8 đối tượng có nguy cơ mắc bệnh suy giáp cao

Banner Banner
Banner

Ai thuộc đối tượng mắc suy giáp? Nhận biết mắc suy giáp kịp thời

Mặc dù bất kỳ ai cũng có thể mắc suy giáp, một số đối tượng mắc suy giáp sau có tỷ lệ cao hơn thông thường.

1. Nữ giới là đối tượng mắc suy giáp hàng đầu

Rối loạn chức năng tuyến giáp nói chung và suy giáp do viêm giáp nói riêng thường gặp ở nữ nhiều hơn nam (Hình 1). Sự khác biệt giới tính này một phần được cho là do bản chất tự miễn của các bệnh này. Các gen trên nhiễm sắc thể giới tính và hormon sinh dục đóng vai trò quan trọng trong điều hòa miễn dịch. Khảo sát Whichkham là một trong những nghiên cứu quy mô lớn sớm nhất về bệnh lý tuyến giáp. Theo nghiên cứu này, tỉ lệ suy giáp ở nữ là khoảng 7.7%, trong khi ở nam là 1.3% [2].

Nữ có nguy cơ mắc các bệnh tuyến giáp tự miễn nhiều hơn nam
Hình 1: Nữ có nguy cơ mắc các bệnh tuyến giáp tự miễn nhiều hơn nam

2. Người cao tuổi có nguy cơ mắc suy giáp

Hormon TSH của tuyến yên tăng là một chỉ dấu sớm của tình trạng suy giáp. TSH trước khi hormon giáp T3 và T4 giảm. Lúc này, người bệnh được gọi là suy giáp dưới lâm sàng. TSH tăng dần theo tuổi và TSH hơi cao có thể được xem là bình thường ở người lớn tuổi. Mặc dù vậy, các nghiên cứu vẫn thực sự ghi nhận tình trạng tăng tỉ lệ suy giáp ở nhóm tuổi này. Theo đó, báo cáo cho thấy đối tượng mắc suy giáp là người lớn tuổi chiếm tỉ lệ khoảng 0.2-5.7% và suy giáp dưới lâm sàng là 1.5-12.5% [3].

3. Người có Ttiền sử gia đình mắc bệnh lý tuyến giáp

Bệnh lý tuyến giáp ở đây thường được đề cập đến là các dạng rối loạn chức năng tuyến giáp. Chúng có thể là cường giáp hay suy giáp. Dù dưới dạng nào đi nữa, khoảng hơn 50% bệnh nhân suy giáp từng có người thân trong gia đình bị rối loạn chức năng tuyến giáp. Nếu tính gộp cả tiền sử bướu giáp vào, con số này ở lên đến 61% [4]. Yếu tố gia đình này ở bệnh nhân suy giáp thường gặp hơn bệnh nhân cường giáp.

Trong gia đình, mẹ là người có mối liên quan bệnh tuyến giáp với bệnh nhân. Không những tỉ lệ mắc cao hơn, người có tiền sử gia đình như trên còn khởi phát suy giáp sớm hơn khoảng 10 năm so với người không có tiền sử này. Càng nhiều người thân, họ hàng mắc bệnh tuyến giáp thì khả năng bạn bị suy giáp càng sớm. Cơ chế chưa hoàn toàn rõ ràng, nhưng gợi ý rằng yếu tố di truyền có thể đóng góp phần nào vào hiện tượng trên. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tầm soát nhằm phát hiện suy giáp sớm ở người có tiền sử gia đình rõ.

>> Xem thêm: Suy giáp: Triệu chứng, đối tượng mắc bệnh và chế độ dinh dưỡng

4. Đồng mắc bệnh tự miễn khác là đối tượng mắc suy giáp

Viêm giáp Hashimoto (nguyên nhân chính gây suy giáp) là một bệnh tự miễn. Bệnh này là một chỉ dấu cho sự rối loạn hoạt động miễn dịch của cơ thể. Vì vậy, không chỉ tuyến giáp mà nhiều cơ quan khác trong cơ thể cũng có thể gặp vấn đề tự miễn. Nói cách khác, khi bạn đã bị một trong các bệnh tự miễn thì nguy cơ bị bệnh tự miễn ở những cơ quan còn lại cũng cao hơn bình thường.

Đái tháo đường tuýp 1 là một tình trạng phổ biến có liên quan đến suy giáp. Nghiên cứu cho thấy khoảng 12-24% bệnh nhân nữ và 6% bệnh nhân nam mắc đái tháo đường tuýp 1 có thể kèm suy giáp [5, 6]. Ngoài ra, suy giáp còn có thể gặp kèm một số bệnh tự miễn khác như bạch biến, bệnh celiac, bệnh Addison, vảy nến, viêm khớp dạng thấp hay lupus (Hình 2) [7].

Các bệnh tự miễn có thể đi kèm với nhau

Hình 2: Các bệnh tự miễn có thể đi kèm với nhau [7]

5. Sau điều trị iod phóng xạ hoặc phẫu thuật cắt tuyến giáp

Đây là yếu tố gây suy giáp rõ ràng bởi vì đó là mục tiêu điều trị mà bác sĩ mong muốn. Trong ung thư giáp hoặc cường giáp, việc chỉ định iod phóng xạ hay phẫu thuật đều nhằm mục đích loại bỏ mô tuyến giáp tối đa. Khi đó, chức năng tuyến giáp trở thành trạng thái suy có chủ đích.

