Những loại rau củ người đái tháo đường không nên ăn và nên ăn
Bệnh đái tháo đường là bệnh mãn tính ảnh hưởng đến cách cơ thể điều chỉnh lượng đường trong máu. Việc kiểm soát đường huyết rất quan trọng đối với những người mắc bệnh và chế độ ăn uống đóng vai trò thiết yếu trong quá trình đó. Nhiều loại rau củ bổ dưỡng có thể giúp duy trì lượng đường trong máu ổn định và cải thiện sức khỏe, nhưng cũng có những loại cần hạn chế hoặc tránh hoàn toàn. Bài viết này cung cấp thông tin về những loại rau người đái tháo đường không nên ăn và loại nên bổ sung vào bữa ăn để kiểm soát bệnh hiệu quả hơn.
1. Những loại rau người đái tháo đường không nên ăn
Đối với người mắc bệnh đái tháo đường, có một số loại rau nên hạn chế hoặc tránh hoàn toàn do hàm lượng đường và tinh bột cao. Những loại rau này có thể làm tăng đường huyết một cách nhanh chóng, gây khó khăn trong việc kiểm soát bệnh. Dưới đây là một số loại rau mà người đái tháo đường không nên ăn: [1] [2]
Các loại khoai
- Khoai tây:
Khoai tây là một loại rau củ phổ biến, nhưng không phù hợp cho người đái tháo đường. Với hàm lượng tinh bột và chỉ số đường huyết (GI) khá cao: Khoai tây luộc là 82, khoai tây chiên là 73 và khoai tây nướng là 111. Những chỉ số này làm tăng lượng đường huyết đột ngột sau khi ăn.
Mặc dù có chứa một số chất xơ, nhưng khoai tây không đủ để cân bằng lượng đường và tinh bột hiệu quả trong việc kiểm soát đường huyết. Ăn khoai tây thường xuyên cũng có thể dẫn đến tăng cân do lượng calo cao, tăng nguy cơ biến chứng. Các phương pháp chế biến như chiên, nướng hoặc nghiền với bơ và kem cũng làm tăng lượng calo và chất béo không lành mạnh.
- Khoai lang:
Khoai lang, mặc dù giàu dinh dưỡng nhưng không phù hợp cho người đái tháo đường vì có hàm lượng đường tự nhiên cao, gây tăng lượng đường huyết sau khi ăn và khó duy trì ổn định. Chỉ số đường huyết (GI) của khoai lang tùy thuộc vào cách chế biến như khoai lang luộc có chỉ số 44, khoai lang chiên là 75 và khoai lang nướng là 82.
Ngoài ra, tinh bột trong khoai lang khi tiêu hóa chuyển hóa thành glucose, ảnh hưởng xấu đến người bệnh đái tháo đường. Vị ngọt tự nhiên của khoai lang có thể khiến người bệnh dễ ăn quá nhiều khó kiểm soát tình trạng bệnh. Thay vì loại bỏ hoàn toàn, người bệnh có thể lựa chọn các loại khoai lang có GI thấp như khoai lang tím hoặc vàng, chế biến theo cách luộc hoặc hấp và kiểm soát lượng ăn hợp lý.
- Khoai mì:
Khoai mì có chỉ số đường huyết là 46 chứa tinh bột dễ tiêu hóa, khi tiêu hóa nhanh dễ gây ra tình trạng tăng đường huyết đột ngột. Điều này có thể gây khó khăn trong việc kiểm soát đường huyết và có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm cho người bệnh đái tháo đường.
- Khoai mỡ:
Người tiểu đường không nên ăn khoai mỡ vì loại củ này chứa nhiều carbs, dễ làm tăng lượng đường trong máu. Mặc dù chỉ số đường huyết (GI) của khoai mỡ là 24 được coi là thấp nhưng khoai mỡ vẫn có chứa nhiều tinh bột dễ hấp thụ vào máu, gây ảnh hưởng lớn đến lượng đường huyết.
Đối với người mắc bệnh tiểu đường, việc kiểm soát lượng đường trong máu là rất quan trọng. Lượng đường huyết tăng cao có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Mặc dù khoai mỡ có chỉ số GI thấp, nhưng hàm lượng tinh bột cao vẫn có thể gây tăng đường huyết đột ngột, không an toàn cho sức khỏe của người tiểu đường.
