Tần suất kiểm tra đường huyết liên quan tiền đái tháo đường

Tần suất kiểm tra đường huyết liên quan tiền đái tháo đường

Tần suất kiểm tra đường huyết liên quan tiền đái tháo đường

Hội Tim mạch học Việt Nam

Để chẩn đoán sớm, điều trị và theo dõi tiền đái tháo đường, xét nghiệm đường huyết là một công cụ quan trọng. Có nhiều hình thức xét nghiệm khác nhau, ví dụ đường huyết đói, đường huyết 2 giờ sau khi uống 75g glucose, đường huyết 2 giờ sau ăn hoặc HbA1C. Tùy vào giai đoạn và tùy mục tiêu muốn kiểm soát mà bác sĩ có thể chỉ định các loại xét nghiệm với tần suất khác nhau.

Người chưa mắc tiền đái tháo đường

Nếu bạn chưa mắc tiền đái tháo đường nhưng có một trong các yếu tố nguy cơ sau đây, bạn sẽ tăng khả năng mắc bệnh trong tương lai. Người mang nguy cơ cao là người thừa cân hoặc béo phì kèm thêm ít nhất một yếu tố: có tiền sử gia đình trực hệ (ví dụ bố mẹ, anh chị em ruột, con ruột) mắc đái tháo đường; bạn đã có bệnh tim mạch xơ vữa, bạn bị tăng huyết áp hay rối loạn lipid máu, ít vận động thể lực, hoặc có dấu hiệu đề kháng insulin. Ngoài ra nếu là phụ nữ và được chẩn đoán hội chứng buồng trứng đa nang hay đã từng bị đái tháo đường thai kì, bạn cũng là đối tượng nguy cơ cao mắc tiền đái tháo đường và đái tháo đường. Nếu không có yếu tố nào kể trên nhưng đã trên 45 tuổi, khuyến cáo cho rằng nên được tầm soát tiền đái tháo đường [1].

Khi chưa mắc tiền đái tháo đường mà chỉ mới có yếu tố nguy cơ kể trên, bạn thường được bác sĩ chỉ định xét nghiệm mỗi 1-3 năm/lần [2]. Nếu các kết quả có xu hướng xấu dần hoặc bạn có thêm nhiều yếu tố nguy cơ, tần suất xét nghiệm sẽ dày hơn. Ở phụ nữ với tiền sử đái tháo đường thai kì, sau khi sinh con xong, ít nhất mỗi 3 năm cần xét nghiệm một lần. 

Đường huyết đói và HbA1C là hai xét nghiệm đơn giản để sàng lọc, phát hiện sớm tiền đái tháo đường. Nếu bác sĩ đánh giá khả năng mắc tiền đái tháo đường của bạn cao nhưng hai xét nghiệm trên cho kết quả bình thường, bạn có thể được chỉ định nghiệm pháp dung nạp glucose. Đây là một dạng xét nghiệm có khả năng nhạy cao trong việc phát hiện tiền đái tháo đường [2, 3].

 
Các bước thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose
Hình 1: Các bước thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose [3]

Người mắc tiền đái tháo đường

Tùy vào độ nặng của đường huyết cao ban đầu và mục tiêu cần giảm xuống mà bác sĩ sẽ có lịch trình tái khám phù hợp riêng cho từng bệnh nhân. Nhìn chung, bạn thường sẽ được khám mỗi tháng. Trong các lần khám này, xét nghiệm đường huyết đói là chỉ số quan trọng. Ngoài ra, mỗi 3 tháng, bạn cần xét nghiệm lại HbA1C. Chỉ số này phản ánh mức đường huyết trung bình của bạn trong vòng 3 tháng vừa qua. HbA1C giúp phản ánh xem việc điều trị đã có hiệu quả hay chưa.

Nếu bạn có máy thử đường huyết ở nhà (điều cần thiết nên có với bệnh nhân tiền đái tháo đường và đái tháo đường), bạn có thể chủ động hơn trong quá trình theo dõi đường huyết. Ở giai đoạn bắt đầu điều trị, tần suất thử có thể dày, bao gồm cả trước ăn và sau ăn để nhận biết bữa ăn nào hay thời điểm nào có xu hướng làm đường huyết tăng cao. Khi đã ổn định với liều thuốc và chế độ ăn, bạn có thể giảm tần suất thử đường huyết, ví dụ mỗi tuần/lần.

