Hướng dẫn chăm sóc bàn chân đái tháo đường cho bệnh nhân
Thông tin được bảo trợ bởi Hội Tim Mạch Việt Nam
Bàn chân đái tháo đường là một thuật ngữ dùng để chỉ nhóm các tổn thương xảy ra ở bàn chân (hoặc mở rộng hơn là toàn bộ chân) của bệnh nhân đái tháo đường. Bàn chân đái tháo đường xảy ra do sự kết hợp của nhiều biến chứng đái tháo đường khác như biến chứng thần kinh, mạch máu và nhiễm trùng. Để hạn chế vấn đề với bàn chân, bạn cần biết cách tự chăm sóc chân đúng mức.
Khoảng 14% bệnh nhân đái tháo đường nhập viện và 5% bệnh nhân đái tháo đường ở cộng đồng gặp phải biến chứng bàn chân đái tháo đường [1].
1. Nguyên nhân dẫn đến bàn chân đái tháo đường
Biến chứng thần kinh
Biến chứng thần kinh do đái tháo đường
Khi đường huyết cao kéo dài, dây thần kinh của bạn bị tổn thương. Một số thần kinh phụ trách cảm giác da. Do đó, khi chúng tổn thương trong bệnh lý đái tháo đường, cảm giác da của bạn sẽ thay đổi theo. Ban đầu, bạn có thể thấy tê hoặc cảm giác châm chích. Nếu nặng hơn, bạn sẽ bị mất cảm giác hoàn toàn ở một vùng da.
Cảm giác trên da là hiện tượng bình thường giúp chúng ta nhận biết được tác nhân nguy hiểm đang tiếp xúc với bề mặt da. Khi mất cảm giác này, bạn sẽ khó cảm nhận được mối nguy hiểm như nhiệt độ cao hay vật sắc nhọn. Hiện tượng mất cảm giác sẽ rõ rệt ở những vùng dây thần kinh nhỏ, xa trung tâm cơ thể. Nói cách khác, bàn chân là nơi biểu hiện biến chứng này rõ nhất. Đó là lý do làm cho chân, đặc biệt phần bàn chân, dễ tổn thương hơn tay hay thân mình.
Biến chứng mạch máu
Khi có vết thương, mạch máu là nguồn quan trọng đưa các tế bào hoặc dưỡng chất khác đến để xử trí vết thương, tác nhân nhiễm trùng tại chỗ và giúp lành thương. Tuy nhiên, ở người đái tháo đường, mạch máu cũng bị ảnh hưởng gây hẹp hoặc thậm chí tắc nghẽn. Nếu không được cung cấp máu đầy đủ, vết thương có xu hướng khó lành hoặc thậm chí không lành và ngày càng loét rộng ra.
Nhiễm trùng
Khi có tác nhân vi sinh vật gây bệnh tấn công vào vết thương hở, cơ thể sẽ huy động hệ miễn dịch để chống chọi nhằm tiêu diệt vi khuẩn. Ở người đái tháo đường, dưới ảnh hưởng của môi trường đường huyết cao, hệ miễn dịch suy yếu. Vì vậy, vết thương bị nhiễm trùng càng khó lành hơn.
Tổng hợp ba tác nhân nêu trên là lý do làm cho bàn chân đái tháo đường trở thành một hiện tượng không hiếm gặp ở bệnh nhân đái tháo đường. Các vết loét dễ xuất hiện nhất ở những vị trí tì đè, ví dụ cạnh trong bàn chân hay lòng bàn chân. Ngoài ra, xương bàn-ngón chân cũng có thể bị ảnh hưởng dưới dạng gãy nhỏ và sau đó biến dạng.
>> Xem thêm: Cách chăm sóc mắt cho người đái tháo đường
2. Hậu quả của bàn chân đái tháo đường
Hoại tử chân do đái tháo đường
Hậu quả nặng nề nhất của biến chứng bàn chân khi loét hay nhiễm trùng không lành là đoạn chi, nghĩa là phải cắt bỏ một phần chi đã tổn thương. Tùy thuộc độ lan rộng mà bác sĩ quyết định vị trí cắt cao hay thấp (ngón chân, bàn chân, cẳng chân hay toàn bộ chân). Điều này để lại di chứng nặng nề, ảnh hưởng cả sức khỏe thể chất, khả năng lao động lẫn tinh thần của người bệnh. Vì vậy, hạn chế biến chứng bàn chân đái tháo đường là một trong những điều quan trọng trong quá trình chăm sóc đái tháo đường.
3. Cách chăm sóc chân cho bệnh nhân đái tháo đường
Cách chăm sóc chân cho người đái tháo đường
- Kiểm soát đường huyết là điều cốt lõi để ngăn ngừa biến chứng chân nói riêng và các biến chứng đái tháo đường nói chung.
