Bệnh nhân suy giáp kiêng ăn gì và nên ăn gì?
Suy giáp là tình trạng tuyến giáp không sản xuất đủ hormone tuyến giáp, dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị và cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân suy giáp. Vậy, người bị suy giáp kiêng ăn gì và nên ăn gì? Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn thông tin chi tiết về chế độ ăn uống phù hợp cho bệnh nhân suy giáp, giúp bạn xây dựng thực đơn khoa học và hiệu quả.
1. Người mắc bệnh suy giáp kiêng ăn gì?
Các loại thực phẩm mà người mắc bệnh suy giáp nên tránh, bao gồm: Đậu nành và thực phẩm làm từ đậu nành, các loại rau họ cải, những thực phẩm có chứa gluten - chứa chất béo - nhiều đường, thức uống chứa cồn và cafein,...
Đậu nành và thực phẩm làm từ đậu nành
Hiện nay, đậu nành và các thực phẩm làm từ đậu nành vẫn luôn là một chủ đề gây tranh cãi liên quan đến những tác động tiêu cực của chúng đối với tuyến giáp. Một số nghiên cứu cho rằng hợp chất isoflavone có trong đậu nành có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh suy giáp. Tuy nhiên, một nghiên cứu được công bố trên Scientific Reports đã phát hiện rằng đậu nành không gây ảnh hưởng đến hormone tuyến giáp và chỉ làm tăng nhẹ mức hormone kích thích tuyến giáp (TSH).
Mặc dù không có hướng dẫn cụ thể về chế độ ăn uống, nhưng một số nghiên cứu khác đã gợi ý rằng việc tiêu thụ đậu nành có thể cản trở khả năng hấp thụ các loại thuốc điều trị tuyến giáp. Do đó, các chuyên gia khuyến nghị chỉ nên uống thuốc điều trị suy giáp sau khi ăn các thực phẩm làm từ đậu nành ít nhất là bốn giờ. [1]
Người bệnh suy giáp không nên ăn đậu nành và thực phẩm làm từ đậu nành
Các loại rau họ cải
Các loại rau họ cải như bông cải xanh, súp lơ, cải bắp và cải Brussels thường được khuyến cáo là hạn chế đối với những người mắc bệnh suy giáp. Nguyên nhân chính là do các loại rau này có thể cản trở quá trình sản xuất hormone tuyến giáp, đặc biệt là khi cơ thể thiếu hụt iod. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc tiêu hóa các loại rau họ cải làm giảm khả năng sử dụng iod của tuyến giáp, đây là một yếu tố thiết yếu cho chức năng tuyến giáp bình thường.
Tuy nhiên, bạn cần phải tiêu thụ một lượng rất lớn các loại rau họ cải mới thực sự ảnh hưởng đến việc hấp thụ iod. Vì vậy, việc loại bỏ hoàn toàn các loại rau này ra khỏi chế độ ăn uống là không thật sự cần thiết. Để đảm bảo an toàn, người mắc bệnh suy giáp nên tham khảo ý kiến bác sĩ về lượng tiêu thụ các loại rau họ cải phù hợp trong chế độ ăn hàng ngày của mình. [1]
Người bệnh suy giáp nên tránh các loại rau họ cải như bông cải xanh, súp lơ, cải bắp
Thực phẩm có chứa gluten
Thực phẩm có chứa gluten như bánh mì và mì pasta thường được khuyến cáo là hạn chế đối với những người mắc bệnh suy giáp. Một số nghiên cứu cho thấy, bệnh suy giáp và bệnh celiac (không dung nạp gluten) thường xuất hiện cùng nhau. Mặc dù chưa có nghiên cứu nào chứng minh rằng chế độ ăn không gluten có thể điều trị các vấn đề về tuyến giáp, nhưng bạn vẫn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về khả năng loại bỏ gluten khỏi chế độ ăn hoặc kiểm tra xem bạn có mắc bệnh celiac hay không.
