Phương pháp và lợi ích khi chăm sóc da cho người đái tháo đường
Da là một trong những bộ phận dễ gặp biến chứng nhất ở bệnh nhân đái tháo đường. Để chăm sóc người bệnh đái tháo đường đúng cách, đầu tiên cần chăm sóc da theo các nguyên tắc và vị trí được 01minh gợi ý sau đây.
1. Vì sao cần chăm sóc da cho người đái tháo đường?
Ngoài những biến chứng chính trên các cơ quan lớn như thận, tim, não, mắt, mạch máu và dây thần kinh ngoại biên, đái tháo đường còn gây nhiều hậu quả khác ít được chú ý hơn. Ví dụ, bệnh nha chu, tổn thương da, rối loạn cương ở nam giới… Trong đó, tổn thương da ở người đái tháo đường có nhiều đặc điểm riêng biệt. Vì vậy, người bệnh đái tháo đường nên có hiểu biết nhất định về vấn đề chăm sóc da.
Cần chăm sóc da cho người bệnh đái tháo đường
2. Biểu hiện tổn thương da ở người đái tháo đường là gì?
Da khô là một trong những biểu hiện phổ biến nhất. Đường huyết cao kéo dài dễ dẫn đến mất nước mô dưới da. Nói cách khác, bệnh càng kém kiểm soát thì người bệnh càng dễ cảm nhận da khô. Ngoài ra, khi bệnh lâu năm, hệ thần kinh bị tổn thương. Trong đó, hệ thần kinh tự chủ chi phối tuyến mồ hôi cũng bị ảnh hưởng. Lúc này, tuyến mồ hôi không được điều khiển đúng cách, dẫn đến khô da [1].
Da của người bệnh đái tháo đường thường có dấu hiệu mất nước
3. Tại sao cần quan tâm đến da khô?
Mặc dù bản thân khô da không nguy hiểm nhưng nó lại là điều kiện dẫn đến nhiều biến chứng tiếp theo. Khi không đủ độ ẩm, da dễ bị nứt. Ngoài ra, khi da khô, bạn dễ có cảm giác ngứa, thường gãi nhiều hơn, làm tăng tổn thương cho hàng rào da. Đây là nguồn căn để vi khuẩn từ bên ngoài xâm nhập qua hàng rào da bị thủng. Từ đó, bệnh nhân có thể xuất hiện nhiễm trùng da.
Nhiễm trùng da ở người đái tháo đường khó lành hơn thông thường vì hệ miễn dịch suy yếu. Đặc biệt nếu đã có biến chứng thần kinh, bạn có thể không cảm thấy đau hay rát khi da bị tổn thương. Điều này làm chúng ta không nhận biết được vết thương để có ý thức phòng ngừa.
4. Vị trí tổn thương da thường gặp ở người đái tháo đường?
Mặc dù da khô có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào, các vùng da ở xa trung tâm như phần chân, đặc biệt bàn chân cực kỳ nhạy cảm hơn cả. Đây là lại nơi đi lại, tiếp xúc nhiều, dễ có nguy cơ va chạm, tổn thương. Do vậy, bàn chân đái tháo đường được tách thành một nhóm vấn đề riêng biệt cần quan tâm (Hình 1) [2].
5. Nguyên tắc chung phòng ngừa da khô ở bệnh nhân đái tháo đường?
- Rửa chân bằng nước ấm mỗi ngày để làm sạch bụi bẩn.
- Có thể dùng kem dưỡng ẩm dưới sự tư vấn của bác sĩ.
- Mang giày dép hoặc vớ đúng cách. Che phủ tốt da khi nhiệt độ quá lạnh để tránh khô, nứt thêm.
- Kiểm soát đường huyết tốt. Khi bệnh đái tháo đường được kiểm soát đúng mức, tình trạng khô da sẽ cải thiện.
- Cân nhắc gặp bác sĩ hoặc chuyên gia về bàn chân đái tháo đường nếu có các dấu hiệu sau: sưng, đỏ, vết loét gợi ý viêm nhiễm hoặc cảm thấy khó chịu khi đi lại. Việc phát hiện và điều trị sớm những tình trạng này giúp hạn chế biến chứng nặng hơn.
