Bệnh tim mạch trong thai kỳ: Sản phụ cần lưu ý những bệnh nào?
Tim mạch sản khoa hiện đang nổi lên như một lĩnh vực đa chuyên khoa, đòi hỏi sự tham gia của cả bác sĩ tim mạch lẫn bác sĩ sản khoa để quản lý các bệnh lý tim mạch trong giai đoạn nhạy cảm của cuộc đời người phụ nữ là mang thai và cho con bú. Nếu không được quan tâm, chú ý đúng mức và can thiệp kịp thời, một số tình trạng tim mạch có thể nặng lên trong thai kỳ và trở thành nguyên nhân gây nguy hiểm cho cuộc chuyển dạ, kể cả trên mẹ lẫn trên bé.
Xu hướng lập gia đình và có thai muộn trong xã hội hiện đại ngày này cũng là một trong các nguyên nhân làm tăng tỷ lệ bệnh tim mạch trong thai kỳ. Do đó, nhận biết các điểm lưu ý trong thời kỳ mang thai là một mục tiêu mà chính bạn cũng nên tìm hiểu và nắm bắt, bên cạnh sự chăm sóc, theo dõi của bác sĩ. Các bệnh lý tim mạch phổ biến trong thai kỳ là tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, bệnh mạch vành, bệnh cơ tim, rối loạn nhịp, bệnh van tim, thuyên tắc huyết khối, bệnh động mạch chủ và bệnh lý mạch máu não.
1. Tăng huyết áp
Tăng huyết áp có thể hiện diện trong thai kỳ dưới nhiều dạng: tiền sản giật/sản giật, tăng huyết áp thai kỳ, tăng huyết áp mạn tính hoặc tăng huyết áp mạn tính kèm tiền sản giật. Dù ở thể nào, huyết áp cao cũng làm bạn tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành, suy tim và tử vong do bệnh tim mạch [1]. Bởi vì việc đo huyết áp hiện nay khá đơn giản, nhanh chóng nên bạn thường được bác sĩ chỉ định tầm soát tăng huyết áp trong các lần khám thai định kỳ (Hình 1).
Việc phát hiện sớm và có kế hoạch xử trí lâu dài hoặc xử trí cấp tính nếu huyết áp tăng quá cao sẽ giúp hạn chế biến chứng cho mẹ và con. Ngoài những hành vi thay đổi lối sống mà bạn có thể tự áp dụng như tiết chế dinh dưỡng, luyện tập thể lực cường độ nhẹ-trung bình, ngưng thuốc lá, bác sĩ có thể kê đơn một số loại thuốc hạ áp an toàn trong thai kỳ. Sau sinh, việc tiếp tục theo dõi huyết áp trong vòng 1-2 tuần được bác sĩ khuyến khích để xem xét khả năng có phải dùng tiếp thuốc hạ áp dài hạn hay không.
Lý do thứ hai là một số ít sản phụ có huyết áp bình thường trong lúc mang thai nhưng bắt đầu ghi nhận huyết áp tăng muộn sau khi sinh, do đó đây vẫn là giai đoạn nhạy cảm cần theo dõi sát, đặc biệt nếu bạn đồng mắc một số yếu tố nguy cơ cao như đã từng phát hiện tăng huyết áp trong lần mang thai trước đây, sinh non <34 tuần hoặc kèm đái tháo đường. Vì vậy, giai đoạn này nhấn mạnh vai trò tự theo dõi huyết áp tại nhà của chính bản thân sản phụ.
Hình 1: Theo dõi huyết áp là cần thiết trong các lần khám thai định kỳ
>> Xem thêm: Nhận biết tăng huyết áp - Tưởng dễ mà khó
2. Tăng lipid máu
Thai kỳ bình thường có thể làm tăng cholesterol và triglyceride hoặc một số loại lipid nhất định nhưng không được vượt quá ngưỡng an toàn (thường chấp nhận <250 mg/dl với cả cholesterol và triglyceride) [2]. Trong vòng ba tháng sau sinh, lipid máu giảm dần đến mức tương tự như trước khi bạn mang thai. Hai dạng rối loạn lipid máu thường gặp nhất trong thai kỳ là tăng triglyceride và tăng cholesterol có tính gia đình.
