Chế độ dinh dưỡng cho người mắc bệnh tuyến giáp: Những điểm cần lưu ý
Người mắc bệnh lý tuyến giáp thông thường có thể áp dụng chế độ ăn uống gần như người không mắc bệnh, ngoại trừ một số điểm lưu ý để tránh ảnh hưởng đến nguy cơ làm bệnh nặng thêm hay tương tác với thuốc sử dụng. Cần nhớ rằng bạn vẫn cần phải quan tâm tới dinh dưỡng và mối liên quan với sức khỏe tổng thể. Có một vài điểm chính sau đây cần lưu ý đối với chế độ dinh dưỡng cho người mắc bệnh tuyến giáp.
1. Chế độ dinh dưỡng cho người mắc bệnh tuyến giáp - bổ sung rau củ
Thứ nhất, tập trung vào việc ăn đủ lượng rau củ mỗi ngày, không nên kiêng tuyệt đối một loại nào. Các loại rau họ cải như cải bắp, cải xoăn kale, súp lơ trắng, súp lơ xanh, cải chíp thường được nhắc đến là tác nhân cản trở tuyến giáp thu nhận iod để sản xuất hormone, do chứa chất hóa học gọi là thiocyanate và một số chất tương tự (Hình 1).
Các cây họ cải thông dụng nên hạn chế trong chế độ dinh dưỡng cho người mắc bệnh tuyến giáp
>> Xem thêm: Suy giáp và biến chứng tim mạch
Khi tuyến giáp không làm việc đủ năng suất, tuyến yên ở não tăng cường tiết ra hormone gọi là thyroid stimulating hormone (TSH) để kích thích tuyến giáp hoạt động mạnh hơn nữa, từ đó có thể gây bướu giáp. Tuy nhiên, hiện tượng nói trên gần như chỉ xảy ra khi bạn ăn lượng lớn những thực phẩm này trong thời gian ngắn. Đồng thời chế độ ăn quá thiếu iod và selen, hai vi chất chính đóng vai trò quan trọng trong quá trình tổng hợp hormon giáp.
Điều này hiện nay rất hiếm xảy ra do sự đa dạng trong thực phẩm của chúng ta và các sản phẩm muối iod sẵn có trên thị trường theo hướng dẫn của chương trình quốc gia phòng chống các rối loạn thiếu iot. Ngoài ra, lượng thiocyanate dao động rất lớn trong thực phẩm, ngay cả với một giống rau nhưng trồng ở những nơi khác nhau.
Lấy ví dụ, hàm lượng thiocyanate trong cải xoăn kale có thể dao động từ 0-400 mg/kg rau tươi, do vậy chúng không hẳn luôn mang nguy cơ ảnh hưởng đến tuyến giáp [1]. Nếu bạn đã sẵn có tình trạng suy giáp hay tiền sử gia đình có người bị bướu giáp, có thể hạn chế ảnh hưởng nói trên bằng cách:
- Phối hợp rau củ đa dạng.
- Thay đổi chủng loại thay vì chỉ ăn duy nhất một loại ngày qua ngày.
- Nấu chín và nhai kỹ cũng giúp phân hủy đáng kể các chất hóa học kể trên.
Thậm chí ngay cả khi chỉ hấp rau với nhiệt độ không quá cao, thiocyanate cũng đã bắt đầu bị bất hoạt. Tính an toàn khi sử dụng rau cải được chứng minh qua một nghiên cứu, trong đó tác giả kết luận rằng việc tiêu thụ 5 ounces (khoảng 140g) cải Brussel đã nấu chín mỗi ngày liên tục trong vòng bốn tuần không gây ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp [2].
Do đó, bạn không cần quá lo lắng nguy cơ ảnh hưởng của những cây họ cải này đối với bệnh lý tuyến giáp. Ngoài ra, do nguyên nhân chính của suy giáp hiện nay vẫn là viêm giáp Hashimoto chứ không phải thiếu iod, việc ăn thực phẩm chứa thiocyanate gần như không làm nặng thêm tình trạng bệnh, bởi vì bản chất bạn không bị thiếu hay giảm hấp thu iod từ trước.
