Trầm cảm và đái tháo đường
Thông tin được bảo trợ bởi Hội Tim Mạch Việt Nam
Trong thế giới ngày nay với nhịp sống nhanh, những yêu cầu của cuộc sống hiện đại thường khiến chúng ta căng thẳng. Hai tình trạng sức khỏe phổ biến đã đồng thời gia tăng và thu hút sự chú ý đáng kể, đó là trầm cảm và đái tháo đường.
Thoạt nhìn tưởng chúng có vẻ chúng không liên quan đến nhau. Tuy nhiên, nhiều bằng chứng gần đây đã khám phá ra một mối quan hệ phức tạp và song hướng giữa hai tình trạng này vượt ra ngoài những tác động về mặt tâm lý và cảm xúc. Hiểu rõ mối tương tác phức tạp giữa trầm cảm và bệnh đái tháo đường có vai trò quan trọng đối với cả bệnh nhân và bác sĩ để cung cấp chăm sóc toàn diện và cải thiện tốt hơn cho tình trạng sức khỏe tổng thể.
Đái tháo đường: Không chỉ là đường huyết
Đái tháo đường là một rối loạn chuyển hóa mạn tính được đặc trưng bởi mức đường huyết cao. Tuy nhiên, đó có thể chỉ là bề nổi. Đái tháo đường ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến nhiều hệ cơ quan và khía cạnh khác nhau của cuộc sống. Các biến chứng thường gặp là bệnh mạch vành, bệnh mạch máu não, bệnh động mạch ngoại biên, bệnh lý mắt, thận hay thần kinh. Ngoài ra, bệnh nha chu, rối loạn cương hay thay đổi tâm lý cũng là những ảnh hưởng của đái tháo đường.
Tác động tâm lý của đái tháo đường
Cuộc sống với đái tháo đường có thể gây căng thẳng tinh thần. Sự liên tục phải theo dõi đường huyết (đôi khi gây đau với một số người), tuân thủ lịch trình dùng thuốc hàng ngày và thay đổi chế độ ăn uống đã quen thuộc có thể góp phần vào tình trạng căng thẳng và lo âu. Nỗi sợ biến chứng đái tháo đường hoặc tử vong và gánh nặng tự chăm sóc cũng có thể dẫn đến cảm giác bất lực và tuyệt vọng. Theo thời gian, những khó khăn tinh thần này có thể là yếu tố nguy cơ tiến triển thành trầm cảm.
Trầm cảm: không chỉ là buồn
Trầm cảm thường được mô tả như một "cảm giác buồn". Tuy nhiên, nó là một rối loạn tâm thần vượt xa khỏi cảm giác buồn tạm thời. Nó được đặc trưng bởi cảm giác buồn bã, tuyệt vọng kéo dài. Bạn cũng cần biết rằng, một dạng biểu hiện khác của trầm cảm là cảm giác thiếu hứng thú hoặc niềm vui trong các hoạt động mà trước đây mình yêu thích. Như vậy, trầm cảm có thể xuất hiện như một “cảm giác trống rỗng, mất hứng thú” chứ không hẳn luôn buồn. Trầm cảm ảnh hưởng không chỉ đến tâm trạng mà còn đến sức khỏe thể chất và khả năng nhận thức. Đây là một tình trạng phức tạp với nhiều yếu tố đóng góp, bao gồm di truyền, chất hóa học ở não và kinh nghiệm cuộc sống [1].
>> Xem thêm: 14 dấu hiệu bệnh đái tháo đường nên phát hiện sớm
Mối liên hệ giữa đái tháo đường và trầm cảm
Mối liên hệ giữa đái tháo đường và trầm cảm
Nghiên cứu đã hé lộ mối quan hệ phức tạp giữa đái tháo đường và trầm cảm vượt ra ngoài việc chúng xuất hiện cùng lúc một cách ngẫu nhiên. Những người mắc đái tháo đường có nguy cơ phát triển trầm cảm tăng lên. So với người bình thường, bệnh nhân đái tháo đường típ 1 lẫn típ 2 đều tăng nguy cơ trầm cảm [2]. Kể cả người tiền đái tháo đường hoặc đái tháo đường chưa được chẩn đoán cũng tăng tỉ lệ trầm cảm [3]. Như vậy, điều này không đơn giản chỉ do yếu tố tâm lý gây nên, bởi vì bệnh nhân chưa được chẩn đoán đái tháo đường trong nghiên cứu trên không hề biết về bệnh trạng hay mức đường huyết của mình trước đó.
