Các thể ung thư tuyến giáp: cách nhận biết và điều trị
Ung thư tuyến giáp là một dạng ung thư thường gặp, đứng hàng thứ 9 trong tất cả các loại ung thư. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong của ung thư giáp chỉ đứng thứ 24 [1]. Như vậy, ung thư giáp có khả năng điều trị khỏi cao nếu như được phát hiện sớm và điều trị đúng mức, mặc dù một số ít trường hợp có thể tái phát. Vậy chi tiết về ung thư tuyến giáp là gì ?
Dịch tễ học của ung thư tuyến giáp
Nữ có tỉ lệ bệnh cao hơn nam khoảng 2-3 lần. Những quốc gia có đời sống phát triển (tuổi thọ dài, mức giáo dục cao và thu nhập cao) thì tỉ lệ ung thư tuyến giáp cao hơn các quốc gia kém phát triển. Tỉ lệ này tương đối cao ở Trung Quốc, Hoa Kỳ, Canada, Úc và Brazil. Tuy nhiên, do dân số đông, châu Á hiện chiếm khoảng 60% số ca ung thư giáp toàn cầu [1].
Các loại ung thư tuyến giáp
Tuyến giáp chủ yếu tạo thành bởi các nang giáp. Mỗi nang này gồm một hàng rào tế bào bao bên ngoài chất keo. Các tế bào xếp thành vòng ngoài gọi là tế bào nang giáp. Giữa các nang có tế bào cận nang. Tùy vào xuất nguồn của ung thư mà tạo ra thể ung thư giáp riêng. Ngoài ra, thể ung thư giáp còn phụ thuộc xem tế bào ung thư có biệt hóa giống với tế bào bình thường hay không. Nhìn chung có 4 thể chính (Hình 1) [2]:
Ung thư tuyến giáp thể nhú là gì ?
Ung thư tuyến giáp thể nhú là dạng phổ biến nhất, chiếm 70-80% số ca ung thư giáp. Chúng xuất nguồn từ tế bào nang giáp. Nữ gặp nhiều hơn nam. Mặc dù bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào, độ tuổi thường gặp nhất rơi vào khoảng trung niên, chưa quá lớn tuổi (30-60 tuổi). Nếu gặp ở người lớn tuổi, bệnh có xu hướng diễn tiến hơn. Ung thư tuyến giáp thể nhú có thể di căn hạch hoặc ít gặp hơn là di căn phổi. Tuy nhiên, điều may mắn là đây là dạng có tiên lượng tương đối tốt. Đa phần bệnh nhân có thể được điều trị khỏi hoàn toàn nếu được chẩn đoán sớm.
Ung thư tuyến giáp thể nang là gì ?
Thể ung thư này cũng xuất nguồn từ tế bào nang giáp, chiếm 10-15% trường hợp. Nữ gặp nhiều hơn nam. Độ tuổi thường gặp của ung thư tuyến giáp dạng nang hơi lớn hơn ung thư dạng nhú (40-60 tuổi). U có thể xâm lấn mạch máu và theo dòng máu di căn đến phổi hay xương. Một biến thể đặc biệt của nhóm này là ung thư tế bào Hurthle. Ung thư tuyến giáp thể nang cũng có tiên lượng khỏi tương đối tốt nếu được điều trị sớm.
Ung thư tuyến giáp thoái sản là gì ?
Hai thể phía trên đều là ung thư tuyến giáp biệt hóa, nghĩa là tế bào ung thư vẫn biệt hóa, đảm nhiệm chức năng giống tế bào bình thường. Với ung thư tuyến giáp thoái sản, tế bào ung thư bị biến đổi nhiều. Mặc dù cũng xuất nguồn từ tế bào nang giáp, chúng không còn hoạt động chức năng sinh học. Vì vậy, dạng này được xếp loại là ung thư tuyến giáp không biệt hóa. Điều này giải thích được khả năng phát triển nhanh và xâm lấn mạnh của khối u. Do đó, đây là dạng u tuyến giáp nguy hiểm nhất [3].
