Đối tượng nguy cơ cao mắc tiền đái tháo đường

Đối tượng nguy cơ cao mắc tiền đái tháo đường

Đối tượng nguy cơ cao mắc tiền đái tháo đường

Thông tin được bảo trợ bởi Hội Tim Mạch Việt Nam

Trong nhịp sống hối hả hiện đại, tiền đái tháo đường có xu hướng gia tăng và trở thành vấn đề y tế toàn cầu. Bạn được chẩn đoán tiền đái tháo đường nếu mức đường huyết cao hơn bình thường nhưng chưa đến ngưỡng chẩn đoán đái tháo đường.

Tầm quan trọng của việc nhận diện đối tượng nguy cơ mắc tiền đái tháo đường

Tiền đái tháo đường đang ngày càng được công nhận rộng rãi như một thực thể bệnh lý riêng biệt chứ không chỉ là dạng nhẹ hơn của đái tháo đường. Ở giai đoạn này, bạn đã có thể bắt đầu xuất hiện các biến chứng. Do vậy, việc nhận biết ai là người có nguy cơ cao mắc tiền đái tháo đường để có kế hoạch can thiệp là điều tương đối quan trọng. Việc phòng ngừa trên chính các yếu tố nguy cơ đã được tìm thấy là cách hiệu quả nhất nhằm giảm thiểu nguy cơ tiền đái tháo đường.

Các dạng tiền đái tháo đường

Tiền đái tháo đường gồm các dạng như rối loạn đường huyết đói, rối loạn dung nạp glucose và tăng HbA1C. HbA1C là chỉ số phản ánh mức đường huyết của bạn trong vòng khoảng vài tháng vừa qua.

Tần suất tiền đái tháo đường tại Việt Nam

Tại Việt Nam, theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Tiền đái tháo đường của Bộ Y tế ban hành năm 2020, trích nguồn từ Liên đoàn Đái tháo đường quốc tế (International Diabetes Federation – IDF), có khoảng 5.3 triệu người mắc rối loạn dung nạp glucose, chiếm 8.6% dân số [1]. Tỉ lệ này cao hơn nhiều bệnh mạn tính khác, cho thấy sự phổ biến của tiền đái tháo đường trong cộng đồng.

Yếu tố nguy cơ của tiền đái tháo đường 

Những yếu tố nguy cơ đã được công nhận của tiền đái tháo đường, và cũng đồng thời là yếu tố nguy cơ của đái tháo đường típ 2, bao gồm [2]:

  • Tuổi: khi tuổi càng cao, khả năng mắc các dạng rối loạn đường huyết của bạn cũng tăng theo, đặc biệt sau năm 45 tuổi.
  • Tiền sử gia đình: nếu bạn có người thân trong gia đình, đặc biệt bố mẹ hay anh chị em ruột mắc đái tháo đường, bạn sẽ tăng nguy cơ mắc tiền đái tháo đường.
  • Cân nặng: Thừa cân, đặc biệt vùng bụng, là yếu tố nguy cơ của đề kháng insulin và tiền đái tháo đường. Chỉ số khối cơ thể càng cao thì khả năng mắc tiền đái tháo đường cũng cao theo. Người châu Á đã bắt đầu tăng nguy cơ ở mức chỉ số khối cơ thể thấp hơn so với người Âu Mỹ.

Yếu tố nguy cơ của tiền đái tháo đường

 