Đây là một mối quan hệ hai chiều. Một mặt, đái tháo đường làm tăng nguy cơ trầm cảm. Lý do thường được xem xét nhất là do nỗi lo về gánh nặng bệnh tật, kinh tế. Tuy nhiên, như đã đề cập, có một tỉ lệ nhất định bệnh nhân đái tháo đường (nhưng chưa được khám và phát hiện, chẩn đoán) vẫn mang nguy cơ trầm cảm cao hơn dân số chung. Điều này được giả thiết rằng lối sống không tốt như ít hoạt động thể lực, chế độ ăn không lành mạnh hay một cuộc sống nhiều stress có thể là yếu tố thúc đẩy cả hai bệnh lý cùng lúc [4].
Độ nặng của trầm cảm có liên hệ đến biến cố hạ đường huyết. Nghĩa là trong quá trình điều trị, nếu để hạ đường huyết nhiều lần, người bệnh có thể gặp trầm cảm nặng hơn [5]. Bên cạnh đó, dưới sự tiến bộ của kỹ thuật, những nghiên cứu gần đây cho thấy đái tháo đường làm thay đổi cấu trúc não hoặc hoạt động chuyển hóa hormone ở não, và một vài trong số chúng có thể tham gia ít nhiều vào tiến triển bệnh trầm cảm [6].
Chiều ngược lại, người bệnh trầm cảm cũng gia tăng nguy cơ đái tháo đường. Tuy nhiên, trường hợp này phần lớn được quy kết cho các thuốc chống trầm cảm, chống loạn thần hoặc chống lo âu mà người bệnh sử dụng. Một số trong nhóm này làm tăng đường huyết về lâu dài [7].
Trầm cảm ảnh hưởng đến quá trình quản lý bệnh đái tháo đường như thế nào?
Quá trình điều trị đái tháo đường đòi hỏi sự phối hợp giữa thay đổi lối sống và dùng thuốc. Trong đó, việc thay đổi lối sống cần sự chủ động, tự giác, tích cực cao của bạn. Người trầm cảm có thể ít muốn tham gia hoạt động thể lực, điều giúp cải thiện đường huyết. Tương tự vậy, họ có thể ăn uống không theo lịch trình khoa học, dẫn đến đường huyết biến động nhiều, lúc quá cao, lúc quá thấp.
Cách quản lý trầm cảm và đái tháo đường
Cách quản lý trầm cảm và đái tháo đường
Bác sĩ thường sẽ đánh giá định kỳ triệu chứng trầm cảm trong những buổi tái khám. Tuy nhiên, bạn nên chủ động tìm kiếm sự trợ giúp nếu thấy mình có những thay đổi về suy nghĩ, sinh hoạt. Việc nắm được vấn đề là điều đầu tiên để bắt đầu tìm cách quản lý, khắc phục.
Các liệu pháp nhận thức hành vi hoặc trò chuyện sẽ giúp bạn cải thiện tâm trạng theo hướng tích cực. Nếu có chỉ định, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc để hỗ trợ làm giảm triệu chứng. Bởi vì bác sĩ điều trị trầm cảm khác với bác sĩ điều trị đái tháo đường, bạn cần trình bày đơn thuốc đang dùng hiện tại cho cả hai bên để nhân viên y tế có sự điều chỉnh thuốc phù hợp, tránh tương tác thuốc và tránh làm kiểm soát đường huyết kém đi.
Những biện pháp thay đổi lối sống trong đái tháo đường, đặc biệt là hoạt động thể lực, không chỉ giúp kiểm soát đường huyết và còn cải thiện tinh thần. Một trong những lý giải là khi bạn vận động, cơ thể tiết ra hormone endorphins giúp tạo cảm giác sảng khoái, hài lòng và đem đến tinh thần tích cực.
Để quản lý trầm cảm, cần có một hệ thống hỗ trợ tinh thần tốt từ người thân, gia đình và bạn bè. Do vậy, hãy trò chuyện để nhận được sự cảm thông cũng như hỗ trợ từ người xung quanh.