Nếu bạn vẫn quyết định tiêu thụ gluten, hãy chọn các loại bánh mì và mì pasta nguyên cám, giàu chất xơ và các dưỡng chất khác, giúp cải thiện tình trạng táo bón - một triệu chứng phổ biến của bệnh suy giáp. Ngoài ra, hãy chắc chắn uống thuốc điều trị suy giáp vài giờ trước hoặc sau khi ăn các thực phẩm giàu chất xơ để tránh cản trở việc hấp thụ hormone tuyến giáp tổng hợp. [1]
Người bệnh suy giáp nên tránh tiêu thụ các thực phẩm có chứa gluten
Thực phẩm chứa chất béo
Suy giáp kiêng ăn gì? Những người mắc bệnh suy giáp cần hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm chứa chất béo như bơ, thịt và các món chiên rán. Chất béo đã được chứng minh là làm gián đoạn khả năng hấp thụ thuốc thay thế hormone tuyến giáp của cơ thể và cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng sản xuất hormone của tuyến giáp.
Do đó, nhiều chuyên gia y tế khuyên bạn nên loại bỏ hoàn toàn các món chiên rán và giảm lượng chất béo từ các nguồn như bơ, mayonnaise, margarine và các loại thịt có hàm lượng mỡ cao trong chế độ ăn hàng ngày. [1]
Người bệnh suy giáp không nên ăn thực phẩm chứa chất béo
Thức ăn chứa nhiều đường
Tình trạng suy giáp nếu không được điều trị hoặc điều trị không đủ có thể khiến quá trình trao đổi chất chậm lại, dễ dẫn đến tăng cân. Do đó, người bệnh nên hạn chế tối đa thực phẩm chứa nhiều đường vì chúng cung cấp nhiều calo nhưng nghèo dinh dưỡng. Vì thế, cần giảm thiểu lượng đường nạp vào cơ thể hoặc loại bỏ hoàn toàn để quá trình điều trị bệnh đạt được hiệu quả như mong muốn. [1]
Người bệnh suy giáp cần hạn chế thức ăn chứa nhiều đường
Các loại thực phẩm chứa nhiều chất xơ
Mặc dù chất xơ rất cần thiết cho hệ tiêu hóa nhưng đối với người mắc bệnh suy giáp, việc tiêu thụ quá nhiều chất xơ từ các loại thực phẩm như đậu và rau củ có thể gây cản trở quá trình điều trị. Theo khuyến cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, lượng chất xơ cần thiết cho người trưởng thành dao động từ 25 - 38 gram mỗi ngày (tương đương 14 gram trên mỗi 1000 calo). Khi lượng chất xơ vượt mức này, dù có nguồn gốc từ ngũ cốc nguyên cám, rau, củ, quả, hay các loại đậu, đều có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa và gây ra tình trạng kém hấp thụ thuốc thay thế hormone tuyến giáp. [1]
Cần hạn chế các loại thực phẩm chứa nhiều chất xơ trong chế độ ăn của người bệnh suy giáp
Thức ăn nhanh, chế biến sẵn
Thức ăn nhanh và thực phẩm chế biến sẵn thường chứa nhiều natri - thành phần cần hạn chế đối với người suy giáp. Bởi tình trạng suy giáp khiến cơ thể dễ mắc cao huyết áp, và việc nạp thêm quá nhiều natri từ thức ăn sẽ càng làm gia tăng nguy cơ này.
Để kiểm soát lượng natri nạp vào, bạn nên đọc kỹ bảng thành phần dinh dưỡng trên bao bì mỗi sản phẩm và lựa chọn các loại có hàm lượng natri thấp nhất. Bên cạnh đó, hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ cũng khuyến cáo người có nguy cơ cao bị huyết áp cao nên giới hạn lượng natri trong chế độ ăn ở mức 1.500 mg mỗi ngày. [1]
Người bệnh suy giáp nên tranh thức ăn nhanh, chế biến sẵn
Thức uống chứa cồn và cafein
Suy giáp kiêng ăn gì? Không chỉ dừng lại ở việc kiểm soát đường và chất xơ, người mắc suy giáp còn cần hạn chế các đồ uống có chứa chất kích thích.
Cafein trong trà, cà phê có thể gây cản trở quá trình hấp thụ thuốc thay thế hormone tuyến giáp. Một số nghiên cứu cho thấy rằng nồng độ hormone tuyến giáp của những bệnh nhân dùng thuốc chung với cà phê vào buổi sáng sẽ khó kiểm soát hơn. Vì vậy, lời khuyên từ các chuyên gia là hãy luôn uống thuốc với nước lọc và đợi ít nhất 30 phút sau khi uống thuốc mới nên dùng các thức uống có chứa cafein.
Bên cạnh đó, theo một nghiên cứu khác, rượu bia cũng có tác động xấu đến tuyến giáp và gây ức chế khả năng sử dụng hormone tuyến giáp của cơ thể. Do đó, người bị suy giáp nên hạn chế tối đa hoặc loại bỏ hoàn toàn rượu bia khỏi chế độ ăn uống để đảm bảo hiệu quả cho quá trình điều trị của mình. [1]
Người bệnh suy giáp cần hạn chế tiêu thụ thức uống chứa cồn và cafein
2. Những món người bệnh suy giáp nên ăn
Ngoài việc hiểu rõ người bệnh suy giáp kiêng ăn gì, bạn cũng cần trang bị thêm kiến thức về những loại thực phẩm mà người mắc bệnh suy giáp nên tiêu thụ để giúp hỗ trợ quá trình điều trị, hồi phục được nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Thực phẩm chứa iod
Iod là một khoáng chất cần thiết cho cơ thể giúp sản xuất hormone tuyến giáp. Tuy nhiên, vì cơ thể không tự tổng hợp được iod, do đó chúng ta cần bổ sung thông qua chế độ ăn uống. Các thực phẩm giàu iod bao gồm phô mai, sữa, muối ăn chứa iod, cá nước mặn, rong biển và trứng nguyên quả.
Thiếu iod là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến bệnh bướu cổ, vì khi thiếu iod tuyến giáp sẽ phải làm việc nhiều hơn để bù đắp, dẫn đến phình to bất thường. Ngược lại, tiêu thụ quá nhiều iod cũng có thể làm cho tình trạng suy giáp hoặc cường giáp trở nên nghiêm trọng hơn. Do đó, việc bổ sung iod chỉ nên được thực hiện theo chỉ định của bác sĩ để đảm bảo an toàn. [2]
Người bệnh suy giáp nên tiêu thụ thực phẩm chứa iod theo chỉ định của bác sĩ
Thực phẩm giàu selen
Selen là một khoáng chất thiết yếu, đóng vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất hormone tuyến giáp và có đặc tính chống oxy hóa. Theo một nghiên cứu tổng hợp năm 2017, việc duy trì mức selen trong cơ thể giúp ngăn ngừa bệnh tuyến giáp và tăng cường sức khỏe tổng thể. Các thực phẩm giàu selen bao gồm cá ngừ, tôm, thịt bò, gà tây, thịt gà, dăm bông, trứng, yến mạch, gạo nâu. [2]
Người bệnh suy giáp nên ăn các loại thực phẩm giàu selen
Các loại thực phẩm giàu kẽm
Kẽm là một dưỡng chất quan trọng, đặc biệt có lợi cho những đối tượng có nồng độ hormone tuyến giáp thấp, như người bệnh suy giáp . Một nghiên cứu với quy mô nhỏ đã chỉ ra rằng việc bổ sung kẽm, dù là đơn lẻ hay kết hợp với selen, đều cải thiện chức năng tuyến giáp ở phụ nữ mắc bệnh suy giáp. Các thực phẩm giàu kẽm bao gồm hàu, thịt bò, cua, ngũ cốc, thịt heo, thịt gà, các loại đậu, hạt bí ngô và sữa chua. [2]
Người bệnh suy giáp nên bổ sung thêm các loại thực phẩm giàu kẽm
Ưu tiên thức ăn giàu tyrosine
Tyrosine là một axit amin được tuyến giáp sử dụng để sản xuất hormone quan trọng T3 và T4, rất cần thiết cho chức năng của tuyến giáp. Như vậy, việc bổ sung tyrosine thông qua chế độ ăn giúp hỗ trợ quá trình sản xuất hormone tuyến giáp và cải thiện tình trạng suy giáp, đồng thời cung cấp năng lượng và dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Các loại thực phẩm giàu tyrosine bao gồm thịt, các sản phẩm từ sữa và các loại đậu. [3]
Người bệnh suy giáp nên ưu tiên thức ăn giàu tyrosine trong chế độ ăn hàng ngày
Một số loại thực phẩm khác
Bên cạnh các dưỡng chất đã liệt kê ở trên, người bị suy giáp cũng cần bổ sung thêm một số loại thực phẩm khác giàu vitamin và khoáng chất, như:
- Vitamin D: Giúp cơ thể hấp thụ canxi tốt hơn, điều hòa hệ miễn dịch, giảm nguy cơ mắc bệnh tự miễn, hỗ trợ chức năng tuyến giáp. Một số thực phẩm giàu vitamin D như cá béo (cá hồi, cá thu, cá ngừ), lòng đỏ trứng, sữa chua, nấm.
- Vitamin B12: Duy trì hệ thần kinh khỏe mạnh, hỗ trợ sản xuất tế bào máu đỏ, giảm nguy cơ mệt mỏi và suy nhược. Một số thực phẩm giàu vitamin B12 như thịt, gia cầm, cá, trứng, sữa, các sản phẩm từ sữa.
- Magie: Tham gia vào hơn 300 phản ứng sinh hóa trong cơ thể, giúp điều hòa huyết áp, đường huyết, chức năng cơ bắp và thần kinh. Một số thực phẩm giàu magie như hạt bí ngô, hạnh nhân, các loại đậu, rau bina, sô cô la đen, chuối.
- Sắt: Giúp vận chuyển oxy trong cơ thể, ngăn ngừa thiếu máu. Một số thực phẩm giàu sắt như thịt đỏ, thịt gia cầm, cá, các loại đậu, rau bina, ngũ cốc nguyên hạt.
Người bệnh suy giáp nên bổ sung thêm các thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất
Như vậy, bài viết này đã giúp bạn giải đáp thắc mắc “Bệnh nhân suy giáp kiêng ăn gì và nên ăn gì?” một cách toàn diện và cụ thể nhất. Bên cạnh chế độ ăn uống, người bệnh suy giáp cần kết hợp luyện tập thể dục thường xuyên, duy trì cân nặng hợp lý, theo dõi sức khỏe định kỳ và tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ để kiểm soát tốt bệnh và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tài liệu tham khảo:
1. 9 Foods to Avoid if You’re Diagnosed With Hypothyroidism: https://www.everydayhealth.com/hs/thyroid-pictures/foods-to-avoid/ (Ngày truy cập: 15/06/2024)
2. Hypothyroidism: Foods to eat and avoid: https://www.medicalnewstoday.com/articles/324819 (Ngày truy cập: 15/06/2024)
3. What’s the Best Diet for Hypothyroidism?: https://www.healthline.com/nutrition/hypothyroidism-diet (Ngày truy cập: 15/06/2024)
- Những điều cần biết về ung thư tuyến giáp thể nhú
- Nhận biết 6 dấu hiệu ung thư tuyến giáp để có phương án điều trị hợp lý
- Dấu hiệu u tuyến giáp: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
- Những điều cần biết về bệnh ung thư biểu mô tuyến giáp thể nhú
- 10 biểu hiện suy giáp chớ nên xem thường!
- Suy giáp ảnh hưởng đến sinh sản ra sao? Chi tiết về suy giáp thai kỳ
- Giải đáp thắc mắc: Bệnh suy giáp sống được bao lâu và chữa khỏi được không?
- Suy giáp bẩm sinh: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
- Cường giáp khi mang thai: Căn bệnh nguy hiểm cho sản phụ và thai nhi
- Bệnh cường giáp có phải là ung thư không? Mức độ nguy hiểm và điều trị
- Bệnh Basedow là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
- Bệnh cường giáp sống được bao lâu? Tiên lượng bệnh cường giáp