Tuy nhiên, khác với người không mang thai, việc sử dụng thuốc hạ lipid trong thai kỳ bị giới hạn nhiều do cân nhắc tính an toàn cho em bé. Do đó, điều trị chủ lực trong giai đoạn này nếu phát hiện lipid máu cao vẫn là thay đổi lối sống, cụ thể là điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, hoạt động thể lực và quản lý cân nặng. Những người với mức lipid máu quá cao và mang nhiều nguy cơ tim mạch có thể được bác sĩ chỉ định dùng một số thuốc nhất định, có kiểm soát chừng mực.
3. Bệnh mạch vành và bệnh lý mạch máu não
Mặc dù phụ nữ trong độ tuổi sinh sản có nguy cơ mắc bệnh tim mạch xơ vữa nói chung và bệnh mạch vành hay bệnh lý mạch máu não nói riêng thấp hơn phụ nữ lớn tuổi, sau mãn kinh nhưng nguy cơ này vẫn tăng nhất định khi bạn mang thai. Lý do là bởi hệ tim mạch của bạn có những thay đổi sinh lý trong thai kỳ nhằm đáp ứng đủ nhu cầu cho cả mẹ và bé. Đôi khi sự thay đổi nói trên vượt quá ngưỡng chịu đựng của cơ thể, trên nền một cá nhân đã có sẵn yếu tố nguy cơ bệnh mạch vành.
Tam cá nguyệt thứ ba khi thai tương đối lớn và giai đoạn sau sinh là những thời kỳ với nguy cơ xảy ra biến cố cao [3]. Các biến cố này cũng phải được bác sĩ đánh giá, quản lý cẩn thận hơn so với người không mang thai, bởi vì tất cả can thiệp mạch máu hay dùng thuốc lúc này đều ít nhiều ảnh hưởng đến mẹ và bé.
4. Bệnh cơ tim
Thai kỳ có liên quan đến một số dạng bệnh cơ tim nhất định như bệnh cơ tim giãn nở, bệnh cơ tim chu sinh mà đôi khi là thách thức đối với bác sĩ trong việc chẩn đoán và xử trí. Thông thường việc quản lý nhóm bệnh này trong giai đoạn mang thai tùy thuộc bản chất bệnh và mức độ biểu hiện triệu chứng của bạn. Ví dụ, nhiều phụ nữ với bệnh cơ tim phì đại vẫn có thể thích ứng với thai kỳ và không gặp triệu chứng quá nặng.
Tuy nhiên, cũng có đến 23% phụ nữ gặp biến chứng nặng hơn do bệnh cơ tim như suy tim, rối loạn nhịp và các biến chứng này tập trung chủ yếu vào tam cá nguyệt ba hoặc giai đoạn sau sinh [4]. Do vậy, ngay cả khi không có triệu chứng, phụ nữ đã được chẩn đoán bệnh cơ tim vẫn phải được theo dõi sát trong lúc mang thai và cả giai đoạn cho con bú sau đó.
5. Rối loạn nhịp
Có nhiều dạng rối loạn nhịp khác nhau trong thai kỳ. Cảm giác hồi hộp, đánh trống ngực do nhịp nhanh xoang hay các nhịp ngoại lai thường lành tính (nghĩa là không gây biến chứng, kết cục nặng) và tự giới hạn (nghĩa là tự biến mất sau một thời gian mà có thể không cần dùng thuốc). Tuy nhiên, các dạng rối loạn nhịp tim phức tạp hơn đòi hỏi sự phối hợp đa chuyên khoa để đánh giá. Không riêng bác sĩ sản khoa mà cả bác sĩ tim mạch bởi vì đôi khi cần thực hiện các thủ thuật chẩn đoán, xử trí chuyên sâu.