Thể này hiếm gặp nhất trong các dạng ung thư giáp. Nếu xuất hiện, bệnh thường gặp ở người lớn tuổi (>65 tuổi), nữ hơi nhiều hơn nam. Bệnh ít khi đáp ứng với điều trị thông thường như phẫu thuật hay iod phóng xạ [4]. Đây là thể ung thư tuyến giáp có tiên lượng tồi nhất, với chỉ 5% bệnh nhân sống được quá 5 năm [5].
Ung thư tuyến giáp thể tủy là gì ?
Thể ung thư này xuất nguồn từ tế bào cận nang tuyến giáp. Đây là tế bào có khả năng tiết hormone calcitonin. Do đó, calcitonin là một chỉ dấu sinh học của dạng u này. Bệnh có xu hướng gia đình. Khoảng 25% bệnh nhân có tiền sử gia đình mắc thể ung thư này. Ung thư tuyến giáp thể tủy có thể đi kèm với một số loại u khác trong các hội chứng di truyền. Chúng bao gồm u tủy thượng thận, u tuyến cận giáp hoặc u thần kinh niêm mạc. U thường gặp tuổi trung niên, hai giới xấp xỉ bằng nhau.
Các thể ung thư giáp khác
Một số thể hiếm gặp khác là lymphoma giáp (xuất nguồn từ tế bào hạch) hoặc sarcoma giáp (xuất nguồn từ mô liên kết).
Triệu chứng ung thư giáp
Ung thư giáp luôn xảy ra trên nền nhân giáp (một nốt phát triển riêng biệt khỏi mô bình thường). Do vậy, những trường hợp tuyến giáp to đều toàn bộ (bệnh Graves hoặc viêm giáp) thì không phải là ung thư giáp.
Ung thư giáp giai đoạn sớm gần như không có triệu chứng. Bệnh nhân có thể tự sờ thấy nhân giáp. Đây là lý do thường gặp nhất để bệnh nhân đi khám bác sĩ. Một số triệu chứng ở giai đoạn muộn hơn là cảm giác nuốt vướng, nuốt nghẹn, đau, khó chịu vùng cổ (nếu u chèn ép xung quanh), sưng hạch cổ (nếu ung thư tuyến giáp di căn hạch) hoặc ho, khó thở (nếu di căn phổi) (Hình 2) [6].
Các triệu chứng nói trên không đặc hiệu cho ung thư tuyến giáp. Chúng có thể gặp trong nhiều bệnh khác nhau. Bên cạnh đó, chúng cũng không đặc hiệu cho một thể ung thư riêng biệt nào.
Cách điều trị ung thư tuyến giáp
Phẫu thuật
Phẫu thuật là phương pháp căn bản để điều trị ung thư tuyến giáp, ngoại trừ ung thư tuyến giáp thoái sản. Có nhiều cách cắt tuyến giáp, nhưng với ung thư tuyến giáp, bác sĩ thường đề nghị cắt toàn bộ tuyến giáp. Một số ít trường hợp u nhỏ, không có dấu hiệu lan rộng hay di căn có thể được cắt một thùy giáp.
Iod phóng xạ
Sau phẫu thuật, iod phóng xạ có thể được dùng để diệt các tế bào ung thư giáp còn sót lại. Phương pháp này gọi là diệt giáp. Cơ sở là vì tế bào tuyến giáp bình thường và tế bào ung thư (loại biệt hóa) đều ưa thích bắt giữ iod. Vì vậy, khi uống iod phóng xạ vào, lượng iod này sẽ được lưu chuyển đến những tế bào giáp chưa bị cắt bỏ hết. Chúng phát ra tia xạ và tiêu diệt mô giáp lân cận để làm sạch khối u. Iod phóng xạ cũng có tác dụng đối với những điểm di căn hạch hay phổi. Nhược điểm của phương pháp này là chỉ phù hợp với ung thư tuyến giáp biệt hóa [7]. Các tế bào kém biệt hóa không còn khả năng bắt giữ iod.
