Suy giáp ảnh hưởng đến sinh sản ra sao? Chi tiết về suy giáp thai kỳ

Banner Banner
Banner

Suy giáp ảnh hưởng đến sinh sản ra sao? Chi tiết về suy giáp thai kỳ

Suy giáp, một tình trạng tuyến giáp hoạt động kém, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sinh sản của phụ nữ. Không chỉ gây khó khăn trong việc thụ thai, suy giáp còn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với cả mẹ và thai nhi trong suốt thai kỳ. Bài viết này sẽ đi sâu vào phân tích bệnh suy giáp ảnh hưởng đến sinh sản như thế nào? Một vấn đề đáng được quan tâm và chú trọng trong quá trình mang thai. 

1. Suy giáp ảnh hưởng đến sinh sản ra sao?

Suy giáp là tình trạng tuyến giáp không sản xuất đủ hormone tuyến giáp (T3 và T4). Hormone tuyến giáp đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh nhiều chức năng trong cơ thể, bao gồm cả sinh sản. Khi tuyến giáp hoạt động không bình thường, nó có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng đối với cả thai phụ và thai nhi. [1] [3]

Ảnh hưởng đến thai phụ

Suy giáp ở phụ nữ mang thai có thể ảnh hưởng đến cả mẹ và bé:

  • Sảy thai: Suy giáp có thể làm tăng nguy cơ sẩy thai, đặc biệt là trong giai đoạn đầu của thai kỳ. Việc thiếu hormone tuyến giáp có thể dẫn đến sự phát triển không bình thường của thai nhi, gây ra nguy cơ sảy thai cao hơn.
  • Sinh Non: Suy giáp cũng có thể làm tăng nguy cơ sinh non tức là sinh trước tuần thứ 37 của thai kỳ. Trẻ sinh non thường phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và cần chăm sóc đặc biệt ngay sau khi sinh.
  • Tiền sản giật: Đây là một tình trạng nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến cả mẹ và bé bởi sự ảnh hưởng của bệnh suy giáp. Tiền sản giật có thể dẫn đến huyết áp cao, tổn thương các cơ quan và trong trường hợp nghiêm trọng, có thể đe dọa tính mạng.
  • Suy giảm khả năng sinh sản: Suy giáp có thể làm giảm khả năng sinh sản của phụ nữ bằng cách gây ra chu kỳ kinh nguyệt không đều hoặc ngăn chặn quá trình rụng trứng. Điều này làm giảm cơ hội thụ thai và có thể dẫn đến vô sinh.

Bệnh suy giáp có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thai phụ

Bệnh suy giáp có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thai phụ 

Ảnh hưởng đến thai nhi

Suy giáp ở thai nhi có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng:

  • Não chậm phát triển: Suy giáp có thể làm suy giảm phát triển não ở thai nhi, gây ảnh hưởng đến trí tuệ và khả năng phát triển của bé sau này. Trẻ em bị suy giáp bẩm sinh có thể gặp khó khăn trong học tập và phát triển kỹ năng.
  • Bệnh tim bẩm sinh: Nguy cơ mắc bệnh tim bẩm sinh ở thai nhi có mẹ mắc bệnh suy giáp rất cao. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề về tim mạch nghiêm trọng cần can thiệp y tế ngay từ khi mới sinh.
  • Vấn đề về thính giác và thị giác: Suy giáp có thể gây ra các vấn đề về thính giác và thị giác ở thai nhi. Trẻ có thể gặp khó khăn trong việc nghe và nhìn, ảnh hưởng đến khả năng học tập và phát triển toàn diện.
  • Suy giảm sức khỏe chung: Suy giáp ảnh hưởng đến sức khỏe chung của thai nhi, làm bé yếu ớt và dễ mắc bệnh. Trẻ có thể gặp các vấn đề về hô hấp, tiêu hóa và miễn dịch, cần sự chăm sóc đặc biệt sau khi sinh.
  • Bệnh Cretinism: Đây là một dạng suy giáp bẩm sinh nặng có thể dẫn đến chậm phát triển trí tuệ, chậm phát triển thể chất và các vấn đề về sức khỏe khác. Trẻ em mắc bệnh này cần được chẩn đoán và điều trị sớm để giảm thiểu tác động tiêu cực đến sự phát triển của trẻ. 