  • Ít hoạt động thể lực: vận động giúp cơ thể tiêu hao năng lượng, giảm đề kháng insulin và tiêu thụ glucose tốt hơn. Ít vận động làm tăng nguy cơ tiền đái tháo đường của bạn.
  • Ăn uống không lành mạnh: những chế độ ăn giàu năng lượng, giàu chất béo làm bạn dễ thừa cân, béo phì và tiền đái tháo đường. Bản thân việc ăn nhiều đồ ngọt chưa được chứng minh có liên quan trực tiếp với tiền đái tháo đường hay đái tháo đường, nhưng chúng là các thực phẩm giàu năng lượng, do vậy gián tiếp gây tăng cân, đề kháng insulin và hậu quả là rối loạn đường huyết.
  • Tăng huyết áp: tăng huyết áp cùng với tiền đái tháo đường hay đái tháo đường có thể có cùng một nguyên nhân chung là sự đề kháng insulin. Do vậy, người đã được chẩn đoán tăng huyết áp cũng đồng thời dễ mắc tiền đái tháo đường hơn.
  • Đái tháo đường thai kỳ: mặc dù đái tháo đường thai kỳ chỉ là sự tăng đường huyết ngắn hạn trong lúc bạn mang thai nhưng nó là chỉ dấu cho thấy cơ thể ít nhiều có sự rối loạn trong quá trình điều hòa đường huyết. Phụ nữ với tiền sử đái tháo đường thai kỳ tăng nguy cơ tiền đái tháo đường trong tương lai hơn so với người bình thường.

đái tháo đường thai kì

 

  • Hội chứng buồng trứng đa nang: một đặc điểm nổi trội trong bệnh lý này bên cạnh việc ảnh hưởng khả năng sinh sản còn là đề kháng insulin. Do đó, đối tượng nói trên cũng tăng nguy cơ tiền đái tháo đường.
  • Chủng tộc: người gốc Á là một trong các sắc tộc với hệ gene nguy cơ cao mắc tiền đái tháo đường và đái tháo đường.

>> Xem thêm: ​Tôi có nguy cơ mắc tiền đái tháo đường hay không?

Đối tượng cần tầm soát tiền đái tháo đường

Tầm soát nghĩa là việc sàng lọc, rà tìm để phát hiện sớm những người bị bệnh dựa trên các yếu tố nguy cơ kể trên. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, những người sau đây nên quan tâm đến việc tầm soát tiền đái tháo đường:

  • Tất cả mọi người từ 45 tuổi trở lên.
  • Phụ nữ với tiền sử đái tháo đường thai kỳ.
  • Người trưởng thành ở bất kỳ tuổi nào có thừa cân hoặc béo phì (chỉ số khối cơ thể ≥ 23 kg/m2) và có kèm một trong số các yếu tố nguy cơ sau:

        + Có người thân đời thứ nhất (bố mẹ, anh chị em ruột, con đẻ) bị đái tháo đường

        + Tiền sử bệnh tim mạch xơ vữa, ví dụ bệnh mạch vành, đột quỵ…

        + Tăng huyết áp (huyết áp của bạn ≥ 140/90 mmHg, hoặc đã có chẩn đoán và đang điều trị từ trước)

        + Rối loạn lipid máu: HDL cholesterol <35 mg/dL (0.9 mmol/l) và/hoặc triglyceride >250 mg/dL (2.8 mmol/l).

        + Phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang

        + Ít hoạt động thể lực

        + Các tình trạng lâm sàng khác liên quan với đề kháng insulin như béo phì nặng hay dấu gai đen (acanthosis nigricans). Dấu gai đen là vùng da sậm màu, dày lên tạo những vệt sọc ở nách, gáy hay các vùng có nếp gấp khác trên cơ thể.

Tóm lại, việc nắm bắt được các yếu tố nguy cơ của tiền đái tháo đường giúp bạn tự nhận biết nguy cơ của chính mình nhằm có kế hoạch tầm soát phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.

>> Xem thêm: ​Tại sao cần điều trị tiền đái tháo đường?

Tài liệu tham khảo

  1.  Bộ Y tế. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Tiền đái tháo đường. Ban hành kèm theo Quyết định số 3087/QĐ-BYT ngày 16 tháng 07 năm 2020. 
  2.  https://www.cdc.gov/diabetes/basics/risk-factors.html

VN-NOND-00118 _exp.date 15 Nov 23 

Copyrights © 2025 Không Một Mình - Sẻ chia lo âu, vững tâm vui sống. All rights reserved.