Các trường hợp cần điều trị tần số tim tăng cao

Những căn bệnh liên quan đến tần số tim cao cần lưu ý khi điều trị

Những căn bệnh liên quan đến tần số tim cao cần lưu ý khi điều trị

Thông tin được bảo trợ bởi Hội Tim Mạch Việt Nam

Ngoại trừ một số điều kiện sinh lý như vận động, lo âu, căng thẳng, dùng chất kích thích, mang thai, đa phần các tình huống dẫn đến tần số tim cao đều cần được xử trí thích hợp nhằm hạn chế biến chứng tim mạch.

1. Bệnh mạch vành

Tần số tim là chỉ số được bác sĩ theo dõi chặt chẽ nếu như bạn đã có chẩn đoán bệnh mạch vành mạn và/hoặc từng bị nhồi máu cơ tim. Bệnh mạch vành là một quá trình bệnh lý đặc trưng bởi sự tích tụ mảng xơ vữa ở các động mạch vành nuôi tim, có thể gây hẹp lòng mạch (hội chứng vành mạn) hoặc nặng hơn là tắc nghẽn, gây thiếu máu và hoại tử tế bào cơ tim (nhồi máu cơ tim) (Hình 1) [1]. Tần số tim của bạn càng cao đồng nghĩa với tim đang phải làm việc nhiều hơn, nói cách khác nhu cầu oxy cơ tim tăng cao.

Ngoài ra, trong điều kiện mạch vành bị hẹp, lưu lượng máu vốn đã giảm, tim đập càng nhanh thì lượng máu cung cấp cho mạch vành để nuôi chính bản thân trái tim lại giảm, nói cách khác nguồn cung cấp giảm. Như vậy, tần số tim càng cao chứng tỏ sự mất cân bằng cán cân cung-cầu oxy cơ tim càng lớn và càng gây bất lợi cho cơ thể. Một nghiên cứu cho thấy những bệnh nhân bệnh mạch vành mạn có tần số tim lúc nghỉ 83 lần/phút thì nguy cơ tử vong do tất cả nguyên nhân tăng 32%.

Trong khi tử vong do riêng nguyên nhân tim mạch tăng 31% so với nhóm có tần số tim thấp hơn mức này. Khi so sánh nhiều mức tần số tim khác nhau, nghiên cứu trên chỉ ra rằng nếu lấy tần số tim £62 lần/phút làm chuẩn tham chiếu, nhóm bệnh nhân với tần số tim 77-82 lần/phút và ³83 lần/phút có thời gian diễn tiến đến lần nhập viện đầu tiên vì biến cố tim mạch ngắn hơn tương ứng 11% và 14% [3].

Một công trình khác trên người bình thường khỏe mạnh không có vấn đề tim mạch cũng chỉ ra tỉ lệ đột tử do nhồi máu cơ tim trong tương lai thấp nhất ở những bệnh nhân có tần số tim lúc nghỉ <60 lần/phút, số trường hợp tử vong tăng tỉ lệ thuận dần theo tần số tim và cao nhất nếu tần số tim lúc nghỉ >75 lần/phút. Như vậy có thể thấy mặc dù vẫn nằm trong ngưỡng tham chiếu được xem là bình thường (60-100 lần/phút) nhưng tần số tim của bạn càng tiến về gần cận trên thì càng có nguy cơ biến chứng cao [4]. Đây là lý do tần số tim lúc nghỉ phù hợp được khuyến cáo nếu bạn mắc bệnh mạch vành nằm trong khoảng 55-60 lần/phút [1].

 

Minh họa động mạch vành bình thường và động mạch vành bị hẹp do mảng xơ vữa

Hình 1: Minh họa động mạch vành bình thường và động mạch vành bị hẹp do mảng xơ vữa [2]

>> Xem thêm: Làm thế nào để kiểm soát tần số tim ở bệnh nhân tim mạch?

2. Tăng huyết áp

Bệnh nhân tăng huyết áp vẫn luôn được bác sĩ khuyên theo dõi cả huyết áp lẫn tần số tim vì ba lý do.

  • Đầu tiên, tần số tim cao là một đặc điểm phổ biến ở bệnh nhân tăng huyết áp. Khoảng 15% người tăng huyết áp có tần số tim >85 lần/phút và khoảng 27% được ghi nhận tần số tim >80 lần/phút [5].
  • Thứ hai, tần số tim cao có mối liên quan chặt chẽ với sự tiến triển của mức huyết áp. Nói cách khác, những người với huyết áp tăng trung bình-nặng thường đi kèm tần số tim cao hơn người tăng huyết áp nhẹ hay huyết áp bình thường [6].
  • Cuối cùng, tần số tim lúc nghỉ cao làm tăng nguy cơ biến cố tim mạch, kể cả ở bệnh nhân mới chỉ ở giai đoạn tiền tăng huyết áp (huyết áp tăng nhẹ) [7].

Theo một nghiên cứu, cứ tăng tần số tim thêm 10 lần/phút thì biến cố tim mạch tăng 16%. Nếu chia toàn bộ dân số tham gia nghiên cứu thành năm nhóm với số người bằng nhau và xếp theo tần số tim tăng dần thì những người mang tần số tim cao nhất gặp nguy cơ biến cố cao hơn 73% so với nhóm thấp nhất [8].

Do vậy, khuyến cáo của Hội Tim mạch châu Âu cho rằng tần số tim >80 lần/phút được xem là yếu tố nguy cơ tim mạch nếu bạn đã được chẩn đoán tăng huyết áp và đặt ra tính cần thiết của việc điều trị làm giảm tần số tim đồng thời với điều trị hạ áp [9]. Việc đánh giá tần số tim ở mỗi lần tái khám định kỳ giúp bác sĩ quyết định chọn lựa, thay đổi thuốc phù hợp.

