3 nguyên nhân gây cường giáp phổ biến mà bạn cần lưu ý

Banner Banner
Banner

3 NGUYÊN NHÂN GÂY CƯỜNG GIÁP PHỔ BIẾN MÀ BẠN CẦN LƯU Ý

Thông tin được bảo trợ bởi Hội Tim Mạch Việt Nam

Cường giáp là từ bạn hay được nghe phổ biến ở nhiều tài liệu, hình ảnh tuyên truyền sức khỏe trên báo chí, tivi hay ở các mục giáo dục sức khỏe dành cho người dân nhưng thực ra, thuật ngữ dùng đúng ở đây nên là nhiễm độc giáp, nghĩa là tình trạng hormone giáp trong máu cao do nhiều nguyên nhân khác nhau mà cường giáp chỉ là một nhóm trong số đó.

Cường giáp chỉ đích danh sự tăng cao hormone nói trên là do tuyến giáp hoạt động sản xuất quá mức. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này, nhằm mục đích đơn giản, dễ hiểu thì cường giáp vẫn được dùng với nghĩa chung.

1. Tổng quan về tuyến giáp

Tuyến giáp là một cơ quan nhỏ thuộc hệ nội tiết, có hình giống cánh bướm, nằm ngay phía trước cổ của bạn. Thông thường bạn không sờ thấy hay cảm nhận thấy tuyến này, trừ khi có vấn đề bất thường làm nó to ra hay cứng hơn. Tuyến giáp đóng vai trò quan trọng khi chủ yếu chế tiết và dự trữ hormone giáp, quy định mọi quá trình chuyển hóa trong cơ thể bạn, liên quan đến chức năng tim mạch, cơ xương khớp, tiêu hóa và phát triển não bộ.

Tuyến giáp đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa của cơ thể

Tuyến giáp đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa của cơ thể

Cụ thể, hormone giáp kiểm soát tốc độ mà cơ thể bạn sử dụng carbohydrate, chất béo, quy định quá trình tổng hợp protein, điều hòa thân nhiệt và ảnh hưởng tần số tim. Ngoài ra, tuyến giáp còn sản xuất một loại hormone khác với lượng ít hơn tên là calcitonin, đóng vai trò điều hòa lượng calci của cơ thể. Như vậy, có thể hình dung tuyến giáp vừa đóng vai trò nhà máy sản xuất, vừa được xem như nhà kho dự trữ hormone.

>> Xem thêm: Nguyên nhân gây cường giáp

2. Nguyên nhân gây nên bệnh cường giáp

Thông thường, tuyến giáp của bạn được chi phối, ràng buộc bởi nhiều yếu tố sao cho sản xuất lượng hormone trong ngưỡng vừa đủ, không thừa, không thiếu. Tuy nhiên, có một số nguyên nhân bệnh lý làm cho nồng độ hormone giáp trong máu cao hơn bình thường, gây nên hội chứng cường giáp, ví dụ như:

Bệnh Graves

Bạn thường nghe đến tên gọi phổ biến hơn của bệnh này là Basedow (xuất phát từ tiếng Pháp). Đây là một bệnh lý tự miễn, nghĩa là cơ thể bạn tự sản sinh các kháng thể chống lại tuyến giáp, làm cho tuyến giáp bị kích thích, sản xuất hormone giáp quá mức kiểm soát.

Cơ chế chi tiết làm cho cơ thể bị rối loạn như trên hiện còn chưa rõ ràng. Bệnh lý này hay gặp ở người trẻ, trung niên, nữ nhiều hơn nam. Một trong những biểu hiện không hiếm gặp và đặc trưng của bệnh Graves mà bạn có thể gặp phải là lồi mắt (Hình 1).

Triệu chứng lồi mắt trong bệnh Graves (Basedow) - Nguyên nhân dẫn đến bệnh cường giáp

Triệu chứng lồi mắt trong bệnh Graves (Basedow) - Nguyên nhân dẫn đến bệnh cường giáp

Nhân giáp

Khác với bệnh Graves làm tuyến giáp to lan tỏa nguyên một bên hoặc hai bên tuyến giáp, nhân giáp nghĩa là tuyến giáp của bạn chỉ phình lên thành một hay nhiều nốt rõ với kích thước trung bình khoảng 1-2cm, đôi khi lớn hơn (Hình 2) [2]. Nhân giáp hay gặp ở người lớn tuổi hoặc sống ở vùng mà chế độ ăn thiếu iod.

