DỊCH TỄ HỌC VÀ TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG
Đâu là gánh nặng của dịch tễ học và tiền đái tháo đường mà mọi người cần quan tâm và tìm hiểu để tránh bản thân và người thân mắc phải. Tiền đái tháo đường (prediabetes) là thuật ngữ dùng cho những bệnh nhân có đường huyết chưa đủ thỏa tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường nhưng vẫn cao hơn mức bình thường. Nói cách khác, đây là một giai đoạn trung gian khi đường huyết của chuyển từ trạng thái bình thường sang đái tháo đường thực sự.
Các dạng tiền đái tháo đường
Tiền đái tháo đường có ba dạng: (1) rối loạn đường huyết đói, nghĩa là đường huyết tăng sau một đêm nhịn đói và xét nghiệm buổi sáng; (2) rối loạn dung nạp glucose, nghĩa là đường huyết tăng sau khi cho làm một nghiệm pháp uống đường; và (3) tăng HbA1C (trị số phản ánh đường huyết trung bình trong vòng ba tháng vừa qua).
Dịch tễ học và Tiền đái tháo đường
Liên đoàn Đái tháo đường Quốc tế (International Diabetes Federation – IDF) đã công bố tài liệu mới nhất vào năm 2021 về bức tranh toàn cảnh tiền đái tháo đường trên thế giới. Vào năm 2021, ước tính cả thế giới có khoảng 541 triệu người trưởng thành (tương đương 10.6% dân số trưởng thành) bị rối loạn dung nạp glucose và 319 triệu người trưởng thành (tương đương 6.2% dân số trưởng thành) bị rối loạn đường huyết đói. Phỏng đoán đến năm 2045, các trị số này tiếp tục tăng theo xu hướng, đạt lần lượt 730 triệu người (11.4% dân số trưởng thành) và 441 triệu người (6.9% dân số trưởng thành) [1].
Phân bố tuổi
Tỉ lệ rối loạn dung nạp glucose tăng dần theo tuổi vì lớn tuổi là một nguy cơ dẫn đến các dạng rối loạn đường huyết, kể cả tiền đái tháo đường lẫn đái tháo đường. Tuy nhiên, dự đoán cho thấy đến năm 2045, khả năng nhóm tuổi trẻ (<45 tuổi) và rất già (≥70 tuổi) lại tăng tỉ lệ này, trong khi những người trung niên 45-69 tuổi có thể giảm nhẹ tỉ lệ rối loạn dung nạp glucose (Hình 1).
Trong khi đó, rối loạn đường huyết đói lại gặp với tỉ lệ cao nhất trong khoảng 60-64 tuổi và đến năm 2045 thì dự đoán tất cả các nhóm tuổi đều tăng tỉ lệ rối loạn đường huyết đói.
Hình 1: Tỉ lệ rối loạn dung nạp glucose năm 2021 và năm 2045 (dự đoán) theo từng nhóm tuổi [1]
Hình 2: Tỉ lệ rối loạn đường huyết đói năm 2021 và năm 2045 (dự đoán) theo từng nhóm tuổi [1]
Phân bố vùng địa lý
Do đặc điểm di truyền và một số yếu tố môi trường như chế độ dinh dưỡng, hoạt động thể lực, sinh hoạt khác mà tỉ lệ tiền đái tháo đường không giống nhau giữa các châu lục hay khu vực. Đặc biệt, tỉ lệ phân bố hai dạng rối loạn đường huyết đói và rối loạn dung nạp glucose cũng không giống nhau.
Ví dụ, Việt Nam nói riêng và các nước châu Á nói chung đa phần ít gặp rối loạn đường huyết đói. Tỉ lệ này ở Việt Nam vào năm 2021 được ước tính xấp xỉ 1,481,900 người, tương đương 2.2% dân số trưởng thành (Hình 3). Tuy nhiên, Việt Nam lại có đến 5,898,800 người mắc rối loạn dung nạp glucose, tương đương 8.9% dân số trưởng thành (Hình 4).
Thật vậy, khi xếp loại theo khu vực địa lý, Việt Nam được IDF phân vào nhóm các quốc gia khu vực Tây Thái Bình Dương. Khu vực này có một đặc điểm nghịch lý đáng chú ý là tỉ lệ rối loạn đường huyết đói thấp nhất nhưng tỉ lệ rối loạn dung nạp glucose lại cao nhất so với các khu vực khác trên thế giới.
Thực tế này còn đang được nghiên cứu tìm hiểu thêm, tuy nhiên hệ gene nhạy cảm của người châu Á và chế độ ăn nhiều tinh bột trong bữa ăn hàng ngày có thể là lý do làm cho bạn có xu hướng dễ bị tăng đường huyết sau ăn, trong khi đường huyết lúc đói tương đối bình thường. Do vậy có thể thấy, người Việt Nam chúng ta cần chú ý để thể bệnh thứ hai này hơn.
