DẤU HIỆU SỚM CỦA SUY TIM
Thông tin được bảo trợ bởi Hội Tim Mạch Việt Nam
Suy tim là tình trạng trái tim của bạn không thể đảm bảo nhiệm vụ bơm máu đi nuôi cơ thể một cách hiệu quả như bình thường. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến suy tim như tăng huyết áp, bệnh mạch vành, bệnh van tim, cường giáp, đái tháo đường… Suy tim, khi đã xảy ra, hầu như không thể hồi phục. Tuy nhiên nếu được phát hiện kịp thời và kiểm soát đúng mức các bệnh lý nguyên nhân, triệu chứng vẫn có thể giảm phần nào và chất lượng cuộc sống được cải thiện.
Để giúp bạn có thể tự nhận biết một số dấu hiệu ở giai đoạn sớm của suy tim, Hội Suy tim Hoa Kỳ đã đưa ra năm triệu chứng với cụm từ viết tắt FACES như sau:
1. F = Fatigue: Mệt mỏi. Khi trái tim không bơm đủ máu đi nuôi cơ thể, các tế bào ở mọi cơ quan không nhận đủ oxy để hoạt động khoẻ mạnh, do đó bạn luôn ở trong trại thái mệt mỏi mơ hồ và thiếu năng lượng.
2. A = Activity limitation: Giới hạn hoạt động. Bất cứ hoạt động nào của cơ thể cũng cần đến oxy và năng lượng. Đặc biệt, nhu cầu này càng trở nên cao hơn khi bạn tập luyện gắng sức. Giai đoạn đầu, bạn cảm thấy mệt mỏi, khó thực hiện những công việc với cường độ nặng nhưng về sau, khi tim suy nặng, bạn có thể khó thở ngay cả với các hoạt động thường nhật như vệ sinh cá nhân hay thay quần áo.
3. C = Congestion: Sung huyết. Sung huyết nghĩa là máu ứ đọng lại tại nhiều vị trí khác nhau của cơ thể khi không được tim bơm đi đúng mức. Một số cơ quan có thể chịu ảnh hưởng là phổi với triệu chứng ho, khò khè và khó thở hay gan với cảm giác căng, đau bụng mơ hồ, chán ăn và báng bụng (tích tụ dịch trong ổ bụng).
4. E = Edema: Phù. Tương tự như phổi hoặc gan, lượng máu sung huyết không được tim bơm đi còn có thể tích tụ ở phần thấp của cơ thể, nói cách khác là đôi chân. Bạn có thể bắt đầu bị phù từ mắt cá chân, sau đó nặng hơn đến cẳng chân và đùi. Phù khi lan rộng có thể làm bạn tăng cân một cách rõ rệt.
5. S = Shortness of breath: Khó thở. Đây là hậu quả của thiếu oxy tế bào và sung huyết phổi. Khó thở sẽ tăng nặng khi bạn hoạt động gắng sức do nhu cầu oxy tăng cao nhưng nguồn cung cấp không đủ hoặc rõ rệt hơn khi nằm đầu thấp, do thay đổi phân bố dịch trong cơ thể làm phổi bị sung huyết nhiều hơn. Đặc biệt, tình trạng này có thể xảy ra vào ban đêm khi ngủ làm bạn thức giấc đột ngột với cảm giác hụt hơi, phải ngồi dậy để giảm khó thở.
Tổng kết lại, những triệu chứng này mặc dù bản thân không đủ để chẩn đoán xác định suy tim nhưng là gợi ý bạn nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và phát hiện bệnh kịp thời.
Tài liệu tham khảo
1. https://www.health.harvard.edu/heart-health/5-warning-signs-of-early-heart-failure
2. http://clipart-library.com/heart-failure-cliparts.html 3. https://www.hfsa.org/hfweek2017/faces-card/
VNM/NONCMCGM/1219/0116
Thói quen giúp giới trẻ tránh xa bệnh tim mạch
Sưởi ấm trái tim mùa đông lạnh
Những cách giúp hạ huyết áp tại nhà
Yếu tố nguy cơ và hậu quả của không kiểm soát huyết áp
Việc tuân thủ điều trị tăng huyết áp giúp ích như thế nào trong việc kiểm soát biến cố tim mạch
Vai trò của tần số tim trong kiểm soát huyết áp
Thuốc điều trị tăng huyết áp (THA) liệu có phải sử dụng suốt đời hay không?
Hòa nhịp cùng làng túc cầu thế giới, bạn có lắng nghe nhịp tim của mình ?
XU HƯỚNG MỚI TRONG ĐIỀU TRỊ TĂNG HUYẾT ÁP HIỆN NAY
Đằng sau những con số tăng huyết áp và nhịp tim
NHỮNG ĐIỀU NÊN TRÁNH KHI ĐANG BỊ TĂNG HUYẾT ÁP HOẶC CÁC BỆNH LÝ TIM MẠCH KHÁC
NGUY CƠ TRẺ HÓA Ở BỆNH NHÂN TĂNG HUYẾT ÁP
Đánh giá nguy cơ bệnh
Chỉ cần 5 phút để đánh giá nguy cơ bệnh lý của bạn. Giúp bạn xử trí kịp thời.
Bạn muốn đánh giá nguy cơ bệnh nào ?
- Bệnh đái tháo đường
- Bệnh tiền đái tháo đường
- Bệnh lý tim mạch
- Bệnh lý tuyến giáp