- Ngưng hút thuốc lá: hút thuốc làm mạch máu hẹp đáng kể. Như đã đề cập, mạch máu là yếu tố quan trọng trong số ba thành tố dẫn đến biến chứng chân. Do vậy, để tránh làm nặng thêm vấn đề ở chân, cần đảm bảo lưu thông mạch máu tối ưu bằng cách ngưng hút thuốc.
- Kiểm tra chân mỗi ngày: bởi vì cảm giác chân có thể không còn nguyên vẹn, bạn cần tự kiểm tra chân mỗi ngày để phát hiện vết thương, vết chai, bóng nước sớm. Có thể sử dụng gương nhỏ để giúp quan sát tốt các vị trí dưới lòng bàn chân. Những dấu hiệu gợi ý phải đi khám bác sĩ là cảm giác tê, nóng bỏng, châm chích hoặc mất cảm giác; thay đổi màu sắc hay nhiệt độ da chân; có vết nứt; xuất hiện bóng nước; vùng móng bị thay đổi; mất lông ở một vùng da nhất định (gợi ý mạch máu nuôi đã trở nên kém); hoặc nhiễm trùng, nhiễm nấm da chân [3].
- Rửa chân mỗi ngày: rửa chân giúp làm sạch chân để hạn chế tác nhân nhiễm trùng. Chỉ rửa với nước ấm thay vì nước nóng. Nên rửa dưới vòi nước thay vì ngâm chân lâu để tránh làm da mềm, vi khuẩn dễ xâm nhập. Lau khô bằng khăn mềm sau khi rửa.
- Không đi chân trần: đi chân trần tạo điều kiện để chân gặp phải vết thương. Do đó, luôn mang giày hoặc dép, kể cả ở trong nhà. Trước khi mang, cần kiểm tra xem có dị vật, cát đá bên trong giày dép hay không. Trong trường hợp đã mất cảm giác chân rõ, mang dép với quai hậu để tránh bị rớt dép mà không nhận biết. Giày dép cũng cần được chọn kích cỡ phù hợp để tránh quá chặt gây tổn thương chân hoặc quá rộng dễ rớt.
- Cắt móng đúng cách: không để móng dài vì có thể va chạm với giày dép và làm tổn thương vùng móng. Tuy nhiên, không cắt sát khóe móng vì dễ phạm phải da gây vết thương.
- Xử trí chai chân: không dùng dao gọt hay các sản phẩm không kê đơn để chà mòn chai chân vì có thể làm bỏng hay tạo vết thương.
Tóm lại, tự chăm sóc chân là hành động đơn giản, ít tốn kém thời gian nhưng có thể giúp bạn hạn chế vết thương, vết loét ngay từ ban đầu hoặc phát hiện sớm vấn đề để kịp thời xử trí. Biết cách tự chăm sóc chân kèm theo một chế độ điều trị, kiểm soát đường huyết hợp lý sẽ giảm thiểu khả năng mắc biến chứng bàn chân đái tháo đường.
>> Xem thêm: Những loại trái cây phù hợp cho bệnh nhân đái tháo đường
Tài liệu tham khảo:
- Nascimento de Aquino MJ, Caetano de Souza AC, Pereira Borges JW, et al. Prevalence, Incidence and Factors Associated with Diabetic Foot in People with Type 2 Diabetes: Systematic Review with Meta-Analysis [published online ahead of print, 2023 Apr 7]. Curr Diabetes Rev. 2023;10.2174/1573399819666230407093450. doi:10.2174/1573399819666230407093450
- https://www.cdc.gov/diabetes/library/features/healthy-feet.html
- https://www.cdc.gov/diabetes/library/socialmedia/infographics/foot_problems.html
VN_GM_DIA_438;exp:30/10/2025
- Thay đổi lối sống lành mạnh - Nền tảng trong điều trị đái tháo đường!
- Người mắc bệnh đái tháo đường uống mật ong được không?
- Chăm sóng người bệnh đái tháo đường trong giai đoạn cuối đời
- Chăm sóc răng miệng cho bệnh nhân đái tháo đường
- Bệnh đái tháo đường có lây không và làm thế nào để phòng ngừa?
- Thức khuya đái tháo đường: Hệ lụy tiềm ẩn nguy hiểm chớ nên xem thường
- Bệnh võng mạc đái tháo đường: Nguyên nhân, triệu chứng và phòng ngừa
- Mức đường huyết của người trên 60 tuổi ổn định ở mức bao nhiêu?
- Mối tương quan giữa béo phì và đái tháo đường
- Người mắc đái tháo đường uống nước dừa được không? Cần lưu ý gì?
- Người bệnh đái tháo đường bị ngứa da: Biến chứng nguy hiểm cần lưu ý
- Bàn chân đái tháo đường: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Đánh giá nguy cơ bệnh
Chỉ cần 5 phút để đánh giá nguy cơ bệnh lý của bạn. Giúp bạn xử trí kịp thời.
Bạn muốn đánh giá nguy cơ bệnh nào ?
- Bệnh đái tháo đường
- Bệnh tiền đái tháo đường
- Bệnh lý tim mạch
- Bệnh lý tuyến giáp