Hội Tim mạch học Việt Nam
Hormone giáp cần thiết cho sự duy trì thai kỳ bình thường và sự phát triển tối ưu của thai nhi. Các bệnh lý tuyến giáp rõ đã được tìm thấy là có liên hệ đến các biến cố sản khoa ở mẹ và bất thường phát triển hệ thần kinh ở thai nhi [1]. Tuy nhiên, gần đây nhiều nghiên cứu ghi nhận những bất thường tuyến giáp nhẹ hơn, đôi khi không có triệu chứng, cũng làm tăng nguy cơ sảy thai, sinh non hay ảnh hưởng đến chức năng nhận thức ở trẻ sơ sinh (Hình 1) [2]. Vì vậy, bác sĩ và cả bản thân bạn đều đặt ra câu hỏi: Khi nào thì mẹ bầu cần tầm soát bệnh lý tuyến giáp?

Đây cũng là vấn đề hiện còn nhiều tranh cãi giữa các trung tâm hay quốc gia khác nhau. Những nước như Tây Ban Nha, Trung Quốc, Ba Lan khuyến cáo tầm soát rộng rãi cho tất cả phụ nữ mang thai [4-6]. Trong khi đó, Anh và Hoa Kỳ chỉ tiến hành tầm soát trên phụ nữ có nguy cơ cao [7]. Những lý do sau đây ủng hộ việc tầm soát bệnh lý tuyến giáp rộng rãi ở phụ nữ mang thai.
Đây có phải là một vấn đề y tế quan trọng không?
Như đã trình bày ở trên, rối loạn chức năng tuyến giáp dù nhẹ cũng có thể gây hậu quả trên mẹ và thai nhi. Đồng thời, các rối loạn này không quá hiếm gặp trong thai kỳ. Do vậy, đây là một vấn đề y tế đáng lưu tâm.
Nếu tầm soát ra bệnh, có phương pháp điều trị được chấp thuận hay không?
Việc tầm soát chỉ có ý nghĩa nếu như bệnh lý phát hiện có thể điều trị được. Với những bệnh lý chưa có khả năng điều trị và chưa có cách quản lý, bác sĩ không đặt ra vấn đề phải tầm soát vì tốn kém vô ích.
Quay trở lại với bệnh lý tuyến giáp, có hai dạng rối loạn chức năng tuyến giáp thường gặp trong thai kỳ là cường giáp và suy giáp. Với suy giáp, bệnh nhân sẽ được bổ sung hormone giáp tổng hợp, hiện là một phương pháp điều trị an toàn, dung nạp tốt và giá thành chấp nhận được. Loại thuốc này đã có kinh nghiệm được sử dụng trên 50 năm. Thuốc giúp cải thiện nhanh triệu chứng suy giáp, cũng như cho thấy khả năng cải thiện kết cục thai kỳ. Ngược lại, bệnh nhân cường giáp sẽ được sử dụng thuốc kháng giáp để ức chế việc tổng hợp hormone quá mức của tuyến giáp. Với tỉ lệ tác dụng ngoại ý rất hiếm, có một số thuốc kháng giáp hiện tại được xem là an toàn trong thai kỳ và lợi ích đạt được khi dùng thuốc lớn hơn nhiều so với nguy cơ gặp tác dụng không mong muốn. Do vậy, nếu tầm soát ra, bệnh sẽ được điều trị bằng các phương pháp hiện có đã được chấp thuận.
Hiện đã có phương pháp tầm soát hiệu quả hay chưa?
Rối loạn chức năng tuyến giáp hiện được phát hiện đơn giản với hai xét nghiệm hormone fT4 từ tuyến giáp và TSH từ tuyến yên. Hai xét nghiệm này bổ trợ cho nhau để giúp đưa ra chẩn đoán chiều hướng thay đổi rối loạn. Đôi khi bác sĩ cần thêm T3 trong các trường hợp chưa rõ (Hình 2) [8]. Một số xét nghiệm khác như TRAb hay TPOAb và siêu âm tuyến giáp giúp chẩn đoán nguyên nhân rối loạn nếu có. Những phương tiện xét nghiệm này hiện phổ biến rộng rãi, chi phí thấp, do đó phù hợp để tầm soát cho phụ nữ mang thai.

Khi nào mẹ bầu cần tầm soát rối loạn chức năng tuyến giáp?
Dựa trên việc cân nhắc các đặc điểm nêu trên, Hiệp hội Tuyến giáp Hoa Kỳ (American Thyroid Association – ATA) khuyến cáo rằng tất cả phụ nữ mong muốn có thai hoặc mới mang thai nên được đánh giá lâm sàng trước. Sau đó, nếu có một trong các yếu tố nguy cơ sau đây thì sẽ tiếp tục được xét nghiệm hormone sớm để tầm soát rối loạn chức năng tuyến giáp:
1) Tiền sử suy giáp, cường giáp hoặc đang có triệu chứng gợi ý rối loạn chức năng tuyến giáp.
2) Đã có xét nghiệm phát hiện mang kháng thể tuyến giáp trước đây hoặc có bướu giáp đã biết
3) Đã từng xạ trị vùng đầu-cổ hay phẫu thuật tuyến giáp
4) Lớn hơn 30 tuổi
5) Mắc đái tháo đường típ 1 hoặc các bệnh tự miễn khác
6) Tiền sử sảy thai, sinh non hoặc hiếm muộn
7) Đã từng mang thai ít nhất 2 lần trước đó
8) Tiền sử gia đình mắc bệnh tự miễn tuyến giáp hoặc rối loạn chức năng tuyến giáp
9) Béo phì nặng (chỉ số khối cơ thể ≥ 40 kg/m2)
10) Sống ở vùng dịch tễ thiếu iod trung bình-nặng
Tóm lại, phụ nữ mang thai nếu có những dấu hiệu gợi ý nguy cơ cao mắc bệnh lý tuyến giáp sẽ được bác sĩ chỉ định tầm soát rối loạn chức năng tuyến giáp. Việc tầm soát sớm và đúng chỉ định giúp phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời, từ đó giảm tác động lên mẹ và bé.
Tài liệu tham khảo
- Korevaar TIM, Medici M, Visser TJ, Peeters RP. Thyroid disease in pregnancy: new insights in diagnosis and clinical management. Nat Rev Endocrinol. 2017;13(10):610-622. doi:10.1038/nrendo.2017.93
- Velasco I, Taylor P. Identifying and treating subclinical thyroid dysfunction in pregnancy: emerging controversies. Eur J Endocrinol. 2018;178(1):D1-D12. doi:10.1530/EJE-17-0598
- https://www.ausmed.com/cpd/articles/thyroid-disease-pregnancy
- Vila L, Velasco I, Gonzalez S, Morales F, Sanchez E, Lailla JM, et al.. Detection of thyroid dysfunction in pregnant women: universal screening is justified. Endocrinol Nutr. (2012) 59:547–60. 10.1016/j.endonu.2012.06.014
- Zhou Q, Acharya G, Zhang S, Wang Q, Shen H, Li X. A new perspective on universal preconception care in China. Acta Obstet Gynecol Scand. (2016) 95:377–81.
- Hubalewska-Dydejczyk Trofimiuk-Müldner M. The development of guidelines for management of thyroid diseases in pregnancy – current status. Thyroid Res. (2015) 8:A11 10.1186/1756-6614-8-S1-A11
- Alexander EK, Pearce EN, Brent GA, et al. 2017 Guidelines of the American Thyroid Association for the Diagnosis and Management of Thyroid Disease During Pregnancy and the Postpartum [published correction appears in Thyroid. 2017 Sep;27(9):1212]. Thyroid. 2017;27(3):315-389. doi:10.1089/thy.2016.0457
- https://timesofindia.indiatimes.com/life-style/health-fitness/health-news/thyroid-function-test-know-what-t3-t4-and-tsh-mean/articleshow/71687435.cms
VN_GM_THY_215;exp:31/5/2025
Khi nào mẹ bầu cần tầm soát bệnh lý tuyến giáp?
[Video] Ung thư tuyến giáp, khi nào cần tầm soát nguy cơ?
Ung thư tuyến giáp sống được bao lâu?
Bệnh nhân ung thư tuyến giáp nên ăn gì?
Rối loạn chức năng tuyến giáp: thủ phạm gây hiếm muộn
Các thể ung thư tuyến giáp: cách nhận biết và điều trị
Cách phòng ngừa ung thư tuyến giáp
Khi nào cần tầm soát ung thư tuyến giáp?
Rối loạn chức năng tuyến giáp trong thai kỳ
Ung thư tuyến giáp có thể chữa khỏi không?
Bệnh tuyến giáp và khả năng sinh sản
Chế độ dinh dưỡng ở người có bệnh tuyến giáp