Tần số tim liên quan đến sức khỏe như thế nào?

TẦN SỐ TIM LIÊN QUAN ĐẾN SỨC KHỎE NHƯ THẾ NÀO?

Thông tin được bảo trợ bởi Hội Tim Mạch Việt Nam

Khi nói đến tần số tim (heart rate), bạn có thể tưởng tượng đến tốc độ vận hành của một cỗ máy mà cụ thể ở đây là trái tim của chính bạn. Một khái niệm khác có liên quan chặt chẽ nhưng hay bị sử dụng nhầm lẫn là nhịp tim (heart rhythm), hàm ý chỉ sự đều đặn hay không đều giữa các lần tim đập. Như vậy, người có tần số tim nằm trong khoảng tham chiếu bình thường nhưng nhịp tim không đều vẫn được xem là bất thường. Việc hiểu biết sơ lược về tần số tim, ngay cả khi bạn không phải là nhân viên y tế hay vận động viên chuyên nghiệp, cũng giúp bạn nắm rõ hơn về sức khỏe của mình nói chung và tình trạng trái tim nói riêng.

Mô tả tần số tim bởi thiết bị đo đeo tay

Hình 1: Mô tả tần số tim bởi thiết bị đo đeo tay

Tần số tim là gì?

Tần số tim được định nghĩa là số lần tim đập trong vòng một phút (beat per minute – bpm). Với mỗi nhịp bơm, máu được đẩy đi nuôi khắp cơ thể, lan truyền giống như dạng sóng đến cả những mạch máu xa nhất, nhỏ nhất ở tay và chân, nơi chúng ta có thể bắt thấy. Khi mạch máu dội lên tương ứng mỗi nhịp tim đập, chúng ta có khái niệm mạch (pulse). Nói cách khác, mạch là chỉ số gián tiếp phản ánh tần số tim. Một số vị trí mà bạn có thể tự bắt mạch của chính mình là mặt trong cổ tay, bên trong khuỷu tay, một bên cổ (chú ý giữ nhẹ tay bên trên, không đè mạnh) hay mu bàn chân [1]. Thông thường, số lần mạch nảy trong một phút bằng đúng tần số tim, trừ khi có vấn đề bất thường hệ tim mạch. Một ví dụ là ở bệnh nhân bị rung nhĩ, tim đập loạn xạ nhưng có những nhịp bơm máu quá ít làm cho bạn không cảm nhận được mạch ở xa. Lúc này số lần bắt được mạch ở ngoại biên nhỏ hơn tần số tim thực tế. Điều bạn mong muốn là tần số tim của mình đều đặn, không quá nhanh, không quá chậm. Thực tế, trong phần lớn thời gian cuộc đời, bạn không hề để ý và cũng không cần phải để ý đến tần số tim hay nhịp tim của mình, ngoại trừ khi hệ tim mạch có vấn đề gây triệu chứng báo động.

Tự đếm mạch ở cổ

Hình 2: Tự đếm mạch ở cổ

Tần số tim có vai trò gì?

Tần số tim đóng vai trò quan trọng bởi vì đây là một chỉ dấu phản ánh hoạt động của trái tim. Tim bơm máu đi khắp hệ tuần hoàn nhằm cung cấp oxy, dưỡng chất cho mọi mô, tế bào trong cơ thể. Khi tim hoạt động không đúng chức năng, tất cả cơ quan đều bị ảnh hưởng. Tần số tim, cùng với lượng máu mà tim bơm ra trong mỗi lần bóp, là hai thành tố trung tâm của quá trình này [2]. Một sự bất thường về tần số tim có thể là nguyên nhân làm cho tim hoạt động rối loạn, gây triệu chứng, biến chứng chẳng hạn như tạo huyết khối, suy tim. Hoặc ngược lại, tần số tim quá chậm, quá nhanh hay nhịp tim không đều có thể là hậu quả của một bệnh nền tim mạch hoặc bệnh cơ quan khác nhưng có ảnh hưởng đến hệ tim mạch, ví dụ cường giáp, suy giáp, rối loạn điện giải.

