Huyết áp và lipid máu: Chỉ số cần kiểm soát ở bệnh nhân đái tháo đường
Thông tin được bảo trợ bởi Hội Tim Mạch Việt Nam
Bệnh tim mạch xơ vữa là nguyên nhân gây biến chứng và tử vong hàng đầu ở người đái tháo đường. Nói cách khác, bệnh nhân đái tháo đường phần lớn không trực tiếp tử vong do đường huyết cao mà do các biến chứng tim mạch gián tiếp.
Những bệnh đồng mắc phổ biến như tăng huyết áp và rối loạn lipid máu là yếu tố nguy cơ chính của bệnh tim mạch xơ vữa. Vì thế, sự hiện diện của các bệnh lý này, bên cạnh chính bản thân đái tháo đường, đồng thời làm tăng thêm nguy cơ bệnh tim mạch xơ vữa của bạn.
Nhiều nghiên cứu lớn cho thấy lợi ích của việc kiểm soát chặt chẽ tăng huyết áp và lipid máu trong việc giảm nguy cơ biến chứng tim mạch sau 10 năm. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của kiểm soát huyết áp cũng như lipid máu. Những khuyến cáo gần đây, chẳng hạn như Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (American Diabetes Association – ADA) năm 2023, đưa huyết áp và lipid máu trở thành các trụ cột chính bên cạnh đường huyết trong quản lý bệnh đái tháo đường để giảm nguy cơ tim mạch [2].
Bài viết này cung cấp những thông tin cơ bản để bản thân người bệnh tự nắm bắt được mục tiêu điều trị, từ đó có thể tham gia tích cực và chủ động cùng với bác sĩ trong quá trình điều trị.
1. Huyết áp
Theo khuyến cáo, bạn sẽ được đo huyết áp ở mỗi lần tái khám đái tháo đường. Do tính đơn giản và nhanh chóng, thuận tiện của các máy đo huyết áp hiện nay, việc này đã trở thành điều thường quy bắt buộc ở gần như mọi tuyến cơ sở y tế.
Nếu huyết áp của bạn cao trên 130/80 mmHg, bác sĩ sẽ đo lặp lại để chắc chắn chẩn đoán tăng huyết áp. Người bệnh tăng huyết áp nên có máy đo huyết áp để tự theo dõi tại nhà. Điều này giúp bác sĩ có nhiều cơ sở hơn để điều chỉnh thuốc mỗi lần tái khám.
Khi bắt đầu điều trị, tùy vào mức độ nặng của tình trạng tăng huyết áp mà bác sĩ sẽ phối hợp một hoặc nhiều thuốc khác nhau. Mục tiêu điều trị phù hợp dành cho phần lớn bệnh nhân đái tháo đường là duy trì <130/80 mmHg [2].
Bên cạnh sử dụng thuốc, bạn cũng cần điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, nhấn mạnh vào việc giảm muối natri (muối ăn thông thường), thay thế bằng muối kali, giảm sử dụng rượu bia và tăng cường hoạt động thể lực. Những khẩu phần ăn được chứng minh có lợi ở người đái tháo đường hoặc tăng huyết áp là chế độ ăn DASH (Dietary Approaches to Stop Hypertension) hoặc chế độ ăn Địa Trung Hải.
Mức huyết áp ở bệnh nhân đái tháo đường cần duy trì dưới 130/80 mmHg
>> Xem thêm: Làm thế nào để sống khỏe với tiền đái tháo đường
2. Lipid máu
Rối loạn lipid máu không hiếm gặp ở bệnh nhân đái tháo đường. Ngoài chế độ ăn vừa đề cập có thể sử dụng cho cả bệnh nhân rối loạn lipid máu, khẩu phần của bạn có thể chú trọng thêm vào việc giảm chất béo bão hòa và chất béo dạng trans.
Vì chúng không có lợi cho hệ tim mạch, tăng cường sử dụng acid béo omega-3, chất xơ hoặc dưỡng chất nguồn gốc thực vật. Hoạt động thể lực đồng thời là một bước trong quá trình quản lý cân nặng và lipid máu.
