Những bệnh lý nguy cơ dễ mắc phải khi không điều trị cường giáp
Thông tin được bảo trợ bởi Hội Tim Mạch Việt Nam
Bản thân cường giáp không gây tác hại trực tiếp lên tuyến giáp nhưng lại dẫn đến các biến chứng trên nhiều hệ cơ quan khác nhau nếu không được chẩn đoán và xử trí. Việc điều trị không những cần kịp thời mà đòi hỏi phải đúng mức, đủ liều, đủ thời gian, nếu không bệnh vẫn có khả năng nặng lên, không thuyên giảm hoặc đã lui bệnh nhưng tái phát trở lại. Tất cả những diễn tiến bất lợi đó đều có thể đưa đến biến chứng ở nhiều cơ quan.
1. Bão giáp
Đúng như tên gọi mô tả, bão giáp được xem là biến chứng nặng nề nhất, có khả năng đe dọa tính mạng, đòi hỏi chẩn đoán nhanh và can thiệp khẩn cấp [1], [2], [3]. Đây là một cấp cứu nội tiết, đặc trưng bởi sự phóng thích ồ ạt hormone giáp vào máu, gây tác động đồng thời đến nhiều hệ cơ quan của cơ thể, diễn tiến xấu nhanh trong vòng vài giờ hoặc vài ngày (Hình 1).
Các biểu hiện chính là thân nhiệt của bạn tăng rất cao, tần số tim cực kỳ nhanh, tim có thể đập không đều, tri giác không còn tỉnh táo như bình thường (lú lẫn hoặc nặng hơn là hôn mê, co giật), suy tim sung huyết gây khó thở và một vài triệu chứng ở hệ tiêu hóa như buồn nôn, nôn, đau bụng, vàng da. Do ảnh hưởng đồng thời nhiều cơ quan như trên nên cơ thể bạn sẽ bị suy sụp trong thời gian ngắn, dẫn đến tỉ lệ tử vong khá cao khi đã mắc phải bão giáp.
Thường biến cố này xảy ra trên nền cường giáp do bệnh Graves (Basedow) mà không được kiểm soát tốt, kèm thêm yếu tố kích hoạt, thúc đẩy nặng lên như sau phẫu thuật tuyến giáp, phẫu thuật cơ quan khác (kể cả những thủ thuật nhỏ như nhổ răng), dùng iod phóng xạ, dùng thuốc. Một số nguyên nhân gây bão giáp ít gặp hơn là viêm giáp, bướu giáp đa nhân độc, u tuyến yên tiết hormone TSH, thai trứng tiết hormone hCG hoặc ung thư tuyến giáp di căn.
Để chẩn đoán bão giáp, bác sĩ cần phối hợp nhiều tiêu chí chẩn đoán mà đầu tay là dựa các triệu chứng lâm sàng, sau đó phối hợp thêm xét nghiệm đánh giá chức năng tuyến giáp. Việc điều trị ở giai đoạn có biến chứng này dĩ nhiên cũng phức tạp hơn nhiều so với cường giáp đơn thuần và đôi khi phải cần đến những phương tiện cao cấp như thay huyết tương để lọc bớt hormone giáp ra khỏi cơ thể.
Hình 1: Bão giáp là một cấp cứu nội tiết [4]
2. Rối loạn nhịp
Bệnh nhân cường giáp thường có tần số tim nhanh do tác động của hormon giáp lên tim, đôi khi vượt quá ngưỡng bình thường (>100 lần/phút). Tuy nhiên, cường giáp nặng còn gây biến chứng nặng hơn là rối loạn nhịp mà một trong những dạng bạn thường được nghe là rung nhĩ, chiếm khoảng 10-15% bệnh nhân cường giáp [5].
Tỉ lệ này có thể cao hơn ở người lớn tuổi vì hay sẵn đi kèm một số yếu tố nguy cơ khác của rung nhĩ. Bình thường trong trái tim của bạn có một vị trí chính yếu đóng vai trò công tắc tổng, là nơi phát ra xung điện truyền theo hướng nhất định để kích thích tim đập đều đặn theo. Khi bị rung nhĩ, nhiều nơi trong tim đều đồng loạt phát điện, tỏa ra nhiều phương khác nhau, dẫn đến tình trạng tim đập loạn xạ, không theo quy luật, làm do dòng máu dễ ứ đọng lại vì không được bóp đi hiệu quả (Hình 2).
Biến chứng nguy hiểm nhất của rung nhĩ là tạo huyết khối (máu đông) trong lòng mạch máu. Cục huyết khối nói trên có thể di chuyển theo mạch máu và gây tắc nhiều cơ quan quan trọng trong cơ thể, hàng đầu là não (gây đột quỵ), hoặc mạch máu nuôi thận, ruột gây hoại tử các vị trí này.
Hình 2: Nhịp tim bình thường và khi rung nhĩ [6]
>> Xem thêm: Triệu chứng lâm sàng của cường giáp
3. Suy tim
Cường giáp lâu ngày làm tim phải tăng co bóp, làm việc quá sức, dần dần dẫn đến phì đại cơ tim, giãn buồng tim và cuối cùng là suy tim. Bên cạnh đó, hormone giáp với lượng quá nhiều có khả năng trực tiếp thay đổi chuyển hóa tế bào cơ tim, thay đổi sức co bóp cơ tim (gọi là bệnh cơ tim do nhiễm độc giáp). Ngoài ra, cường giáp còn gián tiếp ảnh hưởng đến tim thông qua tăng huyết áp, vốn chiếm một tỉ lệ nhất định ở bệnh nhân cường giáp.
Tất cả những hiện tượng này, dù xảy ra theo cơ chế nào, cuối cùng đều dẫn đến suy tim. Những biểu hiện hay gặp nếu bạn bị suy tim là khó thở khi làm việc gắng sức, khó thở khi nằm ngủ, đặc biệt về ban đêm, mệt mỏi, không có sức lực hoạt động và phù. Các triệu chứng này nặng dần theo thời gian. Ví dụ như ban đầu bạn có thể mang vác vật nặng với trọng lượng khá lớn, leo nhiều lầu bằng thang bộ.
Càng về sau, bạn càng khó thở, mệt ngay cả với vật nhẹ hay leo ít bậc cầu thang. Như vậy, cùng với rối loạn nhịp và thuyên tắc huyết khối kể trên, suy tim cũng là một trong các biến chứng tim mạch hay gặp ở bệnh nhân cường giáp không điều trị hay điều trị không đầy đủ.
4. Loãng xương
Hormon giáp bình thường quy định tốc độ thay thế xương của bạn, tuy nhiên khi nồng độ hormon giáp trong máu cao vượt ngưỡng (cường giáp) thì xương bị thay thế nhanh hơn tốc độ tạo mới, dẫn đến khoáng chất không kịp lấp đầy những phần xương bị tiêu hủy, hậu quả gây loãng xương và nếu đủ nặng hay có lực tác động thêm vào có thể dẫn đến gãy xương (Hình 3) [7]. Loãng xương và gãy xương gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Thông thường, điều trị ổn định chức năng tuyến giáp giúp cải thiện được biến chứng này nhưng loãng xương đôi khi không thể hồi phục nếu cường giáp đã diễn tiến lâu ngày mà không được điều trị, đặt ra vấn đề nên chẩn đoán và điều trị cường giáp đúng mức ngay từ sớm. Trong quá trình xử trí cường giáp, đôi khi bác sĩ chỉ định bổ sung thêm calci và vitamin D nhằm hạn chế tốc độ mất xương đang xảy ra.
Hình 3: Xương bình thường và xương bị loãng [7]
5. Teo cơ, sụt cân
Hormon giáp tăng tốc độ các quá trình chuyển hóa trong cơ thể. Điều đó đồng nghĩa rằng khi bạn bị cường giáp, sự dư thừa hormon giáp thúc đẩy chuyển hóa với tốc độ vượt hơn bình thường ở nhiều hệ cơ quan, trong đó có cơ bắp. Cơ bị thoái giáng nhanh hơn khả năng xây dựng khối cơ mới nên dần bị teo lại. Những vị trí thường quan sát thấy sự gầy sút rõ là cơ vùng vai, vùng xương chậu.
Riêng cơ ở tay chân teo làm bạn cảm thấy khó mang vác vật nặng, khó đi đứng hơn và có thể có triệu chứng đau cơ. Nhiều người sụt cân rất nhiều, có thể lên đến 10-20 kg sau một thời gian mắc cường giáp mà không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Việc sụt cân sẽ dừng lại khi chức năng tuyến giáp về mức bình ổn, tuy nhiên để tăng lại mức cân nặng như trước khi bệnh đôi khi cần một chế độ dinh dưỡng tích cực trong thời gian dài mới đủ bù đắp cho khối lượng cơ bị mất.
6. Ảnh hưởng tâm thần kinh
Cường giáp thường gây triệu chứng thần kinh theo hướng kích thích, bứt rứt, lo âu trong thời gian bệnh nhưng đôi khi có thể ảnh hưởng lâu dài, bao gồm nhiều thể nặng hơn như trầm cảm, giảm tập trung, trí nhớ kém, rối loạn khí sắc, thậm chí loạn thần, hoang tưởng hay sảng. Những biến chứng này được xem là do tác động trực tiếp của hormon giáp lên quá quá trình dẫn truyền thần kinh ở não bộ.
Một vài nguy cơ vừa nêu trên là hậu quả của cường giáp không điều trị hay điều trị không đầy đủ, đa phần trong số này là biến chứng dài hạn, ngoại trừ bão giáp có thể xuất hiện như một giai đoạn cấp tính ở bất kỳ bệnh nhân cường giáp nào không được kiểm soát tốt. Điều đó chứng tỏ sự cần thiết của việc nhận diện, tầm soát, chẩn đoán và điều trị tích cực cường giáp từ sớm.
>> Xem thêm: Bệnh cường giáp là gì? Nguyên nhân và biến chứng của cường giáp
Tài liệu tham khảo:
- Gavin LA (1991). Thyroid crises. Med Clin North Am, 75:179-193.
- Tietgens ST, Leinung MC (1995). Thyroid storm. Med Clin North Am, 79:169-184.
- Wartofsky L (2012) Thyrotoxic storm. In: Braverman LE, Cooper DS (ed) Werner & Ingbar’s the Thyroid: A Fundamental and Clinical Text (10th). Williams & Wilkins, Philadelphia: 481-486.
- https://www.thehealthsite.com/diseases-conditions/what-is-thyroid-storm-and-its-symptoms-b0917-518809/
- Sawin CT, Geller A, et al (1994). Low serum thyrotropin concentrations as a risk factor for atrial fibrillation in older persons. N Engl J Med, 331:1249–1252.
- https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/atrial-fibrillation/symptoms-causes/syc-20350624
- https://www.osc-ortho.com/blog/what-are-osteoporosis-osteopenia/
VN-NONT-00072;exp:18/12/2025