 Bệnh suy giáp có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe cho trẻ khi được sinh ra

Bệnh suy giáp có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe cho trẻ khi được sinh ra

2. Phụ nữ mắc suy giáp có mang thai được không?

Mặc dù suy giáp ảnh hưởng sinh sản của phụ nữ nhưng điều quan trọng là khi các rối loạn tuyến giáp được kiểm soát bởi phác đồ điều trị hiệu quả, nữ giới vẫn có khả năng mang thai và sinh con bình thường. Nhiều phụ nữ mắc suy giáp có thể mang thai và sinh con an toàn khi được bác sĩ nội tiết theo dõi và điều trị đúng cách. Hầu hết các loại thuốc điều trị bệnh lý tuyến giáp đều an toàn với thai nhi, vì vậy thai phụ có thể yên tâm điều trị. [3]
 

Trước khi mang thai, phụ nữ mắc bệnh tuyến giáp nên tái khám để nhận tư vấn từ bác sĩ, giúp tầm soát tốt các vấn đề và đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé trong suốt thai kỳ. Điều trị kịp thời và tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ là chìa khóa để mang thai khỏe mạnh và sinh con an toàn.

Phụ nữ bệnh suy giáp vẫn có thể mang thai được

Phụ nữ bệnh suy giáp vẫn có thể mang thai được 

3. Nguyên nhân gây suy giáp ở sản phụ

Suy giáp khi mang thai có thể do nhiều nguyên nhân, bao gồm: [2][3]

  • Bệnh Hashimoto: Bệnh Hashimoto là nguyên nhân phổ biến nhất gây suy giáp. [3] Đây là một bệnh tự miễn, trong đó hệ miễn dịch tấn công và phá hủy mô tuyến giáp, làm giảm khả năng sản xuất hormone tuyến giáp. Một số triệu chứng thường gặp như mệt mỏi, tăng cân và lạnh chân tay.
  • Thiếu iốt: Iốt là một dạng vi lượng cần thiết cho việc sản xuất hormone tuyến giáp. Thiếu iốt trong chế độ ăn uống có thể dẫn đến suy giáp.
  • Tiền sử bệnh lý tuyến giáp: Phụ nữ có tiền sử bệnh lý tuyến giáp như viêm tuyến giáp, bướu cổ, hoặc đã từng điều trị suy giáp có nguy cơ tái phát trong thai kỳ. Ngoài ra, những người từng phẫu thuật tuyến giáp hoặc điều trị bằng iốt phóng xạ cũng có thể phát triển suy giáp.
  • Di truyền: Tiền sử gia đình mắc các bệnh lý tuyến giáp có thể làm tăng nguy cơ mắc suy giáp.
  • Thay đổi hormone tuyến giáp trong thai kỳ: Cơ thể mẹ cần sản xuất nhiều hormone tuyến giáp hơn để đáp ứng nhu cầu của thai nhi và đôi khi tuyến giáp không thể đáp ứng được nhu cầu này dẫn đến bệnh suy giáp. Bên cạnh đó, trong quá trình mang thai có nhiều sự biến đổi hormone làm ảnh hưởng đến chứng năng của tuyến giáp. 
  • Ảnh hưởng từ các bệnh lý khác: Các bệnh lý tự miễn khác như lupus, viêm khớp dạng thấp, một số bệnh mãn tính cũng có thể dẫn đến bệnh suy giáp.
  • Tác dụng phụ của thuốc:  Một số loại thuốc, như lithium và amiodarone, có thể ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp và gây suy giáp. 
  • Sản phụ từng bị viêm tuyến giáp: Một số sản phụ đã bị viêm tuyến giáp sau sinh trước đó có thể dẫn đến suy giáp tạm thời hoặc vĩnh viễn.

Thay đổi hormone tuyến trong thai kỳ cũng có thể dẫn đến bệnh suy giáp

Thay đổi hormone tuyến trong thai kỳ cũng có thể dẫn đến bệnh suy giáp

4. Phòng ngừa suy giáp thai kỳ

Dưới đây là một số cách phòng ngừa suy giáp khi mang thai: [4]

4.1. Kiểm tra sức khỏe trước khi mang thai

  • Kiểm tra tuyến giáp: Kiểm tra chức năng tuyến giáp trước khi mang thai là điều cần thiết để phát hiện sớm suy giáp tiềm ẩn. Việc này giúp bác sĩ điều chỉnh phác đồ điều trị kịp thời.
  • Bổ sung iốt: Bổ sung iốt đầy đủ trước khi mang thai và trong suốt thai kỳ là vô cùng quan trọng. Sử dụng muối iốt, thực phẩm giàu iốt như cá biển, rong biển, trứng, sữa… có thể giúp duy trì mức iốt cần thiết.
  • Kiểm tra tiền sử gia đình: Nên hỏi bác sĩ về tiền sử gia đình có người mắc bệnh tuyến giáp để đánh giá nguy cơ mắc bệnh và có biện pháp phòng ngừa phù hợp.

