Hậu quả của không tuân thủ điều trị tăng huyết áp

Vấn đề, nguyên nhân và hậu quả khi kém tuân thủ điều trị tăng huyết áp

Vấn đề, nguyên nhân và hậu quả khi kém tuân thủ điều trị tăng huyết áp

Tăng huyết áp là một trong các yếu tố nguy cơ mạnh nhất của bệnh lý tim mạch. Vì vậy, nguy cơ bệnh tim mạch càng cao nếu bạn không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Nếu bạn đang theo điều trị nhưng kém tuân thủ, khả năng gặp biến cố tim mạch cũng sẽ cao.

1. Tuân thủ điều trị tăng huyết áp - vấn đề nan giải

Tuân thủ điều trị là một trong các vấn đề còn nan giải hiện nay. Ngay cả ở tại một nước phát triển như Hoa Kỳ, nghiên cứu cho rằng vấn đề này cũng cần được quan tâm [1]. Điều đáng ngạc nhiên là dân cư sống ở đô thị lớn lại có khả năng kém tuân thủ điều trị hơn so với người sống ở vùng nông thôn, ngoại ô, đô thị nhỏ ở Hoa Kỳ [2]. Điều này có thể một phần liên quan đến lịch trình công việc bận rộn hàng ngày.

Tuân thủ điều trị tăng huyết áp là vấn đề cần được quan tâm, kể ở cả các nước phát triển
Hình 1: Tuân thủ điều trị tăng huyết áp là vấn đề cần được quan tâm, kể ở cả các nước phát triển [1]

Tuân thủ điều trị là mức độ mà bạn thể hiện hành vi liên quan đến dùng thuốc, thay đổi lối sống, tập luyện thể dục phù hợp với chỉ dẫn từ bác sĩ. Không những vậy, tuân thủ hiện nay còn mang ý nghĩa bạn cần tích cực tương tác hai chiều trong quá trình điều trị. 

Tuân thủ điều trị liên quan đến cả ba thời điểm: 

  • Khởi trị.
  • Dùng thuốc trong thời gian chỉ định.
  • Và ngưng thuốc.

Nếu làm sai chỉ dẫn ở một trong những khía cạnh này, bạn được xem là kém tuân thủ điều trị, hay tuân thủ điều trị chưa tối ưu.

>> Xem thêm: Phân loại tăng huyết áp, triệu chứng, phương pháp phòng ngừa và điều trị

2. Nguyên nhân người bệnh không tuân thủ điều trị

Năm nhóm nguyên nhân chính được xem là góp phần vào kém tuân thủ điều trị, bao gồm: 

  • Nhân tố xã hội.
  • Hệ thống chăm sóc y tế.
  • Thành tố liên quan biện pháp điều trị.
  • Tình trạng sức khỏe và bệnh tật của bản thân.
  • Những yếu tố đến từ chủ quan phía bạn.

Một số yếu tố ảnh hưởng đã được đề cập là tuổi, thu nhập, nơi cư trú (xa hay gần trung tâm y tế), sự chi trả của bảo hiểm, đội ngũ nhân viên và điều kiện tại cơ sở y tế, phác đồ điều trị có quá phức tạp hay không, có phải thay đổi thường xuyên hay không, thời gian điều trị và tác dụng phụ. 

Thường khi đồng mắc nhiều bệnh, bạn sẽ được chỉ định dùng nhiều thuốc (thậm chí khám và chỉ định bởi nhiều bác sĩ khác nhau). Điều này cũng góp phần dẫn đến kém tuân thủ. 

Ngoài ra, nếu bạn không có kiến thức về bệnh, về thuốc hoặc nhận thức về tầm quan trọng của bệnh, bạn dễ có khả năng chủ quan trong quá trình điều trị. Cuối cùng, nỗi sợ tác dụng phụ hay trí nhớ kém thường dẫn đến bỏ thuốc và quên thuốc.

