Bệnh đái tháo đường có di truyền không? Những nguy cơ mắc bệnh cần lưu ý?
“Bệnh đái tháo đường có di truyền không?” là câu hỏi mà rất nhiều người quan tâm, bởi đây là căn bệnh mãn tính nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn thông tin chi tiết về vấn đề di truyền trong bệnh đái tháo đường, cũng như những nguy cơ mắc bệnh ở người trưởng thành và trẻ nhỏ cần lưu ý để có thể phòng ngừa hiệu quả.
1. Bệnh đái tháo đường tuýp 1 có di truyền không?
Bệnh đái tháo đường tuýp 1 là một căn bệnh tự miễn, trong đó hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công và phá hủy các tế bào beta sản xuất insulin trong tuyến tụy. Insulin là hormone cần thiết để điều chỉnh lượng đường trong máu. Khi các tế bào beta bị phá hủy, cơ thể không thể sản xuất đủ insulin, dẫn đến tăng lượng đường trong máu.
Yếu tố di truyền đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển bệnh đái tháo đường tuýp 1. Nếu bạn có người thân trực hệ (như cha mẹ hoặc anh chị em) mắc bệnh, bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 1 cao hơn. Tuy nhiên, di truyền không phải là yếu tố duy nhất quyết định việc bạn có mắc bệnh hay không. Một số yếu tố môi trường như thời tiết lạnh, virus hoặc chế độ ăn uống từ khi còn nhỏ, cũng có thể khiến cơ thể phát bệnh. [1]
2. Bệnh đái tháo đường tuýp 2 có di truyền không?
Bệnh đái tháo đường tuýp 2 có mối liên hệ chặt chẽ với tiền sử mắc bệnh của gia đình hơn so với bệnh đái tháo đường tuýp 1. Các nghiên cứu trên một cặp song sinh cho thấy yếu tố di truyền đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của bệnh đái tháo đường tuýp 2. Ngoài ra, yếu tố chủng tộc cũng ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh trong tương lai của một người.
Tuy nhiên, nếu bạn có tiền sử gia đình mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2, thì việc xác định chính xác nguyên nhân mắc bệnh của bạn là do yếu tố lối sống hay di truyền là rất khó khăn. Bởi vì nguyên nhân thật sự có thể là do sự kết hợp của cả hai yếu tố.
Với câu hỏi “Bệnh đái tháo đường có di truyền không?” thì câu trả lời toàn diện nhất sẽ là bệnh đái tháo đường tuýp 2 có tính di truyền trong gia đình. Một phần là do trẻ em học được những thói quen không lành mạnh từ bố mẹ, chẳng hạn như chế độ ăn uống nghèo dinh dưỡng và ít vận động. Phần còn lại là do yếu tố di truyền quyết định. [1]
>> Xem thêm: Cách chăm sóc mắt cho người đái tháo đường
3. Bệnh đái tháo đường thai kỳ có di truyền không?
Bệnh đái tháo đường thai kỳ mặc dù không trực tiếp di truyền từ mẹ sang con như các dạng đái tháo đường khác, nhưng vẫn có yếu tố di truyền liên quan. Bệnh xảy ra ở khoảng 10% phụ nữ mang thai và có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, đồng thời làm tăng nguy cơ gặp các biến chứng thai kỳ. Nguyên nhân gây bệnh đái tháo đường thai kỳ phụ thuộc nhiều yếu tố, bao gồm cả gen di truyền và môi trường.
Mặc dù yếu tố di truyền đã được biết đến từ lâu, nhưng mãi đến năm 2019, các nhà khoa học mới xác định được gen đầu tiên có liên quan trực tiếp đến sự phát triển của bệnh đái tháo đường thai kỳ, đó là gen PAX8. Đây là thành quả nghiên cứu của Viện Di truyền Y học và Phân tử La Paz cùng Trung tâm Y sinh học Phân tử và Y học tái tạo Andalusia-Cabimer thuộc Đại học Seville. [2]
4. Nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường ở người trưởng thành
Nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, đặc biệt là type 2, tăng dần theo tuổi. Người trưởng thành trên 40 tuổi, đặc biệt là người da trắng, có nguy cơ cao hơn. Tuy nhiên, đối với người gốc Nam Á, người Caribe Phi hay người Phi gốc Phi, nguy cơ này có thể xuất hiện sớm hơn, từ 25 tuổi.
Như đã được giải đáp từ câu hỏi đái tháo đường có di truyền không ở trên, thì yếu tố di truyền cũng góp phần làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường. Nếu bố mẹ, anh chị em hoặc con ruột bạn mắc bệnh đái tháo đường, nguy cơ bạn mắc bệnh sẽ tăng từ 2 đến 6 lần. Về chủng tộc, những người thuộc các nhóm dân tộc Nam Á, Caribe Phi gốc Phi, người châu Phi, người Trung Quốc hoặc người ở Nam Á có nguy cơ mắc bệnh cao hơn từ 2 đến 4 lần so với người khác.
