Tăng huyết áp và nhịp tim: Mối liên quan và cách kiểm soát

Hãy lắng nghe nhịp tim của bạn khi bạn đang có vấn đề về tăng huyết áp nhé

Hãy lắng nghe nhịp tim của bạn khi bạn đang có vấn đề về tăng huyết áp nhé

Thông tin được bảo trợ bởi Hội Tim Mạch Việt Nam

 

Mối liên quan giữa tăng huyết áp và nhịp tim

Ở bệnh nhân tăng huyết áp, ngoài vấn đề kiểm soát huyết áp, một trong những yếu tố nguy cơ độc lập cho tử vong tim mạch và tử vong do mọi nguyên nhân chính là yếu tố về nhịp tim ở bệnh nhân THA. Nhịp tim có mối liên quan chặt chẽ với huyết áp và có ý nghĩa về mặt tiên lượng cũng như ý nghĩa trong việc quản lý và điều trị tăng huyết áp (THA). Nhiều bằng chứng cho thấy tăng nhịp tim ở bệnh nhân THA sẽ làm gia tăng tỷ lệ các kết cục xấu [1]. 

Điều này cũng đã được đề cập trong hướng dẫn điều trị tăng huyết áp của Hiệp Hội Tim Mạch Châu Âu (ESC) trong đó nhấn mạnh rằng nhịp tim khi nghỉ > 80 nhịp/phút chính là một yếu tố tiên lượng xấu cho các biến cố tử vong và bệnh lý tim mạch [2]. Thống kê cho thấy trong một số nghiên cứu, tỉ lệ nhịp tim ở bệnh nhân THA khi nghỉ > 85 lần/phút là khoảng 15% và có đến 27-30% bệnh nhân THA có nhịp tim khi nghỉ > 80 nhịp/phút [3,4]. Do đó, trong hướng dẫn về THA của mình, ESC đã khuyến cáo việc ghi nhận đồng thời cả chỉ số nhịp tim khi thực hiện kiểm tra HA định kỳ ở bệnh nhân THA. Tuy nhiên, điều này vẫn còn bị xem nhẹ bởi nhiều bác sĩ lâm sàng mặc dù đã có đầy đủ các bằng chứng nhất quán không thể chối bỏ về mối liên quan giữa tăng nhịp tim và nguy cơ tim mạch. Trong khi chờ đợi sự thay đổi về quan điểm của các bác sĩ về vấn đề này, bệnh nhân nên lắng nghe và lưu ý các chỉ số về nhịp tim của cơ thể nhằm theo dõi, quản lý và đánh giá trong quá trình điều trị THA và giúp cải thiện được sức khoẻ tim mạch của bản thân [4].

 

tăng huyết áp và nhịp tim

 

Cần lưu ý rằng nhịp tim là một chỉ số nhạy cảm, dễ thay đổi và chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như tập thể dục thể thao, sử dụng các chất kích thích, các stress trong cuộc sống hoặc khi xúc động mạnh. Ví dụ nếu bạn đo nhịp tim trước, trong và sau khi tập thể thao, bạn sẽ thấy sự gia tăng dần của chỉ số nhịp tim. Điều này là phù hợp với sinh lý cơ thể vì tim cần co bóp nhiều hơn để có thể bơm máu và mang oxy đến các cơ khi tập luyện thể thao. Tuy nhiên, nếu nhịp tim tăng cao (>80 nhịp/phút) ngay cả khi nghỉ ngơi thì đây chính là một dấu hiệu xấu đối với sức khoẻ tim mạch của bạn [1,5].

Kiểm soát nhịp tim ở bệnh nhân THA như thế nào?

Kiểm soát nhịp tim ở bệnh nhân THA như thế nào?

>> Xem thêm: Tăng huyết áp là gì?

Cải thiện lối sống, môi trường sống luôn là mục tiêu hàng đầu được đề cập trong việc quản lý bệnh nhân THA có tăng nhịp tim vì các yếu tố này có tác động đáng kể đến nhịp tim khi nghỉ trong suốt quãng đời của người bệnh. Thật vậy, thói quen ít vận động, hút thuốc lá, uống quá nhiều rượu bia, sử dụng caffein làm tăng hoạt động của hệ giao cảm trong cơ thể và do đó làm tăng nhịp tim khi nghỉ. Do đó, các biện pháp thay đổi lối sống không chỉ giúp cải thiện huyết áp mà còn có thể giúp đạt được mục tiêu nhịp tim ở bệnh nhân THA khi nghỉ < 80 lần/phút.

Nếu bệnh nhân vẫn chưa thể kiểm soát được nhịp tim, một điều trị bằng thuốc có thể sử dụng để giúp kiểm soát nhịp tim. Với tần suất bệnh nhân THA có nhịp tim nhanh chiếm tỷ lệ khá cao (30%), việc cải thiện nhịp tim sẽ mang lại những tác động lớn đến sức khoẻ chung của cộng đồng. 

 

Tóm tắt

Nhịp tim khi nghỉ ngơi > 80 lần/phút là một yếu tố nguy cơ độc lập về tim mạch và tử vong nói chung ở bệnh nhân tăng huyết áp. Tỷ lệ bệnh nhân THA có nhịp tim nhanh chiếm đến 30% và do đó việc kiểm soát nhịp tim có ý nghĩa to lớn đối với sức khoẻ cộng đồng. Các điều trị có thể bao gồm thay đổi lối sống và sử dụng thuốc có thể kiểm soát đồng thời cả nhịp tim và huyết áp. 

>> Xem thêm: Tại sao và nên tập thể dục như thế nào là tốt cho tim mạch?

Nguồn tham khảo

  1. Dalal, J., Dasbiswas, A., Sathyamurthy, I., Maddury, S. R., Kerkar, P., Bansal, S., ... & Sawhney, J. P. S. (2019). Heart rate in hypertension: review and expert opinion. International Journal of Hypertension, 2019.
  2. Williams, B., Mancia, G., Spiering, W., Agabiti Rosei, E., Azizi, M., Burnier, M., ... & Desormais, I. (2018). 2018 ESC/ESH Guidelines for the management of arterial hypertension: The Task Force for the management of arterial hypertension of the European Society of Cardiology (ESC) and the European Society of Hypertension (ESH). European heart journal, 39(33), 3021-3104.
  3. Reule, S., & Drawz, P. E. (2012). Heart rate and blood pressure: any possible implications for management of hypertension?. Current hypertension reports, 14, 478-484.
  4. Palatini, P. (2021). Resting heart rate as a cardiovascular risk factor in hypertensive patients: an update. American Journal of Hypertension, 34(4), 307-317.
  5. https://www.heart.org/en/health-topics/high-blood-pressure/the-facts-about-high-blood-pressure/blood-pressure-vs-heart-rate-pulse

VN_GM_CV_367;exp:30/8/2025 

Copyrights © 2024 Không Một Mình - Sẻ chia lo âu, vững tâm vui sống. All rights reserved.