>> Xem thêmẢnh hưởng của stress đến tăng huyết áp

3. Hậu quả của không tuân thủ điều trị tăng huyết áp

Ở bệnh lý tăng huyết áp, nhiều nghiên cứu đã ghi nhận rằng tuân thủ điều trị tốt giúp hạn chế nguy cơ biến cố tim mạch. Trong khi đó, kém tuân thủ điều trị để lại nhiều hậu quả. Có thể chia nhóm làm hậu quả trực tiếp trên sức khỏe của bạn và các hậu quả gián tiếp khác.

Điều đầu tiên dễ thấy nhất là mức độ kiểm soát huyết áp. Những bệnh nhân điều trị đúng mức theo hướng dẫn có khả năng đạt được mục tiêu kiểm soát hơn. Ngược lại, người đã kiểm soát được huyết áp cũng có xu hướng tiếp tục tuân thủ khá hơn [2]. Không những huyết áp chưa đạt mục tiêu, nếu kém tuân thủ trong thời gian dài, bạn có khả năng chuyển sang một mức độ tăng huyết áp nặng hơn.

Ở người bệnh tăng huyết áp, thỉnh thoảng vì một lý do nào đó (ví dụ kích thích xúc động mạnh…), huyết áp có thể tăng cao rất nhiều so với mức hàng ngày. Tình trạng này gọi là cơn tăng huyết áp. Cơn tăng huyết áp thường cần đến sự can thiệp tích cực của bác sĩ (chẳng hạn nhập cấp cứu) nhằm sớm đưa huyết áp về mức an toàn, tránh gây biến chứng cấp tính, ví dụ đột quỵ. Nghiên cứu ghi nhận rằng việc tuân thủ điều trị giúp hạn chế khả năng huyết áp tăng cao bất ngờ, hoặc nếu có tăng cũng ít bị nặng hơn [3].

Huyết áp có mối liên quan chặt chẽ đến độ cứng mạch máu của bạn. Độ cứng lại được tìm thấy liên hệ đến khả năng gặp biến cố tim mạch. Cụ thể, mạch máu càng cứng thì bạn có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim hay đột quỵ càng cao [4]. Những người tuân thủ điều trị huyết áp thường có trị số này thấp hơn người kém tuân thủ điều trị, vì vậy được mong đợi ít gặp biến cố tim mạch hơn [5].

Tim, thận, não là những cơ quan đích chịu ảnh hưởng của tăng huyết áp. Khi bệnh nhân tham gia vào các nghiên cứu, thông thường việc dùng thuốc sẽ được quan tâm sát sao hơn, nhờ sự hỗ trợ nhắc nhở của nhân viên y tế. Tuy nhiên, khi kết thúc nghiên cứu và trở về với hoạt động thường nhật, có sự ghi nhận rằng khả năng tuân thủ điều trị giảm đáng kể. Điều này góp phần đưa đến các hậu quả như dày thất trái hay bệnh thận mạn [6]. Tiểu đạm là một biểu hiện sớm của bệnh thận mạn. Nếu tiếp tục để huyết áp cao kéo dài không kiểm soát, tốc độ diễn tiến đến bệnh thận mạn giai đoạn cuối sẽ nhanh hơn người tuân thủ điều trị tốt [7, 8].

Những yếu tố kể trên đều là nguyên nhân dẫn đến biến cố tim mạch. Vì vậy, nhiều nghiên cứu lớn đã cho thấy rằng người tuân thủ điều trị huyết áp giảm được khả năng mắc đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy tim và tử vong hơn so với người kém tuân thủ điều trị [9]. Những tình huống kể trên là nguyên nhân đưa đến việc nhập viện cao ở người không tuân thủ đúng mức (Hình 2) [10]. Khi các đối tượng này đến khám cấp cứu, xác suất cao cần nhập viện sau đó để theo dõi vì bệnh tiến triển nặng (>20%), trong khi chỉ 12.7% bệnh nhân đến khám cấp cứu vì các lý do khác được chỉ định cần thiết nhập viện sau đó [11].

Kém tuân thủ điều trị là một nguyên nhân dẫn đến nhập viện và tăng chi phí y tế
Hình 2: Kém tuân thủ điều trị là một nguyên nhân dẫn đến nhập viện và tăng chi phí y tế [10]

Dựa trên những tác động về sức khỏe nói trên, tuân thủ điều trị huyết áp và đạt kiểm soát huyết áp giúp bạn cải thiện được tình trạng bệnh tật và chất lượng cuộc sống [12].