Liệu pháp nội tiết
Sau phẫu thuật và iod phóng xạ, một số bệnh nhân có thể được dùng hormone giáp. Hormone giáp giúp ức chế sự phát triển của tế bào giáp (nếu còn sót). Từ đó, giảm khả năng ung thư tái phát và giảm tỉ lệ tử vong [8].
Hóa trị
Hóa trị ít được dùng trong ung thư giáp, ngoại trừ ung thư giáp không biệt hóa
Xạ trị
Xạ trị chủ yếu chỉ dùng trong ung thư tuyến giáp thoái sản.
Điều trị đích
Đây là xu hướng điều trị mới cho nhiều loại ung thư nói chung và ung thư giáp nói riêng. Thuốc sinh học sẽ đến gắn đúng vào tế bào ung thư mà ít gây hại tế bào lành xung quanh. Hiện tại, phương pháp này được chỉ định cho các tình huống ung thư tiến triển xa, tái phát và không đáp ứng những điều trị thông thường. Tùy vào loại đột biến gene được tìm thấy tại khối u mà bác sĩ lựa chọn loại thuốc trúng đích khác nhau.
Tóm lại, ung thư giáp có nhiều thể. Chiếm đa số là ung thư tuyến giáp dạng nhú và dạng nang. Phần lớn trường hợp ung thư giáp có thể điều trị khỏi hoàn toàn nếu như được phát hiện và điều trị kịp thời nhưng chúng ta cũng nên có những biện pháp để ngừa ung thư tuyến giáp tái phát mà các bạn nên tìm hiểu thông qua bài đọc này.
Tài liệu tham khảo
- Pizzato M, Li M, Vignat J, Laversanne M, Singh D, La Vecchia C, Vaccarella S. The epidemiological landscape of thyroid cancer worldwide: GLOBOCAN estimates for incidence and mortality rates in 2020. Lancet Diabetes Endocrinol. 2022 Apr;10(4):264-272
- https://www.cusabio.com/c-20962.html
- Xu B, Ghossein R. Genomic Landscape of poorly Differentiated and Anaplastic Thyroid Carcinoma [J]. Endocrine Pathology, 2016, 27(3): 205-212
- Chiappetta G, Valentino T, Vitiello M, et al. PATZ1 acts as a tumor suppressor in thyroid cancer via targeting p53-dependent genes involved in EMT and cell migration [J]. Oncotarget, 2014, 6(7): 5310-23
- Hoang J K, Nguyen X V, Davies L. Overdiagnosis of Thyroid Cancer: Answers to Five Key Questions [J]. Academic Radiology, 2015, 22(8): 1024-1029
- https://sanjeevanicancercarefoundation.com/Cancer-Detail.aspx?I=6
- Spitzweg C, Bible K C, Hofbauer L C, et al. Advanced radioiodine-refractory differentiated thyroid cancer: the sodium iodide symporter and other emerging therapeutic targets [J]. The Lancet Diabetes & Endocrinology, 2014, 2(10): 830-842
- Mazzaferri E L. Current Approaches to Primary Therapy for Papillary and Follicular Thyroid Cancer [J]. Journal of Clinical Endocrinology & Metabolism, 2001, 86(4): 1447-1463
VN_GM_THY_177;exp:30/9/2024
- Những điều cần biết về ung thư tuyến giáp thể nhú
- Bệnh nhân suy giáp kiêng ăn gì và nên ăn gì?
- Nhận biết 6 dấu hiệu ung thư tuyến giáp để có phương án điều trị hợp lý
- Dấu hiệu u tuyến giáp: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
- Những điều cần biết về bệnh ung thư biểu mô tuyến giáp thể nhú
- 10 biểu hiện suy giáp chớ nên xem thường!
- Suy giáp ảnh hưởng đến sinh sản ra sao? Chi tiết về suy giáp thai kỳ
- Giải đáp thắc mắc: Bệnh suy giáp sống được bao lâu và chữa khỏi được không?
- Suy giáp bẩm sinh: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
- Cường giáp khi mang thai: Căn bệnh nguy hiểm cho sản phụ và thai nhi
- Bệnh cường giáp có phải là ung thư không? Mức độ nguy hiểm và điều trị
- Bệnh Basedow là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị