Mẹ bị đái tháo đường thai kì có sinh ra con bị đái táo đường không?
Đái tháo đường thai kỳ là gì?
Đái tháo đường thai kỳ là đái tháo đường được phát hiện lần đầu tiên trong thai kỳ. Thông thường đường huyết trong tình huống này ít cao như đái tháo đường thực sự. Nếu bạn đã mắc đái tháo đường từ trước khi mang thai, tình huống này không gọi là đái tháo đường thai kỳ .
Đái tháo đường thai kỳ xảy ra do sự rối loạn chuyển hóa trong cơ thể. Khi đó, hệ thống nội tiết điều hòa đường huyết (chủ yếu là hormone insulin) không cân bằng được với hormone gây tăng đường huyết do nhau thai tiết ra. Thai kỳ càng lớn thì nhau thai càng phát triển, lượng hormone sinh ra càng nhiều. Do vậy, đái tháo đường thai kỳ thường biểu hiện rõ nhất ở cuối tam cá nguyệt thứ hai và tam cá nguyệt thứ ba của thai kỳ . Đây là lí do bác sĩ chỉ định một loại xét nghiệm gọi là nghiệm pháp dung nạp đường vào khoảng tuần thai thứ 24-28 nhằm phát hiện bệnh.
Đái tháo đường thai kỳ có truyền từ mẹ sang con hay không?
Như đã nói, gốc rễ của đái tháo đường thai kỳ là sự rối loạn của cơ thể mẹ, cụ thể xảy ra ở nhau thai. Trước đây, khoa học cho rằng bản thân sự rối loạn này không truyền sang con. Chỉ có biểu hiện phần ngọn của sự rối loạn này là tăng đường huyết thì mới ảnh hưởng đến con. Nói cách khác, đường trong máu mẹ cao sẽ được di chuyển qua nhau thai tới con, làm cho đường trong máu con cao theo.
Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây ghi nhận đái tháo đường thai kỳ có thể truyền cho thế hệ sau theo một khía cạnh khác. Bệnh lý này không đủ để làm biến đổi trình tự mã gen di truyền của bạn, nhưng nó làm thay đổi cách mà gen biểu hiện (epigenome). Đây là cơ sở lí giải cho nhiều hậu quả về sức khỏe gặp ở con sinh ra từ mẹ bị đái tháo đường thai kỳ [1].
>> Xem thêm: Thành phần dinh dưỡng bữa ăn cho bệnh nhân đái tháo đường
Đái tháo đường thai kỳ có ảnh hưởng như thế nào?
Ảnh hưởng trên mẹ
Đường huyết và huyết áp có mối liên quan chặt chẽ với nhau. Một khi đã bị đái tháo đường thai kỳ, bạn có xác suất mắc tăng huyết áp trong thời gian này cao hơn. Trạng thái nặng của hiện tượng này gọi là tiền sản giật và sản giật. Nghiên cứu ghi nhận rằng đái tháo đường thai kỳ gây ảnh hưởng đến các mạch máu. Đây là nơi vốn bình thường có khả năng đàn hồi tốt để điều hòa huyết áp. Khi thành mạch bị ảnh hưởng, huyết áp có xu hướng tăng [2]. Bên cạnh đó, các vấn đề tim mạch khác cũng dễ có nguy cơ xảy ra. Ngay cả khi không phát hiện huyết áp cao trong thời gian mang thai, bạn vẫn có khả năng cao bị tăng huyết áp về sau [3].
Những vấn đề này có thể làm cho thai kỳ kém ổn định, đặc biệt giai đoạn chuyển dạ. Các biến chứng như sinh khó, tổn thương sàn chậu, băng huyết sau sinh được tìm thấy có liên quan đến đái tháo đường thai kỳ [4]. Nhiều tình huống cần đến sự can thiệp của bác sĩ sản khoa như sinh giúp bằng dụng cụ hoặc chuyển sang sinh mổ.
Xét về lâu dài, hiện tượng tăng đường huyết trong thai kỳ chứng tỏ cơ thể bạn thể hiện sự thiếu khả năng điều chỉnh rối loạn chuyển hóa. Do vậy, bạn có nguy cơ mắc đái tháo đường típ 2 trong tương lai. Ngoài ra, một số vấn đề hệ sinh sản như rối loạn chức năng buồng trứng hay nguy cơ ung thư vú cũng đang được đặt ra, mặc dù bằng chứng chưa rõ ràng (Hình 2) [5].
Ảnh hưởng trên con
Điều xảy ra sớm ngay từ lúc còn là bào thai là đường huyết trong máu mẹ di chuyển qua con cao bất thường. Nếu tuyến tụy của bé đã hình thành và bắt đầu hoạt động, nó sẽ tiết ra hormone insulin nhiều hơn để điều hòa đường huyết. Ngoài vai trò giảm đường huyết, insulin còn là một yếu tố tăng trưởng. Trong tình huống này, nồng độ insulin cao trong máu của bé làm bé phát triển nhanh hơn bình thường. Vì vậy, thai to là một trong những biểu hiện của em bé có mẹ bị rối loạn đường huyết. Thai to gây khó sinh, có thể bị kẹt vai, bất xứng đầu chậu, tổn thương cơ xương, dây thần kinh trong quá trình chuyển dạ [6].
Hiện tượng trái ngược sẽ xảy ra ngay khi em bé vừa sinh ra. Lúc này, nguồn đường huyết cao từ mẹ không còn qua bé nữa do nhau thai đã được cắt đứt. Tuy nhiên, tuyến tụy của trẻ vẫn tiếp tục tiết insulin lượng nhiều. Do đó, trẻ dễ bị hạ đường huyết sớm sau sinh. Ngoài ra, trẻ cũng tăng nguy cơ vàng da và suy hô hấp sơ sinh [6].
Trong suốt quá trình phát triển của trẻ, từ thời thơ ấu đến thiếu niên và trưởng thành, trẻ có nguy cơ mắc nhiều bệnh lý chuyển hóa. Lượng mỡ cơ thể tăng, đặc biệt mỡ tạng, dẫn đến thừa cân, béo phì. Trẻ dễ bị đái tháo đường típ 2, tăng huyết áp và rối loạn lipid máu hơn. Những thành tố này là nguyên nhân đưa đến bệnh tim mạch khi bắt đầu bước vào tuổi trung niên. Hiện tượng này được cho là truyền từ mẹ bị đái tháo đường thai kỳ sang cho con bởi các cơ chế thay đổi biểu hiện gen [1].
>> Xem thêm: Những loại rau củ người đái tháo đường không nên ăn và nên ăn
Cách phòng ngừa đái tháo đường thai kỳ?
Mặc dù hiện chưa có phương pháp phòng ngừa 100% khả năng bị đái tháo đường thai kỳ, vẫn có một số biện pháp giúp bạn giảm nguy cơ này.
Đầu tiên, nên đạt và duy trì mức cân nặng hợp lý trước khi bắt đầu quyết định có thai. Cân nặng vừa phải giúp đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé. Khi bước vào thai kỳ, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về mức tăng cân hợp lý. Nếu bạn ăn quá nhiều, nguy cơ rối loạn chuyển hóa tăng. Tuy nhiên, ăn quá ít sẽ không đảm bảo đủ dinh dưỡng cho bé.
Thứ hai, nên tầm soát và khám thai đầy đủ theo lịch hẹn của bác sĩ. Việc tầm soát đúng lịch giúp phát hiện sớm rối loạn đường huyết nếu có. Khi được điều chỉnh kịp thời, bạn sẽ hạn chế được biến chứng và hậu quả.
Cách chăm sóc nếu bị mắc đái tháo đường thai kỳ?
Biện pháp chính để điều trị đái tháo đường thai kỳ là tiết chế dinh dưỡng. Bạn sẽ được tham vấn về cách điều chỉnh lại chế độ ăn sao cho phù hợp. Ngoài ra, các bài tập vận động nhẹ, phù hợp với thai kỳ cũng giúp đường huyết ổn định hơn. Trong tình huống chưa cải thiện, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc.
Tóm lại, đái tháo đường thai kỳ có nhiều ảnh hưởng trên mẹ và bé. Đái tháo đường thai kỳ ở mẹ không trực tiếp gây rối loạn đường huyết ngay tức thời ở con. Tuy nhiên, thai nhi lớn lên trong môi trường đường huyết cao sẽ thay đổi các biểu hiện gen, dẫn đến nguy cơ đái tháo đường típ 2 và rối loạn chuyển hóa trong tương lai.
>> Xem thêm: Các biến chứng dài hạn của bệnh đái tháo đường - Thận và Tim
VN_GM_DIA_349;exp:30/11/2024
Tài liệu tham khảo
- Słupecka-Ziemilska M, Wychowański P, Puzianowska-Kuznicka M. Gestational Diabetes Mellitus Affects Offspring's Epigenome. Is There a Way to Reduce the Negative Consequences?. Nutrients. 2020;12(9):2792. Published 2020 Sep 11
- Carpenter MW. Gestational diabetes, pregnancy hypertension, and late vascular disease [published correction appears in Diabetes Care. 2007 Dec;30(12):3154]. Diabetes Care. 2007;30 Suppl 2:S246-S250
- Tobias DK, Hu FB, Forman JP, Chavarro J, Zhang C. Increased risk of hypertension after gestational diabetes mellitus: findings from a large prospective cohort study. Diabetes Care. 2011;34(7):1582-1584
- Lucas IM, Barr ELM, Barzi F, et al. Gestational diabetes is associated with postpartum hemorrhage in Indigenous Australian women in the PANDORA study: A prospective cohort. Int J Gynaecol Obstet. 2021;155(2):296-304
- Choudhury AA, Rajeswari VD. Gestational diabetes mellitus - A metabolic and reproductive disorder. Biomed Pharmacol. 2021;143:112183
- Cozma MA, Găman MA, Dobrică EC, et al. A Glimpse at the Size of the Fetal Liver-Is It Connected with the Evolution of Gestational Diabetes?. Int J Mol Sci. 2021;22(15):7866. Published 2021 Jul 23
- Hướng dẫn chăm sóc bàn chân đái tháo đường cho bệnh nhân
- Những bệnh lý thường gặp và cách chăm sóc mắt cho người đái tháo đường
- Tập thể dục cho người đái tháo đường: Lợi ích, cường độ và cách tập
- Trầm cảm và đái tháo đường
- Bệnh thận đái tháo đường: Biến chứng nguy hiểm cần phòng ngừa
- Tiền đái tháo đường: Tỷ lệ mắc bệnh và 5 yếu tố nguy cơ gây bệnh
- Sức khỏe tình dục ở người đái tháo đường: Sự ảnh hưởng và cải thiện
- Tự theo dõi đường huyết tại nhà: Tầm quan trọng và cách sử dụng
- Thành phần dinh dưỡng bữa ăn cho bệnh nhân đái tháo đường
- [Video] Người thừa cân, béo phì khi nào cần tầm soát tiền ĐTĐ - BS CKII Từ Thị Kim Thanh
- [Video] Chế độ ăn cho người đái tháo đường - BS CKII Ngô Thế Phi
- Tiểu ra đường có phải là đái tháo đường? Nguyên nhân và cách nhận biết
Đánh giá nguy cơ bệnh
Chỉ cần 5 phút để đánh giá nguy cơ bệnh lý của bạn. Giúp bạn xử trí kịp thời.
Bạn muốn đánh giá nguy cơ bệnh nào ?
- Bệnh đái tháo đường
- Bệnh tiền đái tháo đường
- Bệnh lý tim mạch
- Bệnh lý tuyến giáp