- Khoai môn:
Người mắc bệnh tiểu đường nên cân nhắc khi ăn khoai môn, dù chỉ số đường huyết có thấp hơn so với nhiều loại khoai khác. Khoai môn luộc có chỉ số đường huyết khoảng 53, vẫn trong ngưỡng cho phép (dưới 55) giúp ổn định đường huyết. Tuy nhiên, việc ăn quá nhiều khoai môn sẽ không tốt cho sức khỏe của người bệnh.
Mỗi bữa ăn, không nên ăn quá 300g khoai môn và quá 3 lần mỗi tuần. Sau mỗi lần ăn, bệnh nhân cần kiểm tra và theo dõi đường huyết để điều chỉnh lượng ăn nếu cần thiết. Việc này giúp đảm bảo rằng đường huyết được kiểm soát tốt và sức khỏe tổng thể được bảo vệ.
Ngô
Ngô có chỉ số đường huyết khá cao (chỉ số GI = 69), có thể làm tăng đường huyết sau khi ăn. Khi có ngô trong bữa ăn, cần giảm lượng các thực phẩm giàu carbohydrate khác để tránh tăng đột biến đường huyết.
Nếu người bệnh muốn ăn ngô thì nên kiểm soát khẩu phần phù hợp và kết hợp ngô với rau xanh, trái cây hoặc sữa ít béo giúp cân bằng dinh dưỡng và hạn chế ảnh hưởng đến đường huyết. Đồng thời, uống đủ nước để duy trì sức khỏe tốt cho người bị tiểu đường.
Rau củ đóng hộp
Rau củ đóng hộp thường chứa nhiều đường, chất bảo quản để kéo dài thời gian sử dụng và giữ hương vị ngon. Những thành phần này có thể làm tăng đường huyết khi ăn không tốt cho người bị tiểu đường. Ngoài ra, rau củ đóng hộp thường có nồng độ natri cao do quá trình chế biến gây ảnh hưởng đến huyết áp và sức khỏe tim mạch
So với rau củ tươi, rau củ đóng hộp thường có ít dinh dưỡng hơn do quá trình chế biến và bảo quản. Điều này có thể dẫn đến thiếu hụt các vitamin, khoáng chất và chất xơ quan trọng cho sức khỏe người bệnh.
Cải củ turnip (củ cải tím)
Củ cải tím có chỉ số đường huyết (GI) cao lên đến 85 và chứa nhiều đường tự nhiên, nên người mắc tiểu đường cần thận trọng khi ăn. Do hàm lượng đường tự nhiên cao, củ cải tím có thể làm tăng đường huyết nhanh hơn so với nhiều loại rau khác. Vì vậy, người tiểu đường nên hạn chế ăn củ cải tím và chọn các loại rau ít đường hơn để kiểm soát đường huyết hiệu quả.
Củ dền
Người bệnh tiểu đường cần kiểm soát lượng đường nạp vào cơ thể hàng ngày để duy trì mức đường huyết ổn định. Một trong những loại rau củ người đái tháo đường nên tránh là củ dền. Với chỉ số đường huyết cao (GI=85), củ dền có thể khiến đường huyết tăng đột ngột sau khi ăn, gây khó khăn trong việc kiểm soát bệnh.
Bí đỏ (nấu chín)
Bí đỏ nấu chín có chỉ số đường huyết (GI) là 75 một trong những loại thực phẩm có GI khá cao. Đối với người bị tiểu đường, đây là một loại thực phẩm không nên ăn. GI cao có thể làm tăng đường huyết nhanh chóng sau khi ăn, gây ra một loạt các vấn đề sức khỏe cho người tiểu đường làm giảm khả năng kiểm soát đường huyết.
Do đó, người bệnh tiểu đường nên cân nhắc bổ sung bí đỏ nấu chín vào khẩu phần ăn và thay vào đó chọn các loại thực phẩm có GI thấp hơn để duy trì mức đường huyết ổn định hơn.
2. Những loại rau củ người bệnh đái tháo đường nên bổ sung vào thực đơn
Người bệnh đái tháo đường nên bổ sung vào thực đơn những loại rau củ ít carbohydrate và giàu chất xơ để giúp kiểm soát đường huyết. Dưới đây là một số loại rau củ có lợi cho sức khỏe người bệnh: [1] [2] [3]
Các loại rau xanh
- Rau muống:
Rau muống là một loại rau rất tốt cho người bệnh tiểu đường nhờ vào hàm lượng carbohydrate vô cùng thấp. Vì vậy, khi ăn rau muống gần như không làm tăng nồng độ glucose trong máu, giúp duy trì sự ổn định đường huyết.