 

Tần-suất-kiểm-tra-đường-huyết

 

Người đã thuyên giảm tiền đái tháo đường

Giống như đái tháo đường típ 2 có khả năng thuyên giảm, bệnh nhân tiền đái tháo đường đôi khi có thể hồi phục (Hình 2) [4, 5]. Thuyên giảm là khi bạn không cần dùng thuốc đủ lâu (ít nhất 3 tháng) mà vẫn duy trì được đường huyết kiểm soát [4]. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa bạn có thể ngừng theo dõi đường huyết bởi vì đường huyết có thể tăng trở lại ở một thời điểm nào đó trong tương lai. Do vậy, nếu đã được phép ngưng thuốc, bạn vẫn sẽ được bác sĩ chỉ định theo dõi đường huyết định kỳ để phát hiện sớm tình huống đường huyết tăng trở lại nếu có.

 
Tiền đái tháo đường và đái tháo đường típ 2 có khả năng thuyên giảm
Hình 2: Tiền đái tháo đường và đái tháo đường típ 2 có khả năng thuyên giảm [5]

 

HbA1C là xét nghiệm được lựa chọn để theo dõi sau khi đã thuyên giảm vì tính ổn định, ít dao động. Trong trường hợp này, HbA1C được xét nghiệm ít nhất một năm/lần nhưng không cần thiết tần suất dày hơn 3 tháng/lần. Mặc dù đường huyết đói có thể tăng sớm trở lại khi tình trạng bệnh có chuyển biến xấu đi và dễ đo nhiều lần hơn nhưng do bản chất xét nghiệm dễ dao động, phụ thuộc bữa ăn nên vẫn cần phải xác nhận bằng việc đo lặp lại.

Ngoài ra, bởi vì đã từng có thời gian mắc tiền đái tháo đường, bạn vẫn có khả năng gặp các biến chứng tim mạch. Vì vậy, đồng thời với việc xét nghiệm đường huyết định kì, bạn sẽ tiếp tục được bác sĩ tầm soát biến chứng tim mạch, ví dụ đo huyết áp, xét nghiệm lipid máu, tầm soát bệnh mạch vành, bệnh mạch máu não… Nếu đã thuyên giảm tiền đái tháo đường được 5 năm trở lên và không tìm thấy dấu hiệu của biến chứng tim mạch, bạn có thể được ngưng tầm soát [6].

Tóm lại, tần suất và loại xét nghiệm đường huyết phụ thuộc vào thời điểm trước, trong hay sau khi mắc đái tháo đường. Ngoài ra, chúng còn phụ thuộc vào mức độ nặng của bệnh và mục tiêu kiểm soát mà bác sĩ hướng tới.

 

Tài liệu tham khảo

  1. ElSayed NA, Aleppo G, Aroda VR, et al. 3. Prevention or Delay of Type 2 Diabetes and Associated Comorbidities: Standards of Care in Diabetes-2023. Diabetes Care. 2023;46(Suppl 1):S41-S48. doi:10.2337/dc23-S003
  2.  “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị tiền đái tháo đường” theo Quyết định số 3087/QĐ-BYT ngày 16/7/2020, Bộ Y tế.
  3. https://daithaoduong.com/nghiem-phap-dung-nap-glucose-75gr-bang-duong-uong/
  4.  Riddle MC, Cefalu WT, Evans PH, et al. Consensus Report: Definition and Interpretation of Remission in Type 2 Diabetes [published online ahead of print, 2021 Aug 30]. Diabetes Care. 2021;44(10):2438-2444. doi:10.2337/dci21-0034
  5. https://www.counterweight.org/blogs/articles/the-secret-to-long-term-type-2-diabetes-remission
  6.  Buse JB, Caprio S, Cefalu WT, et al. How do we define cure of diabetes?. Diabetes Care. 2009;32(11):2133-2135. doi:10.2337/dc09-9036

 

VN_GM_DIA_399;exp:30/6/2025

Copyrights © 2025 Không Một Mình - Sẻ chia lo âu, vững tâm vui sống. All rights reserved.