Hình 3: Tỉ lệ rối loạn đường huyết đói theo từng quốc gia năm 2021 [1]
Hình 4: Tỉ lệ rối loạn dung nạp glucose theo từng quốc gia năm 2021 [1]
Lợi ích khi phát hiện sớm tiền đái tháo đường
Tiền đái tháo đường nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể giúp giảm khả năng tiến triển thành đái tháo đường típ 2 và giảm nguy cơ mắc các biến chứng tim mạch. Ngược lại, nếu bỏ sót, không chẩn đoán, tiền đái tháo đường để lại gánh nặng về cả mặt y tế lẫn kinh tế.
Xét về mặt y tế, khi mắc tiền đái tháo đường, bệnh nhân có khả năng gặp biến chứng tim mạch cao hơn người với đường huyết bình thường. Tuy nhiên, nếu được điều trị, kiểm soát tốt, có thể giảm thiểu được khả năng này hoặc chí ít cũng không làm tệ thêm. Nếu để bệnh tiến triển thành đái tháo đường, nguy cơ tim mạch lúc này càng tăng rõ, việc điều trị trở nên phức tạp hơn nhiều và chất lượng cuộc sống dĩ nhiên sẽ kém hơn, phụ thuộc y tế nhiều hơn.
Về khía cạnh kinh tế, theo một thống kê ở Hoa Kỳ, nếu điều trị từ giai đoạn tiền đái tháo đường, chi phí được ước tính chỉ khoảng 450 USD/người/năm, trong khi ở giai đoạn đái tháo đường, chi phí bỏ ra lên đến 2,700 USD/người/năm bởi vì lúc này bạn phải chi trả thêm cho các khoản như theo dõi đường huyết chặt chẽ hơn, viện phí khi nhập viện điều trị các biến chứng cấp tính nếu gặp phải (chẳng hạn nhiễm toan ceton, tăng áp lực thẩm thấu máu, nhiễm trùng chân, hạ đường huyết...), tiền thuốc men hàng ngày để kiểm soát đường huyết và tiền thuốc điều trị những bệnh đồng mắc hoặc biến chứng đái tháo đường. Ngoài ra, bệnh nhân còn gián tiếp bị mất thu nhập trong những ngày bệnh này.
Tóm lại, tiền đái tháo đường ngày càng có xu hướng gia tăng và trở thành gánh nặng y tế lẫn kinh tế ở tất cả mọi khu vực trên thế giới. Việt Nam có tỉ lệ rối loạn dung nạp glucose cao hơn rối loạn đường huyết đói, làm cho thể bệnh này trở thành vấn đề nên được quan tâm tầm soát đúng mức. Việc điều trị tiền đái tháo đường từ sớm giúp hạn chế tiến triển thành đái tháo đường và giảm gánh nặng y tế, kinh tế cho bản thân, gia đình lẫn xã hội.
Tài liệu tham khảo
- https://diabetesatlas.org/idfawp/resource-files/2021/07/IDF_Atlas_10th_Edition_2021.pdf. Accessed December 22, 2021.
- 2009-2012 individual level data from the Truven Health MarketScan® Lab Database - a 4.4 million subsample of the Truven Health MarketScan® Treatment Pathways. MarketScan is a registered trademark of Truven Health Analytics Inc.
VN_GM_PRE-DIA_234;EXP: 31/12/2023
Chỉ số đường huyết tiền đái tháo đường bao nhiêu là bình thường?
Những điều cần biết về tiền đái tháo đường
Bệnh nhân tiền đái tháo đường nên ăn gì để không phát triển bệnh?
Các chỉ số huyết áp và lipid máu cần kiểm soát ở người tiền đái tháo đường
[Video] Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết tiền ĐTĐ
Đối tượng nguy cơ cao mắc tiền đái tháo đường
Dung mạo chuyển hóa của bệnh nhân mắc tiền đái tháo đường
Tiền đái tháo đường và cuộc sống hiện đại
Tiền đái tháo đường – Hiểu đúng để hành động sớm
Phương pháp thoát khỏi tiền đái tháo đường và đảo ngược tình hình bệnh
Tần suất kiểm tra đường huyết liên quan tiền đái tháo đường
[Video] Tiền đái tháo đường - gánh nặng tiềm ẩn trên tim mạch - TS. BS. Nguyễn Quốc Thái
Đánh giá nguy cơ bệnh
Chỉ cần 5 phút để đánh giá nguy cơ bệnh lý của bạn. Giúp bạn xử trí kịp thời.
Bạn muốn đánh giá nguy cơ bệnh nào ?
- Bệnh đái tháo đường
- Bệnh tiền đái tháo đường
- Bệnh lý tim mạch
- Bệnh lý tuyến giáp