Nguyên tắc chăm sóc da cho người đái tháo đường
6. Một số mẹo chăm sóc da ở người đái tháo đường
Đứng trên góc nhìn của bác sĩ da liễu, các chuyên gia từ Viện Da liễu Hoa Kỳ (American Academy of Dermatology) đã đưa ra một số mẹo thực tế giúp người bệnh đái tháo đường chăm sóc da tốt hơn [3]. Các mẹo bao gồm: dưỡng ẩm mỗi ngày, điều trị gót chân khô và nứt, sử dụng xà phòng và sữa tắm dịu nhẹ, tắm rửa với nước ấm thay vì nước nóng, lau khô các nếp gấp và kẽ da, xử trí chai chân, để ý phần móng và điều trị vết thương từ sớm.
Mẹo chăm sóc da cho người đái tháo đường
>> Xem thêm: Chế độ tập luyện cho bệnh nhân đái tháo đường
Dưỡng ẩm mỗi ngày
Dưỡng ẩm da giúp da duy trì độ ẩm sinh lý, hạn chế khô nứt, giảm nguy cơ nhiễm trùng.
- Nên dùng chất dưỡng ẩm dạng kem (cream) hoặc mỡ (oitment) hơn là dạng nước (lotion) bởi vì chúng giữ lại độ ẩm và làm lành vết nứt li ti tốt hơn. Có thể chọn các kem mỡ có thành phần ceremide. Chúng giúp bít trám các vết nứt trên da, không những duy trì độ ẩm mà còn bảo vệ da khỏi tác nhân dị ứng và kích thích.
- Nên sử dụng những sản phẩm không chứa hương liệu (fragrance-free) vì một số người nhạy cảm với các thành phần này, làm da kích ứng nặng hơn. Chú ý rằng mỹ phẩm với nhãn không mùi (unscented) đôi khi không phải thực sự không có hương liệu. Chúng chỉ được bổ sung các thành phần khác để che khuất đi mùi hương liệu. Bác sĩ có thể tư vấn cụ thể cho bạn những sản phẩm phù hợp.
- Bôi kem dưỡng ẩm sau khi tắm, bơi hoặc mỗi khi bạn cảm thấy da khô, ngứa.
- Một thời điểm thường bị bỏ quên là sau quá trình rửa tay để thử đường huyết. Lúc này da khá khô và cần sử dụng kem dưỡng ẩm trở lại.
Điều trị gót chân khô, nứt
Nếu da vùng gót chân đã bị khô, nứt, cần xử trí tích cực hơn để hạn chế loét hay nhiễm trùng. Những loại kem chứa urea 10-25% thích hợp cho mục đích điều trị nứt gót. Tuy nhiên, bạn cần tham vấn ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
Sử dụng xà phòng, sữa tắm dịu nhẹ
Tránh dùng các loại xà bông khử mùi hoặc tẩy mạnh vì nguy cơ gây kích ứng da. Các loại xà phòng, sữa tắm trung tính hoặc thậm chí sản phẩm bào chế riêng cho người đái tháo đường sẽ giúp làm sạch da một cách dịu nhẹ.
Tắm rửa với nước ấm thay vì nước nóng
Nước nóng có thể rút đi hơi ẩm từ da nhanh chóng, để lại cảm giác khô và khó chịu nhiều hơn sau khi tắm. Ngoài ra, nước quá nóng có thể gây bỏng nhẹ mà bạn không nhận biết. Điều này làm tăng nguy cơ tổn thương da thêm. Chú ý thử nhiệt độ nước sao cho chỉ vừa đủ ấm, không được quá nóng. Ở người đã có tổn thương dây thần kinh ảnh hưởng đến cảm giác, nên sử dụng một cái nhiệt kế để đo nhiệt độ nước thay vì tự thử bằng tay. Nếu rửa chân hàng ngày, chỉ nên rửa qua, không ngâm chân lâu trong nước.
Lau khô các nếp gấp, kẽ da
Những nơi như kẽ bàn tay, bàn chân hay nách, khuỷu tay, khoeo gối cần được lau khô bằng khăn bông mềm sau khi tắm, rửa. Môi trường ẩm ướt sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển tại các vùng này. Lưu ý không chà xát quá mạnh bằng khăn vải cứng.