Khi có chỉ định dùng thuốc, thông thường bác sĩ sẽ kiểm tra lại các chỉ số lipid của bạn mỗi 4-12 tuần. Mục tiêu điều trị thông thường là cố gắng đưa low-density lipoprotein-cholesterol (LDL-cholesterol) xuống dưới 70 mg/dL hoặc thậm chí thấp hơn (<55 mg/dL) nếu bạn đã có kèm bệnh tim mạch xơ vữa [2].
Ngoài LDL-cholesterol, một kiểu hình rối loạn lipid máu thường gặp ở người đái tháo đường là tăng triglyceride kèm giảm high-density lipoprotein-cholesterol (HDL-cholesterol). Ngoài làm tăng nguy cơ tim mạch dài hạn, nồng độ triglyceride máu quá cao còn có khả năng gây viêm tụy cấp.
Do đó, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc để giảm triglycerid khi chỉ số triglycerid máu của bạn vượt quá ngưỡng bình thường (>150 mg/dL) [2]. Ngoài ra, bạn cần chú trọng đến việc sử dụng tinh bột, đặc biệt gạo trắng, và rượu, vì chúng cung cấp các cơ chế để tổng hợp triglyceride, từ đó có thể làm nặng thêm tình trạng tăng triglyceride máu [3, 4].
Các con số nói trên có thể thay đổi tùy thuộc từng hiệp hội, từng trung tâm y khoa hoặc đôi khi thay đổi theo thời gian dựa trên những bằng chứng cập nhật mới nhất. Tuy nhiên, nhìn chung lipid máu nên giữ ở mức thấp để hạn chế nguy cơ biến chứng tim mạch.
Tóm lại, huyết áp và lipid máu luôn là hai mục tiêu được quan tâm điều trị đồng thời với đường huyết. Kiểm soát tốt cả ba chỉ số này là cách để giảm thiểu nguy cơ biến chứng tim mạch ở người đái tháo đường.
>> Xem thêm: Chế độ dinh dưỡng và tập luyện cho bệnh nhân đái tháo đường
Tài liệu tham khảo:
- Ali MK, Bullard KM, Saaddine JB, Cowie CC, Imperatore G, Gregg EW. Achievement of goals in U.S. diabetes care, 1999-2010. N Engl J Med 2013;368:1613–1624
- ElSayed NA, Aleppo G, Aroda VR, et al. 10. Cardiovascular Disease and Risk Management: Standards of Care in Diabetes-2023 [published correction appears in Diabetes Care. 2023 Jan 26;:]. Diabetes Care. 2023;46(Suppl 1):S158-S190. doi:10.2337/dc23-S010
- Dong F, Howard AG, Herring AH, Popkin BM, Gordon-Larsen P. White Rice Intake Varies in Its Association with Metabolic Markers of Diabetes and Dyslipidemia Across Region among Chinese Adults. Ann Nutr Metab. 2015;66(4):209-218. doi:10.1159/000430504
- Klop B, do Rego AT, Cabezas MC. Alcohol and plasma triglycerides. Curr Opin Lipidol. 2013;24(4):321-326. doi:10.1097/MOL.0b013e3283606845
Thay đổi lối sống lành mạnh - Nền tảng trong điều trị đái tháo đường!
Người mắc bệnh đái tháo đường uống mật ong được không?
Chăm sóng người bệnh đái tháo đường trong giai đoạn cuối đời
Chăm sóc răng miệng cho bệnh nhân đái tháo đường
Bệnh đái tháo đường có lây không và làm thế nào để phòng ngừa?
Thức khuya đái tháo đường: Hệ lụy tiềm ẩn nguy hiểm chớ nên xem thường
Bệnh võng mạc đái tháo đường: Nguyên nhân, triệu chứng và phòng ngừa
Mức đường huyết của người trên 60 tuổi ổn định ở mức bao nhiêu?
Mối tương quan giữa béo phì và đái tháo đường
Người mắc đái tháo đường uống nước dừa được không? Cần lưu ý gì?
Người bệnh đái tháo đường bị ngứa da: Biến chứng nguy hiểm cần lưu ý
Bàn chân đái tháo đường: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Đánh giá nguy cơ bệnh
Chỉ cần 5 phút để đánh giá nguy cơ bệnh lý của bạn. Giúp bạn xử trí kịp thời.
Bạn muốn đánh giá nguy cơ bệnh nào ?
- Bệnh đái tháo đường
- Bệnh tiền đái tháo đường
- Bệnh lý tim mạch
- Bệnh lý tuyến giáp