Tóm lại, trầm cảm và đái tháo đường là hai vấn đề sức khỏe nổi cộm trong cuộc sống hiện đại. Chúng liên kết một cách phức tạp thông qua các yếu tố sinh học, tâm lý và lối sống. Mối quan hệ hai chiều giữa hai tình trạng này nhấn mạnh tầm quan trọng của một phương pháp chăm sóc sức khỏe toàn diện, kể cả sức khỏe thể chất và tinh thần. Bằng cách nâng cao nhận thức, thúc đẩy can thiệp sớm, và áp dụng các biện pháp thay đổi lối sống, bạn có thể trang bị cho cá nhân khả năng quản lý sức khỏe tốt hơn và cải thiện chất lượng cuộc sống tổng thể.
>> Xem thêm: Chế độ ăn Keto trong đái tháo đường tuýp 2
Tài liệu tham khảo:
- https://www.verywellmind.com/the-chemistry-of-depression-1065137
- Roy T, Lloyd CE. Epidemiology of depression and diabetes: a systematic review. J Affect Disord. 2012;142(Suppl):S8–S21
- Chen S, Zhang Q, Dai G, Hu J, Zhu C, Su L, Wu X. Association of depression with pre-diabetes, undiagnosed diabetes, and previously diagnosed diabetes: a meta-analysis. Endocrine. 2016
- Bădescu SV, Tătaru C, Kobylinska L, et al. The association between Diabetes mellitus and Depression. J Med Life. 2016;9(2):120-125.
- Kikuchi Y, Iwase M, Fujii H, Ohkuma T, Kaizu S, Ide H, Jodai T, Idewaki Y, Nakamura U, Kitazono T. Association of severe hypoglycemia with depressive symptoms in patients with type 2 diabetes: the Fukuoka Diabetes Registry. BMJ Open Diabetes Res Care. 2015;3:e000063
- van HB, de Leeuw FE, Weinstein HC, Scheltens P, Biessels GJ. Brain imaging in patients with diabetes: a systematic review. Diabetes Care. 2006;29:2539–2548.
- Kammer JR, Hosler AS, Leckman-Westin E, DiRienzo G, Osborn CY. The association between antidepressant use and glycemic control in the Southern Community Cohort Study (SCCS) J Diabetes Complications. 2015
VN_GM_DIA_437;exp:30/8/2025
- KIỂM SOÁT ĐƯỜNG HUYẾT VỚI MÁY THỬ ĐƯỜNG HUYẾT Ở BỆNH NHÂN DÙNG INSULIN
- 3 phương pháp chẩn đoán và điều trị đái tháo đường thai kỳ
- TỔNG QUAN VỀ ĐÁI THÁO ĐƯỜNG THAI KỲ
- NHỮNG LO NGẠI CỦA BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG LIÊN QUAN ĐẾN COVID-19
- CHOCOLATE VÀ BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG
- Sự ảnh hưởng và triệu chứng của đái tháo đường ở phụ nữ
- 5 CÁCH QUẢN LÝ ĐƯỜNG HUYẾT CỦA BẠN TRONG DỊP LỄ TẾT
- ĐÁI THÁO ĐƯỜNG VÀ NHỮNG CÂU HỎI THƯỜNG GẶP
- THUỐC GIA TRUYỀN KHÔNG RÕ NGUỒN GỐC TRONG ĐIỀU TRỊ ĐÁI THÁO ĐƯỜNG: NGUY CƠ TIỀM ẨN
- CÁC BIẾN CHỨNG DÀI HẠN CỦA BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG - BÀN CHÂN VÀ NHA CHU (PHẦN 2)
- TẠI SAO ĐÁI THÁO ĐƯỜNG DẪN ĐẾN SUY THẬN
- TẠI SAO ĐÁI THÁO ĐƯỜNG GÂY MÙ LÒA?
Đánh giá nguy cơ bệnh
Chỉ cần 5 phút để đánh giá nguy cơ bệnh lý của bạn. Giúp bạn xử trí kịp thời.
Bạn muốn đánh giá nguy cơ bệnh nào ?
- Bệnh đái tháo đường
- Bệnh tiền đái tháo đường
- Bệnh lý tim mạch
- Bệnh lý tuyến giáp