Lý do cuối cùng khá quan trọng, những cây họ cải nói trên rất giàu vi chất, chất xơ, chất chống oxi hóa, kháng viêm tốt cho sức khỏe nói chung. Vì vậy, không nên kiêng hoàn toàn việc sử dụng chúng chỉ đơn thuần bởi bạn có bệnh lý tuyến giáp. Nhóm thực phẩm thứ hai cũng hay được nhắc đến trong mối liên quan với bệnh lý tuyến giáp là sản phẩm có nguồn gốc từ đậu nành, ví dụ như:
- Sữa đậu nành.
- Đậu khuôn.
- Các món ăn truyền thống của nhiều quốc gia như miso, đậu nành luộc (Nhật Bản) hoặc tempeh (Indonesia).
Cơ sở cho sự nghi ngờ này là do chất isoflavone trong đậu nành có thể ức chế thyroid peroxidase (TPO), một enzyme tham gia vào quá trình sản xuất hormon giáp. Tuy nhiên, cũng tương tự rau họ cải, nguy cơ ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp rất thấp nếu bạn ăn uống với lượng thông thường và phối hợp đa dạng thực phẩm hàng ngày.
>> Xem thêm: Nguy cơ suy giáp không điều trị
2. Chế độ dinh dưỡng cho người mắc bệnh tuyến giáp khi sử dụng thuốc điều trị
Ngoài việc cân nhắc ảnh hưởng trực tiếp lên tuyến giáp nói trên, bệnh nhân đã có tình trạng suy giáp từ trước cần chú ý thực phẩm tương tác với thuốc điều trị. Hormone giáp trạng tổng hợp, chế phẩm bổ sung thay thế cho hormone giáp, rất dễ bị giảm hấp thu khi dùng cùng thức ăn.
Nên sử dụng thuốc điều trị tuyến giáp cách bữa ăn và các thuốc khác khoảng 60 phút
Do đó, hormone giáp được khuyên dùng xa bữa ăn và các thuốc khác, tối ưu là ít nhất 60 phút trước bữa sáng hoặc uống trước khi đi ngủ (cách bữa tối ít nhất 3 giờ) [3]. Chất xơ, cà phê và những sản phẩm có nguồn gốc đậu nành được báo cáo ảnh hưởng đến sự hấp thu thuốc, do đó cũng không nên sử dụng gần thời điểm với hormon giáp [4, 5, 6].
Những thực phẩm chứa nhiều iot như rau câu, rong biển, phổ tai mặc dù không trực tiếp ảnh hưởng đến sự hấp thu hormon giáp nhưng gây ảnh hưởng nhiễu đến xét nghiệm tuyến giáp hoặc trở thành nguồn nguyên liệu để tuyến giáp tổng hợp hormone, gây dao động chức năng tuyến giáp nhiều và vì vậy nên hạn chế dùng ở bệnh nhân bệnh lý tuyến giáp nói chung.
3. Chế độ dinh dưỡng cho người mắc bệnh tuyến giáp khi sử dụng thực phẩm chức năng
Điểm cuối cùng cần lưu ý là cẩn trọng với thực phẩm chức năng. Suy nghĩ chung thường gặp là thực phẩm chức năng bổ sung dinh dưỡng không ít thì nhiều đều tốt cho cơ thể, tuy nhiên thực tế là chúng có thể có hại ở một khía cạnh nào đó chưa được biết đến rõ ràng.