Nên kiểm tra sức khỏe trước khi mang thai phòng ngừa bệnh suy giáp

Nên kiểm tra sức khỏe trước khi mang thai phòng ngừa bệnh suy giáp

4.2. Chế độ ăn uống

  • Ăn uống lành mạnh: Ăn uống đa dạng, giàu dinh dưỡng, bao gồm nhiều loại rau củ quả, protein, chất béo lành mạnh. Đặc biệt, bổ sung đủ lượng selen và vitamin A có thể hỗ trợ chức năng tuyến giáp.
  • Hạn chế thực phẩm gây ảnh hưởng đến tuyến giáp: Nên hạn chế tiêu thụ các thực phẩm có thể gây ảnh hưởng đến tuyến giáp như đậu nành, cải bắp, bông cải xanh, rau bina, đậu phộng,… Những thực phẩm này chứa các hợp chất có thể làm giảm sự hấp thụ iốt của tuyến giáp.

Chế độ ăn uống lành mạnh giúp phòng ngừa bệnh suy giáp

Chế độ ăn uống lành mạnh giúp phòng ngừa bệnh suy giáp

4.3. Kiểm soát tinh thần

  • Stress mãn tính có thể làm ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp. Nên tìm cách thư giãn, giảm stress bằng các hoạt động như tập yoga, thiền định, hoặc tham gia các hoạt động giải trí lành mạnh.
  • Đảm bảo giấc ngủ đủ và chất lượng cũng là một yếu tố quan trọng trong việc duy trì sức khỏe tuyến giáp và cân bằng hormone.

4.4. Tuân thủ điều trị

  • Tuân thủ phác đồ điều trị: Nếu đã từng mắc bệnh tuyến giáp nên tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ như uống thuốc đúng liều, đúng thời gian quy định. 
  • Kiểm tra định kỳ: Nên đi khám định kỳ để theo dõi tình trạng sức khỏe của tuyến giáp. Việc này giúp bác sĩ điều chỉnh phác đồ điều trị kịp thời nếu có bất kỳ sự thay đổi nào trong chức năng tuyến giáp.

Kiểm tra và theo dõi sức tình trạng sức khỏe của tuyến giáp định kỳ

Kiểm tra và theo dõi sức tình trạng sức khỏe của tuyến giáp định kỳ

4.5. Bổ sung thêm các loại khoáng chất và vitamin

  • Vitamin D: Bổ sung vitamin D có thể giúp tăng cường chức năng tuyến giáp. Vitamin D giúp hỗ trợ hệ miễn dịch và có vai trò trong việc duy trì sự cân bằng hormone.
  • Kẽm: Kẽm đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của tuyến giáp. Bổ sung kẽm thông qua thực phẩm như hải sản, thịt đỏ, hạt và đậu có thể hỗ trợ chức năng tuyến giáp.
  • Selen: Selen là một chất chống oxy hóa quan trọng giúp bảo vệ tuyến giáp khỏi tổn thương. Bổ sung selen thông qua các thực phẩm như hạt điều, hạt hướng dương, và các loại hải sản có thể có lợi cho tuyến giáp.

Bổ sung vitamin D giúp tăng cường chức năng tuyến giáp

Bổ sung vitamin D giúp tăng cường chức năng tuyến giáp

Tóm lại, suy giáp có thể ảnh hưởng đáng kể đến sinh sản, từ khả năng thụ thai cho đến sự phát triển của thai nhi và sức khỏe của mẹ bầu. Tuy nhiên, với sự phát triển của y học, việc tầm soát và điều trị kịp thời suy giáp, cả trước và trong thai kỳ, là điều hoàn toàn khả thi, giúp phụ nữ mắc bệnh tuyến giáp vẫn có thể mang thai và sinh con khỏe mạnh.

Điều quan trọng là sản phụ cần được tư vấn và theo dõi sát sao bởi bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và thai nhi. Việc nâng cao kiến thức về bệnh suy giáp ảnh hưởng đến sinh sản và tầm soát bệnh sớm là điều cần thiết cho mọi phụ nữ, đặc biệt là những người đang muốn mang thai.

 

Tài liệu tham khảo:

1. How Thyroid Disorders Affect Fertility

https://www.onefertilitykitchenerwaterloo.com/effect-of-thyroid-disorders-on-fertility/ (Ngày truy cập: 9/6/2024) 

2. Hypothyroidism and infertility: Any connection?

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/female-infertility/expert-answers/hypothyroidism-and-infertility/faq-20058311#:~:text=Low%20levels%20of%20thyroid%20hormone,pituitary%20disorders%20%E2%80%94%20may%20impair%20fertility. (Ngày truy cập: 9/6/2024) 

3. HOW DOES HYPOTHYROIDISM AFFECT MALE AND FEMALE FERTILITY?

https://www.juanacrespo.es/en/how-hypothyroidism-affect-fertility/ (Ngày truy cập: 9/6/2024)

4. Prevention of thyroid disorders in pregnant women

https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/19818566/ (Ngày truy cập: 21/6/2024)

Copyrights © 2025 Không Một Mình - Sẻ chia lo âu, vững tâm vui sống. All rights reserved.