Huyết áp và tần số tim

Hình 2: Huyết áp và tần số tim [10]

3. Suy tim

Nếu bạn bị suy tim, tần số tim cũng là một trong những mục tiêu điều trị cần phải được kiểm soát chặt chẽ bởi vì tần số tim càng cao (đặc biệt >80 lần/phút) đồng nghĩa tim càng phải làm việc gắng sức và tình trạng suy tim ngày càng tiến triển nặng hơn [11]. Lợi ích của việc điều trị làm giảm tần số tim được ghi nhận trong một phân tích khi cứ giảm tần số tim 5 lần/phút bằng thuốc làm giảm nhịp tim thì nguy cơ tử vong giảm 14% [12].

4. Cường giáp

Một trong những đích tác động của hormon giáp là trái tim, do đó nếu bị cường giáp, bạn có thể gặp một vài triệu chứng tim mạch gây ra do tần số tim cao, điển hình như hồi hộp, đánh trống ngực. Tim đập nhanh không những làm bạn cảm thấy khó chịu, bứt rứt mà về lâu dài còn làm tim bị kiệt sức, dẫn đến suy tim do cường giáp. Bên cạnh thuốc kháng giáp tác động vào chính căn nguyên gây bệnh tại tuyến giáp thì thuốc làm giảm nhịp tim được ưu tiên chỉ định nhằm giảm các triệu chứng của hormon giáp lên hệ tim mạch nếu như tần số tim của bạn >90 lần/phút [13].

Ảnh hưởng của cường giáp lên tim

Hình 3: Ảnh hưởng của cường giáp lên tim [14]

Trên đây là một số trường hợp bệnh lý điển hình có tần số tim cao mà cần phải điều trị đặc hiệu với mục đích giảm tần số tim nhằm cải thiện triệu chứng cũng như đạt được lợi ích lâu dài. Những tình trạng khác như thiếu máu, rối loạn điện giải hay cơn hen, cơn khó thở cấp cũng có thể biểu hiện tần số tim cao nhưng thông thường trị số này sẽ về bình thường sau khi giải quyết được bệnh nền căn nguyên và hiếm khi cần đến thuốc điều trị đặc hiệu làm giảm tần số tim.

>> Xem thêm: Kiểm soát chỉ số huyết áp và tần số tim tại nhà với 10 cách đơn giản

 

Tài liệu tham khảo:

  1.  Juhani Knuuti, William Wijns, et al (2020). 2019 ESC Guidelines for the diagnosis and management of chronic coronary syndromes: The Task Force for the diagnosis and management of chronic coronary syndromes of the European Society of Cardiology (ESC). European Heart Journal, 41( 3):407–477.
  2.  https://simple.wikipedia.org/wiki/Coronary_artery_disease
  3.  Ariel Diaz, Martial G Bourassa, et al (2005). Long-term prognostic value of resting heart rate in patients with suspected or proven coronary artery disease. Eur Heart J, 26(10):967-974.
  4.  Xavier Jouven, Jean-Phillippe Empana, et al (2005). Heart-rate profile during exercise as a predictor of sudden death. N Engl J Med, 352(19):1951-1958.
  5.  Palatini P, Dorigatti F, et al (2006). Heart rate as a predictor of development of sustained hypertension in subjects screened for stage 1 hypertension: the HARVEST Study. J Hypertens, 24:1873–1880.
  6.  Morcet JF, Safar M, et al (1999). Associations between heart rate and other risk factors in a large French population. J Hypertens, 17(12 Pt 1):1671–1676.
  7.  King DE, Everett CJ, et al (2006). Long-term prognostic value of resting heart rate in subjects with prehypertension. Am J Hypertens, 19(8):796–800.
  8.  Stevo Julius, Paolo Palatini, et al (2012). Usefulness of heart rate to predict cardiac events in treated patients with high-risk systemic hypertension. Am J Cardiol, 109(5):685-692.
  9.  Bryan Williams, Giuseppe Mancia, et al (2018). 2018 ESC/ESH Guidelines for the management of arterial hypertension: The Task Force for the management of arterial hypertension of the European Society of Cardiology (ESC) and the European Society of Hypertension (ESH). European Heart Journal, 39(33):3021–3104.
  10.  https://visualxmed.wordpress.com/2016/05/13/hypotension-vs-hypertension-part-1-blood-pressure-readings-and-heart-rate/
  11.  Masatsugu Hori, Hiroshi Okamoto (2012). Heart rate as a target of treatment of chronic heart failure. Journal of Cardiology, 60(2):86-90.
  12.  Piotr Ponikowski, Adriaan A Voors, et al (2016). 2016 ESC Guidelines for the diagnosis and treatment of acute and chronic heart failure: The Task Force for the diagnosis and treatment of acute and chronic heart failure of the European Society of Cardiology (ESC) Developed with the special contribution of the Heart Failure Association (HFA) of the ESC. European Heart Journal, 37(27):2129–2200.
  13.  McAlister FA. Wiebe N, et al (2009). Meta-analysis: beta-blocker dose, heart rate reduction, and death in patients with heart failure. Ann Intern Med, 150:784-794.
  14.  Ross DS., Burch HB, et al (2016). 2016 American Thyroid Association Guidelines for Diagnosis and Management of Hyperthyroidism and Other Causes of Thyrotoxicosis. Thyroid, 26(10):1343–1421.
  15.  https://www.verywellhealth.com/thyroid-disease-and-the-heart-1746112

VN-NONC-00073;exp:22/11/2025

 
Copyrights © 2024 Không Một Mình - Sẻ chia lo âu, vững tâm vui sống. All rights reserved.