Mặc dù vậy, đa phần ở người bình thường, tần số tim không luôn hằng định mà vẫn có thể dao động trong một khoảng giới hạn cho phép, tùy thuộc các yếu tố sinh lý. Tần số tim lúc nghỉ khác nhau tùy từng cá thể, do đó tần số tim bình thường không được định nghĩa dựa trên một điểm mốc chung mà chỉ có thể xem xét trong khoảng nhất định. Hoạt động thể lực là tình trạng phổ biến và rõ ràng mà bạn có thể cảm nhận làm tăng tần số tim rõ rệt. Khi cơ thể vận động, cơ bắp cần phải nhận nhiều oxy, đòi hỏi tim cung cấp máu nhiều và kịp thời hơn so với bình thường. Lượng máu mà tim bơm ra mỗi lần thường thay đổi không nhiều bởi vì phụ thuộc bản chất, khối lượng cơ tim sẵn có của từng người, do đó điều mà cơ thể có khả năng điều chỉnh nhanh chóng để cải thiện cung cấp máu cho các cơ quan là làm tăng tần số tim, thông qua kích thích hệ thần kinh giao cảm. Tuy nhiên, ở người luyện tập cường độ cao kéo dài (chẳng hạn như vận động viên chuyên nghiệp), tần số tim lúc nghỉ lại thấp hơn người bình thường, bởi vì lúc này trái tim đã được rèn luyện, thay đổi khối lượng cơ, sức co bóp, dẫn đến lượng máu mà tim bơm ra mỗi nhịp đập cao hơn đáng kể. Vì vậy, tim không cần phải đập nhanh mà vẫn đảm bảo cung cấp đủ máu, mang oxy và dưỡng chất đi khắp cơ thể. Các tình trạng stress tâm lý có thể gây tăng tần số tim, ví dụ lúc lo âu, hồi hộp, giận dữ hoặc đôi khi cả lúc vui mừng quá khích. Sự thay đổi tư thế cũng có thể gây biến động tần số tim thoáng qua trong vài chục giây đầu khi đổi sang tư thế mới. Đây là một cơ chế thích nghi, tự điều chỉnh bình thường của cơ thể. Khi lớn tuổi dần, dưới ảnh hưởng bởi sự lão hóa sinh lý cũng như sự hiện diện một số bệnh lý, tần số tim của bạn có thể khác biệt so với khi còn trẻ. Như vậy, ngoài một số điều kiện sinh lý đã biết, đa phần sự biến động tần số tim vượt ngoài ngưỡng bình thường cho phép đều phản ảnh bệnh lý, bất thường cần được quan tâm.

Tần số tim tăng khi vận động

Hình 3: Tần số tim tăng khi vận động

Tóm lại, tần số tim là chỉ số có liên quan mật thiết với tình trạng sức khỏe tổng quát nói chung và hiện trạng bệnh lý tim mạch nói riêng. Bạn nên bắt đầu dành sự quan tâm, chú ý đến thông số này ngay cả khi cảm thấy khỏe mạnh, trong các điều kiện khác nhau như luyện tập hay thay đổi tư thế nhằm phát hiện sớm bệnh lý tim mạch tiềm ẩn. Nếu bạn đã được khám, chẩn đoán mắc bệnh tim mạch, ví dụ tăng huyết áp, suy tim, rối loạn nhịp, việc biết cách theo dõi tần số tim lại càng trở nên quan trọng vì có thể ảnh hưởng đển quyết định trị liệu mà bác sĩ đưa ra.

Tài liệu tham khảo

  1.  https://www.heart.org/en/health-topics/high-blood-pressure/the-facts-about-high-blood-pressure/all-about-heart-rate-pulse
  2.  https://www.health.harvard.edu/heart-health/hows-your-heart-rate-and-why-it-matters

VN_GM_CV_21; exp:01/10/2022

Copyrights © 2019 Không Một Mình - Sẻ chia lo âu, vững tâm vui sống. All rights reserved.