Về khía cạnh gián tiếp, sức khỏe kém làm bạn mất ngày công lao động, giảm khả năng hoạt động thường nhật và gây tốn kém chi phí điều trị [13]. Tại Hoa Kỳ, kém tuân thủ điều trị được cho là nguyên nhân chiếm đến 10% tổng chi phí điều trị [14]. Nhóm tuân thủ điều trị có thể tiết kiệm được hơn 3900 USD/năm các chi phí liên quan y tế so với nhóm tuân thủ kém [15].

>> Xem thêm:​ Vai trò của tần số tim trong kiểm soát huyết áp

 

Tài liệu tham khảo:

  1. https://www.patientcareonline.com/view/urban-areas-in-us-are-associated-with-lower-rates-of-hypertension-medication-adherence-new-study-finds
  2.  Abegaz TM, Shehab A, Gebreyohannes EA, Bhagavathula AS, Elnour AA. Nonadherence to antihypertensive drugs: a systematic review and meta-analysis.Medicine (Baltimore). 2017; 96:e5641
  3. Veterans AdministrationCooperative Study Group on Antihypertensive Agents. Effects of treatment on morbidity in hypertension. Results in patients with diastolic blood pressures averaging 115 through 129 mm Hg.JAMA. 1967; 202:1028–1034
  4.  Mitchell GF, Hwang SJ, Vasan RS, Larson MG, Pencina MJ, Hamburg NM, Vita JA, Levy D, Benjamin EJ. Arterial stiffness and cardiovascular events: the Framingham Heart Study.Circulation. 2010; 121:505–511
  5.  Berni A, Ciani E, Cecioni I, Poggesi L, Abbate R, Boddi M. Adherence to antihypertensive therapy affects Ambulatory Arterial Stiffness Index.Eur J Intern Med. 2011; 22:93–98
  6.  Comberg HU, Knowles M, Tyroler HA, Heyden S, Hames CG, Sabo D. Status of patients seven years after completion of the hypertension detection and follow-up program in Evans County, Georgia.J Natl Med Assoc. 1988; 80:1285–1292
  7.  Kim YS, Kim HS, Oh HY, Lee MK, Kim CH, Kim YS, Wu D, Johnson-Levonas AO, Oh BH. Prevalence of microalbuminuria and associated risk factors among adult Korean hypertensive patients in a primary care setting.Hypertens Res. 2013; 36:807–823
  8.  Cedillo-Couvert EA, Ricardo AC, Chen J, et al; CRIC Study Investigators. Self-reported Medication Adherence and CKD Progression.Kidney Int Rep. 2018; 3:645–651
  9.  Corrao G, Parodi A, Nicotra F, Zambon A, Merlino L, Cesana G, Mancia G. Better compliance to antihypertensive medications reduces cardiovascular risk.J Hypertens. 2011; 29:610–618
  10. https://www.nytimes.com/2017/04/17/well/the-cost-of-not-taking-your-medicine.html
  11.  U.S. emergency departments visits resulting from poor medication adherence: 2005-07.J Am Pharm Assoc (2003). 2013; 53:513–519
  12.  Wiklund I, Halling K, Rydén-Bergsten T, Fletcher A. Does lowering the blood pressure improve the mood? Quality-of-life results from the Hypertension Optimal Treatment (HOT) study.Blood Press. 1997; 6:357–364
  13.  Wagner S, Lau H, Frech-Tamas F, Gupta S. Impact of medication adherence on work productivity in hypertension.Am J Pharm Benefits. 2012; 4:e88–e96
  14.  Iuga AO, McGuire MJ. Adherence and health care costs.Risk Manag Healthc Policy. 2014; 7:35–44
  15.  Roebuck MC, Liberman JN, Gemmill-Toyama M, Brennan TA. Medication adherence leads to lower health care use and costs despite increased drug spending.Health Aff (Millwood). 2011; 30:91–99

 

VN_GM_CV_295;exp:31/12/2024

Copyrights © 2024 Không Một Mình - Sẻ chia lo âu, vững tâm vui sống. All rights reserved.