8 biến chứng nguy hiểm của suy giáp không điều trị

Banner Banner
Banner

Nguy cơ suy giáp không điều trị: Có những biến chứng nguy hiểm nào?

Thông tin được bảo trợ bởi Hội Tim Mạch Việt Nam

Suy giáp mặc dù ít biểu hiện triệu chứng rõ ràng như cường giáp nhưng vẫn mang nhiều nguy cơ biến chứng về lâu dài. Điều này càng trở nên quan trọng bởi vì khi không có triệu chứng, bạn sẽ ít dành sự chú ý để đi khám, tầm soát. Ngoài ra, trong quá trình điều trị, bạn cũng dễ chủ quan, ít tuân thủ dùng thuốc đều đặn, dẫn đến chức năng tuyến giáp không ổn định. Do đó, bất kể bạn bị cường giáp hay suy giáp cũng đều nên được điều trị kịp thời và đúng mức nhằm hạn chế biến chứng.

1. Bướu giáp là một trong những nguy cơ suy giáp không điều trị

Việc kích thích tuyến giáp liên tục bởi hormone TSH (thyroid-stimulating hormone) từ tuyến yên nhằm cố gắng bù đắp cho lượng hormone thiếu hụt khi bạn bị suy giáp thường thường vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu hormone giáp của cơ thể mà đồng thời lại làm tế bào, mô tuyến giáp tăng trưởng nhiều hơn, tạo thành bướu giáp.

Mặc dù đa phần bướu giáp không gây khó chịu nhiều lắm nhưng có những bệnh nhân được phát hiện bướu giáp rất lớn, gây chèn ép thực quản gây khó nuốt, cảm giác nuốt nghẹn hoặc đè vào khí quản gây khó thở. Một số bệnh nhân khác không gặp phải các triệu chứng nói trên nhưng lại quan ngại về vấn đề thẩm mỹ khi thấy vùng cổ của mình to ra bất thường.

2. Nguy cơ suy giáp không điều trị dẫn đến bệnh tim mạch

Đây là lý do chính để bác sĩ nỗ lực phát hiện và điều trị suy giáp cho bạn. Hormone giáp đóng vai trò quan trọng đối với quá trình chuyển hóa lipid (mỡ máu) trong cơ thể. Khi suy giáp, không đủ hormon giáp dẫn đến lipid có xu hướng tích tụ lại, trong đó có một loại lipid “xấu” là LDL-C (low-density lipoprotein cholesterol). Loại cholesterol này bám vào thành mạch máu của bạn, tích tụ dần mỗi ngày một ít cho đến khi đủ lớn để tạo nên tình trạng gọi là xơ vữa động mạch.

Mảng xơ vữa cấu tạo chủ yếu bởi lipid này gây hẹp lòng mạch máu, làm máu lưu thông qua khó khăn hơn (Hình 1) [1]. Đến mục lúc nào đó, khối lipid nói trên bị nứt vỡ, tiểu cầu (những tiểu phần nhỏ trong máu đóng vai trò cầm máu) bám vào tạo cục máu đông với kích thước tăng dần, khi đến mức đủ lớn sẽ gây tắc nghẽn hoàn toàn mạch máu. Khi cơ quan mà mạch máu đó dẫn vào không còn nhận được máu nữa, tình trạng thiếu oxy và dưỡng chất để tồn tại xảy ra, hậu quả là tế bào bị hoại tử.

Khi điều này xảy ra tại động mạch vành (mạch máu nuôi tim), bạn sẽ bị nhồi máu cơ tim. Nếu hiện tượng này xảy ra ở mạch máu não, bạn sẽ bị tai biến mạch máu não hay còn gọi là đột quỵ. Dù cơ quan nào chịu ảnh hưởng, nguy cơ tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề về sau cũng rất cao. Trong một nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy dù chỉ suy giáp nhẹ, bạn cũng tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch từ 2-58% và khả năng tử vong do bệnh lý này tăng thêm 18-28% [2], [3]. Trong những trường hợp khẩn cấp này, bác sĩ có thể phải sử dụng thuốc làm tan cục máu đông hay những công cụ chuyên biệt đưa vào mạch máu để hút cục máu đông ra hoặc nong rộng lòng mạch, tạo điều kiện cho máu lưu thông trở lại nhằm cứu sống cơ quan trọng yếu (ví dụ tim, não) và cứu sống tính mạng người bệnh.

Mảng xơ vữa động mạch do lipid làm hẹp lòng mạch máu

Hình 1: Mảng xơ vữa động mạch do lipid làm hẹp lòng mạch máu [1]

>> Xem thêm: Nguyên nhân suy giáp

3. Giảm sút sức khỏe tâm thần kinh

Một trong những triệu chứng điển hình của suy giáp mà bạn thường được nghe đó là hoạt động chậm chạp hơn bình thường. Tuy nhiên, ảnh hưởng của suy giáp không chỉ có vậy. Nhìn chung, khi thiếu hụt hormone giáp, tất cả hoạt động thần kinh của bạn đều bị trì trệ đi. Trầm cảm là một biến chứng có thể xuất hiện sớm trong diễn tiến suy giáp và ngày càng nặng thêm theo thời gian nếu không được xử trí căn nguyên.

Người lớn tuổi thông thường có tình trạng sa sút trí tuệ, giảm trí nhớ dần do sự lão hóa sinh lý của cơ thể. Tuy nhiên, nếu kèm mắc suy giáp, hiện tượng nói trên xảy ra nhanh hơn nhiều. Cụ thể, một nghiên cứu chỉ ra rằng thiếu hormone giáp làm tăng nguy cơ bạn bị sa sút trí tuệ lên đến 81%, ngay cả khi chưa vượt quá 75 tuổi [4].

4. Nguy cơ suy giáp không điều trị gây tăng cân, béo phì

Ngược với cường giáp gây sụt cân, nếu bạn bị suy giáp, cân nặng có xu hướng tăng rõ rệt, đôi khi chạm ngưỡng tiêu chuẩn thừa cân hay thậm chí là béo phì. Trong một nghiên cứu theo dõi kéo dài đến 3.5 năm, người bị suy giáp tăng trung bình 2.3 kg [5]. Nguy cơ béo phì cũng từ đó tăng 20% cho đến hơn gấp đôi (113%) theo một công trình khác ở bệnh nhân suy giáp [6]. Béo phì lại tiếp tục là yếu tố dẫn đến đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh mạch vành hay rối loạn lipid máu, gan nhiễm mỡ. Tất cả hậu quả này đều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe chung của bạn.

5. Ảnh hưởng đến phụ nữ trong độ tuổi sinh sản

Phụ nữ ở lứa tuổi này rất dễ bị ảnh hưởng nếu chức năng tuyến giáp không toàn vẹn. Một tỉ lệ nhất định bệnh nhân vô sinh được cho là có liên quan đến suy giáp, trong đó ảnh hưởng chủ yếu nằm ở quá trình rụng trứng. Nếu sự thụ tinh may mắn thành công và bệnh nhân đã có thai, nguy cơ sảy thai ở những đối tượng này vẫn cao hơn người với chức năng tuyến giáp bình thường.

Do đó, một số bác sĩ sản khoa có thể chỉ định tầm soát chức năng tuyến giáp nếu như bệnh nhân có tiền sử sảy thai ít nhất hai lần trở lên. Trong thời gian mang thai, suy giáp ảnh hưởng lên cả mẹ và em bé nghiêm trọng hơn cường giáp bởi vì hormone giáp rất cần thiết cho sự hoàn thiện của não bộ thai nhi. Ở những tuần đầu thai kỳ, em bé chưa có tuyến giáp, như vậy não bộ phát triển phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn hormone giáp từ mẹ truyền qua nhau thai.

Nếu mẹ bị suy giáp, em bé cũng thiếu hormone giáp theo, dẫn đến não không phát triển được như bình thường, gây chậm phát triển tâm thần sau khi được sinh ra. Bên cạnh đó, hormone giáp còn đóng vai trò quy định sự tăng trưởng cơ xương nên khi mẹ bị suy giáp, em bé còn có thể giảm phát triển thể chất so với bình thường hay thậm chí khiếm khuyết bẩm sinh hẳn một cơ quan, bộ phận nào đó trên cơ thể.

Đây là lý do mà tình trạng suy giáp trong thai kỳ cần được nhận diện và điều trị sớm, đúng mức bên cạnh cường giáp. Nói cách khác, việc quản lý nồng độ hormone giáp trong thai kỳ là điều thực sự quan trọng (Hình 2) [7]. Hiện tại chức năng tuyến giáp là một trong những xét nghiệm sàng lọc thường quy ở phụ nữ mang thai. Với phụ nữ đã được chẩn đoán suy giáp từ trước, khi bắt đầu mang thai cần phải tăng liều levothyroxine (hormone giáp tổng hợp) thêm để đủ nhu cầu cho cả mẹ lẫn con.

Mức tăng cụ thể sẽ được bác sĩ sản khoa hay bác sĩ nội tiết của bạn tính toán cho hợp lý. Nếu vì lý do nào đó mà trẻ chỉ mới bị suy giáp trong những tháng cuối thai kỳ và khi sinh ra mới được phát hiện suy giáp bẩm sinh, việc bổ sung levothyroxine tích cực từ sớm cũng giúp cải thiện phần nào khả năng trí tuệ của trẻ, thậm chí vẫn có thể đạt được gần như người bình thường.