Xử trí chai chân
Chai chân là hiện tượng thường gặp ở những vùng da tì đè, ví dụ gót chân, và thường không ảnh hưởng gì nhiều. Tuy nhiên ở người đái tháo đường, vết chai dày có thể nứt ra và đưa vi khuẩn vào trong, gây nhiễm trùng. Do vậy, bạn có thể đến gặp bác sĩ để được hướng dẫn cách mài, gọt bớt lớp da sần ở chai chân. Ngoài ra, mỗi ngày hãy quan sát xem chân có các dấu hiệu khác như sưng, đỏ, nổi bóng nước, vết loét, vết thương hay không (Hình 2) [4].
Để ý phần móng
Phần da dưới móng tay, móng chân của người đái tháo đường đôi khi là vị trí nhạy cảm, dễ nhiễm trùng. Nên để móng tay, móng chân ngắn để tránh va chạm, gây tổn thương da liền kề. Chỉ cắt móng ngang, không nên cắt khóe vì có thể phạm vào da gây vết thương. Nếu bạn nhận thấy một trong những dấu hiệu sau đây, hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn: móng dày lên bất thường hoặc đổi màu, móng có dấu hiệu bong ra, vùng da gần đó sưng, đỏ, thay đổi màu, có dịch mủ hoặc đau.
Điều trị vết thương từ sớm
Tất cả vết thương, kể cả những vết trầy xước nhỏ, vết cào nhẹ đều nên được xử trí lập tức để tránh tiến triển nặng thêm. Đầu tiên, rửa chúng với xà phòng trung tính và nước. Có thể sát khuẩn với povidine hoặc oxy già trong trường hợp vết thương hở gây chảy máu và có nhiều chất bẩn. Sau đó, che phủ nhẹ vết thương bằng băng cá nhân hoặc gạc. Không băng quá chặt. Mở băng mỗi ngày để rửa lại với nước muối sinh lý và để ý diễn tiến vết thương. Không dùng các sản phẩm kem bôi có kháng sinh trừ khi được bác sĩ chỉ định. Nếu vết thương lâu không lành hoặc có chiều hướng xấu đi, bạn cần gặp bác sĩ sớm.
Tóm lại, chăm sóc da ở người đái tháo đường không chỉ đơn thuần liên quan vấn đề thẩm mỹ mà còn hạn chế biến chứng loét, nhiễm trùng. Đồng thời, chăm sóc da đúng cách giúp giảm cảm giác ngứa khó chịu, nâng cao chất lượng cuộc sống của bạn.
>> Xem thêm: Người bệnh đái tháo đường bị ngứa da: Biến chứng nguy hiểm cần lưu ý
Tài liệu tham khảo
- https://www.austinfootandankle.com/faqs/diabetes-and-dry-skin.cfm
- https://www.nextstepfoot.com/contents/diabetic-skin-care-for-feet/
- https://www.aad.org/public/diseases/a-z/diabetes-skin-care
- https://louettafootandankle.com/educational-resources/why-diabetic-foot-care-is-crucial/
VN_GM_DIA_352;exp:30/11/2024
- CÁC BIẾN CHỨNG DÀI HẠN CỦA BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG - THẬN VÀ TIM (PHẦN 1)
- Kiểm soát huyết áp tại nhà: Các phương pháp và hướng dẫn đo huyết áp
- VÌ SAO PHẢI THEO DÕI ĐƯỜNG HUYẾT THƯỜNG XUYÊN?
- ĐÁI THÁO ĐƯỜNG LÀ GÌ? HIỂU ĐÚNG VỀ ĐÁI THÁO ĐƯỜNG
- ĐÁI THÁO ĐƯỜNG, ĂN UỐNG VÀ VẬN ĐỘNG
- Chế độ dinh dưỡng và tập luyện cho bệnh nhân đái tháo đường
- VAI TRÒ CỦA DINH DƯỠNG TRONG ĐIỀU TRỊ ĐÁI THÁO ĐƯỜNG
- Vai trò và lợi ích của việc tập luyện trong điều trị đái tháo đường
- Phương pháp phòng ngừa đái tháo đường đơn giản và dễ thực hiện
Đánh giá nguy cơ bệnh
Chỉ cần 5 phút để đánh giá nguy cơ bệnh lý của bạn. Giúp bạn xử trí kịp thời.
Bạn muốn đánh giá nguy cơ bệnh nào ?
- Bệnh đái tháo đường
- Bệnh tiền đái tháo đường
- Bệnh lý tim mạch
- Bệnh lý tuyến giáp