Hơn nữa, rau muống cũng chứa hàm lượng cao vitamin A và C. Bổ sung vitamin A giúp cải thiện chức năng tế bào beta tuyến tụy hỗ trợ ngăn ngừa phát triển bệnh tiểu đường nặng hơn. Trong khi đó, vitamin C có thể giúp giảm lượng huyết tăng đột biến sau bữa ăn, hỗ trợ kiểm soát bệnh tiểu đường một cách hiệu quả nhất.
Ngoài ra, rau muống có chỉ số đường huyết (GI) rất thấp, chỉ khoảng 20, điều này càng khẳng định rau muống là một lựa chọn thực phẩm lý tưởng cho người bệnh tiểu đường.
- Rau ngót:
Rau ngót là một loại rau xanh quen thuộc, đặc biệt tốt cho người tiểu đường nhờ chỉ số đường huyết (GI) rất thấp dưới 15, giúp kiểm soát đường huyết hiệu quả. Chứa nhiều chất xơ, rau ngót hỗ trợ tiêu hóa và duy trì mức đường huyết ổn định, đồng thời ngăn ngừa táo bón.
Ngoài ra, rau ngót cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất quan trọng như vitamin A, C, K, canxi, sắt và kali, giúp tăng cường sức khỏe và hỗ trợ hệ miễn dịch. Trong rau ngót còn chứa chất oxy hóa giúp bảo vệ các tế bào khỏi các tổn thương giảm nguy cơ biến chứng tiểu đường.
Với hàm lượng calo thấp, rau ngót là lựa chọn lý tưởng cho người tiểu đường muốn giảm cân. Có thể chế biến rau ngót thành nhiều món ăn ngon như canh rau ngót, rau ngót luộc hoặc xào.
- Rau dền:
Rau dền có mức đường huyết thấp, chỉ số GI là 10. Khi người bệnh tiểu đường ăn rau dền thì lượng đường huyết sẽ không tăng cao đột ngột an toàn cho sức khỏe.
Ngoài chỉ số GI thấp, rau dền còn giàu chất xơ và nước, giúp giảm cảm giác thèm ăn và giữ no lâu hơn. Rau dền cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất quan trọng, rất tốt cho sức khỏe của người mắc bệnh tiểu đường.
- Rau lang:
Rau lang có chỉ số đường huyết (GI) là 20, giàu chất xơ giúp cải thiện sự hấp thu đường trong máu và làm chậm quá trình tiêu hóa, giúp ngăn ngừa đột quỵ mạch máu não. Ngoài ra, rau lang còn chứa nhiều vitamin và khoáng chất như vitamin A, C, kali và magiê, có lợi cho sức khỏe tim mạch và hệ thần kinh. Bạn có thể chế biến rau lang thành nhiều món ăn như canh, xào hoặc trộn vào salad cũng rất ngon và dinh dưỡng.
- Rau họ Cải
Các loại rau họ cải mang lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe người tiểu đường vì chúng giúp kiểm soát đường huyết với chỉ số thấp (khoảng 10-15). Đặc biệt, chúng chứa nhiều chất chống oxy hóa như axit alpha-lipoic giúp giảm glucose trong máu, hỗ trợ điều trị tiểu đường hiệu quả.
Ngoài ra, rau họ cải cũng cung cấp nhiều dinh dưỡng quan trọng và giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Thực phẩm này có lượng calo thấp hỗ trợ người tiểu đường kiểm soát và quản lý cân nặng hiệu quả.
- Rau mồng tơi:
Rau mồng tơi rất giàu chất xơ, vitamin C, vitamin K và các khoáng chất như canxi, kali và magie, cùng với chỉ số GI thấp là 15 đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe và kiểm soát đường huyết.
Chất xơ trong rau mồng tơi giúp giảm đường huyết bằng cách làm chậm quá trình hấp thu đường từ máu. Vitamin C hỗ trợ tuyến tụy sản xuất insulin, cải thiện khả năng điều tiết đường huyết. Vitamin K từ rau mồng tơi cũng hỗ trợ quá trình kiểm soát đường huyết bằng cách kích thích các protein liên quan. Ngoài ra, canxi, kali và magie trong rau giúp duy trì sự ổn định đường huyết và chức năng toàn diện của cơ thể.