Ngược lại, nếu suy giáp do quá liều thuốc kháng giáp tổng hợp, hầu hết trường hợp hồi phục sau khi ngừng hoặc giảm liều thuốc. Bên cạnh đó, nếu bạn từng có tiền sử xạ trị hay phẫu thuật vùng đầu-cổ thì tuyến giáp cũng có nguy cơ bị tổn thương, tăng khả năng suy giáp. 

6. Mới vừa mang thai và sinh con

Thời gian mới sinh em bé (đặc biệt trong khoảng 6 tháng đầu) có liên quan đến một loại viêm giáp đặc biệt gọi là viêm giáp sau sinh. Ban đầu, khi đang xảy ra phản ứng viêm, lượng hormon sẵn có trong tuyến giáp được phóng thích ồ ạt, gây triệu chứng cường giáp. Sau giai đoạn này, có hai khả năng xảy ra. Nếu phản ứng viêm dừng lại và tuyến giáp hồi phục, bạn sẽ trở lại trạng thái như bình thường trước khi sinh. Ngược lại, nếu tuyến giáp tiếp tục bị phá hủy, bạn sẽ mắc suy giáp. Các triệu chứng của suy giáp do viêm giáp sau sinh cũng tương tự suy giáp do nguyên nhân khác (Hình 3) [8].

Triệu chứng của viêm giáp sau sinh

Hình 3: Triệu chứng của viêm giáp sau sinh [8]

>> Xem thêm: Chế độ dinh dưỡng cho người mắc bệnh tuyến giáp và các lưu ý

7. Sống ở vùng dịch tễ thiếu iod

Mặc dù ngày nay thiếu iod là hiện tượng ít gặp ở Việt Nam, một số vùng trên thế giới vẫn có thể còn người dân bị thiếu iod [9]. Iod là nguyên liệu tổng hợp hormon giáp, do vậy thiếu iod có thể gây suy giáp.

8. Sử dụng một số thuốc nội khoa có thể có tác dụng ngoại ý trên tuyến giáp

Một số thuốc nội khoa có thể gây phá hủy tuyến giáp, cơ chế giống viêm giáp nêu trên. Thời gian đầu, bệnh nhân sẽ biểu hiện cường giáp do hormon được phóng thích ồ ạt. Sau một thời gian, khi mô tuyến giáp cạn kiệt, không còn đủ khả năng tổng hợp hormon giáp, người bệnh trở thành suy giáp. Ngoài ra một số thuốc có thể gây ức chế hoạt động sản xuất hormon bình thường của tuyến giáp.

Tóm lại, mặc dù suy giáp có thể gặp ở bất kỳ ai, một số đối tượng sau đây được chứng minh là dễ bị suy giáp hơn, bao gồm: nữ giới, vừa sinh con gần đây, người lớn tuổi, đồng mắc các bệnh tự miễn khác, tiền căn xạ trị hoặc phẫu thuật đầu-cổ, tuyến giáp, người với tiền sử gia đình mắc bệnh tuyến giáp, sống ở vùng thiếu iod hoặc sử dụng một số thuốc có tác dụng ngoại ý trên tuyến giáp.

 

Tài liệu tham khảo

  1.  Chiovato L, Lapi P, Fiore E, Tonacchera M, Pinchera A. Thyroid autoimmunity and female gender. J Endocrinol Invest. 1993;16(5):384-391
  2.  Vanderpump MP, Tunbridge WM, French JM, et al. The incidence of thyroid disorders in the community: a twenty-year follow-up of the Whickham Survey. Clin Endocrinol (Oxf). 1995;43(1):55-68
  3.  Leng O, Razvi S. Hypothyroidism in the older population. Thyroid Res. 2019;12:2
  4.  Manji N, Carr-Smith JD, Boelaert K, et al. Influences of age, gender, smoking, and family history on autoimmune thyroid disease phenotype. J Clin Endocrinol Metab. 2006;91(12):4873-4880
  5.  Perros P, McCrimmon RJ, Shaw G, Frier BM: Frequency of thyroid dysfunction in diabetic patients: value of annual screening. Diabet Med. 1995;12:622–627
  6.  Duckworth WC, Badlissi J, Kitabchi AE: Thyroid function in diabetes. In The Thyroid Gland. Vanmiddleworth L, Ed. Chicago, Year Book Medical, 1986, p. 247–261 
  7. https://ecosh.com/hashimotos-disease-symptoms-causes-risk-groups-conventional-treatment-hashimotos-diet-and-supplements-for-hashimotos-disease/
  8. https://www.verywellhealth.com/thyroid-problems-after-pregnancy-3231767
  9.  Andersson M, Karumbunathan V, Zimmermann MB. Global iodine status in 2011 and trends over the past decade. J Nutr. 2012 Apr;142(4):744-50.

 

VN_GM_THY_147;EXP: 11/5/2024 

Copyrights © 2024 Không Một Mình - Sẻ chia lo âu, vững tâm vui sống. All rights reserved.