Ban đầu, nhân giáp thường chỉ tồn tại như một vùng phì đại mà chưa ảnh hưởng gì đến cơ thể nhưng sau thời gian dài, các nhân này có thể tự tiết ra hormone giáp để gây triệu chứng cường giáp giống như trong bệnh Graves. Nếu chỉ có một nhân tiết hormone, bạn sẽ được chẩn đoán nhân độc giáp. Nếu có nhiều nhân rải rác với kích thước đủ lớn, phù hợp trong bệnh cảnh cường giáp, bạn sẽ được chẩn đoán bướu giáp đa nhân độc.

Nhân giáp đủ to đôi khi gây cảm giác nghẹn, khó nuốt, thay đổi giọng nói, khàn tiếng hoặc phình lên gây nhầm lẫn với hình ảnh bướu giáp lan tỏa trong bệnh Graves kể trên. Ngoài khả năng tiết hormone, một khía cạnh khác của nhân giáp mà bác sĩ sẽ tiến hành đánh giá là mức độ lành, ác (khả năng ung thư) của từng nhân cụ thể thông qua một số phương tiện như siêu âm hay chọc hút tế bào làm xét nghiệm, từ đó quyết định hướng xử trí phù hợp. Thông thường những nhân giáp tăng hoạt động dẫn đến hội chứng cường giáp thì ít khi ác tính.

 

Nhân giáp

Nhân giáp

>> Xem thêm: Chế độ dinh dưỡng cho người mắc bệnh tuyến giáp và các lưu ý

Viêm giáp

Tương tự nhiều cơ quan khác trong cơ thể, tuyến giáp cũng có thể bị viêm. Hiện tượng viêm ở đây xảy ra hoặc do nhiễm trùng (vi khuẩn, virus, nấm, lao, ký sinh trùng) hay không liên quan nhiễm trùng (do tự miễn, dùng iod phóng xạ, thuốc, sau chấn thương). Khi tuyến giáp bị viêm dù bởi bất kỳ nguyên nhân gì, các tế bào đều tổn thương, phóng thích hormone giáp từ kho dự trữ vào máu và gây nên hội chứng cường giáp.

Một số dạng viêm gây đau, khó chịu rõ ở vùng cổ, ngay vị trí tuyến giáp nhưng những thể còn lại thì không kèm triệu chứng tại tuyến giáp hay cổ. Trong khi cách điều trị của bệnh Graves, nhân độc giáp, bướu giáp đa nhân độc là dùng thuốc, phẫu thuật hay iod phóng xạ để triệt tiêu những phần tuyến giáp sản xuất hormone quá mức nhằm mục đích bình ổn lại nồng độ hormone giáp trong máu thì viêm giáp lại có cách quản lý và theo dõi hoàn toàn khác.

Viêm giáp là nguyên nhân gây nên hội chứng cường giáp

Viêm giáp là nguyên nhân gây nên hội chứng cường giáp

Thông thường bác sĩ sẽ theo dõi chức năng tuyến giáp của bạn một cách định kỳ. Nếu tuyến giáp hồi phục về bình thường thì không cần can thiệp gì thêm. Nếu tuyến giáp tiếp tục bị phá hủy dẫn đến suy giáp thì bạn được kê toa hormone giáp để uống bổ sung kéo dài.

Riêng trong giai đoạn viêm giáp gây biểu hiện sưng, đau, khó chịu, thuốc kháng viêm và giảm đau (như corticoid, kháng viêm không steroid, aspirin, paracetamol) giúp làm dịu những biểu hiện này tương đối tốt. Một vài trường hợp cần đến thuốc ức chế beta để giảm triệu chứng cường giáp như hồi hộp, đánh trống ngực hay run tay...

Trên đây là những nguyên nhân thường gặp của nhiễm độc giáp (hay cường giáp). Những bệnh cảnh này đôi khi chồng lắp, cần phải được thăm khám kỹ lưỡng bởi bác sĩ hoặc đôi khi cần đến xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh hỗ trợ nhằm đưa ra được chẩn đoán xác định cuối cùng.

>> Xem thêm: Rối loạn chức năng tuyến giáp: thủ phạm gây hiếm muộn
 

Tài liệu tham khảo:

  1. Hyperthyroidism (overactive thyroid):  : https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hyperthyroidism/symptoms-causes/syc-20373659
  2. Thyroid Nodules: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/13121-thyroid-nodule

VN-NONT-00069;exp:18/12/2025

Copyrights © 2024 Không Một Mình - Sẻ chia lo âu, vững tâm vui sống. All rights reserved.