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn và hiệu quả, việc sử dụng rau mồng tơi và các thực phẩm khác nên được điều chỉnh dưới sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa tiểu đường.
- Rau diếp cá:
Rau diếp cá chứa hợp chất ethanol và nhiều chất chống tiểu đường, rất có lợi cho người bệnh đái tháo đường. Những hợp chất này giúp kiểm soát và ổn định hàm lượng đường huyết trong cơ thể, làm giảm đường huyết và cải thiện độ nhạy insulin. Người bệnh có thể ăn rau diếp cá sống, làm nước ép hoặc nấu canh, nhưng nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để đảm bảo an toàn và hiệu quả.
- Măng tây:
Măng tây cũng là thực phẩm có ít calo và không chứa cholesterol, điều này rất có lợi cho người tiểu đường vì họ cần kiểm soát cân nặng và mức cholesterol trong máu. Măng tây có chỉ số đường huyết (GI) nhỏ hơn 55, giúp người tiểu đường có thể ăn măng tây mà không lo ngại về vấn đề tăng đường huyết.
Ớt chuông
Ớt chuông có chỉ số đường huyết thấp (GI chỉ 15), là thực phẩm mà người bệnh đái tháo đường nên bổ sung. Ớt chuông không chỉ giúp kiểm soát đường huyết hiệu quả mà còn cung cấp nhiều vitamin C, tăng cường hệ miễn dịch. Nhờ các chất chống oxy hóa và chống viêm, ớt chuông giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, ung thư và viêm khớp. Các hoạt chất anthocyanin trong ớt chuông ngăn chặn enzym tiêu hóa như alpha glucosidase và lipase, làm chậm quá trình phân hủy carbohydrate và lipid, hỗ trợ kiểm soát lượng đường huyết hiệu quả.
Để bổ sung ớt chuông hiệu quả nhất thì nên sử dụng sống, luộc hoặc hấp thay vì chế biến với nhiều dầu mỡ, đường và muối.
Bí ngòi
Bí ngòi là một loại thực phẩm rất tốt cho người bị tiểu đường. Có chỉ số đường huyết thấp (GI chỉ 15), giúp kiểm soát đường huyết ổn định sau khi ăn. Bí ngòi cũng giàu chất xơ, giúp giảm nguy cơ tăng đường huyết nhanh sau khi ăn và hỗ trợ tiêu hóa. Ngoài ra, thực phẩm này còn có hàm lượng nước cao, giúp cân bằng nước cho cơ thể hiệu quả.
Bí xanh
Bí xanh là thực phẩm người bị tiểu đường nên thường xuyên bổ sung vào thực đơn dinh dưỡng. Được biết đến với chỉ số đường huyết (GI) thấp khoảng 15, bí xanh giúp kiểm soát mức đường huyết ổn định. Đặc biệt, thực phẩm này cũng giàu chất xơ và nước, giúp giảm cảm giác thèm ăn và hỗ trợ trong việc duy trì cân nặng. Bạn có thể chế biến bí xanh thành nhiều món như canh, xào hoặc nấu cùng các món thịt cá khác để thêm sự đa dạng và dinh dưỡng vào khẩu phần ăn hàng ngày.
Cà rốt
Cà rốt có chỉ số đường huyết thấp là 30 và rất giàu beta-carotene, một chất dinh dưỡng quan trọng cho mắt và hệ miễn dịch. Ngoài ra, nó còn chứa nhiều chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ tế bào và ngăn ngừa tổn thương do oxy hóa.
Vitamin B1, B6 trong cà rốt hỗ trợ quá trình trao đổi chất giúp kiểm soát đường huyết và giảm nguy cơ bệnh thận liên quan đến tiểu đường. Đồng thời, cà rốt cung cấp chất xơ làm giảm tốc độ hấp thu đường, giúp duy trì cảm giác no lâu hơn và hỗ trợ hệ tiêu hóa.
Củ cải trắng
Có nhiều nghiên cứu cho thấy rằng uống nước ép củ cải trắng sau bữa ăn giúp giảm một lượng đường huyết đáng kể. Đặc biệt, chỉ cần uống một ít nước ép này, bạn có thể ức chế sự tăng đột ngột của đường huyết.
