5 cách phòng ngừa ung thư tuyến giáp đơn giản mà bạn cần lưu ý
Số ca phát hiện ung thư tuyến giáp tăng nhanh những năm gần đây. Điều này không có nghĩa là tình hình mắc ung thư tuyến giáp trên thế giới trở nên xấu đi. Hiện tượng này chủ yếu do sự tiến bộ của công nghệ. Chúng giúp bác sĩ phát hiện sớm được nhiều trường hợp hơn. Các phương tiện chẩn đoán hình ảnh thường được dùng trong chẩn đoán là siêu âm, CT, MRI tuyến giáp. Khi nghi ngờ, bác sĩ sẽ để nghị bạn chọc hút tế bào nhân giáp để làm xét nghiệm.
Tuy vậy, con số trên vẫn cho thấy sự phổ biến từ trước của ung thư tuyến giáp. Con số này có thể nhiều hơn so với hình dung của chúng ta. Theo số liệu tại Việt Năm năm 2020, ung thư tuyến giáp nằm trong top 10 loại ung thư phổ biến nhất [1]. May mắn là, ung thư tuyến giáp có tiên lượng khá tốt, tỉ lệ tử vong thấp.
Đa phần ung thư tuyến giáp không có nguyên nhân rõ ràng mà chỉ có yếu tố nguy cơ (Hình 1) [2]. Do đó, chúng ta chỉ có thể hạn chế nguy cơ ung thư chứ không ngăn ngừa được hoàn toàn. Tuy nhiên, thực hành phòng ngừa ung thư tuyến giáp ngay từ khi khỏe mạnh là cần thiết để giảm nguy cơ ung thư. Dưới đây là một số lời khuyên từ nhân viên y tế nhằm giảm thiểu nguy cơ ung thư giáp.
>> Xem thêm: Ung thư tuyến giáp, nguyên nhân, dấu hiệu, triệu chứng
1. Hạn chế tiếp xúc bức xạ để phòng ngừa ung thư tuyến giáp
Bức xạ là một trong những yếu tố nguy cơ rõ nhất của ung thư giáp. Những lý do phổ biến dẫn đến tiếp xúc bức xạ là từng được xạ trị để điều trị các loại ung thư khác vùng đầu mặt, nhân viên y tế, thảm họa môi trường.
Một số loại ung thư vùng đầu-mặt-cổ như ung thư hạch, hay ung thư vú có thể được điều trị bằng xạ trị. Thậm chí, trước những năm 1960, khi khoa học chưa có nhiều bằng chứng về an toàn bức xạ, một số loại bệnh lý không ung thư cũng được điều trị bằng tia xạ (ví dụ bệnh da, da đầu, amidan, bệnh lý hạch).
Tuy nhiên, do tuyến giáp ở gần nên đôi khi bị phơi nhiễm tia xạ chung. Tia xạ có khả năng gây đột biến, hư hại tế bào, trong đó có tế bào tuyến giáp. Nếu những tế bào đột biến này không bị hệ miễn dịch tiêu diệt, chúng có thể trở thành tế bào ác tính. Do vậy, tiền sử xạ trị vùng đầu-mặt-cổ là một yếu tố nguy cơ của ung thư giáp.
Một số trường hợp khác được ghi nhận ở nhân viên y tế. Họ bao gồm kỹ thuật viên Xquang, kỹ thuật viên làm việc với đèn huỳnh quang, bác sĩ hình ảnh học can thiệp. Hiện nay bệnh nhân điều trị ung thư và nhân viên y tế đã được giảm nguy cơ này. Một số biện pháp phòng ngừa đã được áp dụng là sử dụng các kỹ thuật xạ trúng đích hơn.
Biện pháp được dùng thay cho khuếch tán rộng xung quanh và đeo tấm chắn bằng chì cho tuyến giáp. Ngoài ra, họ có thể phải đeo liều kế cá nhân để phát hiện và cảnh báo nếu lượng bức xạ xung quanh cơ thể vượt quá giới hạn cho phép.
2. Tìm hiểu về tiền sử gia đình
Giống như tất cả các loại ung thư khác, yếu tố di truyền có thể đóng một phần vai trò. Một số đột biến gen xảy ra ngẫu nhiên ở từng người. Một số khác được di truyền từ gia đình (ông bà, bố mẹ truyền sang con cháu). Đa phần tình huống thế hệ trước không có biểu hiện hội chứng bệnh hay loại ung thư đặc biệt.
>> Xem thêm: Chế độ dinh dưỡng cho người mắc bệnh tuyến giáp và các lưu ý
3. Tự kiểm tra sức khỏe
Tự để ý các dấu hiệu thay đổi của cơ thể là cách sớm nhất để nhận diện bệnh. Với bệnh nhân đã có tiền sử gia đình kể trên hay có tiền sử tiếp xúc bức xạ, nên học về các dấu hiệu của ung thư giáp để tránh trường hợp đến khi bị ung thư tuyến giáp di căn hay di căn hạch mới phát hiện.
Giống như ung thư vú và ung thư tinh hoàn, tự kiểm tra có thể giúp phát hiện ung thư giáp. Ung thư giáp thường khởi đầu không triệu chứng.Tuy nhiên, một số bệnh nhân có thể phát hiện nhân giáp ở vùng cổ từ khi nhân còn nhỏ. Một số khác phát hiện hạch cổ là dấu hiệu đầu tiên.
Cách tự khám tuyến giáp là đứng trước gương, cằm ngước lên để bộc lộ rõ vùng cổ. Nuốt một ngụm nước để nhận ra sự di động của tuyến giáp. Di chuyển ngón tay vùng giữa cổ (vị trí tuyến giáp) lên xuống và dọc cả 2 bên cùng lúc để đối chiếu, so sánh nếu thấy nhân giáp bất thường (Hình 2) [4].
4. Thăm khám sức khỏe định kỳ
Gặp bác sĩ định kỳ là một cách tốt để phát hiện sớm vấn đề sức khỏe nói chung và ung thư giáp nói riêng. Bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử cá nhân và tiền sử gia đình, khám lâm sàng toàn diện. Nếu nghi ngờ, siêu âm tuyến giáp là phương tiện chẩn đoán đầu tiên. Một số bệnh nhân cần xét nghiệm hormon giáp nếu nghi ngờ kèm rối loạn chức năng tuyến giáp. Những người có tiền sử gia đình mắc hội chứng di truyền thường được tham vấn di truyền và có thể xét nghiệm máu tìm đột biến gene tương ứng.
5. Duy trì lối sống khỏe mạnh
Béo phì là một yếu tố nguy cơ của ung thư tuyến giáp [2]. Do vậy, giảm cân và duy trì cân nặng ở mức khỏe mạnh giúp bạn hạn chế nguy cơ ung thư. Hút thuốc ngoài liên quan ung thư phổi, bàng quang còn liên hệ với ung thư giáp. Do đó, nên tránh hút thuốc, đặc biệt ở người đã có tiền sử gia đình mắc ung thư giáp.
Một chế độ hoạt động thể lực và dinh dưỡng cân bằng là chìa khóa giúp cơ thể khỏe mạnh. Iod đóng vai trò quan trọng trong sức khỏe tuyến giáp nói riêng. Thiếu iod có liên quan đến ung thư giáp dạng nang hoặc thoái sản, trong khi thừa iod liên quan đến ung thư giáp dạng nhú [5]. Với chương trình bổ sung iod vào muối ăn tại Việt Nam trong những thập niên gần đây, đa phần người dân đảm bảo đủ lượng iod hàng ngày. Không cần thiết bổ sung thêm nguồn iod khác từ thuốc hay thực phẩm chức năng vì chúng có thể gây dư thừa iod. Vì vậy, hãy tìm hiểu cách phòng ngừa ung thư tuyến giáp cũng như tìm hiểu ung thư tuyến giáp ăn gì tốt nhất và kiêng những gì để luôn có một cuộc sống khỏe mạnh .
Tóm lại, ung thư tuyến giáp có thể được phòng ngừa một phần dựa vào việc hạn chế các yếu tố nguy cơ đã biết.
>> Xem thêm: 8 lưu ý về chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư giáp
Tài liệu tham khảo
1. https://gco.iarc.fr/today/data/factsheets/populations/704-viet-nam-fact-sheets.pdf
2. American Association of Endocrine Surgeons.
3. https://www.thyroidcancer.com/blog/thyroid-cancer-prevention-top-5-things-you-can-do
4. https://www.verywellhealth.com/thyroid-disease-detection-neck-3233223
5. Gharib H. DOES IODINE CAUSE THYROID CANCER? Acta Endocrinol (Buchar). 2018 Oct-Dec;14(4):525-526
VN_GM_THY_176; exp: 30/9/2024
- Cường giáp khi mang thai: Căn bệnh nguy hiểm chớ xem thường
- 3 NGUYÊN NHÂN GÂY CƯỜNG GIÁP PHỔ BIẾN MÀ BẠN CẦN LƯU Ý
- 13 triệu chứng cường giáp cần lưu ý để có phương án điều trị kịp thời
- Phương pháp chẩn đoán cường giáp được sử dụng phổ biến
- Những bệnh lý nguy cơ dễ mắc phải khi không điều trị cường giáp
- Nguy cơ suy giáp không điều trị: Có những biến chứng nguy hiểm nào?
- Suy giáp: Triệu chứng, đối tượng mắc bệnh và chế độ dinh dưỡng
- Vai trò của iod đối với bệnh tuyến giáp
- Các loại bệnh tuyến giáp ở trẻ em: Nguyên nhân và dấu hiệu mắc bệnh
- Rối loạn chức năng tuyến giáp ở phụ nữ
- Tìm hiểu Ung thư tuyến giáp, nguyên nhân, dấu hiệu, triệu chứng
- Chi tiết về bệnh cường giáp: Nguyên nhân, triệu chứng, biến chứng và điều trị