Hiện nay, có rất nhiều sản phẩm như vậy trên thị trường với nhãn quảng cáo “hỗ trợ chức năng tuyến giáp”, “hỗ trợ điều trị bệnh tuyến giáp”, “ổn định tuyến giáp”. Tuy nhiên, liều lượng và mức độ tinh khiết của dược chất trong các chế phẩm này không được kiểm định như một thuốc điều trị chính thống, nên không thể dự đoán được mức độ ảnh hưởng và tác động, đồng thời gây khó khăn cho quá trình chỉnh liều hormon giáp của bác sĩ.
Thực phẩm chức năng có thể gây ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh giáp
Hai ngoại lệ được phép duy nhất là thực phẩm bổ sung selen được chỉ định cho bệnh nhân mắc bệnh Graves (Basedow) có bệnh lý mắt giai đoạn nhẹ và thực phẩm bổ sung iod cho phụ nữ mang thai nhằm đảm bảo đủ nhu cầu iod trong thai kỳ cho cả mẹ và bé. Tuy nhiên, việc sử dụng chúng vẫn phải được tham vấn bởi bác sĩ.
Tóm lại, trên đây là một số lưu ý trong chế độ dinh dưỡng dành cho người có bệnh lý tuyến giáp. Ngoài những điểm này, nhìn chung bệnh nhân có bệnh lý tuyến giáp (cường giáp, suy giáp hay bướu giáp) vẫn có thể áp dụng chế độ ăn gần như người bình thường mà không cần quá khắt khe trong việc lựa chọn thực phẩm.
>> Xem thêm: Bệnh cường giáp là gì? Nguyên nhân và biến chứng của cường giáp
Tài liệu tham khảo:
- https://www.endocrineweb.com/conditions/thyroid/thyroid-diet-how-to-eat-with-a-thyroid-disorder
- McMillan M, Spinks EA, Fenwick GR. Preliminary observations on the effect of dietary brussels sprouts on thyroid function. Hum Toxicol. 1986 Jan;5(1):15-9.
- Jonklaas J, Bianco AC, Bauer AJ, Burman KD, Cappola AR, Celi FS, Cooper DS, Kim BW, Peeters RP, Rosenthal MS, Sawka AM; American Thyroid Association Task Force on Thyroid Hormone Replacement. Guidelines for the treatment of hypothyroidism: prepared by the american thyroid association task force on thyroid hormone replacement. Thyroid. 2014 Dec;24(12):1670-751.
- Benvenga S, Bartolone L, Pappalardo MA, Russo A, Lapa D, Giorgianni G, Saraceno G, Trimarchi F. Altered intestinal absorption of L-thyroxine caused by coffee. Thyroid;2008(18):293–301.
- Liel Y, Harman-Boehm I, Shany S. Evidence for a clinically important adverse effect of fiber-enriched diet on the bioavailability of levothyroxine in adult hypothyroid patients. J Clin Endocrinol Metab; 1996(81):857–859.
- Bell DS, Ovalle F. Use of soy protein supplement and resultant need for increased dose of levothyroxine. Endocr Pract; 2001(7):193–194.
VN-NONT-00076 ;exp:18/12/2025
- Những điều cần biết về ung thư tuyến giáp thể nhú
- Bệnh nhân suy giáp kiêng ăn gì và nên ăn gì?
- Nhận biết 6 dấu hiệu ung thư tuyến giáp để có phương án điều trị hợp lý
- Dấu hiệu u tuyến giáp: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
- Những điều cần biết về bệnh ung thư biểu mô tuyến giáp thể nhú
- 10 biểu hiện suy giáp chớ nên xem thường!
- Suy giáp ảnh hưởng đến sinh sản ra sao? Chi tiết về suy giáp thai kỳ
- Giải đáp thắc mắc: Bệnh suy giáp sống được bao lâu và chữa khỏi được không?
- Suy giáp bẩm sinh: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
- Cường giáp khi mang thai: Căn bệnh nguy hiểm cho sản phụ và thai nhi
- Bệnh cường giáp có phải là ung thư không? Mức độ nguy hiểm và điều trị
- Bệnh Basedow là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị