lancing-devices
  3. https://www.israel21c.org/glucome-merck-launch-diabetes-management-pilot-in-vietnam/

 

VN_GM_DIA_400;exp:30/6/2025

Copyrights © 2025 Không Một Mình - Sẻ chia lo âu, vững tâm vui sống. All rights reserved.