Quản lý chức năng tuyến giáp trong thai kỳ rất quan trọng

Hình 2: Quản lý chức năng tuyến giáp trong thai kỳ rất quan trọng [7]

>> Xem thêm: Suy giáp: Triệu chứng, đối tượng mắc bệnh và chế độ dinh dưỡng

6. Bệnh thần kinh ngoại biên

Thần kinh ngoại biên là nhóm sợi thần kinh dẫn truyền xung tín hiệu từ não và tủy sống về các phần xa cơ thể của bạn như chân hay tay. Suy giáp lâu ngày mà không được điều trị làm tổn thương những dây thần kinh nói trên, gây triệu chứng đau, tê hay dị cảm (cảm giác như có kiến bò, châm chích) dọc theo tay chân, gọi chung là bệnh thần kinh ngoại biên.

7. Hôn mê

Hiện nay ít gặp tình trạng này do khả năng tầm soát, phát hiện và điều trị bệnh khá tốt trong dân số. Levothyroxine, một chế phẩm hormone giáp dùng để bổ sung cho người suy giáp, cũng dễ tiếp cận rộng rãi, giá cả hợp lý. Tuy nhiên, trước đây, hôn mê suy giáp là một biến chứng nặng và được xem là một cấp cứu nội tiết khi cơ thể thiếu hormone giáp quá mức, không còn đủ lượng hormone để duy trì những hoạt động cơ bản của cơ thể. Biểu hiện của hôn mê suy giáp ngoài tri giác giảm dần, lú lẫn, ngủ gà giống như một vài dạng hôn mê khác thì còn có cảm giác sợ lạnh rất rõ. Do tình trạng suy giáp kéo dài khá lâu từ trước, một số bệnh nhân còn có thể được phát hiện triệu chứng phù niêm, điển hình ở mặt trước của cẳng chân [8].

8. Gãy xương

Như đã đề cập ở trên, hormone giáp tham gia vào chuyển hóa chất khoáng xương, phát triển cơ xương. Ở trẻ nhỏ, suy giáp làm cho xương kém phát triển, chậm tăng trưởng thể chất. Ở người lớn, độ dài xương đã được hoàn thiện cố định, do đó suy giáp không ảnh hưởng đến chiều dài xương nhưng lại giảm mật độ xương, hay nói cách khác là giảm mức độ khoáng chất vốn tạo nên khối xương bền vững. Hậu quả là loãng xương và nếu có lực, chấn thương tác động nhẹ hay kèm thêm một số điều kiện, bệnh nhân có thể bị gãy xương [9]. Gãy xương, đặc biệt xương cột sống hay xương hông ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng cuộc sống của bạn. Như vậy, không chỉ cường giáp mà cả suy giáp cũng làm giảm chất lượng xương, dẫn đến các biến cố như loãng xương và gãy xương.

Trên đây là những biến chứng của suy giáp khi không được phát hiện và điều trị bổ sung hormone giáp kịp thời, đúng mức. Mặc dù hiện nay những bệnh lý này không còn quá phổ biến nhưng vẫn cần được dành sự chú ý nhất định và không nên chủ quan trong quá trình điều trị, theo dõi suy giáp.

>> Xem thêm: Ai dễ có nguy cơ mắc suy giáp?

 

Tài liệu tham khảo

  1.  http://sciencemission.com/site/index.php?page=news&type=view&id=obesity-diabetes%2Funregulated-smooth
  2.  Sarabjeet Singh, Jasleen Duggal, et al (2008). Impact of subclinical thyroid disorders on coronary heart disease, cardiovascular and all-cause mortality: a meta-analysis. Int J Cardiol, 125(1):41-48.
  3.  Nicolas Ochs, Reto Auer, et al (2008). Meta-analysis: subclinical thyroid dysfunction and the risk for coronary heart disease and mortality. Ann Intern Med, 148(11):832-845.
  4.  Giuseppe Pasqualetti, Gennaro Pagano, et al (2015). Subclinical Hypothyroidism and Cognitive Impairment: Systematic Review and Meta-Analysis. J Clin Endocrinol Metab, 100(11):4240-4248.
  5.  Caroline S Fox, Michael J Pencina, et al (2008). Relations of thyroid function to body weight: cross-sectional and longitudinal observations in a community-based sample. Arch Intern Med, 168(6):587-592.
  6.  Nils Knudsen, Peter Laurberg, et al (2005). Small differences in thyroid function may be important for body mass index and the occurrence of obesity in the population. J Clin Endocrinol Metab, 90(7):4019-4024.
  7.  https://ranafertility.com/all-you-need-to-know-about-hypothyroidism-and-pregnancy/
  8.  https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hypothyroidism/symptoms-causes/syc-20350284
  9.  Kazumichi Onigata (2014). Thyroid hormone and skeletal metabolism. Clin Calcium, 24(6):821-827.

VN-NONT-00073 ;exp:18/12/2025

 
Copyrights © 2024 Không Một Mình - Sẻ chia lo âu, vững tâm vui sống. All rights reserved.