Củ cải trắng giàu chất phytochemical giúp điều chỉnh glucose và insulin trong cơ thể, từ đó giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như bệnh tim mạch và ung thư. Nó cũng chứa các chất chống oxy hóa giúp bảo vệ tế bào khỏi tổn thương do stress oxy hóa, làm giảm nguy cơ mắc các bệnh lý nghiêm trọng.
Với chỉ số glycemic thấp (15) và hàm lượng chất xơ dồi dào, củ cải trắng không chỉ hỗ trợ kiểm soát đường huyết mà còn giúp giảm nguy cơ các biến chứng của bệnh tiểu đường như tổn thương mạch máu và các bộ phận quan trọng như mắt, tim và thận.
Dưa chuột
Theo Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ (ADA), dưa chuột thuộc nhóm thực phẩm "không chứa tinh bột" cho phép bạn ăn thỏa thích mà không cần lo lắng về đường huyết. Điều này làm cho dưa chuột trở thành thực phẩm không thể thiếu trong chế độ ăn uống giúp kiểm soát đường huyết hiệu quả.
Ngoài ra, dưa chuột còn giúp bổ sung các dưỡng chất quan trọng như vitamin và khoáng chất, hỗ trợ sức khỏe tổng thể. Việc bổ sung dưa chuột vào khẩu phần ăn hàng ngày không chỉ giúp duy trì mức đường huyết ổn định mà còn cung cấp các dưỡng chất cần thiết để phòng ngừa các biến chứng tiềm ẩn của bệnh tiểu đường.
Cà tím
Cà tím giàu chất xơ và có chỉ số glycemic thấp là 20 giúp kiểm soát đường huyết hiệu quả. Chất xơ trong cà tím không chỉ giúp làm chậm quá trình tiêu hóa và hấp thu đường mà còn giúp duy trì mức đường huyết ổn định sau khi ăn. Điều này rất quan trọng để kiểm soát đường huyết và giúp cải thiện sự thích ứng của cơ thể với insulin.
Thêm vào đó, cà tím chứa nhiều chất chống oxy hóa như anthocyanins bảo vệ tế bào khỏi các tổn thương do các phân tử tự do gây ra. Thực phẩm này giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch và hỗ trợ trong việc ngăn ngừa bệnh ung thư.
Bông cải xanh
Bông cải xanh là loại rau giàu chất xơ giúp kiểm soát đường huyết và chỉ khoảng 27 calo và 3 gram carb trong nửa chén khi nấu chín. Cung cấp vitamin C và K giúp hỗ trợ sức khỏe miễn dịch và xương, đồng thời chứa sắt giúp duy trì hệ tuần hoàn khỏe mạnh. Đặc biệt, nó cũng chứa lutein và zeaxanthin, hai chất chống oxy hóa quan trọng giúp bảo vệ mắt của người bị tiểu đường.
Với những lợi ích này, bông cải xanh không chỉ hỗ trợ kiểm soát đường huyết mà còn là một phần quan trọng của chế độ dinh dưỡng lành mạnh cho người tiểu đường.
Nấm
Nấm là một lựa chọn dinh dưỡng tuyệt vời cho người bị tiểu đường vì chứa ít tinh bột và calo. Chúng giàu chất xơ, giúp cải thiện tiêu hóa và kiểm soát đường huyết. Nấm cũng cung cấp nhiều khoáng chất và vitamin như kali, selen và vitamin D, giúp duy trì sức khỏe. Nhờ các chất chống oxy hóa, nấm bảo vệ các tế bào khỏi tổn thương. Ăn nấm có thể hỗ trợ giảm cân và giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và biến chứng do tiểu đường.
Rau cần
Rau cần có chỉ số glycemic index (GI) thấp là 15 và có khả năng kích thích tế bào beta trong đảo tụy Langerhans để sản xuất và giải phóng insulin. Đây là quá trình quan trọng giúp duy trì mức đường huyết ổn định trong cơ thể.
Hơn nữa, rau cần cũng là nguồn giàu chất xơ, canxi, protein và photpho, những thành phần dinh dưỡng quan trọng giúp duy trì sức khỏe toàn diện cho người bị tiểu đường. Bổ sung rau cần vào chế độ ăn hàng ngày không chỉ hỗ trợ kiểm soát đường huyết mà còn cung cấp các dưỡng chất cần thiết để tăng cường sức đề kháng và sức khỏe toàn diện của cơ thể trong quá trình điều trị bệnh.
Cà chua
Với chỉ số đường huyết thấp chỉ 30 giúp kiểm soát lượng đường huyết ổn định và chứa nhiều chất bảo vệ tế bào khỏi các tổn thương, ngăn ngừa bệnh tim mạch và ung thư. Nhờ vào thành phần vitamin C, beta-carotene và lycopene, cà chua có khả năng giảm viêm hiệu quả, cải thiện các bệnh lý viêm mãn tính.
Hành tây
Hành tây có chỉ số đường huyết thấp 15, chứa khoáng chất chromium, giúp tăng cường hoạt động của insulin và kiểm soát mức đường huyết tốt hơn. Các chất chống oxy hóa trong hành tây như quercetin, flavonoid và anthocyanin giúp bảo vệ các tế bào khỏi tổn thương, giảm nguy cơ viêm nhiễm và các biến chứng liên quan đến tiểu đường.
Mướp đắng
Mướp đắng rất có lợi cho người tiểu đường, giúp giảm và kiểm soát lượng đường trong máu nhờ các hoạt chất như charanti, vicine và polypeptide-p. Bên cạnh đó, thực phẩm này còn phòng ngừa biến chứng như bệnh tim mạch và béo phì, hỗ trợ giảm cholesterol và kiểm soát cân nặng nhờ hàm lượng chất xơ cao. Ngoài ra, mướp đắng cung cấp nhiều dưỡng chất như vitamin C, A, folate, kali, kẽm, sắt và chất xơ, giúp tăng cường sức khỏe toàn diện.
Tóm lại, chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát bệnh đái tháo đường. Việc lựa chọn những loại rau củ phù hợp, giàu dinh dưỡng và có chỉ số đường huyết thấp là chìa khóa để duy trì sức khỏe ổn định. Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về những loại rau người đái tháo đường không nên ăn và cần bổ sung. Hãy nhớ tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để có chế độ ăn uống phù hợp nhất với tình trạng sức khỏe của bạn.
Tài liệu tham khảo:
1. List of vegetables that individuals with diabetes should avoid eating!
https://doctornetwork.us/vegetables-that-individuals-with-diabetes-should-avoid/ ( Ngày truy cập: 5/7/2024)
2. The Right Vegetables for Diabetes and the Ones to Avoid
https://www.livestrong.com/article/402490-list-of-the-right-vegetables-for-diabetes/ ( Ngày truy cập: 5/7/2024)
3. 21 Best Vegetables You Must Include In Your Diabetes Diet
https://www.boldsky.com/health/wellness/best-vegetables-for-diabetes-134891.html ( Ngày truy cập: 5/7/2024)
- Thay đổi lối sống lành mạnh - Nền tảng trong điều trị đái tháo đường!
- Người mắc bệnh đái tháo đường uống mật ong được không?
- Chăm sóng người bệnh đái tháo đường trong giai đoạn cuối đời
- Chăm sóc răng miệng cho bệnh nhân đái tháo đường
- Bệnh đái tháo đường có lây không và làm thế nào để phòng ngừa?
- Thức khuya đái tháo đường: Hệ lụy tiềm ẩn nguy hiểm chớ nên xem thường
- Bệnh võng mạc đái tháo đường: Nguyên nhân, triệu chứng và phòng ngừa
- Mức đường huyết của người trên 60 tuổi ổn định ở mức bao nhiêu?
- Mối tương quan giữa béo phì và đái tháo đường
- Người mắc đái tháo đường uống nước dừa được không? Cần lưu ý gì?
- Người bệnh đái tháo đường bị ngứa da: Biến chứng nguy hiểm cần lưu ý
- Bàn chân đái tháo đường: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Đánh giá nguy cơ bệnh
Chỉ cần 5 phút để đánh giá nguy cơ bệnh lý của bạn. Giúp bạn xử trí kịp thời.
Bạn muốn đánh giá nguy cơ bệnh nào ?
- Bệnh đái tháo đường
- Bệnh tiền đái tháo đường
- Bệnh lý tim mạch
- Bệnh lý tuyến giáp