Nếu bạn đã mang sẵn bệnh lý cấu trúc cơ tim, bệnh tuyến giáp hay rối loạn điện giải từ trước mang thai, có nguy cơ các rối loạn nhịp này kéo dài chứ không chỉ tự giới hạn trong thai kỳ và thường cần đến việc tái khám định kỳ với bác sĩ tim mạch ngay cả sau khi đã chuyển dạ.
>> Xem thêm: Uống café có ảnh hưởng đến tim mạch không?
6. Bệnh van tim
Trước đây, khi điều kiện vệ sinh môi trường còn kém và việc sử dụng kháng sinh còn hạn chế, bệnh van tim hậu thấp là một nguyên nhân rất thường gặp. Tuy nhiên, trong những thập niên gần đây, nhóm bệnh lý này giảm rõ rệt, do đó còn lại chủ yếu là bệnh van tim bẩm sinh nhưng có thể chưa được phát hiện từ trước. Bất kể nguyên nhân gì, phụ nữ với bệnh van tim cần được đánh giá kỹ càng không chỉ lúc mang thai mà còn nên thực hiện sớm hơn từ giai đoạn tư vấn tiền sản.
Cụ thể, bác sĩ tim mạch cần phải đánh giá độ nặng của bệnh và quyết định xem việc mang thai lúc này có an toàn cho bạn và bé hay không, nếu không thì cần làm những thủ thuật can thiệp gì trước khi bắt đầu mang thai. Lý tưởng nhất là phát hiện sớm và điều trị triệt để trước khi mang thai nhằm giảm nguy cơ phải tiến hành can thiệp trong thai kỳ, giảm khả năng ảnh hưởng đến mẹ và bé.
7. Thuyên tắc huyết khối
Đây là một nhóm bệnh lý không hiếm gặp trong thai kỳ, bởi vì sự ứ trệ mạch máu, ít đi lại, vận động khi có thai là yếu tố thúc đẩy tình trạng này. Mặc dù vậy, việc chẩn đoán có thể là thách thức đối với bác sĩ bởi vì nhiều triệu chứng như đau, nặng chân, phù chân hay thở nặng nhọc hơn đôi khi trùng lặp với các triệu chứng bình thường trong lúc mang thai, đặc biệt là khi thai lớn tháng (Hình 2).
Do vậy, bạn cần có sự cảnh giác nếu các triệu chứng này xuất hiện đột ngột và nặng rõ. Khi nghi ngờ, dù chỉ là triệu chứng nhẹ, nên báo với bác sĩ để được kiểm tra, phát hiện và xử trí sớm nếu cần.
Hình 2: Thuyên tắc, huyết khối tĩnh mạch chân có thể bị nhầm lẫn với các triệu chứng thông thường khi mang thai như phù, đau nặng chân
Ngoài việc quản lý bản thân những bệnh tim mạch kể trên, bác sĩ còn phải cân nhắc thời điểm chuyển dạ để cân bằng giữa lợi ích và nguy cơ cho cả mẹ lẫn bé. Nếu sinh quá sớm, bé chưa kịp trưởng thành đủ, dẫn đến một số nguy cơ trên trẻ sinh non. Tuy nhiên, nếu để thai quá lâu, đôi khi hệ tim mạch của người mẹ không đủ sức chịu đựng, dễ đưa đến các biến chứng cấp tính, nguy hiểm. Do vậy, việc theo dõi, đánh giá ở giai đoạn này cần sự phối hợp và đồng thuận của cả bác sĩ tim mạch lẫn sản khoa nếu cần.
Tóm lại, thai kỳ và giai đoạn hậu sản, cho con bú là một thời kỳ nhạy cảm đối với bệnh tim mạch. Bệnh có thể khởi phát ở người chưa có tiền sử bệnh lý tim mạch trước đó hoặc nặng lên với người đã biết có bệnh. Điều này đòi hỏi sự tự đánh giá, theo dõi sát của bạn trong thai kỳ và đôi khi cần sự phối hợp của bác sĩ sản khoa, bác sĩ tim mạch trong các tình huống khó.
>> Xem thêm: 6 dấu hiệu tăng huyết áp cần phải thăm khám bác sĩ sớm nhất
Tài liệu tham khảo:
- Wu P, Haththotuwa R, Kwok CS, Babu A, Kotronias RA, Rushton C, Zaman A, Fryer AA, Kadam U, Chew-Graham CA, et al.. Preeclampsia and future cardiovascular health: a systematic review and meta-analysis.Circ Cardiovasc Qual Outcomes. 2017; 10:e003497
- Wiznitzer A, Mayer A, Novack V, Sheiner E, Gilutz H, Malhotra A, Novack L. Association of lipid levels during gestation with preeclampsia and gestational diabetes mellitus: a population-based study.Am J Obstet Gynecol. 2009; 201:482.e1–482.e8
- Smilowitz NR, Gupta N, Guo Y, Zhong J, Weinberg CR, Reynolds HR, Bangalore S. Acute myocardial infarction during pregnancy and the puerperium in the United States.Mayo Clin Proc. 2018; 93:1404–1414
- Goland S, van Hagen IM, Elbaz-Greener G, Elkayam U, Shotan A, Merz WM, Enar SC, Gaisin IR, Pieper PG, Johnson MR, et al.. Pregnancy in women with hypertrophic cardiomyopathy: data from the European Society of Cardiology initiated Registry of Pregnancy and Cardiac disease (ROPAC).Eur Heart J. 2017; 38:2683–2690
VN_GM_CV_184;exp:21/12/2023
- Hòa nhịp cùng làng túc cầu thế giới, bạn có lắng nghe nhịp tim của mình ?
- Xu hướng mới trong điều trị tăng huyết áp ở bệnh nhân hiện nay
- Đằng sau những con số tăng huyết áp và nhịp tim
- NHỮNG ĐIỀU NÊN TRÁNH KHI ĐANG BỊ TĂNG HUYẾT ÁP HOẶC CÁC BỆNH LÝ TIM MẠCH KHÁC
- Cao huyết áp ở người trẻ: Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị
- [VIDEO] TUÂN THỦ SỬ DỤNG THUỐC TRONG ĐIỀU TRỊ TĂNG HUYẾT ÁP
- Chế độ ăn cho bệnh nhân tăng huyết áp: Nên ăn gì và kiêng gì?
- KHÁI NIỆM VÀ PHƯƠNG PHÁP KIỂM SOÁT NHỊP TIM AN TOÀN TẠI NHÀ
- LÀM THẾ NÀO ĐỂ KIẾM SOÁT TĂNG HUYẾT ÁP TRONG GIAI ĐOẠN DỊCH BỆNH (COVID-19)
- CÁCH KIỂM SOÁT BỆNH LÝ TĂNG HUYẾT ÁP Ở NHỮNG BỆNH NHÂN ĐỒNG MẮC TĂNG HUYẾT ÁP VÀ COVID 19
- CƯỜNG GIAO CẢM – NGUYÊN NHÂN CỦA HỘI CHỨNG CHUYỂN HÓA
- CƯỜNG GIAO CẢM – HẬU QUẢ CỦA HỘI CHỨNG CHUYỂN HÓA
Đánh giá nguy cơ bệnh
Chỉ cần 5 phút để đánh giá nguy cơ bệnh lý của bạn. Giúp bạn xử trí kịp thời.
Bạn muốn đánh giá nguy cơ bệnh nào ?
- Bệnh đái tháo đường
- Bệnh tiền đái tháo đường
- Bệnh lý tim mạch
- Bệnh lý tuyến giáp