Ngoài ra, những người từng bị huyết áp cao, béo phì hoặc thừa cân, đặc biệt là những người có số đo vòng eo lớn, cũng có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường cao hơn. Tuy nhiên, khác với bệnh đái tháo đường type 1, bệnh đái tháo đường type 2 có tỷ lệ mắc ở nam giới hơi cao hơn so với nữ giới. [3]
5. Nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường ở trẻ nhỏ
Bệnh đái tháo đường type 1, trước đây được gọi là bệnh đái tháo đường ở trẻ em, có thể khởi phát ở mọi lứa tuổi, từ trẻ em đến người lớn, nhưng độ tuổi trung bình được chẩn đoán là 13. Ước tính 85% trường hợp mắc bệnh type 1 được chẩn đoán ở người dưới 20 tuổi.
Bệnh đái tháo đường type 2 ít phổ biến hơn ở trẻ nhỏ nhưng vẫn có thể xảy ra khi insulin không hoạt động hiệu quả, khi đó glucose sẽ tích tụ trong máu. Nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2 tăng theo tuổi, nhưng trẻ nhỏ cũng có thể mắc bệnh này.
Hiện nay, tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường type 2 đang gia tăng cùng với tình trạng béo phì ở trẻ em. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), tỷ lệ béo phì ảnh hưởng đến khoảng 18,5% trẻ em và thanh thiếu niên từ 2-19 tuổi tại Mỹ trong giai đoạn 2015-2016.
Yếu tố di truyền cũng góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường ở trẻ nhỏ, bởi hơn 75% trẻ em mắc bệnh đái tháo đường type 2 có người thân trực hệ mắc bệnh, có thể là do di truyền hoặc do cùng lối sống. Trong khi đó, nguy cơ mắc bệnh còn tăng cao hơn nếu trẻ có bố mẹ hoặc anh chị em mắc bệnh đái tháo đường type 2. [4]
Như vậy, bài viết này đã giúp bạn giải đáp thắc mắc “Bệnh đái tháo đường có di truyền không?” một cách đầy đủ và chuẩn xác nhất. Việc hiểu được những nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường sẽ giúp bạn có những biện pháp phòng ngừa hiệu quả hơn.
>> Xem thêm: Những loại trái cây phù hợp cho bệnh nhân đái tháo đường
Tài liệu tham khảo:
1. Genetics of Diabetes: https://diabetes.org/about-diabetes/genetics-diabetes (Ngày truy cập: 26/06/2024)
2. Is diabetes hereditary?: https://www.veritasint.com/blog/en/is-diabetes-hereditary/ (Ngày truy cập: 26/06/2024)
3. Diabetes risk factors: https://www.diabetes.org.uk/diabetes-the-basics/types-of-diabetes/type-2/diabetes-risk-factors (Ngày truy cập: 26/06/2024)
4. How does diabetes affect children and teenagers?: https://www.medicalnewstoday.com/articles/284974 (Ngày truy cập: 26/06/2024)
- CÁC BIẾN CHỨNG DÀI HẠN CỦA BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG - THẬN VÀ TIM (PHẦN 1)
- Kiểm soát huyết áp tại nhà: Các phương pháp và hướng dẫn đo huyết áp
- VÌ SAO PHẢI THEO DÕI ĐƯỜNG HUYẾT THƯỜNG XUYÊN?
- ĐÁI THÁO ĐƯỜNG LÀ GÌ? HIỂU ĐÚNG VỀ ĐÁI THÁO ĐƯỜNG
- ĐÁI THÁO ĐƯỜNG, ĂN UỐNG VÀ VẬN ĐỘNG
- Chế độ dinh dưỡng và tập luyện cho bệnh nhân đái tháo đường
- VAI TRÒ CỦA DINH DƯỠNG TRONG ĐIỀU TRỊ ĐÁI THÁO ĐƯỜNG
- Vai trò và lợi ích của việc tập luyện trong điều trị đái tháo đường
- Phương pháp phòng ngừa đái tháo đường đơn giản và dễ thực hiện
Đánh giá nguy cơ bệnh
Chỉ cần 5 phút để đánh giá nguy cơ bệnh lý của bạn. Giúp bạn xử trí kịp thời.
Bạn muốn đánh giá nguy cơ bệnh nào ?
- Bệnh đái tháo đường
- Bệnh tiền đái tháo đường
- Bệnh lý tim mạch
- Bệnh lý tuyến giáp